Thursday, December 18, 2014

Mọc Cánh

 
Từ cuối năm 72 là đã có nhiều sinh viên sĩ quan phi hành của khóa 72A được gửi đi học bay từ những tài khóa phản lực ở Mỹ, trực thăng tại Mỹ cũng như tại các phi đoàn tác chiến ở Việt Nam, và L-19 ở Nha Trang. Các khóa đàn em từ 72B tới 72F đã lần lượt kéo ra, và nhiều anh em 72A giờ đây phải thay các niên trưởng lo việc chăm sóc và điều hành trại Ngân Hà.
Sau khi tốt nghiệp, dù là Phi Hành hay Không Phi Hành, các anh em 72A đã về phục vụ tại các sư đoàn tác chiến sau:
• SĐ I KQ Đà Nẵng, dưới quyền Chuẩn Tướng Tư Lệnh Nguyễn Văn Khánh.
• SĐ II KQ dưới quyền Chuẩn Tướng Tư Lệnh Nguyễn Văn Lượng, với bản doanh ở Nha Trang và căn cứ ?????? Chiến Thuật Phan Rang.
• SĐ III KQ Biên Hòa, dưới quyền Chuẩn Tướng Tư Lệnh Huỳnh Bá Tính.
• SĐ IV KQ dưới quyền Chuẩn Tướng Tư Lệnh Nguyễn Hữu Tần, với bộ chỉ huy đặt ở Bình Thủy và căn cứ ?????? Chiến Thuật Trà Nóc.
• SĐ VI KQ dưới quyền Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phạm Ngọc Sang, với bản doanh ở Pleiku và thêm căn cứ 60 Chiến Thuật Không Quân Phù Cát.

Riêng Sư Đoàn V Vận Tải ở Tân Sơn Nhất, dưới quyền Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phan Phụng Tiên, thì không có anh em 72A nào về.
Sau khi ra phi đoàn thì cuộc sống của mỗi SVSQ phi hành gắn liền với một con số và cái tên của phi đoàn mình phục vụ. Các phi đoàn Quan Sát thì bắt đầu bằng số 1, tỷ dụ như 112, 124. Các phi đoàn Trực Thăng thì bắt đầu bằng số 2. Các phi đoàn Khu Trục thì bắt đầu bằng số 5. Những khóa học bay được kể lại sau đây theo thứ tự đó.

Vào đầu năm 73 gần tết con trâu thì khóa 42 Hoa Tiêu Quan Sát bắt đầu khai giảng ở Trường Phi Hành thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang. Những huấn luyện viên là những thiếu úy mới ra trường từ Mỹ về. Các khóa sinh hơi vất vả vì phải học bay vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Mỹ. Triệt nâng thì là stall, cận tiến là final approach, chong chóng là propeller, và cánh cản là flap. Khi cất cánh là lúc bận rộn nhất, các khóa sinh lại càng thêm lúng túng khi miệng đang lẩm bẩm “hòa khí già, tay ga tống hết” trong khi huấn luyện viên ngồi cạnh hò hét những “mixture: rich, throttle: full”. Trong những buổi briefing, thằng học trò ngồi xanh mặt nghe đàn anh mắng mỏ mà không khỏi chạnh lòng nghĩ tới những thành phần bourgeois gentilhomme mới lên của thời đại, những bourgeois gentilhomme hút Salem, Winston, Pall Mall thay vì hút Con Mèo hay Ba Số 5 như thời trước. Các đàn anh đã không có thì giờ rảnh vào phạn xá xem để biết rằng các tiêu chuẩn dinh dưỡng của các đàn em rất là thấp, khó mà vẽ được cái lazy eight cho được tròn trịa như tiêu chuẩn mà khỏi run tay hoa mắt ù tai. Không nên la mắng đàn em quá, bởi đất nước đang chờ.

Khóa 42 Hoa Tiêu Quan Sát là khóa bay L-19 đầu tiên có sự hiện diện của 72A. Khóa này có 27 khóa sinh gồm có 23 anh em 72A, hai sĩ quan và hai SVSQ khóa 72E. Những SVSQ của 72A gồm có:

1. Lê Minh Bảo, PĐ 110 Đà Nẵng
2. Trần Quang Diệu, PĐ 110 Đà Nẵng
3. Nguyễn Văn Đích, PĐ 124 Biên Hòa
4. Tạ Viết Đỉnh, PĐ 110 Đà Nẵng
5. Đặng Văn Hai, PĐ 120 Đà Nẵng
6. Kiều Công Ngọc Khuê , PĐ 112 Thanh Xà, Biên Hòa
7. Nguyễn Tuấn Kiệt, PĐ 110 Đà Nẵng
8. Nguyễn Văn Năm, rớt bay bị loại ra bộ binh
9. Đinh Trọng Nghĩa, PĐ 124 Biên Hòa
10. Đường Lập Nghĩa, PĐ 110 Đà Nẵng
11. Nguyễn Thanh Quan, PĐ 110 Đà Nẵng
12. Đào Thanh Sơn, PĐ 120 Đà Nẵng
13. Nguyễn Thanh Tâm, PĐ 120 Đà Nẵng
14. Võ Văn Tấn, PĐ 124 Biên Hòa
15. Vũ Văn Tân, PĐ 116 Cần Thơ
16. Trần Chung Thanh, PĐ 112 Thanh Xà, Biên Hòa
17. Võ Văn Thừa, PĐ 116 Cần Thơ
18. Mai Ngọc Trai, PĐ 110 Đà Nẵng
19. Phạm Quang Trung, PĐ 124 Biên Hòa
20. Nguyễn Thanh Tùng, PĐ 114 Nha Trang
21. Nguyễn Long Tựu, PĐ 112 Thanh Xà, Biên Hòa
22. Hứa Tỷ, PĐ 110 Đà Nẵng
23. Trần Văn Ứng, PĐ 110 Đà Nẵng

Trong khóa 42 HTQS, Trai Đầu Bò còn nhớ Tạ Viết Đỉnh là một anh chàng hơi gầy gò và có tật ưa nói cà lăm không kịp thở mỗi khi chàng đang hừng chí. Một hôm khi dẫn đào nhí ra Hòn Chồng ngoạn cảnh, trong một lúc cao hứng chàng đã thao thao kể cho nàng nghe rằng trong khi đang bay mà buồn ngủ là chàng chui vào mây gác cánh lên đó mà ngủ, cho đến lúc mây tan máy bay rớt xuống thì chàng mới giật mình thức dậy mở máy để bay về đáp. Không may cho chàng là có mấy huấn luyện viên của Trường Phi Hành tình cờ ở gần đó nghe hết mà chàng không biết. Vì câu chuyện này mà Đỉnh bị kết từ hôm đó, ngày nào cũng bị đàn anh huấn luyện viên hỏi rằng “hôm nay có tính gác cánh lên mây mà ngủ hay không?”

Trong thời gian học bay của khoá 42 HTQS thì câu lạc bộ của Đại Tá Thịnh khai trương. Mỗi buổi trưa các khóa sinh mặc đồ bay lấy khay sắp hàng chờ mấy cô đứng sau quầy múc cơm vô khay cho. Cơm ăn đủ no nhưng thịt thà rau cỏ thì ít, cho nên thêm được chút nào hay chút nấy. Trai Đầu Bò vì được cô Tuyết có cảm tình nên lần nào cũng được múc cho một cục thịt kho bự nhất. Dĩ nhiên thì chuyện chả đi tới đâu vì Trai chỉ lợi dụng tình thế đùa giỡn cho vui vậy thôi. Ít lâu sau thì cô Tuyết cũng hiểu ra như thế, và từ đó là cục thịt mà cô múc cho Trai bao giờ cũng bé nhất. Bù lại thì Mai lại được chị Trinh gốc người Hoa là chủ cái gian hàng tạp hóa cạnh quán ông Tá dành cho những cảm tình đặc biệt nên nó lúc nào cũng có xà bông Camay để tắm. Nhiều bữa thấy hai chị em Trinh-Trai tâm tình thủ thỉ mà anh em đâm ra ghen tị, vì qua sự thân mật gắn bó đó người ta đủ biết rằng những nhu yếu phẩm thì Mai không thiếu. Gì chứ những món đồ bày sau tủ kính của chị Trinh như xí mụi, thuốc lá, mì gói, cà phê, gương lược, bánh kẹo, v.v..., Mai muốn gì mà chị chẳng cho!

 
Có lúc khóa 42 HTQS được cho qua trại sĩ quan khóa sinh Hoàng Yến ở. Gian trại làm bằng sắt từ trần cho tới sàn, và cứ hễ từ trong bước ra hay ở ngoài bước vôâ là bị điện giựt nhẩy nhổm. Trại đó rộng rãi thoải mái nhưng vắng vẻ xa đoàn SVSQ nên anh em hơi buồn cho rằng mình bị đì. Bởi ở xa Ngân Hà nên buổi tối nhiều thằng ưa dù ra phố chơi. Có một buổi tối Thiếu Tá Bé gọi những thằng còn lại lên trình diện. Tôi vì cao nhất làm trưởng toán dẫn anh em vô văn phòng trình diện xong thì Thiếu Tá Bé hỏi: “Tôi cho các anh sang bên đó ở là ưu đãi lắm rồi mà tại sao các anh còn chống đối, các anh hãy trả lời đi!” Tôi đứng nghiêm hô to: “Trình Thiếu Tá, chuyện đó chúng tôi không được rõ!” Thế là Thiếu Tá Bé đập bàn đuổi cả đám về, trừ tôi thì cạo đầu nhốt một tháng. Cái conex của Ngân Hà đã nghiễm nhiên biến thành tư gia của tôi, ban ngày trần xì một chiếc quần xà loỏng trong đó thỉnh thoảng cậy cửa đưa nón sắt nhờ đàn em nào tình cờ đi ngang múc dùm ít nước xối cho đỡ nóng, ban đêm thì lạnh dã man, nhiều khi muốn tè nhưng teo đâu mất. Một tháng sau khi vừa được thả ra một hôm tôi được cắt đi với một ông sĩ quan huấn luyện kiểng không có dạy khóa sinh nào mà chỉ thỉnh thoảng bay kiếm giờ. Khi lên tàu ông ra lệnh, “Anh buông tay để tôi bay”, và thế là tôi buông tay cho ông bay là là dọc đường về Cam Ranh chơi, chẳng may vì ông ngồi sau không thấy đường chui cha nó vào một cây đa suýt chết cả hai. Sau khi về đáp thì ông ta đi méc Trung Tá Duy Chỉ Huy Trưởng Trường Phi Hành, và tôi lại vô phòng giam gần phía ngoài bệnh xá nằm thêm một tháng nữa . Cứ thế mà nằm cho gần đến lúc mãn khóa ra phi đoàn. May mà có một hôm cô tôi ở Sàigòn ra chơi nhà ông anh họ xa bắn cà nông không tới đang là một phi đoàn trưởng khu trục. Bà nhờ ông gọi Thiếu Tá Bé xin cho tôi ra phép, và từ đó về sau thì mới hết bị nhốt.


Trong những đêm hiếm hoi được thả ra thì tôi nhẩy tường ra phố thăm cô Lan bán quán bà Tá. Lan khi đó ở với bà chị nuôi có ba con mà không chồng trong một đường hẻm cách cổng trước không xa. Đêm đêm nằm nghe gió biển thổi vi vu, tôi lải nhải khuyên Lan hãy về Huế trở lại ở với mẹ già để còn lo đi lấy chồng làm lại cuộc đời, và bữa nào khi ngừng nói tôi cũng đều nhận ra là Lan đã ngủ. Cùng khóa 42 HTQS của tôi có Đào Thanh Sơn ngày nào cũng chạy Honda rề rề theo Lan tới nhà để thả dê, nhưng với cái tên Đào Thùng Nước Lèo, hắn coi như là vô hy vọng.


Chiều nào tôi về trong sam 42 HTQS chờ giờ dù ra phố thì cũng một hoạt cảnh cũ tái diễn. Nguyễn Long Tựu cứ ăn cơm xong về là nhẩy loi choi hai tay khuỳnh ra như gà mắc đẻ, và sau khi la “cục tác, cục tác” vài tiếng là lại ư ử bằng giọng mấy người đang lên đồng: “Con cò xanh nhẩy quanh đầu sói, chờ nước đục rỉa lông rỉa tóc.” Cứ chấm dứt chữ “tóc” là Tựu phải vùng chạy ra sân cho mau, vì Trung Úy Thân đầu hói cùng khóa bay ở cuối phòng cầm cây giăng mùng chạy tới đập. Ngày nào cũng màn đó mà Trung Úy Thân chưa bao giờ đập Trúng Nguyễn Long Tựu cả. Phần tôi và ông Thiếu Úy Hải thì một màn khác. Bởi tôi cứ nằm tù conex hoài, ông lấy vần điệu tên tôi ra để gọi tôi là Tù Chung Thân, và tôi thì dịch tên ông thành Dê Địt Bể.


Ở trại Hoàng Yến lúc đó ngoài khóa 42 HTQS, và Khóa 17 Bảo Trì Phi Cơ ra thì hầu như chẳng có ai, và vì thế tụi tôi rất cẩu thả trong vấn đề ăn mặc. Có những buổi trưa cuối tuần nóng nực, tụi tôi thằng nào cũng chỉ trần xì một chiếc xiệp . Lâu lâu cứ hễ cô Tuyết ở quán Đại Tá Thịnh tới tìm Trai Đầu Bò mà nó đi vắng thì Nguyễn Văn Đích và Nguyễn Thanh Quan cùng hai ba chàng nữa chạy ra hỏi thăm tíu tít và thân ái mời “em vô nhà chơi để tụi anh đi kiếm nó...” trong khi mặt cô nàng đỏ bừng lên và cứ cắm cúi nhìn xuống đất như đang tìm bạïc cắc rơi. Kiệt Lặc thì ưa đạo đức giả, những lúc đó cứ hay lải nhải phê bình về tư cách những thằng đang săn sóc kỹ cô Tuyết với Lê Minh Bảo. Tội nghiệp thằng Bảo hiền lành nói gì thì hắn cũng ừ. Hình như nó là người bạn duy nhất mà Kiệt có.


Khóa 43 Hoa Tiêu Quan Sát hình như không có anh em 72A nào.

 
Khóa 44 HTQS có những anh em 72A sau:

1. Diệp Vĩnh Trí (Bộp, tức là nhẩy Bebop giỏi)

2. Huỳnh Văn Chín (Đen)

3. Nguyễn Văn Hiếu (Gà Tây)

4. Phạm Văn Hiếu

5. Lưu Khải Minh (Chè)

6. Đỗ Trọng Nhâm

7. Nguyễn Phước

8. Trịnh Vĩnh Thụy

9. Huỳnh Văn Trọng (hay là Trần Bình Trọng???? Khóa 72A có hai Trọng là Vũ Đức Trọng học khóa 2 HTTT và một Trọng nữa. Trọng kia họ là gì?????)


Sau đây là những giai thoại của Khóa 44 Hoa Tiêu Quan Sát ghi lại theo lời kể của Đỗ Trọng Nhâm.

Trong thời gian Khóa 44 HTQS đang học bay T-41, một buổi sáng trong khoảng tháng 9/74, bốn bạn 72A trong khóa đã vì ham vui mà bị nhốt. Số là trên con đường nối từ cổng Long Vân chạy dài tuốt qua Phi Dũng, giữa khoảng trại Ngân Hà và trường Phi Hành, trước khi tới chỗ dạy bay phi cụ cạnh trường Phi Hành, có một quán trong đó chỉ có vỏn vẹn hai cái bàn bi da đã cũ xì. Dù là đã vô trường bay rồi nhưng tật ham cá độ của vài anh em 72A vẫn chưa chịu bỏ. Một buổi sáng thứ bẩy các khóa sinh 44 HTQS phải lên trường Phi Hành chào cờ. Trên đường đi, bốn chàng gồm có Chín Đen, Minh Chè, Nhâm, và Thụy đã rủ nhau vào đánh bi da độ với giải thắng là một ly cà phê và một gói xôi. Bởi ham tranh giải, bốn chàng đã trễ giờ chào cờ, và bị trường Phi Hành cạo đầu và nhốt vô trại giam quân cảnh gần phía phòng lương và câu lạc bộ của Đại Tá Thịnh.


Trong cái trại giam của quân cảnh này có hai phòng giam, một phòng có một chiếc giường sắt hai tầng và một phòng có lưới không có giường ghế chi cả. Bốn chàng có máu đỏ đen nhà ta đã bị nhốt vô cái phòng thứ hai hết sáu ngày trời. Xui làm sao lúc đó Nha Trang lại đang bị bão lớn mà căn phòng giam lại bị dột ướt mẹp chỉ ngồi được co ro ở dưới sàn xi măng. Đã vậy mà không có gì ăn, mấy chàng phải nhằm lúc được cho đi ra làm tạp dịch dọn dẹp cây cối bị bão rơi xuống để nhờ anh em đi mua thức ăn dùm.


Trong thời gian sáu ngày mưa bão mà bốn chàng bị nhốt, Hiếu Gà Tây ở nhà lấy hết mấy cái giường của bốn chàng ra chắn mưa trên mấy cửa sổ của barrack. Ngoài mớ giường ra chưa đủ, Hiếu nhà ta còn lấy cả va ly của Minh Chè ra xài đỡ vào việc chống bão luôn. Khi về thấy vậy, Minh Chè nộ khí xung thiên bèn đập Hiếu Gà Tây một mách tơi bời, dù chàng này đã hết lời giải thích và năn nỉ. Sau đó Hiếu đã chạy đi đâu kiếm được một khẩu M-16 mang về lên đạn chĩa thẳng vô Minh Chè làm cho chàng này vội nhẩy núp sau cái tủ gỗ nhỏ cạnh đầu giường. May mà nhờ có một thằng nào đó chụp được súng chứ không thì chắc Minh Chè đã sớm thăng thiên.


Sau khi được thả ra, tật nghịch ngợm của bốn chàng cao thủ bi da vẫn chưa chịu bỏ. Một tối kia bốn thằng rủ thêm được Dân Già ra bờ biển trên đường Độc Lập nhậu, đến khi về thì trời đã khuya. Lúc đi qua một quán cóc kia, thấy mấy anh phu xích lô đạp đang chúi mũi vào một cái vô tuyến truyền hình coi một tuồng cải lương mùi mẫn, Thụy nhà ta đã đỡ nhẹ một chiếc đưa cho Dân Già đạp. Anh phu xe bất đắc dĩ này đã chở được hai hành khách là Chín Đen và Thụy về tới cổng Long Vân thì vứt xe ở đó và ba chàng điềm nhiên dẫn nhau vào cổng.


Lần đó không phải là lần duy nhất mà Dân Già nghe theo lời xúi làm bậy của Trịnh Vĩnh Thụy. Trong một lần về Tân Sơn Nhất chờ ra khóa bay trước đó, Thụy đã dụ dỗ Dân làm bậy rồi. Một hôm khi Dân đang ngồi ngáp gió vặt thì Thụy ở đâu lù lù lái chiếc Toyota của ông già vô. Thấy Dân, Thụy ra vẻ mừng lắm và xúi Dân đi gỡ mấy con chuột đèn néon cho hắn. Dân Già nghe xong nổi máu quân tử Tàu lên bèn lên giọng mắng mỏ rằng "Tao không quen ăn cắp!" Nhờ mau mắn miệng mồm, Trịnh Vĩnh Thụy đã phát ngôn vài lời đường mật rằng "Tao nhờ mày gỡ đây là gỡ cho tao, chứ có phải đâu là tao xúi mày gỡ cho mày..." Dân Già nghe nói bùi tai bèn trèo lên gỡ sạch hết vài trăm cái đưa cho Thụy. Thụy xách mớ con chuột đi đâu một lát trở lại với bia và mồi lủ khủ. Thế là anh em được một bữa nhậu xả ga mà không tốn công đi vay mượn hay ký sổ đồng nào.


Trở lại chuyện học bay của Khóa 44 Hoa Tiêu Quan Sát. Dù gọi chung là Khóa 44 HTQS nhưng thật ra một nửa số khóa sinh học L-19 và một nửa học T-37. Số 30 khóa sinh sau khi học xong T-41 đã được chia làm hai, 15 người ở lại trường Phi Hành Nha Trang học bay L-19, và 15 người kia đi Phan Rang theo Khóa 3 Quốc Nội T-37. Trong số chín anh em 72A đã kể ở trên, có năm người đi Phan Rang là Huỳnh Văn Chín, Phạm Văn Hiếu, Lưu Khải Minh, Đỗ Trọng Nhâm, và Trịnh Vĩnh Thụy. Trừ Hiếu ra thì bốn ông thần phá làng phá xóm ở Nha Trang trước kia tiếp tục ở chung với nhau.


Những anh em học bay L-19 của Khóa 44 HTQS đã ra trường và về phi đoàn trước tháng 4/75. Riêng những anh em học T-37 thì chưa kịp ra phi đoàn, dù chương trình học thì coi như đã hoàn tất. Một lý do là vì các anh em đó phải học Giai Đoạn II Quân Sự tới hai lần. Lần học thứ nhất là khi còn ở Nha Trang, nhưng học không đủ sáu tuần nên sau đó phải về học thêm.


Bây giờ bước sang các khóa bay đào tạo hoa tiêu cho các phi đoàn có mang số 2 ở đầu, tức là các phi đoàn trực thăng. Theo lời kể của Phan Văn Út, Khối Huấn Luyện của Bộ Tư Lệnh Không Quân đã đào tạo được 6 khóa trực thăng quốc nội chia làm hai đợt. Đợt thứ nhất gồm Khóa 1 ở Sư Đoàn III Biên Hòa, Khóa 2 ở Sư Đoàn IV Cần Thơ, và Khóa 3 ở Sư Đoàn I Đà Nẵng. Đợt thứ nhì gồm Khóa 4 ở Sư Đoàn III Biên Hòa, Khóa 5 ở Sư Đoàn IV Cần Thơ, và Khóa 6 ở Sư Đoàn I Đà Nẵng.


Cũng theo lời bạn Út, khi mỗi khóa bay trực thăng hoàn tất thì 60% khóa sinh tốt nghiệp sẽ ở lại sư đoàn huấn luyện họ, 20% sẽ ra Sư Đoàn II Nha Trang, và 20% sẽ về Sư Đoàn VI Pleiku. Bởi khóa sinh học ở ba sư đoàn, với sự phân chia như thế thì mỗi sư đoàn đều nhận được số hoa tiêu trực thăng quốc nội bằng nhau.


 
Khóa 1 Hoa Tiêu Trực Thăng Quốc Nội đã rời Ngân Hà đi học bay vào khoảng tháng 9/73. Khóa này đỡ hơn khóa 42 HTQS ở chỗ không phải nghe tiếng Mỹ nhiều từ các huấn luyện viên mới ở Mỹ về, nhưng ngược lại thì phải học ở hai nơi khác nhau. Theo lời Nguyễn Đình Hòe kể thì sau thời gian xuyên huấn ở Phi Đoàn 116, ở Sư Đoàn IV Không Quân Cần Thơ, với U-17 để làm quen với phi cơ, cao độ, phi cụ, cùng các cảm giác bay bổng, các khóa sinh đã học bay trực thăng tại Phi Đoàn 245 ở Sư Đoàn III Không Quân Biên Hòa. Nơi đây thì họ đã được chia làm hai toán, A và B, cứ toán nào học địa huấn buổi sáng thì chiều học bay và ngược lại. Trong số 41 khóa sinh, có 37 SVSQ khóa 72A và bốn SVSQ khóa 72B. Những anh em 72A được kể ra sau đây.

1. Đỗ Văn Ban, PĐ 215 Thần Tượng, Nha Trang

2. Hứa Văn Bảo, Phi Đoàn 251, Biên Hòa

3. Đỗ Văn Bính, PĐ 221 Lôi Vũ, Biên Hòa

4. Nguyễn Văn Bực, PĐ 215 Thần Tượng, Nha Trang

5. Nguyễn Công Chánh, PĐ 221 Lôi Vũ, Biên Hòa

6. Nguyễn Văn Châu, ra bộ binh ở Long Thành

7. Ngô Đình Chi, PĐ 221 Lôi Vũ, Biên Hòa

8. Nguyễn Văn Chiến, PĐ 221 Lôi Vũ, Biên Hòa

9. Nguyễn Văn Cửu, PĐ 251, Biên Hòa

10. Võ Đức Di, PĐ 235 Sơn Dương, Pleiku

11. Ủ Văn Anh Dũng, PĐ 221/245, Biên Hòa

12. Trần Văn Duy, PĐ 221 Lôi Vũ, Biên Hòa

13. Nguyễn Văn Đại, PĐ 231/245, Biên Hòa

14. Đinh Đông Định, PĐ 221 Lôi Vũ, Biên Hòa

15. Huỳnh Thanh Hải, PĐ 251, Biên Hòa

16. Lê Minh Hải, PĐ 243 Mãnh Sư, Phù Cát

17. Châu Minh Hoàng, PĐ 229 Pleiku

18. Nguyễn Văn Hóa, PĐ 215 Thần Tượng, Nha Trang

19. Nguyễn Đình Hòe, PĐ 221 Lôi Vũ, Biên Hòa

20 Nguyễn Đình Hồng, PĐ 223, Biên Hòa

21. Châu Thiên Huệ, PĐ 229 Pleiku

22. Nguyễn Quang Hưng, PĐ 223, Biên Hòa

23. Đinh Sỹ Hưng, PĐ 251, Biên Hòa

24. Hoàng Hữu Khuê, PĐ 251, Biên Hòa

25. Hoàng Đình Lai, PĐ 223, Biên Hòa

26. Đặng Thanh Liêm, PĐ 223, Biên Hòa

27. Trần Đình Long, PĐ 223, Biên Hòa

28. Lê Văn Nguyên, PĐ 223, Biên Hòa

29. Đỗ Tiến Như , PĐ 231, Biên Hòa

30. Phùng Văn Ninh, PĐ 251, Biên Hòa

31. Võ Kim Phi, PĐ 215 Thần Tượng, Nha Trang

32. Liêu Huỳnh Phong, PĐ 251, Biên Hòa

33. Đỗ Văn Quá, PĐ 243 Mãnh Sư, Phù Cát

34. Vũ Xuân Quảng, PĐ 251, Biên Hòa

35. Nguyễn Văn Sơn, PĐ 221/245, Biên Hòa

36. Nguyễn Xuân Sơn, PĐ 251, Biên Hòa

37. Phạm Duy Sơn, PĐ 215 Thần Tượng, Nha Trang


Nhiều chàng có biệt danh từ khi ở Nha Trang, nhưng Nguyễn Công Chánh của Khóa 1 HTTT thì đã có biệt danh khi đang học bay U-17 ở Cần Thơ. Một hôm sau khi hết phép trở lại, Hải Ác Tăng đã nói với các bạn rằng, “Ê tụi bây hồi nẫy lúc ngồi xe đò tao thấy thằng lơ xe coi y chang như thằng Chánh.” Cả bọn cười ồ lên, và cái tên Chánh Lơ Xe đã có từ hôm đó, dù Hải không cố tình đặt, nhưng Chánh phải mang cho đến bây giờ. Kể ra với tướng tá “thư sinh trắng trẻo” như Chánh mà bị cái tên này thì hết sức là oan uổng...


Ở đời nhiều khi bên dưới những mặt nước trầm lặng âm thầm là những cơn sóng ngầm chảy xiết. Một trường hợp điển hình là bạn Nguyễn Văn Bực. Trong suốt thời gian mười mấy năm ở cùng thành phố với bạn này ít có ai được hắn cho diện kiến. Nếu bạn nào muốn gặp Bực trong tương lai, tôi đề nghị là cứ đến nhà hắn đập cửa vào khoảng nửa đêm, và nếu hắn không mở cửa thì cứ đứng lỳ ra đó và kêu rầm lên để đánh thức tất cả hàng xóm dậy như là đi đòi nợ vậy. Đó chính là cách tôi dùng để lấy bài viết của bạn này...


Bây giờ tôi xin nhường lời cho Bạn Bực nói về thời mọc cánh

"Cái gì đến thì nó phải đến, và do đó tớ được học bay. Nếu nói bay U-17 thì tớ đã được Đại Úy Nhơn truyền cho trên dưới 100 giờ bay ở Bình Thủy, Cần Thơ. Thời kỳ này tớ khoái nhất. Thần ưng cũng cất cánh hạ cánh taxi ào ào ra phết. Có lần trong phi vụ huấn luyện làm triệt nâng có máy và triệt nâng phụ ở gần phi trường Rạch Sỏi là tớ nhớ để đời. Hôm đó Đại Úy Nhơn đã cho tớ chạy bộ ở phi trường vì không thuộc bài. Lúc cất cánh tớ đã đạp phía trên hai pedal để thắng thay vì đạp phía dưới để điều khiển bánh lái và cánh đuôi .


"Sau tớ chán bay U-17 vì lý do giản dị là sau 100 giờ mà không solo được . May mà tớ lết được về theo anh em học bay trực thăng ở Biên Hòa.

"Anh em 72A trong Khóa 1 Hoa Tiêu Trực Thăng thân mến, đây là khúc quanh của đời tớ. Cái chiếc trực thăng sao mà nó dễ thương lạ lùng. Chiếc U-17 trước kia đã lì lợm ngựa chứng bao nhiêu thì chiếc UH-1 nó nhẹ nhàng êm ái bấy nhiêu. Trung Úy Sơn đã truyền biệt nghệ cho tớ, chỉ sau 11 giờ bay là tớ đã nghiễm nhiên thành một trong bốn thằng solo đầu cùng với Nguyễn Văn Châu, Đỗ Tiến Như, và Đinh Sỹ Hưng. Một lần tớ bay huấn luyện với Thiếu Tá Hùng trên Long Thành làm cất cánh hạ cánh bình phi và hovering. Trên đường trở về Biên Hòa thì Thiếu Tá Hùng khám phá ra rằng máy đã tắt trong khi tớ đang chăm chú nghe tổng đài liên lạc để vào phi đạo. Ở cao độ 1200 bộ tớ định làm một cái standard auto landing nhưng vừa down pitch thì Thiếu Tá Hùng bảo tớ để cho ông bay. Tớ nói 'OK, thưa Thiếu Tá' chưa dứt câu thì tàu đã hạ càng trên một miếng ruộng hoang ở Long Thành. Bằng một giọng ấm áp, ôn hòa, Thiếu Tá Hùng đã hỏi tớ có sợ hay không. Tớ không biết làm sao mà ông ấy đã bình tĩnh được như vậy trong khi tớ thì quá bàng hoàng. Ông chỉ nói giản dị 'Anh Bực ơi, chắc tàu bị gãy đuôi' trước khi hai thầy trò lên một chiếc khác để về lại phi trường Biên Hòa. Hình ảnh đó tớ ngồi đây một mình trong đêm ôn lại giống như đang ở trước mặt.


"Trong những lần bay huấn luyện sau đó vì đã nếm mùi hiểm nguy tớ dè dặt hơn và học hành cũng kỹ càng hơn. Tớ check P-1 với Trung Úy Út. Hình như ông này cũng là thầy của AC Nuôi. Sau đó tớ check P-2 với Trung Úy Dũng."


Sự nghiệp văn nghệ của Xuân Sơn vẫn tiếp tục trong thời gian nằm trong Khóa 1 HTTT học bay ở Phi Đoàn 245. Ở ngoài phố Biên Hòa, Sơn đã từng hát ở rạp Thanh Bình và sân patin Lôi Hổ. Xưa ở Nha Trang Sơn đã được nhắc nhở qua bài Thu Vàng thế nào thì ở Biên Hòa chàng đã thành công với bản Giết Người Trong Mộng thế ấy. Khi ra phố có nhiều cô nữ sinh trường Ngô Quyền đã theo Sơn nhắc nhở bài này. Sau này khi ra Nha Trang học bổ túc giai đoạn 2 quân sự, Sơn đã hát ở matineé (xuất trưa) tại một vũ trường ở đường Độc Lập.

Bố mẹ của Xuân Sơn thì ở ngoài Phan Thiết, nhưng Sơn có bố mẹ nuôi ở Biên Hòa. Bởi vậy, trong thời gian học bay, các bạn có gia đình ở xa như Đỗ Văn Bính, Lê Minh Hải, và Nguyễn Văn Hóa đã hay về nhà Sơn nghỉ ngơi, nhất là trong các ngày lễ tết.


Trong số khóa sinh của Khóa 1 HTTT, trừ Châu Đá bị loại vì lý do sức khỏe ra thì tất cả đều được gắn cánh bay. Như đã liệt kê bên trên, những phi công xuất thân từ Khóa 1 HTTT hầu hết bay ở Biên Hòa, trừ vài người ra Pleiku, Phù Cát, và Nha Trang.


Khoảng một tháng sau Khóa 1, Khóa 2 HTTT đã khai giảng ở phi trường Trà Nóc Cần Thơ. Những anh em sau đây đã có tên trong khóa này:

1. Nguyễn Văn Dân, PĐ 255 Cần Thơ

2. Trần Hữu Du

3. Mai Thanh Hoàng, PĐ 255 Cần Thơ

4. Nguyễn Đình Hồng (Già), PĐ 225 Ác Điểu Cần Thơ

5. Nguyễn Thành Hơn, PĐ 229 Pleiku

6. Nghiêm Xuân Mạnh, PĐ 227, P/Đội 259H Cần Thơ, PĐ 211 Thần Chùy Cần Thơ

7. Lê Công Ngữ, PĐ 243 Mãnh Sư Phù Cát

8. Trương Tấn Phát, PĐ 255 Cần Thơ

9. Lê Quang Sang, PĐ 225 Ác Điểu Cần Thơ

10. Phạm Hoàng Tảo

11. Nguyễn Thành Tài, PĐ 225 Ác Điểu Cần Thơ

12. Hoàng Văn Thanh, bị loại về Nha Trang

13. Phạm Văn Thế, PĐ 225 Ác Điểu Cần Thơ

14. Nguyễn Hoàng Thọ, PĐ 227 Cần Thơ

15. Nguyễn Thái Thọ, PĐ 227 Cần Thơ

16. Hà Tấn Thông, PĐ 255 Cần Thơ

17. Quách Dũng Tiến, PĐ 225 Ác Điểu Cần Thơ

18. Nguyễn Hữu Tín, PĐ 225 Ác Điểu Cần Thơ

19. Võ Văn Triên

20. Vũ Đức Trọng, PĐ 227 Cần Thơ

21. Trương Đình Tuyền


Khóa 2 HTTT đã kết thúc vào đầu năm 74. Trong thời gian học, Lê Công Ngữ vì ham đánh bài với Tài Miên mà đói dài dài đến nỗi phải đi mò khoai của các quân nhân cơ hữu trồng mang về luộc ăn cầm hơi để hôm sau đi học bay tiếp. Trong khi Ngữ vì không có tay nghề kiếm không đủ khoai ăn thì Nghiêm Xuân Mạnh ra khoét dọc theo chân các luống khoai moi từng thùng khoai non mới lớn bằng ngón tay cái và chặt những buồng chuối non đem về buồng treo lên chơi. Khi Trọng Đen hỏi Mạnh rằng “mày không ăn tha về để làm gì” thì Mạnh chỉ toét miệng ra cười, bởi chính đương sự cũng không biết để làm gì nữa.


Khóa 3 Hoa Tiêu Trực Thăng Quốc Nội có ba anh em 72A là

1. Huỳnh Văn Dũng, Phi Đoàn 215 Nha Trang

2. Đặng Chấn Kỳ, Phi Đoàn 213 Song Chùy Đà Nẵng

3. Đào Huy Thái, Phi Đoàn 253 Sói Thần Đà Nẵng


Theo lời kể của Đặng Chấn Kỳ:
"Khóa 3 học bay ở Đà Nẵng. Khóa 3 khai giảng sau Khóa 2 một tháng, tức là khoảng cuối năm 73, và ra trường tám chín tháng sau đó, lúc trời đang nóng như đổ lửa.

Tiểu sử của Khóa 3 HTTT cũng khá ly kỳ. Vào khoảng giữa năm 73, hơn 40 sinh viên sĩ quan đã về Sài Gòn chờ đi Mỹ. Khi về tới nơi, vì nóng lòng về thăm nhà sau gần một năm xa cách, tất cả đều bỏ đi về hết. Trung Úy Tấn không có cách gì hơn là phải làm thủ tục báo cáo với phòng nhân viên rằng cả đám vắng mặt không có giấy phép.


Một tuần lễ sau cả đám, kể cả Đặng Chấn Kỳ, trở lại trại ông Quế thì được cho hay rằng sau khi vắng mặt không có giấy phép 48 tiếng đồng hồ là coi như đã đào ngũ, và thế là tất cả cứ ở trong trại mà không được ai điểm danh cả. Một tuần sau nữa thì tất cả được đưa qua phòng An Ninh Quân Đội ở số 7 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để thẩm vấn. Sau khi thẩm vấn xong, sở An Ninh Quân Đội đã kết luận rằng cả đám đều thuộc thành phần vô kỷ luật. Trong số hơn 40 thằng về chỉ có mấy thằng con ông lớn là được ở lại đi Mỹ, số còn lại dồn hết vô Khóa 3 trực thăng. Ngoài 3 bạn 72A ra còn có hai niên trưởng cán bộ là Út hình như từ khóa 70A và Viết từ khóa 71. Phần còn lại là các khóa đàn em."


Để bổ túc cho lời kể của Đặng Chấn Kỳ, bạn Đào Huy Thái cùng trong toán về Tent City lần đó kể rằng
" trong số anh em 72A còn có Huỳnh Văn Dũng, Phó Hoàng Trí, và Đoàn Anh Tú. Cả toán nằm dưới sự hướng dẫn của Thiếu Úy Tấn về trình diện Bộ Tư Lệnh. Sau khi C-130 đáp xuống Tân Sơn Nhất, Thiếu Úy Tấn đã ra lệnh tập trung điểm danh. Vì hôm đó nhằm ngày thứ sáu, tất cả anh em đã lên tiếng xin cho về thăm gia đình đến sáng thứ hai sẽ vô trình diện. Khi bị từ chối, tất cả đã đồng lòng tan hàng và hẹn gặp lại sáng thứ hai tại cổng sau gần Tent City để vào trình diện.


Đúng như lời hẹn, tất cả đã tụ tập tại điểm hẹn vào sáng thứ hai. Sau khi sắp hàng điểm danh xong thì Phó Hoàng Trí đến cổng gặp quân cảnh trình bày xin vào trình diện nhưng quân cảnh đã trả lời là phải chờ Bộ Tư Lệnh quyết định. Đến khoảng một giờ trưa thì cả toán được cho vào làm thủ tục nhập trại và làm thủ tục chào sân...


Sau khi nhập trại rồi, ngày qua ngày gần một tháng không có ai thèm đếm xỉa gì tới. Có vài SVSQ trong các khóa đàn anh không biết nghe tin ở đâu về cho biết có lẽ tất cả sẽ ra bộ binh. Thình lình trưa hôm đó có một văn thư từ Bộ Tư Lệnh gửi tới trại cho biết có ba người được làm thủ tục theo học tại trường Sinh Ngữ Quân Đội. Ba người này là Phó Hoàng Trí, Đoàn Anh Tú, và một người khóa đàn em. Số anh em còn lại rất giận dữ, và nêu thắc mắc là tại sao chỉ có ba người. Sau bữa ăn chiều hôm đó, tất cả đã họp lại để hỏi xem có phải vì ba người này đã vào trình diện trước, nhưng tất cả đều phủ nhận. Theo lời yêu cầu anh em trong toán, ba người đã xác nhận trên giấy trắng mực đen là đã không có vào trình diện Bộ Tư Lệnh hôm thứ sáu. Với bằng chứng này, tất cả anh em đã yêu cầu Bộ Tư Lệnh giải thích lý do.


Sau một tuần lễ chờ đợi thì câu trả lời đã không giống như anh em mong đợi. Tất cả đã được đưa đến số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, tức là một phòng an ninh quân đội trực thuộc Không Quân, trên một chuyến xe buýt để điều tra sự vụ.


Lúc tới nơi, tất cả đã được Thiếu Tá Thức phát cho mỗi người một tờ giấy ca rô và chỉ định mỗi người một góc tường trình mọi chi tiết của chuyến đi về trình diện Bộ Tư Lệnh. Sau khi khai xong, tất cả đã được đưa trở lại trại để chờ. Kết quả là Thiếu Úy Tấn bị ký củ và giam lon sáu tháng, bởi lúc đó đã có quyết định thăng cấp trung úy cho ông ta. Phó Hoàng Trí và Đoàn Anh Tú đã bị ra bộ binh. Tất cả số còn lại được cho học Khóa 3 HTTT quốc nội tại Đà Nẵng. Một người còn lại trong ba người có tên trong văn thư đầu tiên thì nghe đâu là COCC nên không biết ra sao. Khóa 3 HTTT đã hoàn tất vào ngày 2/5/74".


Khóa 4 Hoa Tiêu Trực Thăng Quốc Nội học bay ở Biên Hòa. Trong khóa này có các bạn 72A Trần Hớn Dân, Vũ Văn Ninh, Hoàng Văn Thanh, và Huỳnh Văn Tỵ.


Khóa 5 Hoa Tiêu Trực Thăng Quốc Nội học bay ở Cần Thơ. Chuyện anh em 72A trong khóa này đi kèm với giai thoại "13 Con Ma". Hãy nghe chính lời của một trong 13 Con Ma là bạn Út Small kể lại:

"Vào khoảng đầu năm 73, mười bốn anh em 72A sau đây đã về Trung Tâm Giám Định Y Khoa Tân Sơn Nhất khám để theo học khóa 2 HTTT Cần Thơ:
1. Võ Thành Long Châu, Phi Đoàn 255 Xà Vương
2. Nguyễn Hữu Đức, Phi Đoàn 255 Xà Vương
3. Võ Thanh Hà, Phi Đoàn 255 Xà Vương
4. Trần Thanh Hảo
5. Nguyễn Thành Hơn
6. Lê Văn Lâm (Chùa)
7. Nguyễn Văn Luông (Cả Luông), PĐ 255 Xà Vương
8. Nguyễn Văn Son (Cả Son), Phi Đoàn 255 Xà Vương
9. Trần Văn Thành
10. Lê Ngọc Thảo, Phi Đoàn 227 Hải Âu
11. Phan Văn Út (Small), Phi Đoàn 217 Thần Điểu
12. Trương Thanh Vân
13. Nguyễn Hồng Việt (Mắt Lồi)
14. Trương Văn Vĩnh

"Kẻ đã gây ra mọi chuyện rắc rối là người mang số 5 trong danh sách bên trên. Nguyễn Thành Hơn quê ở tuốt trong Hóc Bà Tó là địa danh cuối cùng của miền Nam.
"Sau khi khám bệnh xong, cả toán đồng ý dzù về thăm nhà cho đỡ... nhớ và hẹn đúng một tuần sau sẽ trở ra trình diện ông Bé. Không hiểu vì nhà ở quá xa Sài Gòn hay bị đào đá nên Ông Thần Nguyễn Thành Hơn quên đi lời hẹn ước lót tót ra Nha Trang một mình trình diện ông Bé. Thế là hư bột hư đường ráo trọi. Khứa Bé biết bọn này dzù dzọt nên lập tức cho toán khác về Sài Gòn khám sức khỏe trám vô.

"Một tuần sau đó y hẹn tất cả ra trình diện đúng ngày, không ngờ ngày trở ra là ngày vô Cải Hối Thất Phi Dũng, lãnh 26 ngày trọng cấm và bị loại ra khỏi Khóa 2 Hoa Tiêu Trực Thăng. Hơn ơi là Hơn, mày hại anh em mày hại bạn bè.
"Ôi không gian giờ đây ta mới biết,
"Chuyện dzọt dzù giết chết một đời ta .
"Sau đó chỉ có Nguyễn thành Hơn là được đi học bay , 13 tên còn lại chịu cảnh tù đày. Sau khi mãn tù về lại đoàn SVSQ để trình diện Thiếu Tá Bé, có lẽ vì hối hận việc mình đã làm hoặc trong thời điểm đó khóa đàn anh không còn ai nên 'khứa' nâng đỡ tụi này lên làm cán bộ để hướng dẫn các khóa đàn em. Tất cả đều nằm trong hệ thống cán bộ chỉ huy, duy chỉ có Võ Thành Long Châu và Út Small tôi không chịu ra hàng nên ông Bé bắt làm tạp dịch ở văn phòng ông ấy đôi ba ngày rồi cũng quên luôn.

"Trong thời gian chờ đợi đó, mặc dù cuộc sống có thoải mái là không phải tạp dịch, tập họp điểm danh, dzù ra phố chơi mút chỉ, nhưng vì không biết tương lai đi về đau nên thằng nào cũng trầm lặng và ưu tư như những bóng ma với bao nỗi lo lắng... Thế là danh từ '13 Con Ma' hay '13 Thằng Lôi Hổ' ra đời. Trong 13 thằng đó có 2 không chịu hưởng cái ơn mưa móc do một người ban cho, mà người đó vì sự bực tức nhất thời mà suýt chút nữa là đã hại cuộc đời của một nhóm người trẻ đầy nhiệt huyết nghe theo tiếng gọi của non song mà 'xếp bút nghiên theo việc đao binh' với mong ước rằng ít nhiều mình sẽ góp một bàn tay để bảo vệ quê hương. Cả bọn phải chờ gần một năm sau khi ông Bé và Bộ Tư Lệnh Không Quân 'xóa bỏ hận thù' mới cho đi học khóa sau, dù sao thì cũng còn hên...
"Mười Ba Con Ma là nhóm 72A cuối cùng rời đoàn SVSQ đi học bay. Chúng tôi đã nhập chung với các khóa đàn em để theo học Khóa 5 Trực Thăng Cần Thơ. Nhờ trời tất cả đều ra trường, trừ Trương Văn Vĩnh bởi 'lên tướng một sao' nên đã bị loại vì lý do sức khỏe. Cả Luông solo đầu; Lê Ngọc Thảo chiếm thủ khoa. Mười hai anh em đã ra phi đoàn bay bổng được vài tháng cho đến ngày đứt phim 30/4.

" Các bạn ơi! Rủi ro thay cho vận nước, chúng mình bị cái đại họa Cộng Sản nên giờ đây chịu kiếp sống lưu vong, canh cánh bên mình với bao nỗi niềm hoài vọng cố hương."

Trong 13 Con Ma, chỉ có Võ Thành Long Châu và Phan Văn Út là không ra làm cán bộ vì thích lè phè. Bạn Út có bày một bàn cờ tướng chiêu mộ được nhiều anh em suốt ngày đấu trí với nhau.

Theo Võ Thanh Hà thì Trần Thanh Hảo sau khi tốt nghiệp ra Pleiku thì đã bị bắn rớt tàu trong phi vụ hành quân đầu tiên và sau đó đã không còn đi bay nữa.

Khóa 6 Hoa Tiêu Trực Thăng Quốc Nội học bay ở Đà Nẵng. Trong khóa này chỉ có Lý Minh Trung là SVSQ 72A duy nhất. Ngày xưa Trung đã làm trưởng toán dẫn anh em khóa sinh về Trung Tâm Y Khoa Không Quân tại Tân Sơn Nhất khám sức khỏe để gia nhập Khóa 1 HTTT, nhưng bì bị viêm xoan hàm (sinus), nên phải nhập viện khẩn cấp tại TTYKKQ điều trị. Sáu tháng sau khi Trung đủ sức khỏe để đi học bay thì tên của chàng lọt vào Khóa 6 HTTT.

Lý Minh Trung là một người trong khóa 72A mà anh em ít gặp nhất. Chàng ta đã được ông Bé cho sự vụ lệnh ra làm việc ở ngoài phố Nha Trang cho đến khi đi học bay.
Theo lời Võ Thanh Hà trong 13 Con Ma thì các Khóa 4, 5, và 6 HTTT khai giảng cách nhau chừng một tháng từ khóa này qua khóa sau. Giai đoạn mà các khóa này sắp khai giảng là giai đoạn buồn nhất của Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân. Vào khoảng trước tết con cọp tức là khoảng đầu tháng 2/74, Bộ Tư Lệnh Không Quân thông báo danh sách của ba khóa 4, 5, và 6, và đồng thời cho biết rằng tất cả những sinh viên sĩ quan còn lại đều phải ra bộ binh. Con số này lên đến sáu bẩy trăm người.

Sau khi tin này được loan ra thì không khí trong trại Thiên Nga hết sức buồn bã. Những anh em có tên đi học tối tối thường dù ra phố ngủ, một phần vì muốn tránh mặt những người bạn thiếu may mắn không có tên trong danh sách tài khóa. Ăn tết con cọp vừa xong thì một đoàn mấy chục chiếc xe GMC từ Đồng Đế chạy tới trại Thiên Nga để đưa những người bạn này rời trại và đồng thời cũng là rời khỏi binh chủng không quân.

Trong những đêm cuối cùng của đoàn Sinh Viên Sĩ Quan đó, Võ Thanh Hà ngủ trong trại, một phần là vì không quen ai ở ngoài phố, phần kia là vì chàng là người chịu trách nhiệm cho toàn trại. Như vậy thì Võ Thanh Hà chính là người làm cán bộ lâu nhất trong Khóa 72A. Hà là một trong những anh em 72A làm cán bộ đầu tiên, và cũng là một trong những anh em 72A làm cán bộ sau cùng. Sau khi các khóa 4, 5, và 6 HTTT rời Thiên Nga là đoàn SVSQ đóng cửa luôn.

Khi mỗi một trong ba khóa 4, 5, và 6 HTTT hoàn tất huấn luyện thì những khóa sinh tốt nghiệp về thẳng Nha Trang để học Giai Đoạn 2 Quân Sự. Sau đó cả ba khóa trực thăng, Khóa 2 T-37 , và Khóa 1/74 Quan Sát Viên cùng làm lễ ra trường tập thể ở Nha Trang. Trong buổi lễ ra trường vào tháng 12/74 có Chuẩn Tướng Lành tham dự. Ra trường xong là các anh em nhận sự vụ lệnh về phi đoàn trình diện luôn.

Dù đa số phi công trực thăng xuất thân từ khóa 72A đã học bay tại Việt Nam, có những anh em học bay từ Mỹ về, và cũng đã ra phi đoàn tham dự hành quân. Bởi nếu tính từ ngày nhập ngũ cho đến lúc mãn khóa học mà trên hai năm thì được ra trường với cấp bậc thiếu úy, những bạn học bay ở Mỹ về thường là ra trường với cấp bậc này vì có thời gian học thêm Anh ngữ ở Mỹ.


 
Vào tháng 7/73, 18 SVSQ đã lên đường đi du học Mỹ trong một tài khóa trực thăng. Trong số đó có những anh em 72A như Phan Hoàng Hải, Trần Bá Sơn, và Lương Tường Vân.
Nếu kể về dân 72A học trực thăng ở Mỹ và đã ra đơn vị đánh giặc thì có 4 chàng sau:
1. Trần Minh Hiển, Khóa 74-22
2. Tạ Hoàng, Khóa 74-22
3. Nguyễn Tấn Thành (Cao), Khóa 74-22
4. Trần Bá Sơn, Thủ Khoa Khóa 74-24 , PĐ 255 XàVương


Khóa 74-24 trực thăng nhập học tại trường bay Ft. Rucker, tiểu bang Alabama tháng 10/73. Sau khi tốt nghiệp, Trần Bá Sơn đã về VN vào tháng 8/74. Sau khi chọn phi đoàn, Sơn trở lại Nha Trang học Giai Đoạn 2 Quân Sự cuối tháng 8/74. Sau khi tốt nghiệp, Sơn về trình diện Phi Đoàn 255 Xà Vương Cần Thơ vào khoảng tháng 12/74.

Bây giờ kể tới phần anh em học bay phản lực. Trong số 14 anh em đậu Anh Ngữ về Sài Gòn ngay trong thời gian huấn nhục để đi Mỹ thì chỉ có 11 là đi ngay. Qua trường bay sớm nhất là Trần Anh Tuấn và Trần Văn Phiêm. Kế tiếp là Lý Văn Ánh, Nguyễn Ngọc Châu Phòng, và Nguyễn Trọng Tiến.

Đoàn Anh Thuấn là một trong 14 anh em đậu Anh ngữ về Sài Gòn đi Mỹ trong đợt đầu tiên. Vì đi sớm nên Thuấn ngại rằng các anh em khác cho rằng không có nhiều kỷ niệm chung với họ. Thuấn đã học T-37 tại Sheppard AFB ở Wichita Falls, Texas. Sau đó Thuấn theo học Khóa 74-07 là khóa bay A-37 cuối cùng có các khóa sinh VN ở Mỹ tại England AFB ở Alexandria, Louisiana. Lớp này có 13 khóa sinh người Việt, trong đó có bốn anh em 72A là Trần Ngọc Dương, Nguyễn Thiện Nhượng, Lê Hữu Thiện, và Đoàn Anh Thuấn . Thuấn và Trần Ngọc Dương cùng đậu thủ khoa. Cùng về Việt Nam trong tháng 7/74, Thuấn và Trần Ngọc Dương ra Phi Đoàn 520 Cần Thơ.

Trần Văn Tỵ thuộc đợt hai đậu Anh văn và từ Nha Trang về đi Mỹ trong tháng 12/72. Nhóm này gồm có mười người là: Huỳnh Đình Chí, Lý Anh Dũng, Chu Văn Hùng, Đỗ Minh Hùng, Nguyễn Thanh Phương, Trần Văn Tỵ [mới có 6, còn ai???]

Khóa 74-09 học T-37 khai giảng vào cuối tháng 1/74 ở Sheppard Air Force Base ở Texas gồm có các anh em 72A sau: Lê Văn Cảnh, Huỳnh Đình Chí, Chu Văn Hùng, Đỗ Minh Hùng, Nguyễn Thanh Phương (Mập), Trần Văn Tỵ Bắc Kỳ. Trong một khóa T-37 khác của năm 74 có Nguyễn Hoàng Tân và Nguyễn Tấn Thành.
Trần Văn Tỵ ra Phi Đoàn 532 Gấu Đen ở Phù Cát. Nguyễn Thiện Nhượng đã về phi đoàn này trước.

Sau đây hãy nghe Đỗ Minh Hùng kể chuyện học bay ở Mỹ.

"Sau khi tốt nghiệp khóa Anh ngữ ở căn cứ Lackland, tôi có tên trong danh sách di qua trường bay Hondo để được huấn luyện giai đoạn 1 phi hành, tức là học bay T-41. Lòng tôi tuy vui mừng nhưng không khỏi lo lắng. Đây là bước rẽ của đời bay bổng. Tôi lân la tìm hiểu về những ông thầy bay. Mỗi người một tính. Trong nhờ đục chịu. Lo cho lắm, tắm cũng cởi truồng. Đa số thầy bay là dân sự, vì thiếu thầy quân sự. Nam 72 là cao điểm cho khóa sinh Không Quân Việt Nam đi ngoại quốc lấy cánh bay. Mỹ Việt phải vội vàng vì hiệp định Paris có đoạn về bình thường hóa quân đội Việt.

 
"Ở Hondo, có một thầy bay khét tiếng tàn nhẫn. Hắn là người Mễ Tây Cơ, tên Volander mà phe ta gọi la Võ Lang Đài. Mỗi ông thầy sẽ chọn 4 khóa sinh. Riêng tên này luôn luôn cho rớt 2 khóa sinh, bất kể họ bay giỏi cỡ nào. Khóa tôi không ai muốn học với hắn. Ngày đầu tiên trình diện thầy bay là ngày lạnh lùng nhất trong đời bay bổng của tôi. Sau màn giới thiệu, thầy bay bắt đầu chọn đệ tử. Tên nào trúng thầy hiền thì vui như trúng số, chưa học mà đã thấy đậu rồi. Tôi được Võ Lang Đài chọn. Cả khóa nhìn những đệ tử của hắn với ánh mắt phân ưu.


"Các điểm phê ở trường bay như sau: U đỏ là unsatifactory, U đen là unable, F là fair, G là good, và E là excellent. Hai U đỏ liên tiếp là ngừng bay, chờ ngày ra hội đồng. Tùy theo khả năng, khóa xinh có thể được học lại khóa sau hoặc đi không phi hành nếu có tài khóa, hoặc đi về nước làm cái gì đó không biết. Hai U đen liên tiếp là thành một cái U đỏ. Ngạc nhiên thay, trong sáu bẩy phi vụ huấn luyện đầu, hắn đều cho tôi E. Cái cánh bay coi như đã chắc đeo trên ngực, tôi xoay sang ái ngại cho 2 con vịt đẹt–hình như Nguyễn Thanh Phương ở trong nhóm của tôi.


"Đến bài slow flight là bài dễ nhất trong các thao diễn, không hiểu sao tôi bị ngọng. Đáp thì không có gì trở ngại, dù trong bài đáp có kèm slow flight, nhưng khi làm slow flight riêng rẽ thì ngọng. Máy bay không quá tốc độ thì lại đâm nhào. Võ Lang Đài cho tôi U đen.


"Đến ngày hôm sau, làm lại bài slow flight, tôi lại thất bại. Võ Lang Đài chán nản không tập thêm cho tôi những thao diễn khác. Hắn quay máy bay về phi trường. Tôi được han cho thêm 1 cái U đen. Như thế là thành 1 cái U đỏ.

"Một cái U đỏ nữa là chấm dứt nghiệp bay. Tôi buồn bã không chuyện trò với ai trong khóa, và cũng chẳng ai muốn nghe tâm sự của tôi. Người nào cũng có nỗi lo, dù một số đã solo.

"Ngày định mệnh đã tới. Tôi đi ra phi đạo như cái xác không hồn. Có thể đây là phi vụ cuối trong đời bay bổng của tôi. Cho dù tôi có làm được slow flight đi nữa, tôi cũng sẽ bị liệt vào 1 trong 2 con vịt đẹt. Kết quả trong hôm đó không khá gì hơn ngày hôm trước, vì tôi vẫn không bay được slow flight. Võ Lang Đài la ó um xùm, rồi chửi rủa, miệt thị. Nào là bà nội hắn hơn 80, mắt đã nhòa xỏ kim không qua, nhưng bay slow flight nhuyễn như cháo. Nào là con khỉ nếu được huấn luyện như tôi thì có lẽ đã solo từ đời thuở nào rồi.


" Võ Lang Đài tha hồ nói. Tôi không nghe nữa. Mình sẽ thu dọn hành lý chờ ngày về nước. Nhục nhã quá chẳng còn biết nói gì. Bất chợt hắn chồm qua bóp cổ tôi. Theo phản ứng tự nhiên, tôi gạt mạnh tay hắn ra. Hắn sững sờ nhìn tôi. Tôi lặng lẽ nhìn hắn. Hắn rút xì gà châm lửa. Hắn có thói quen là khi trên tàu lúc nào điếu xì gà cũng gắn trên môi. Tôi thầm nghĩ, đây là chuyến bay cuối, hắn hút thì tôi hút. Tôi bỏ cần lái, moc túi lấy thuốc hút. Hắn nhìn tôi. Tôi nhìn hắn. Hai ánh mắt chạm nhau. Hắn quay mặt đi. Tôi quay mặt về.


"Chiếc máy bay không người điều khiển từ từ chúi xuống. Nước mắt bắt đầu lăn trên đôi má tôi. Tôi chẳng còn gì để sống, thôi thì 'đi không ai tìm xác rơi'. Võ Lang Đài cũng chẳng động đậy. Tốc độ con tàu mỗi lúc mỗi tăng. Mất đất gần lại. Tôi nhớ tới mẹ tôi, người yêu tôi, và những người thân hôm tiễn tôi đi Mỹ. Tôi nhớ chiếc bong bóng đỏ của cậu bé lúc bị kim chích nổ tung... Tôi nghĩ tới tên thầy bay Mễ Tây Cơ khốn nạn. Cũng vì mày mà bao nhiêu mộng tan tành. Thôi thì mình chết với nhau.


"Những con bò dưới cánh đồng càng lúc càng gần. Đã quyết định xong, tôi không chụp cần lái. Không chịu được trò chơi ú tim, hay vì có lẽ chưa muốn chết, hoặc do phản năng sinh tồn tự nhiên, hắn giơ tay chụp cần. "Kéo mũi con tàu lên trở lại, hắn gào như cha chết: 'mother fucker'. Chiếc máy bay trực chỉ phi trường Hondo. Hắn và tôi không trao đổi một lời nào. Hắn châm điếu xì gà. Tôi châm điếu thuốc. Tôi thấy hài lòng.


"Sau khi Võ Lang Đài taxi tàu vào bãi đậu, tôi đi thẳng vào phòng bay. Thường thì sau khi đáp là khóa sinh phải cột tàu lại rồi xách hai cái gối cho hắn. Thân thể hắn không dài quá thước sáu, khi bay, hắn cần 2 cái gối. Một lót mông và một lót lưng. Hôm nay hắn phải làm những công việc đó.


"Vào phòng bay xong, tôi đứng chờ hắn. Ve vẩy tờ giấy phê điểm, hắn nhờ tôi lấy cho hắn ly cà phê với nửa cà phê nóng và nửa nước lạnh như lệ thường sau mỗi chuyến bay. Tên này hơi quan liêu. Không có thì giờ nhiều, tôi mang cho hắn một ly cả hai nửa đều là cà phê nóng. Nhắp môi vào là phun tung tóe, hơi bất lịch sự. Thêm một tiếng chửi thề dòn. Hắn đưa mắt nhìn tôi. Để giúp hắn, tôi ném lên bàn cây viết đỏ. Cả phòng bay im lặng nhìn.


"Hắn trả tôi cây viết và rút trong túi ra một cây viết đen. Hắn ghi điểm xuống: good. Hắn nói với tôi: 'Mày là một thằng cao bồi Việt Nam.' Tôi cảm ơn và yêu cầu hắn đừng la lối khi tôi bay.


"Đến hôm sau, tự nhiên tôi làm slow flight ngọt ngào. Hắn ngạc nhiên, và tôi phục tôi quá. Những phi vụ huấn luyện sau đó dễ dàng. Chỉ ưu tư không biết ai sẽ thành con vịt đẹt.


"Đa số các bạn trong khóa đã hoàn tất giai đoạn 1 chờ ngày đi giai đoạn 2 tức là học bay T-37 ở Sheppard. Huỳnh Đình Chí tốt nghiệp với số điểm 94%. Thầy hắn tuyên bố nếu ai hơn điểm sẽ được tặng hai thùng bia. Tôi thích những thách đố, bởi vàng thiệt không sợ lửa. Một ông đại tá Mỹ đã check ride tôi với kết quả hơi lạ. Tôi ra trường với 97% và hai thùng bia.


"Lạ lùng hơn nữa là trong bốn thằng đệ tử của Võ Lang Đài, không ai làm con vịt đẹt. Tất cả đều mọc cánh. Từ khóa tôi trở đi, Võ Lang Đài trở thành ông già Noel. Ai được hắn chọn là coi như đã đeo được nửa cánh bay. Mỗi đời người có nhiều khúc rẽ, nhưng chắc ít khi mà một chuyến bay đã là hai khúc rẽ, cho cả Võ Lang Đài lẫn chính bản thân tôi.


"Sau khi ra trường, tôi được bổ xung về Phi Đoàn 520 Cần Thơ nhưng không thích lắm. Tôi muốn ra Đà Nẵng để gặp Nguyễn Hữu Thiện Tuấn nhưng không có ai sắp về Đà Nẵng chịu đổi. Chỉ có một người ở Phan Rang thích về Cần Thơ đề nghị đổi cho tôi và các cho tôi ít tiền uống cà phê. Tôi nghĩ mặt trận ở vùng đó có lẽ sôi động hơn ở Cần Thơ và sẽ cho tôi nhiều sự hào hứng hơn nên tôi chịu đổi. Thế là tôi về Phi Đoàn 534 Không Đoàn 62 Chiến Thuật Phan Rang."


Sau khi học T-41 xong thì các khóa sinh tốt nghiệp đã qua Sheppard để học bay T-37. Thời gian học ở đây tuy bận nhưng cũng có những lúc thoải mái.
Hãy để cho Đỗ Minh Hùng hồi tưởng lại một ngày cuối tuần ở Sheppard:

 
"Ở căn cứ Shepard, các sinh viên sĩ quan phi hành nhìn có vẻ phi công lắm. Không vui sao được, vì đã xong nửa cánh bay rồi còn gì. Hiếm lắm mới có thằng rớt bay phản lực. Dù cho có rớt ở Mỹ thì về Việt Nam học tiếp rồi cũng đeo cánh. Đời sống thoải mái hơn lúc học Anh văn và bay T41 vì lương từ khoảng 240 dọt lên 420 đô. Tiền phòng một tháng chỉ trả 30, gọi là có chút quà cho các em Mễ dọn phòng. Ăn ở câu lạc bộ sĩ quan sáng tốn 25 xu, trưa 50 xu, và tối 75 xu. Đi chợ 10 đô la đầy tủ lạnh.


Đa số phe ta thích nấu nướng lấy, vừa hợp khẩu vị vừa ít tốn kém. Đi từ xa đã ngửi thấy nồng mùi nước mắm. Phe ta ở khu nào là ở đó ít bóng ngoại quốc vãng lai.


"Như các cuối tuần khác, dẫy barrack ồn ào hẳn lên. Tiếng nhạc um xùm. Túm năm tụm ba nhậu nhẹt. Đêm về thì không khí yên lặng hơn. Có băng vào câu lạc bộ nghe nhạc uống nước. Có băng ra phố để tìm bạn bốn phương, dù hơi hao pin. Phí tổn taxi thì chia đều, còn tiền hotel và em út thì phần ai nấy trả. Đoàn Anh Thuấn văn nghệ hơn, ôm đàn xuống phố thăm các nữ quân nhân để làm kiếp ca hát ngày tháng cho người mua vui. (Giọng ca của Thuấn hay tuyệt vời, chỉ thua tôi một chút thôi.) Riêng phần tôi thì tuần này phải đi ăn tiệc ở nhà Huỳnh Đình Chí.


