Friday, July 29, 2022

Lễ truy điệu Giáo Sư Tiến Sĩ, Khoa Học Gia Không Gian Nguyễn Xuân Vinh (Thanh Phong Viễn Đông)

Lễ truy điệu Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh. Tiếng kèn của Hậu Duệ Phạm Công trong lễ truy điệu Giáo Sư - Khoa Học Gia Alfonse Nguyễn Xuân Vinh được tổ chức chiều thứ Năm tại Hội Trường Arboretum trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kito, Garden Grove. Lễ an táng cũng sẽ được tổ chức tại Nhà Thờ này sáng thứ Sáu. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Vào lúc 2 giờ chiều thứ Năm, ngày 28 tháng 7, 2022 một buổi lễ truy điệu cố Giáo Sư Tiến Sĩ, Khoa Học Gia Không Gian, Alfonse Nguyễn Xuân Vinh đã được tổ chức trang nghiêm, long trọng tại Hội Trường Arboretum trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kito (Christ Cathedral), Garden Grove.

Buổi lễ do Hội Ái Hữu Không Quân Miền Trung California tổ chức, trong đó có sự tham dự của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Hội Giáo Chức VNCH và Hùng Sử Việt, Hội Cựu Học Sinh Bưởi - Chu Văn An, Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long, Hội Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh và Hội Nhân Văn Nghệ Thuật cùng rất đông đồng hương không phân biệt tôn giáo.

Buổi lễ có hai phần. Phần đầu là nghi thức truy điệu. