Monday, April 8, 2019

Mời đọc: Tưởng nhớ đến Pilot A37 Ó Đen LÝ TỐNG. Chuyện Bên Đường 4-2-19

CBĐ bắt đầu bằng lời cầu chúc người bạn tù Lý Tống, sớm về yên vui bên nước Chúa, một tôn giáo, Tống đã chọn trước khi lìa đời. CBĐ chia xẻ cùng các bạn một vài tin tức khi Lý Tống ở tù tại trại Lam Sơn (tổng trại 6 của Việt Cộng ), sau này chuyển tới tổng trại 4, tổng trại 5 tại Cùng Sơn Tuy Hòa , và cuối cùng trại A30 Tuy Hòa, tại đây, Lý Tống vượt trại. Thật tình, nếu không đi tù 1975, tôi sẽ chẳng bao giờ biết Lý Tống (Lê Văn Tống) là ai, vì cả hai, Tôi và Tống đi lính khác đợt tuổi, khác quân chủng, Tống Không Quân, tôi Biệt Động Quân. Một điểm nữa, nếu Tống không có một đời tù sôi nổi và nhiều biến cố do mình lựa chọn, có lẽ tôi cũng chẳng bao giờ biết Lý Tống là ai. Chuyện Tù bắt đầu. Khoảng giữa tháng 5 năm 1975, tôi và vợ con trên đường từ Sài Gòn về Nha Trang, chiếc xe đò của tôi bị hai tên du kích chận tại Cam Ranh, tụi nó xét giấy tờ từng người, khi biết tôi là sĩ quan VNCH, chúng bắt tôi nhốt tại Cam Ranh, khoảng 10 ngày sau, chở tôi tới Trung Tâm huấn luyện Lam Sơn cũ tại Dục Mỹ. Tại đây, chúng chia thành nhiều trại nhỏ, tùy theo cấp bậc, tôi ở chung với sĩ quan lớn cấp, chúng gọi là tổng trại 6. Những ngày đấu tại trại tù, chúng chia thành từng nhóm 3, 4 chục người, gọi là Lán. Khoảng hai ba tuần, chẳng làm gì, ngoài những giờ học chính trị. Hơn một tháng, tụi tôi bắt đầu phải ra khỏi trại để chặt củi, chặt lá kè, trồng khoai mì. Lúc này tôi mới biết, sống chung với tụi tôi, còn rất nhiều sĩ quan, từ Tá, tới thiếu úy. Một hôm, khi đi chặt cây ngoài trại, bọn tôi nghe chuyện một người Tù của trại khác, nghe phong phanh, một Trung Úy không quân, trốn trại , và bị bắt lại, trói mang về, vì bị bắt tại Khánh Dương, trên đèo Ban Mê Thuột. Nếu chỉ là trốn trại, bị bắt, có lẽ tin đồn không nhanh như thế, suốt mấy ngày, ai cũng nói, cũng rỉ tai với nhau, và cái tên Lý Tống là người vượt trại bị bắt. Tin nhiều người ngưỡng mộ nhất chính là khi bị bắt về tới Lam Sơn, hai tên cảnh vệ bắt Lý Tống quỳ, Tống không quỳ, còn phanh ngực thách thức, mấy anh có bắn thì bắn, tôi không quỳ lạy ai cả, và Tống còn hiên ngang, mấy anh giết một Lý Tống, hàng ngàn Tống khác sẽ đứng lên, nghe nói, hai tên cảnh vệ đánh mấy báng súng, cho vào cùm. Tất nhiên, tôi chỉ nghe nói lại, chứ không chứng kiến tận mắt, nhưng tin này càng ngày càng được đồn ra, và càng ngày càng được kiểm chứng là tin thật. Ai trong trại, cũng kể cho nhau nghe, tôi thật ngưỡng mộ Lý Tống, nhưng chẳng bao giờ có dịp gặp mặt từ ngày ấy. Tổng trại 6, hàng ngày, Tù vẫn đi lao động, tối về từng lán, từng trại, chẳng bao giờ tôi biết Tống là ai, chỉ nghe mấy người trại dưới nói, Tống vui vẻ, nói giọng Huế, cao khoảng 1.7, trắng trẻo, đẹp trai. Chuyện Tống tại Lam Sơn thêm một vài thành tích như đào trộm mì, thả, rồi nhốt vài ngày, không đáng kể. Khoảng gần một năm sau, tất cả tù phải chuyển lên Sơn Hòa, Củng Sơn, thuộc Tuy Hòa. Tôi tới trại 53, ở trại này có đại tá Lương, Lữ đoàn trưởng Dù, và một số TDT Dù như Thành, tđ phó tđ 11 Dù ( K19). Tống ở trại 54, và nhiều sĩ quan cấp nhỏ khác, được chia ra thành nhiều trại khác nhau. Hằng ngày, tụi tôi các người khác ra ngoài lao động. Tôi cũng chưa thấy mặt Tống, nhưng vẫn nghe, những biến động do anh em đi làm gặp nhau kể lại, cũng vẫn Tống, cải cán bộ, bị cùm, rồi thả, rồi cùm. Một hôm, khi ra ngoài làm, một vài người trại tôi gặp vài người cùng trại với Lý Tống, kể chuyện động trời, đêm qua, Lý Tống , khi đang trong cùm, thì đột nhiên, khoảng 4 giờ sáng, trời còn tối chưa thấy rõ mặt người, Lý Tống la rất lớn “ Anh em tù ơi, tụi Việt cộng đánh và tính giết tôi. Cả trại 4 ở trong hàng rào cây kiên cố, trại cùm Tống ở ngoài hàng rào, mọi người đều nghe, nhưng tụi bảo vệ không cho ai ra ngoài. Cả trại 4 lo lắng, không biết Tống ra sao? Mọi người chỉ cầu mong bọn cai tù đừng bắn Tống. Họ ngồi chờ sáng, mong nghe tin của Tống. Trời sáng, Tù được lệnh tiếp tục đi làm, chẳng biết ra sao, nhưng chắc chắn chưa chết, vì không nghe tiếng súng nào cả. Tin tức Tống la ó chửi rủa bọn cảnh vệ loan nhanh tới mọi người. Cả trại 53 nơi tôi ở, mọi người đều biết tin. Riêng tôi, tuy chẳng quen biết gì Tống, nhưng trong bụng, luôn mến mộ Tống, lòng tò mò, muốn thấy Tống, và nói chuyện với Tống, dù chỉ một lần. Sau biến cố này khoảng một tuần, một buổi chiều, mọi người đã ăn cơm xong, người thì đánh cờ, người đi tắm, người nằm võng tòn ten. Hôm đó, khi mặt trời chưa lặn, trời còn sáng, một tin như điện đưa ra, ai cũng nói với nhau, Lý Tống bị chuyển trại từ 54 tới trại tôi, mới bị cảnh vệ nhốt trong cùm. Tôi không thấy, nhưng những người khác quả quyết Lý Tống trăm phần trăm. Tôi mừng thầm, cuối cùng chuyện gì đến đã đến, sớm muộn gì, tôi sẽ gặp Tống, vì tôi đã biết nhiều tù trước tới nay, tù bị chuyển tới trại tôi, sẽ được vào hàng rào, đi lao động chung với anh em khác. Như dự đoán, một hôm, một tên tù, dáng người cao ráo, trắng trẻo, bề ngoài trông hiền lành, đẹp trai đi theo hai cảnh vệ vào trại tôi, khỏi cần đoán non, đóan già, ai cũng biết đó là Lý Tống, Tống ở lán 7, gần lán 8, và lán 9 tôi ở. Mấy ngày quen trại đã qua, Tống băt đầu đi làm ngoài trại. Tống được lòng anh em, không phải vì thành tích chống đối, tù trong tù, cùm trong tù, nhưng vì Tống rất hoạt bát, nói chuyện tiếu lâm, nói chung, rất vui vẻ. Hồi đó, thứ bẩy, trại cho đá banh, đánh bóng bàn tôi và Tống cùng phe, tôi và Tống, cùng trang lứa, tôi hơn Tống hai tuổi. Đi làm chung, hay nghỉ trong trại, tôi bắt đầu hỏi chuyện Tống, Tống kể với giọng Huế, hơi nặng. Chuyện bắt đầu Tống kể tên tại sao là Lý Tống, không phải họ Lý mà tên thật là Lê Văn Tống, nhưng có một thời Tống làm quản lý tại câu lạc bộ không quân Huỳnh hữu Bạc tại Tân Sơn Nhất, vì vậy Không Quân đặt nick name Lý Tống (Tống quản lý). Phi vụ cuối cùng, tại Phan Rang, Tống lái A 37, bị hỏa tiễn tầm nhiệt bắn rơi, giải đi nhiều trại, vì lúc đó VC chưa chiếm được Saigon. Tôi hỏi, khi bị bắn rơi, sao mày không trốn, Tống nói, tụi chặn bò thấy tao, đi theo, bị lộ nên bị bắt. Tôi ở với Tống cả năm, Tống có những cá tính khác người, tuy không phải lập dị, dễ ghét, chẳng hạn Tống không bao giờ mang dép râu, kể cả khi đi khiêng súc (cây lớn, ngoài trại về cho tủ xẻ thành ván). Lúc nào đôi dép cũng treo trên cổ, ngang hai bả vai, luôn đi chân đất, và ăn rất khỏe. Tống ăn mọi con vật, ễnh ương, cóc, nhái, rắn. Tống thường khôi hài “ Con gì nhúc nhích là ăn hết “. Buổi chia cơm, Tống luôn để một nón nhựa riêng, ai không ăn hết phần khoai mì, cứ việc bỏ vào chiếc nón. Tống bắt đầu giã, nhồi, cho chút muối, và vài miếng ớt, vài cọng rau thơm, nhồi thành quả banh nhỏ nhỏ, Tống ăn hết. Tôi tưởng tượng, phải hai ngày, tôi mới ăn hết một trái banh của Tống. Trong tù, cứ 3 tháng, một người có gia đình, được thăm nuôi một lần. Tống là loại mồ côi, chẳng ai thăm. Có một cái Tết, Tống được một người anh, nghe nói làm công chức cho VC ở ngoài Bắc, tới thăm. Ông này mang cho Tống mấy quyển sách, khuyên Tống cải tạo tốt. Đó là lần đầu tiên Tống được người nhà thăm, khoảng 6 tháng sau, lần thứi hai, Tống được gọi ra thăm riêng. Tống từ chối, cán bộ trại hỏi tại sao?. Tống trả lời.Tôi không bà con với người đó. Trong trại, Tống tập thổi sáo, nhiều quý vị đã hình dung tiếng sáo của người mới tập như thế nào rồi, ai cũng muốn điên, nhưng nói gì thì nói, cứ mỗi buổi trưa, lại nghe tiếng sáo giết người này, tiếng sáo cho tới ngày chuyển trại về A30, cũng vẫn đinh tai nhức óc, chẳng bao giờ dịu được chút nào. Tại trại 53, không có biến cố gì đối với Tống. Khoảng năm 1980, tụi tôi và Tống chuyển trại về A30. Tôi và Tống ở khác nhà, nhưng vẫn trong hàng rào. Tôi và Tống, tuy ở khác nhà, nhưng lại chuyên về trồng lúa. Tôi may mắn, được nấu nước cho đội, còn Tống ở lẫn lộn với nhóm hình sự. Một hôm, trưa thứ Sáu, tôi mang gánh đi lấy củi, chuẩn bị cho ngày hôm sau. Tôi thấy Tống nằm dưới một bụi chuối, ở đây chuối hằng hà sao số. Tống mặc bộ quần áo Tù, loại sọc đen, đỏ gụ, loại này nghe nói, trước đây của tù người Mỹ tại trại tù Hilton thường mặc. Tôi tưởng Tống ngủ quên, tôi nhắc, Tống, đội mày ăn trưa xong đi làm hết rối, sao mày còn nằm đây. Tống trả lời, tao đau đầu, xin ông Lía (Lía là cán bộ quản giáo của Tống), nghỉ buổi chiều, tao đau đầu quá. Hai anh em chỉ nói thế, tôi tiếp tục vào rừng kiếm củi. Hôm sau, thứ bẩy, mọi người đều nghỉ lao động, ở trong rào trại, thường tù đi thăm nhau, nói chuyện gẫu, hay nấu những món lượm lặt được khi làm việc ở ngoài. Mọi người nghe tiếng kẻng, ai nấy phải về nhà để điểm danh, cuối cùng, cả trại chỉ thiếu một người, Lý Tống,Tống trốn trại.Từ xưa tới nay, trại A 30 rất nhiều tù trốn trại, nhưng đi được vài ngày, mươi ngày lại bị bắt, còng về nhốt cùm. Lần này Tống trốn trại, nhưng chẳng bao giờ bị còng tay trở lại. Đối với tù từng ở Lam Sơn, ai cũng biết Tống, ai cũng cầu mong Tống thoát, đừng bao giờ trở lại. Tống thoát thật, mười ngày, một tháng, hai tháng, cuối cùng mọi người TÙ được thả, chẳng ai biết tin tức gì về Tống. Riêng tôi, sống ở ngoài đời cả chục năm, trước khi đi Mỹ (10/1992), thỉnh thoảng, vẫn nhớ tới Tống, vẫn thắc mắc, không biết Tống có thoát thật không, hay đã bị bắt lại, hay bị chết trên đường chạy trốn. Trốn trại không phải xa lạ tại A 30, nhưng riêng Tống, mồ côi, không thăm nuôi, mà đi, chẳng bao giờ trở lại, thật là một kỳ công. Cuối năm, 1992, qua MỸ, sau những ngày đi làm, tôi thường tìm đọc và hỏi những người tới Mỹ trước tôi, một hôm tôi đọc được một trang báo dài, tờ báo viết về Lý Tống, người đã trình diện tòa đại sứ Mỹ tại Singapore, sau khi bơi qua eo biển Johore, đoạn biển và chiếc cầu này, tôi qua lại hàng tuần năm 1967 khi học khóa JMS tại Johore Bahru, trung tâm huấn luyện này nằm bên bờ phía Bắc , thuộc Malaysia, muốn qua Singapore, phải qua chiếc cầu dài để trình passport. Cuối tuần, tụi tôi qua Singapore mua hàng, chuẩn bị, mang về Việt nam khi mãn khóa. Bài báo dẫn lời nói của Tổng Thống Reagan, gọi Lý Tống là người anh hùng, người tìm tự do bằng chân dài nhất thế giới. Tôi rất mừng vì biết chắc Lý Tống đã ở bến bờ Tự Do, sau này Tống đã làm nhiều việc, theo tôi nghĩ, không ai làm được, trừ một người cỡ Papillon, nổi tiếng về thành tích vượt nhiều ngục tại thuộc địa của Pháp, người đã viết quyển tự thuật nổi tiếng Papillon.
Kết luận. Sau bài viết này, kể chuyện thật một đoạn đường của Tống. Tôi sẽ không bao giờ đọc và đánh giá bất cứ việc gì, mọi người nghĩ, phê bình, thán phục, hay chê trách Lý Tống. Đối với tôi, lịch sử quân đội VNCH, và ngay cả thế giới, sẽ không còn một mẫu chuyện nào có thể hơn chuyện về Lý Tống nữa, Lý Tống huyền thoại. Hãy nghe Tống trả lời một phóng viên báo chí nước ngoài “Tôi phải giải phóng Việt Nam, đây là nhiệm vụ của tôi, sĩ quan QLVNCH. Tôi không thể nào sống thoải mái cho cá nhân tôi, khi nước Việt Nam, dân Việt Nam của tôi còn trong lao tù của Cộng Sản.
CBĐ/ Phạm Lương

No comments:

Post a Comment