"Chuyện khá đơn giản. Chí ta quen một em quân nhân tóc vàng mắt xanh. Chàng muốn tiến xa hơn ranh giới bạn bè, nhưng còn hơi mắc cở. Chàng tổ chức một buổi tiệc nhỏ, tính nhờ miếng rượu để mở đầu câu chuyện lòng. Tôi có nhiệm vụ đi trước lót đường đụng rượu với em một tăng, và sau đó Chí sẽ kết thúc buổi tiệc. Hy vọng khi cân tửu lượng của hai thằng, em sẽ không còn biết đường về.


"Sau khi hầu tiếp em đâu khoảng nửa chai whiskey, tôi viện cớ cáo lui để Chí bắt đẩu tổng tấn công...


"Đêm đi dần vào khuya. Tôi không có gì làm nên còn thức xem ti vi lai rai. Chợt thấy có bóng ai ngoài cửa sổ, tôi mở cửa để nhìn cho kỹ: thì ra là cô bạn của Chí. Tôi ngạc nhiên hỏi: 'Sao về sớm vậy?'

"Cô em xinh đẹp mỉm cười ngây thơ: 'Chí say quá. Đừng lo, tôi đã vực anh ấy vào giường và đắp chăn cẩn thận. Mai tôi sẽ gọi anh ấy sau. Good night.'"


Số học bay T-38 ở Mỹ thì gồm có hai anh em 72A là Huỳnh Đình Chí và Chu Văn Hùng trong khóa 75-05 sau khi đã tốt nghiệp T-37 tại Sheppard. Khóa T-38 này đã nhập học vào ngày 8/1/74 ở Webb Air Force Base ở Texas. Khóa gồm có 6 người Việt và 24 người Mỹ. Họ đã bắt đầu học bay T-38 vào tháng 7/74, và tốt nghiệp bay vào tháng 1/75. Riêng Chu Văn Hùng thì ngoài chứng chỉ mãn khóa ra còn nhận được thêm một Distinguished Graduate Certificate. Theo lời tờ báo Prairie Pilot ra ngày 31/1/75, những khóa sinh tốt nghiệp T-38 ở Mỹ xong sẽ được huấn luyện bay F-5 ở Việt Nam.
Sau đây là lời Chu Văn Hùng:

"Riêng về nghiệp bay tao chỉ muốn nói đây là cái nghề nếu ai không yêu thì không nên theo. Bay nhiều thì mệt, không bay thì nhớ, nhớ lâu thì thèm. Đối với tao, bay phi cụ là một cái môn chơi khó, hấp dẫn, và hồi hộp nhất, vì mình phải mang chính sinh mạng mình ra thử lửa. Nó không cho phép mình làm sai một lần nào cả.


"Về việc bay phi cụ, tao đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu mà sau khi về Việt Nam tao chắc chắn phải xài đến vì thời tiết ở đó thường rất xấu. F-5 là phi cơ khó đáp nhất bởi lý do là cánh nhỏ nên cần chạm bánh ở vận tốc trên 135 knots. Phi cơ nào cũng có cái ưu điểm riêng của nó, nhưng nói chung bay là một cảm giác rất cao độ. Nó làm cho mình vừa mệt vừa sướng."


Sau đây hãy nghe Hoàng Văn Trung kể chuyện “học bay trên đất Mỹ”:

"Song-song với những tháng ngày "được" quân trường huấn-nhục, chúng tôi dự khóa huấn-luyện quân-sự giai-đoạn một. Đó là lúc cũng đeo ba-lô, đội nón sắt, đeo dây đạn, bình nước, bò, lết, nhắm, học cách tháo gỡ và xử-dụng các loại súng thông-dụng, học cách ném lựu-đạn... Đây là môn tôi ớn nhất. Nói thật tình, nếu tôi có trái lựu đạn thật trong tay chắc tôi cũng không đủ gan rút chốt!


Các khóa học Anh-văn tại trường sinh-ngữ Không-quân ở Nha-trang là những tháng ngày êm-ả như thuở học trò. Giám-đốc là Trung-tá Toàn, anh hay em gì của ông Lê bá Kông thì phải. Huấn-luyện-viên gồm cả sĩ-quan và hạ-sĩ-quan như: Thượng-sĩ Vàng, Thượng-sĩ Nhan, Thượng-sĩ Em... Còn sĩ-quan thì nhiều quá, nhớ không hết. Sư-phụ của tôi là Trung-úy Trỉnh.


Quân-trường Không-quân không phải như những quân-trường khác là Sinh-viên Sĩ-quan cùng vào và cùng ra trường một ngày. Có những cái nhiêu-khê rắc-rối xẩy ra trước khi một khóa-sinh được tuyển đi Mỹ học lái máy bay. Có người bị kẹt ngoài quân-trường với lý-do hồ-sơ an-ninh không được thông-suốt vì gia-đình có ai đó hình như không biết rõ được tung-tích. Có người bị kẹt vì lý-do không đủ điểm Anh-văn.


Đang khi "được" huấn-nhục bầm-dập, đột-nhiên có mười mấy anh chàng tốt số, giỏi tiếng Anh, có sự-vụ-lệnh gọi về Sài-gòn trình-diện đi Mỹ dù nhóm đó chưa học bắn một phát súng, chưa biết cây súng là gì và cây kim kích hỏa dài ngắn ra sao...


Các chàng khác lận-đận ì-ạch học hoài. Có khi bạn cùng khóa đã có cánh bay, đeo thiếu-úy, bay đánh bom tơi-bời ở chiến-trường rồi, vậy mà các bạn cùng khóa vẫn đang "hùng-dũng" học Anh-văn, thi hoài vẫn chưa đủ điểm đi Mỹ.


Tuy tôi chưa phải là vịt đẹt, nhưng vì thời trung-học chỉ học Pháp-văn nên thi xếp hạng Anh-văn chẳng ra cái thể-thống gì cả. May nhờ trời, chỉ học có bốn tháng là đủ điểm ECL (English Comprehension Level) đi Mỹ.


Ngày lên máy bay, chúng tôi mặc bộ vét nỉ xanh của Không-quân, đeo hai cầu vai vàng rực, phù-hiệu con rồng của Không-quân, dây biểu-chương màu xanh lá cây choàng qua cả hai chữ Việt-Nam đỏ tươi, rực-rỡ trên cánh tay áo xanh đậm. Những chiếc khuy to bằng nhôm sáng bóng, nổi hẳn lên bộ vét xanh của Không-quân.


Chúng tôi đến phi-trường San Francisco lạ nước lạ cái. Tiếng Anh chỉ biết lõm-bõm vài tiếng đủ để rời Việt-Nam mà thôi. Thấy hai chữ "rest rooms" tôi cứ ngỡ là phòng nghỉ-ngơi cho hành-khách. Có đứa vội mua post-card bỏ ngay vào thùng rác gởi cho bồ! Đến đâu đâu cũng có sĩ-quan Mỹ ra chào hỏi đưa đón. Cái choáng ngộp đầu tiên của tôi là xa-lộ gì mà to rộng quá xá quà xa! Đi máy bay có mấy đứa bị ói. Tôi cũng 'lắc-lư con tàu' nhừ-tử, vừa lo sợ lẩm-bẩm:

"Chết thật! Thế này làm sao mà lái máy bay cho được."

Đến trường sinh-ngữ Lackland làm thủ-tục xong, gặp bà bồi phòng hỏi:

"Do you have key yet?"

Tôi ngớ ra hỏi thằng bạn:

"Bả hỏi cái gì vậy mày?"


Thằng này nhắc tôi nhưng lại không đủ can-đảm há mồm trả lời. Còn tôi, sau khi hiểu ra thì rất hăng-hái:

"Dét. Dét. I have it. Thank you."

Bốn tháng sau ngày đó, tôi đủ điểm Anh-văn qua trường bay; còn thằng con "biếng ăn biếng nói" kẹt lại khóa sau.

Qua trường bay T-41, là loại giống máy bay bà già mà các bạn cùng khóa của tôi "bị xui" nên "trúng tuyển" học lái khóa 42 ở Nha-trang.


Những ngày mùa đông năm ấy không thể nào quên: kho xăng Nhà Bè bị Việt cộng phá-hoại cháy tan-tành; khối OPEC không bán dầu cho Mỹ. Cả nước Mỹ nhốn-nháo. Một chiếc tàu chở dầu sang Việt Nam viện-trợ bồi-hoàn theo hiệp-định Paris bị cản-trở ở cảng. Dân Mỹ mua xăng phải xếp hàng xin thẻ. Bộ-trưởng Không-quân lên đài trấn-an là với số xăng dự-trữ của Không-quân, dân Mỹ có thể vẫn xài phủ-phê đến ba, bốn năm nữa.


Chúng tôi không có nước nóng tắm. Trước khi tắm là phải sửa-soạn trước mền và giường, rồi cùng nhau chạy một, hai, ba, bốn cho nóng người trước khi ào vào phòng tắm mở nước, chà xà bông, xả, chạy mải về phòng đắp mền và run lên lập-cập. Tôi vẫn không thể quen được cái lối tắm chung-chạ kiểu Mỹ như vậy.


Học lái T-41 là giai-đoạn "khốn-khổ" nhất của tôi. Trong khi những đứa khác vừa lái vừa giỡn, cười đùa, enjoy thì mặt tôi cắt không còn giọt máu. Hưng, người vẫn lái máy bay vòng vòng hai lần cho hội chợ Xuân ở San Jose, là bạn cùng khóa với tôi. Khóa T-41 này, Hưng rất giỏi, được solo đầu. Coi như đậu hạng nhất. Tôi tụt xuống hạng chót. Cũng may mà còn đậu vớt. Đậu vớt là vì không thể đánh rớt được chứ cũng không đáng chấm đậu. Ông thầy tôi là phi-công oai-hùng của thời đệ-nhị thế-chiến với gần 20 ngàn giờ bay. Bay giỏi kinh-khủng và dậy dở không ai bằng. Sau này, khi tốt-nghiệp khóa phản-lực A-37 tôi mới thấy rằng tôi đậu khóa T-41 với cái lối dậy như thế chỉ là nhờ phước-đức ông bà để lại. Không rớt tàu bay chết đã là may. Mà tôi cũng chán tôi quá: đang bay bốn ngàn bộ thì tôi tàn-tàn tụt từ-từ xuống còn ba ngàn rưởi rồi lên lại ba ngàn tám. Kêu đổi hướng qua 270 thì tôi đổi đến 280. Khi cất cánh, dù thầy đã dậy bao nhiêu lần, chiếc máy bay do tôi điều-khiển vẫn niểng đầu qua một bên... Phạm lỗi hoài nhưng chưa bao giờ có thì-giờ nhận thấy lỗi vì thầy đã chụp cần lái, hét ầm lên và sửa ngay khi lỗi vừa nhen-nhúm. Mà gào thét cho lắm thì thầy tôi vẫn phải thả tôi solo (đơn phi). Nếu không thả được tôi solo sau khi đã đánh rớt hai đứa khác thì coi như thầy tôi cũng bị lay-off luôn.


Lần solo hôm đó thật hãi-hùng làm sao! Bốn lần đáp thì một lần bị đài đuổi go around vì quá nguy-hiểm. Lần thứ nhì bánh bên trái chạy lên cỏ. Lần thứ ba, bánh bên phải lăn lên cỏ. Lần thứ tư, xém chút nữa là lủi vô hàng rào ở đầu phi-trường Hondo nếu tôi không chịu "cãi lời thầy" mà nâng đầu máy bay lên, tống ga cho con tàu nấc lên một tiếng kêu ai-oán trước khi rơi đánh phịch một cái bên kia hàng rào và run-rẩy lết-lết về cuối phi-đạo để nhìn thấy bóng dáng ông thầy đang thểu-não lủi-thủi đi theo một ông pi-lốt trong hội-đồng chấm thi vào phòng họp:

"Nó bay yếu như vậy mà sao dám thả solo?"


Sau ngày đó, hình như tôi đã mường-tượng thấy một cái gì kỳ lắm trong cái kỹ-thuật dạy bay của thầy tôi nhưng chưa cảm thấy rõ được.


Đau-khổ là như thế mà cái "tánh hào-hoa" của con nhà Không-quân cũng chẳng bỏ. Tôi quen được rất là tình-cờ một em Mễ tên Julie Tôi hỏi chuyện và khen em có giọng nói quá truyền-cảm dễ thương. Thế là hẹn gặp nhau đi chơi. Tôi nhớ nhất là khi đi dạo trong cái thành lịch-sử Alamo, và dưới gầm cầu bên dòng sông êm-ả. Tôi chưa kịp ngỏ lời tỏ tình thì đã bị em ghì... ra tay trước. Đàn bà con gái gì mà... mà... dễ thương quá!


Ngày rời cư-xá Medina đi Wichita Falls học T-37, tôi tìm mọi cách ra từ-giã Julie. Buổi tối, cầm 100 đô đưa cho thằng bạn, tôi dặn:

"Mày ra PX mua dùm tao cái va-li. Vào phòng tao, gặp cái gì cũng tộng hết vào. Tao sẽ về trước khi trời sáng."

Nhưng tôi chỉ trở về bốn tiếng đồng-hồ sau khi trời đã sáng chỉ để kịp nhẩy lên xe buýt rời cư-xá trong tiếng càu-nhàu nhiếc-móc của thằng bạn:

"Mày chỉ chết vì..."

Tôi hỏi lại:

"Cho mày được chết vì cái đó... mày muốn chết không?"

