Thursday, January 8, 2015
MỸ NHÂN NGƯ
Ngày mới lên 5 tuổi, tôi đã từng rất say mê đọc những câu chuyện cổ tích và huyền thoại khắp nơi trên thế giới, những câu chuyện cổ tích Việt Nam cho đến các huyền thoại Ngàn Lẻ Một Đêm, rồi những lâu đài diễm lệ, xa hoa Thời Trung Cổ Châu Âu, hay cái huyền bí đầy phép lạ kỳ bí của xứ Ấn Độ...
Một trong những câu chuyện huyền thoại của Châu Âu mà thằng bé tôi từng mê mẩn là câu chuyện về Cô Người Cá của tác giả Hans Christian Andersen. Thời ấy tôi từng ngồi vẽ tranh, tô màu vào cuốn tập học sinh để minh họa, câu chuyện cũng do tôi “chấp bút” kể lại, đó là “cuốn sách” đầu tay của tôi năm lên 7 tuổi, đã ra đời. Bọn trẻ con trong xóm đã đến mượn về xem rất nhiều… Rồi thời gian qua đi, tôi lớn lên, bước vào đời, có dịp được đi đến nhiều vùng đất lạ. Trên những chặng đường đi, mỗi lần gặp phải một địa danh nổi tiếng mà tôi từng được biết đến qua sử sách là bằng mọi cách tôi phải cố gắng tìm đến. Tôi vẫn đùa với chính mình là những chuyến đi ấy là “hành hương về thánh địa tuổi thơ”, bởi vì những cuốn truyện cổ tích dày cộm ngày xưa là những “thánh kinh” của tuổi thơ tôi, đã đưa tâm hồn tôi có những bước bay bổng, nên thơ.
Trong một lần đến Đức, quốc gia có rất nhiều dòng sông chảy qua, tôi chú ý nhất là con sông Rhine với huyền thoại về Mỹ Nhân Ngư tại đây. Ký ức tuổi thơ trở về, tôi như đứa trẻ mừng rỡ, đã nhảy tưng tưng khi mua được một tấm vé leo lên con tàu chạy dọc con song. Con tàu đã đưa tôi đến tận nơi mà theo huyền thoại dân gian, Cô Người Cá đêm đêm vẫn trồi lên, hát những âm điệu ai oán…các thủy thủ khi đến eo sông này bỗng run tay khi nghe tiếng hát của mỹ nhân ngư, họ đã không thể điều khiền tay lái. Các con tàu vì đó mà va vào đá ngầm, từng chiếc, từng chiếc chìm xuống đáy sông…
TÌM HIỂU CÂU CHUYỆN DÂN GIAN
Trên thế giới có nhiều truyền thuyết và nhiều địa danh liên quan đến những câu chuyện về người cá. Tại Đức có hai câu chuyện lưu truyền song song nhau về Mỹ Nhân Ngư Lorelei tại eo sông Rhine này. Câu chuyện thứ nhất: Từ ngàn xưa, có một đôi trai gái yêu nhau say đắm, ngày nọ chàng người yêu dong thuyền ra khơi đi đánh cá, nhưng anh đi mãi không quay về; nàng Lorelei mỗi ngày vẫn ra ngồi trên mỏm đá ở eo sông nhìn về xa xăm, chờ đợi. Sự mong chờ đã biến thành nỗi hoảng hốt và đau khổ theo thời gian. Cô khóc những lời ai oán đến mỏi mòn và chết đi trong đớn đau tột cùng của một tình yêu không trọn vẹn. Oan hồn của cô đêm đêm vẫn quay về, vẫn tiếp tục cất tiếng hát, tiếng khóc than trong gió luôn làm nao long và run tay cả những ngư phủ gai góc và gan dạ nhất khi họ lái tàu đến eo sông này…rất nhiều những con tàu đã đắm ở đây, gây nên nhiều nỗi kinh hoàng cho dân chúng và các con thuyền…
Câu chuyện thứ hai nói về một thiếu nữ tên Lorelei có nhan sắc làm đắm say tất cả những người đàn ông nào vô tình nhìn thấy cô. Cô hay ngồi trên mỏm đá chải mái tóc dài óng mượt, và cũng vì vậy mà những ngư phủ lái tàu khi đến khúc sông này đều run tay, mê mẩn, họ không cầm được tay lái nên tàu va vào vách núi dựng đứng vỡ tan…Dân chúng trong vùng quy tội cho cô là phù thủy, là nguyên nhân gây ra những vụ đắm tàu. Một vị tướng được nhà vua phái đến với trách nhiệm phải kết án tử hình cô để cho dân tình được an bình. Tuy nhiên khi gặp mặt cô, vị tướng này đã mê mẩn nhan sắc của mỹ nhân nên đã không thực hiện được. Ông đã truyền cho hai người lính áp giải cô về kinh đô. Trên đường đi, cô yêu cầu hai người lính cho cô được leo lên mỏm đá nhìn lại dòng sông Rhine quê nhà của cô một lần cuối. Quả thực đó là lần cuối cùng vì cô đã gieo mình xuống từ trên cao. Cũng theo truyền thuyết, khi Lorelei chết đi, oan hồn cô đã trở về báo oán những con tàu, những người đàn ông đã kết tội cô một cách oan ức. Nhiều thế kỷ trôi qua, những con tàu vẫn tiếp tục bị chìm ở khúc sông này. Khi nhắc đến giao điểm của thị trấn Sankt Goar nằm bên dãy núi Taunus, giữa Thụy Sĩ và Bắc Hải, người ta vẫn kinh hoàng vì những vụ đắm tàu kéo dài hàng trăm năm, nhất là vào những đêm khuya thanh vắng khi tiếng hát như than khóc của một cô gái lãng đãng trong gió vọng lên từ mặt nước, thoảng đến nhẹ nhàng từ vách núi, bàng bạc trong không gian tối đen, se lạnh…
NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẢI HÙNG
Địa hình tại khúc sông này rất hiểm trở với vách núi dựng đứng và nhiều đá ngầm. Nơi đây từng có một dòng thác đổ xuống từ núi cao, âm thanh của dòng thác đã vang vọng vào vách núi, âm thanh đã được nhân lên, to hơn gấp bảy lần. Tuy nhiên vào giữa thế kỷ XIX, dòng thác này đã ngưng chảy. Vào những đêm tối, khi các con tàu đi đến khu vực này, các ngư phủ nghe rất rõ âm thanh vang vọng của núi rừng, gió rít qua vách núi, rặng cây rất rùng rợn. Địa thế đặc biệt nơi đây đã tạo nên những âm thanh nghe như ma quái, ai oán, tựa như lời than khóc của một cô gái văng vẳng trong gió. Theo thời gian, huyền thoại về tiếng hát ai oán não lòng của Mỹ Nhân Ngư đã làm hoảng sợ nhiều ngư phủ và dân chúng quanh vùng. Khi họ lái tàu đến nơi này vào ban đêm, họ bị run tay khi nghe những âm thanh không bình thường ấy. Các ngư phủ không giữ được bình tĩnh, tàu thường va vào đá ngầm, vỡ và chìm xuống đáy sông.
Phong cảnh tuyệt đẹp đi kèm với huyền thoại nơi đây đã được UNESCO chọn là một trong những địa điểm cần được bảo vệ. Chính phủ Đức đã cho cắt hết những mỏm đá ngầm bên dưới, nguyên nhân chính của những vụ đắm tàu kéo dài hàng nhiều thế kỷ. Khúc sông đẹp nhất hiện nay kéo dài 25 km (16 miles), vách núi đá dựng đứng cao 132 m (145 yards), đáy sông nơi sâu nhất là 22m (24 yards). Hiện nay, eo sông này rất an toàn, đáy sông rất sâu, không còn đá ngầm. Những du thuyền lớn từ biển vẫn có thể rẽ vào. Bên bờ sông có một bức tượng của Lorelei được dựng lên như một nhắc nhớ về một tình yêu mãnh liệt, về nhan sắc của Mỹ Nhân Ngư đã đi vào huyền thoại. Nhiều thế kỷ đã qua, Mỹ Nhân Ngư luôn là đề tài cho nhiều nghệ sĩ sáng tác qua các thể loại như văn, thơ, nhạc, họa, điêu khắc, kịch nghệ…
Kể từ khi con người biết làm du lịch, các quán xá, khách sạn đã mọc lên gần khu vực. Ngày xưa kia chỉ toàn hoang vắng thì bây giờ các du thuyền neo lại cho du khách chụp hình, núi được xẻ ra để làm đường cho xe hơi chạy …. Tôi đi bộ một mình đến đây, ngồi im lặng! Tôi ngồi đó rất lâu để chờ Nàng Lorelei từ ngàn xưa quay về trong gió cùng bóng chiều tà...Tôi nói thầm với nàng rằng hãy quay về và kể cho tôi nghe nỗi đau khổ của mối tình tuyệt vọng, hãy cất lên giai điệu trầm bổng và hãy dùng cơn gió lạnh thổi về từ Bắc Hải kia rót vào tai tôi những tiếng than.
Tôi dựa vào phiến đá, từ từ nhắm mắt lại, thử đẩy lùi những văn minh vật chất ra xa, kéo thời gian cổ đại trở về...hình như tôi có thiếp đi vài phút .... Mỹ Nhân Ngư Lorelei đã ngồi đó tự lúc nào, tóc xõa dài, nàng đang nức nở, đau thương...
Tôn Thất Hùng
No comments:
Post a Comment