Khóa chúng tôi chia làm hai. Toán của tôi đi Sheppard, toán kia đi Webb. Học phản-lực mới chính-thức là vào cuộc chơi. Bay T-41 chỉ là cho có chút ít khái-niệm về máy bay. Còn lần phản-lực này thì có quy-củ hơn nhiều. Ôm một đống sách "giáo-khoa" thấy mà ngao-ngán. Cơn ác-mộng T-41 vẫn ám-ảnh tôi không phút nguôi-ngoai:

"Chắc mình không có khiếu bay bổng quá."


Màn đầu là học nhẩy dù. Tôi lại cảm thấy là số tôi còn may quá nên đã không nổi hứng đi Nhẩy-dù như từng "ước-nguyện" theo gót ông anh tôi. Không-quân chỉ là học cách rớt dù xuống đất thôi mà tôi đã "lạnh" quá rồi nói chi tới từ trong máy bay nhẩy ra.


Sau đó thực-tập bằng cách đeo dù cho xe kéo lên như thả diều rồi huấn-luyện-viên buông dây. Chiếc dù lên cao khoảng một, hai trăm feet nhưng hồn phách tôi đã phiêu-diêu đến tận thiên-đàng! Ba lần té dập xương đủ ba. Từ đó mới biết, không phải dễ để được gọi là lính Nhẩy-dù.

Lý-thuyết về máy bay, cơ-khí, kỹ-thuật bay, nhào lộn, đối-phó với các trường-hợp hiểm-nguy và... thực-hành đi sát với nhau như hình với bóng. Học xong cách lấy tọa-độ, tính đường bay thì chậm lắm là hôm sau đã lên máy bay thực-tập rồi.


Thi-cử rất gắt-gao. Bất cứ vì lý-do gì, tổng-cộng chỉ được du-di cho thi-lại-ba-lần cho cả khóa, dù là bài lý-thuyết hay thực-hành hay là gộp lại. Lần thứ tư phải xách va-li go home. Bye!

Trong lúc nghỉ giữa giờ học là những hình ảnh blonde tóc vàng óng-ả và... cả 100% núi đồi cây cỏ chập-chùng được chiếu lên màn ảnh cho khóa-sinh rửa mắt, tỉnh ngủ và "tẩy-não". Các cô thư-ký trong không-đoàn đang đứng bên ngoài xem và "học ké" chúng tôi, cũng xem luôn, vừa cười khúc-khích. Đâu có thấy thưa kiện gì là sexual harassment như bây giờ đâu?


Ông thầy thứ nhất dậy tôi T-37 với phương-pháp giống y ông trước. Te-tua. Chán-ngán. May quá, ông ta được đổi qua phi-đoàn khác và tôi được giao cho một ông đại-úy ân-nhân của cả cuộc đời tôi cho đến bây giờ và mãi-mãi về sau, đại-úy Shetter. Tôi học được ở ông quá nhiều và nhờ đó mà tôi thoát chết... đói dưới thời Việt Cộng. Vào cockpit (phòng lái) ông ta chỉ nói với tôi mỗi một câu:

"You are on your own. Do whatever your book tells you to do. Tự mình lái đi. Theo đúng sách vở."

"Yes. Sir."

Ông thầy chỉ cho tôi phải làm gì, làm gì và như thế nào rồi... mặc kệ tôi. Hễ bay sai, tôi tự nhận thấy và tự sửa. Cuộc đời bay của tôi phát lên thấy rõ, như máy bay phản-lực đang vun-vút trên trời. Khà khà! Ta cũng đâu đến nỗi quá đần! Hai mươi ngày sau đó, tôi oai-hùng solo trên chiếc phản-lực T-37. Đáp bằng tay mặt cầm stick và cất cánh bằng tay trái. Vì công-tắc đóng mở thắng gió -speed brake- của tôi bị hư nên phải nắm cần lái bằng tay trái còn tay phải thì dùng công-tắc của bên thầy ngồi để rút thắng gió vào, rồi chụp lại cần lái bằng tay phải vừa lúc máy bay đã lại rời phi-đạo. Cất cánh đủ ba lần bằng tay trái. Trên thế-giới chắc chưa khóa-sinh "solo đầu-tiên" nào dám liều-lĩnh cất cánh ba lần bằng tay trái trong một tình-cảnh như vậy. Trước đó ông thầy tôi đã biết nhưng cũng chịu chơi nhắm mắt cho học trò liều mạng.


Tôi tự-tin vô cùng. Hăng-hái vì tay tôi đã "phiêu"- feel- được cái cần lái để xem con tàu đang muốn cái gì. Solo một, solo hai rồi solo vùng trong một tuần. Cầm con tàu sao bây giờ thấy hứng-khởi quá. Bây giờ tôi mới nghiệm ra rằng lúc học bay T-41, tôi chẳng được cho bay gì cả, toàn là thầy giật cần lái của tôi rồi bay hết cả buổi mà thôi.


Một hôm, vì là một hot stick - khóa-sinh bay giỏi - nên tôi được phi-đoàn-trưởng chỉ-định lấy con tàu solo cuối-cùng của phi-đoàn. Tôi rất hãnh-diện để lấy con tàu cuối ngày. Đó là một buổi chiều với ánh nắng đã ngả bóng ở cuối chân trời. Lúc taxi cho tàu chạy ra phi-đạo, tôi bắt gặp bóng tôi in nghiêng-nghiêng trên mặt đất với cái nóc canopy mở cao, lưng hơi khum-khum, cái nón bay, cái ống dưỡng-khí lủng-lẳng bỏ rời đang lắc-lư theo nhịp nẩy của con tàu lăn bánh. Trông oai không thể tả! Hai ống phản-lực ngốn gió vào cuồn-cuộn, rít lên như xé tai. Trông thật giống tấm hình của một ông pilot A-37 mà bộ tư-lệnh Không-quân dùng để đăng thông-cáo tuyển khóa-sinh. Cũng vì tấm hình đó mà tôi... lỡ dại đăng lính vào Không-quân.

"Đào mình thấy cảnh này chắc nó yêu mình còn dữ nữa."


Sau khi bay thật khá, chúng tôi phải bay không-hành -cross country-xuyên tiểu-bang. Đám bạn bên Webb đã hẹn tôi sang với đủ món ăn chơi. Tôi đã cùng với hai ông trung-úy, Tullis và Clark, xin phi-lệnh để cùng Xuân Tây Lai đi Webb và El Paso. Thế mà vì thời-tiết, không thể qua được El Paso "giao-chiến". Đành phải hạ cánh ở San Antonio. Cư-xá sĩ-quan chật ních. Toàn là dân bay. Toàn là áo bay tấp-nập. Chúng tôi ra thuê khách-sạn ngoài phố. May quá, còn số điện-thoại của Julie trong ví.


Tôi thấy ngường-ngượng. Lúc qua Sheppard đã cố trốn rồi thế mà bưu-điện Mỹ cũng cố tìm cho được tên tôi theo yêu-cầu của cô nàng ngoài bìa thư và cho vào hộp thư tôi cái thiệp với những hàng chữ: "When the bird forgets how to sing, the bee forgets its honey, the duck forgets how to swim then I will forget you..." và thêm giòng chữ viết tay của cô nàng: "like you forget me!!!!" Nhận xong, thấy cảm-động quá nhưng cố kềm lòng... bỏ luôn. Bây giờ đứng trở lại San Antonio, tôi bồi-hồi và bối-rối không biết có nên kêu không, hay là nó đã có bồ khác rồi, lạng-quạng bồ nó uýnh bỏ mạng.

Reng. Reng. Reng.

"Hello... Julie?"

"...Yes..."

"Hey. Anh đây, Julie..."

"Tre..eng?... Where are you?"

"Right here in San Antonio. Anh tới thăm được không?"

Cô nàng hối-hả:

"Được. Được. Nhưng mà em không có xe..."

"Thì kêu taxi ra khách-sạn Tropicana đón anh. Anh mặc đồ bay đứng trong phòng khách nghe, honey."

"OK. OK."

Một tiếng đồng-hồ sau tôi đã ở nhà nàng.

"Anh tệ quá. I hate you. You forgot me."

"Nếu anh quên em tại sao anh lại xin bay qua đây để thăm em."

Cô nàng lộ rõ vẻ cảm-động. Đàn bà sao kỳ vậy? Chỉ thích nghe những lời như thế. Đúng, sai mặc kệ. Nghe đã lỗ tai là được rồi.


Mười hai giờ đêm, nhất-định phải từ-giã nàng. Tôi biết, nếu nằm xuống là đi luôn một giấc tới sáng và chắc-chắn sẽ lãnh cái búa tạ của Không-quân. Trong khi cột lại đôi bốt-đờ-sô, tôi nói Julie gọi lại chiếc Taxi lúc nãy với tên tài-xế Mad Dog và dúi cho nàng một nắm tiền để em đi Macy shopping mua quà cho đỡ nhớ anh.


Tôi lau nước mắt cho Julie, cắn nhẹ lên bờ môi mỏng, khen nàng đẹp vô cùng, đội nghiêng cái nón ca-lô trên đầu rồi đi nhanh ra ngõ, nhập vào con đường Mathews tối đen. Xa xa chiếc taxi của Mad Dog đang chiếu đèn trờ tới.


Bốn giờ sáng lấy dù, nai-nịt sẵn-sàng, thuyết-trình cho hai ông sếp nghe sẽ đi đâu, cao bao nhiêu, hướng nào, đổ xăng, gió xuôi gió ngược. Bốn giờ rưỡi xách nón bay, lấy tàu ra đầu phi-đạo chờ. Giọng của đài kiểm-báo vang lên trên vô-tuyến:

"Shep 25 clear to take off. Cất cánh."

Bốn ngọn đèn pha rực sáng dưới hai đôi cánh. Hai cái đèn đỏ xoay tròn chớp-chớp trên lưng. Hai con tàu nhịp-nhàng dìu nhau trong tiếng rì-rầm của bốn động-cơ phản-lực. Hai tay tống ga, một cái gật đầu, bốn chân nhả thắng, các ống phản-lực gầm lên hung-hãn, đẩy hai con tàu vùn-vụt trên đường băng, lao thẳng vào màn sương đêm ướt-đẫm của thành-phố San Antonio...

Kéo cần... lên.

Lên.

Hai con tàu ngóc đầu rời phi-đạo.

“Ta là đoàn chim bay trên cao xanh.

“Đi nhìn qua khói những kinh-thành xa.

“Đôi cánh tung-hoành nhịp trên mây xanh.

“Ta là tinh-cầu bay trong đêm trăng...”


Tàu lấy dần cao-độ, êm-ả lướt trên cái đệm không-khí mát lạnh của buổi bình-minh. Hai bên tai bắt đầu tiếng kêu lụp-bụp, lóc-bóc. Rải-rác đó đây, vài cụm mây bông gòn lẻ-loi, bềnh-bồng ngái-ngủ đang dựa-dẫm sưởi ấm bên những tia nắng ban mai vàng nhạt. Chiếc đèn beacon trên nóc tháp San Antonio Tower cũng còn chớp-chớp. Những dẫy đèn chia thành-phố ra từng ô thật rõ thật đều. Ở một góc nào đó của thành-phố này, nàng Julie yêu-kiều của tôi chắc đang ngủ vùi sau những tiếng đồng-hồ nồng-nàn tâm-sự.

"Em phải ngủ ít nhất đến 11 giờ sáng mới lấy lại sức. Chết rồi! Không biết nàng có nhớ dẫn con nàng đi học hay không? "

"Ngủ đi mộng vẫn bình thường

“À ơi có tiếng thùy-dương mấy bờ.

“Cây dài bóng xế ngẩn-ngơ.

“Hồn anh đã chín mấy mùa buồn đau..."

Đó là lần cuối-cùng tôi gặp lại Julie, một thiếu-phụ đa-tình của xứ Mễ Tây Cơ.


Tàu vụt lướt vào một cơn mưa. Chúng tôi quyết-định bay xuyên trong mây. Chung quanh tối mờ mờ. Một luồng mây theo lỗ gió tràn vào phòng lái, thẳng tắp. Hai tay đeo găng chợt ướt lạnh. Tàu vẫn lừ-lừ ngóc đầu lấy cao-độ. Những giọt nước li-ti..., thật li-ti chảy bắn thành dòng ngược lên đỉnh. Mắt đảo qua ba, bốn dẫy đồng-hồ phi-cụ. Tất-cả đều trong tình-trạng toàn-hảo. Mở heat. Hơi nóng tràn vào thật ấm. Mở luôn heat cho cái pitot tube kẻo nó đóng băng thì đồng-hồ tốc-độ hết chạy. Nhìn qua tàu bên cạnh, Xuân Tây Lai vẫn đeo sát một bên, thật đầm.

"Thằng này bay formation cũng đẹp quá chứ!"


Pi-lốt đang bay coi oai thật! Nón bay trắng, cái kính visor nâu đen che trùm đến mặt nạ và ống dưỡng khí. Hai bên vai là những dây đai của chiếc dù. Lỉnh-kỉnh trước ngực nào là nút, nào là dây, nào là khóa và móc sắt, nào phẹc-mơ-tuya. Màu cam của ống-thuốc-nổ-tự-động-mở-dù nổi bật trên nền áo bay xanh xám. Rồi lại phù-hiệu xanh xanh đỏ đỏ cam cam trước ngực và trên cánh tay áo. Chết thật! Ai vẽ kiểu cái áo bay như thế này hèn gì "đám con gái" cứ mãi xếp hàng ngẩn-ngơ trước cổng Phi-Long! Ở Nha-trang, các nàng ra tay trước, còm-măng sẵn ở cổng Long-vân của trung-tâm huấn-luyện Không-Quân. Đến là tội-nghiệp cho Không-quân, bị săn đuổi ráo-riết từ trên trời cho đến khi xuống đất! Có lẽ ngoài Không-quân chưa ai nghe rằng: "Mỗi đường bay là một cánh hoa rơi." Thật ra hoa như hồng, như lan, như lây-ơn... ai mà nỡ cho rơi. Còn hoa cà-chớn thì... cứ tự-do rơi.


Hai mươi ngàn bộ.

Ánh sáng bỗng vụt chan-hòa, rực-rỡ chói-chang như cảnh thiên-đàng.

Trần mây giờ lại trở thành một thảm mây.

Không một ai cả! Chỉ có một tấm thảm mây mênh-mông và hàng ngàn hàng vạn những ngọn "núi mây" cao thấp chập-chùng, sừng-sững hiện ra trước khoảng không-gian xanh thăm-thẳm... ngút-ngàn... Hai con tàu chơi-vơi, bay giữa trời xanh mây xám. Hai con người Việt-Nam đang lướt trên mây ngàn của đất nước Hoa-kỳ! Ôi Không-gian vô-cùng vô-tận! Bao-la, hùng-vĩ biết là bao! Tôi bật cười nhớ lại thời huấn-nhục, các ông anh hành-hạ ước-mơ "pilot" của chúng tôi khi bắt chúng tôi vừa bò vừa lết vừa ngâm:

"Ôi Không-gian giờ đây ta mới biết.

“Mộng mây trời đã giết chết đời ta."

Tôi bỗng ước-ao có Tề-thiên Đại-thánh cầm thiết-bảng hiện ra cùng bay với chúng tôi cho vui. Tôi đẩy cần ga vụt lên trước bỏ lại Xuân Tây Lai sau lưng, lộn ngang hai vòng. Đã quá!

Mây ơi là mây! Tôi muốn ôm mây mà cắn, muốn ngủ trong mây, hít một hơi mây thật dài thật sâu thật đậm. Tôi muốn nằm vắt-vẻo bềnh-bồng trong mây, muốn bò trong mây, chạy nhẩy tung-tăng trong mây. Tôi muốn đem một chút mây về cho cả thế-gian này làm kỷ-niệm của chốn thiên-thần.


Cầm phản-lực nhào lộn 20 ngàn bộ trên mây! Một ước mơ của bao người con trai trên thế-giới! Tôi may-mắn và sung-sướng biết là bao! Ôi các phi-diễn nhào lộn trên không đã từng một thời làm tôi mơ-tưởng: Cuban eight, clover leaf, loop, roll... Ôi những khi đem tàu quật ngang quật dọc vẫy-vùng, áp-lực của trọng-lực G và sức ly-tâm đè chặt cứng lên người..., thật... đã.

Tiếng Morse quen thuộc từ phi-trường vọng lại tai tôi. Tít tít tít. Tít ta ta tít. Tít tít tít.

Từ 25 ngàn bộ, chúng tôi đã thấy bóng phi-trường Sheppard. Tiếng Morse vẫn vọng lại đều đều trên vô-tuyến. Tít tít tít. Tít ta ta tít. Tít tít tít.

"Shep 25 gọi đài kiểm-báo Sheppard."

"Sheppard nghe rõ. Shep 25 xuống 5 ngàn feet. Vòng qua Henrietta. Hướng 330. Vào đáp phi-đạo 15. Gió hướng 180, 10 knots. Over."

Cúp ga cho tàu trườn xuống. Áp-lực không-khí nặng chình-chịch ở hai tai. Valsava. Valsava.

"Shep 25 trên Henrietta. Đang vào đáp. Over."

"Shep 25. On course. On glide path. On course. On glide path. Đúng hướng đáp. Clear to land. Over."

Đáp đôi.

Như hai con đại-bàng đang cong mỏ, quắc mắt, xòe cánh, giương móng, chúng tôi cùng xuống.

Cùng xuống. Xuống thấp. Thấp.

Flare. Ngóc đầu lên.

Flare... Flare...

Kéo cần...Kéo...kéo...

Cúp ga.

Chạm đất.

Formation touch down.

Beautiful! Hãy cho tôi nghe bài hát của Không-quân!

“Ôi phi-công danh-tiếng muôn đời.

“Nhìn xa... Phi-trường Việt-Nam.

“Không-quân ra đi cánh bay rợp trời.”


Với cái trớn hăng-hái đó, tôi hùng-dũng ngốn hết các chuyến bay trong chương-trình. Những kỳ thi dồn-dập tới-tấp. Thi academy lý-thuyết: gió nào mây nào, con ốc, con vít, nút kiểm-soát, cầu chì nào ở đâu, bị emergency thì phải làm gì...mỗi hai tuần lại phải thi. Thi bay lúc đầu còn từ từ: căn-bản C-9, contact, rồi đến lúc gần mãn khóa phải thi gấp nên bay cũng gấp, bay cả thứ bẩy chủ nhật, một ngày ba chuyến nhào lộn tưng-bừng. Thi phi-cụ instrument, link, formation (hợp-đoàn), không-hành... Thi đủ bài. Bay đủ giờ. Ngày gắn cánh, cấp bằng bay đã đến. Khoá-sinh chúng tôi cảm thấy thật là mãn-nguyện cho cái ước mơ nghe qua tưởng chừng giản-dị nhưng có lúc hầu như đã quá tầm tay với:

Lễ gắn cánh bay. Quá cảm-động và hào-hùng.

Cám ơn đất nuớc và dân-tộc.

Cám ơn Quân-lực Việt-Nam Cộng-hòa.

Cám ơn quân-chủng Không-quân.

Chúng tôi nghĩ đến nhiệm-vụ trước mắt, nghĩ đến những đàn anh, những hy-sinh và bây giờ, chúng tôi... những đàn em tiếp bước.

Đến đây là hết phần kể học bay T-37 ở Mỹ của Hoàng Văn Trung. Như đã kể về Khóa 44 Hoa Tiêu Quan Sát bên trên, có năm người học T-37 tại Phan Rang là Huỳnh Văn Chín, Phạm Văn Hiếu, Lưu Khải Minh, Đỗ Trọng Nhâm, và Trịnh Vĩnh Thụy.


Trong những anh em SVSQ Phi Hành, có những người đã được chuyển sang Không Phi Hành trong thời gian huấn luyện. Phần Đinh Văn Vượng thì du học Mỹ năm 73. Đầu tiên là học Anh văn ở Lackland Air Force Base, Texas. Sau đó học bay trực thăng ở Fort Rucker, Alabama. Vượng, Lâm Ngọc Tuấn 72A, và một bạn khóa khác cùng học bay với một thầy. Tuấn trội nhất trong nhóm nên được thầy thả cho solo. Chẳng hiểu vì rét quá hay vừa bay vừa nhớ đào mà ngay trong lần đầu tiên bay thử Tuấn đã rơi trong một rừng cây làm máy bay vỡ tan tành, may mà chàng chỉ bị gẫy chân. Vì vụ đó mà ông thầy dạy bay của ba chàng cứ bị lôi ra hội đồng kiểm thảo hoài! Phần Vượng và anh bạn còn lại hoặc vì không có khiếu bay hoặc vì thầy bị ê càng nên không dám thả cho solo. Nhờ gặp lúc có tài khóa, Vượng được chuyển qua học khóa không phi hành về ngành Điều Khiển Không Chiến ở Tyndall Airforce Base, Florida. Vượng về nước và học điều chỉnh sĩ quan ở Nha Trang năm 74.


Theo lời Nguyễn Na thì 72A ngoài bạn Vượng ra còn có Na, Tống Văn Dũng, Trương Văn Hóa, và Nguyễn Văn Chín du học về cùng làm trong ngành Kiểm Báo. Những bạn này được gọi là Sĩ Quan Điều Không. Họ làm việc ở đài Kiểm Báo để intercept khi có máy bay lạ vô vùng chứ không phải là để liên lạc như nhiều người lầm tưởng.


Trong các anh em Không Phi Hành từ đầu thì có bạn Hồ Đắc Tiến. Theo lời Tiến kể lại thì khi các SVSQ PH qua Ngân Hà thì các SVSQ KPH ở lại Phi Dũng, và Tiến làm SVSQ cán bộ phụ trách an ninh. Qua đầu năm 73 thì Tiến được theo học khóa 17 Bảo Trì Phi Cơ. Khóa học có 10 giai đoạn, mỗi giai đoạn có 3 tuần. Có 13 SVSQ trong khóa 17 BTPC, kể cả các bạn sau.

1. Dương

2. Liêm

3. Nguyễn Đức Long

4. Tài

5. Hồ Đắc Tiến (sau chuyển qua khóa 18)

6. Nguyễn Văn Tiến

7. Từ Phước Thiện (sau chuyển qua khóa 18)


Khóa 17 cùng ở trại Hoàng Yến với khóa 42 HTQS. Trung Úy Hiển, trước kia làm Thiếu Úy Huấn Luyện Viên Quân Sự Phi Dũng, là Sĩ Quan Trưởng Trại Hoàng Yến. Ông Hiển là một thầy tu xuất thường giúp Cha Tuyên Úy làm các thánh lễ trong Trung Tâm Huấn Luyện. Sau khi các sĩ quan khóa sinh học khóa quan sát viên ở trại Hoàng Yến ra trường đi rồi thì Tiến làm SVSQ cán bộ Trưởng Phòng Nhân Viên Hoàng Yến. Trong thời gian này, SVSQ KPH Nguyễn Văn Tiến cùng khóa 17 BTPC đang làm SVSQ Không Đoàn Trưởng coi hết Ngân Hà, Hoàng Yến, và Thiên Nga. Ngày ngày bạn Nguyễn Văn Tiến phải về bên Ngân Hà làm việc, dù quân số của bạn này vẫn nằm trong sự cai quản của Hồ Đắc Tiến ở Hoàng Yến. Bạn Hồ Đắc Tiến là một trong sáu SVSQ ở trong căn nhà vòm dùng làm phòng trực. Nơi đây là nơi yết thị nhật lệnh. Những khóa sinh ở Hoàng Yến thỉnh thoảng mới có chào cờ và tương đối được thoải mái hơn các anh em ở các trại khác.


Bởi ở cùng dưới những căn “nhà vòm” của trại Hoàng Yến, bạn Hồ Đắc Tiến quen biết nhiều các anh em 42 HTQS và thường đi ăn với Tạ Viết Đỉnh. Bởi thân quen và muốn che chở cho anh em nên Tiến đã bị một tai nạn. Một hôm Trần Văn Ứng của 42 HTQS dù về Sài Gòn chơi, và dù rằng đã biết như vậy, nhưng khi báo cáo quân số Tiến đã báo cáo đủ. Không may Trung Úy Hiển biết được và đã nhốt Tiến một tuần. Bởi vì vắng mặt mất một tuần trong ba tuần lễ của Giai Đoạn 6 của khóa học, Thiếu Úy Nghiêm là huấn luyện viên đã thuyên chuyển Tiến từ khóa 17 qua khóa 18, làm cho Tiến ra trường trễ mất khoảng ba tuần lễ. Khóa 18 ra trường vào tháng 11/73, tức là khoảng cùng lúc với khóa 42 HTQS. Sau khi rời Nha Trang, có hai bạn thuộc khóa 18 đã ra Đà Nẵng. Hồ Đắc Tiến coi cơ xưởng Động Cơ Phản Lực, và Nguyễn Hữu Danh coi cơ xưởng Trực Thăng.


Trong những người đi học bay ở Mỹ, có ba anh em đã ở lại vì hoàn cảnh riêng. Nguyễn Duy Bình thì vì nợ nần một cô gái Mỹ còn trong lứa tuổi trung học. Bùi Mộng Lân và Nguyễn Trọng Tiến thì không biết vì lý do gì.


Sau này khi đoàn sinh viên sĩ quan dọn qua trại Thiên Nga thì quán ông bà Tá cũng trung thành dọn theo, và những chiếc thẻ lương vẫn đều đặn lên nằm ở đó cho đến kỳ lương hàng tháng. Cuối năm 73 trời hay có giông bão, có đêm mưa bay thốc từng luồng nước từ cửa sổ bên này sang bên kia. Những bạn chưa có tài khóa đi học bay giờ này cũng đã thấy ngao ngán với các cuốn sách Anh ngữ 2100, 2200. Khóa 42 Hoa Tiêu Quan Sát phần vì sắp ra trường phần vì anh em 72A đã rời Nha Trang đi gần hết nên rất nôn nóng. Mấy thằng phá phách của Khóa 42 nhiều đêm thức trễ binh xập xám đói bụng đã cậy tủ của Trần Văn Ứng và Hiệp 72E ra lấy đồ hộp ăn cùng cà phê sữa đặc uống. Tối tối cứ hễ buồn không có chuyện gì làm thì tôi lại lôi Quan Đen ra tập hát bản nhạc dịch Đồng Xanh. Câu chót của bài hát là “Và đã bao năm rồi ta đứng chờ giữa cánh đồng” mà Quan luôn luôn hát thành “Và đã bao năm rồi ta đứng chờ ai giữa cánh đồng”. Bởi Quan tự thêm vào một chữ “ai” đó mà lần nào nó hát cũng trật nhịp. Chỉ có một chút đó mà cho tới khi mãn khóa chia tay ra phi đoàn nó và tôi sửa vẫn chưa xong.

No comments:

Post a Comment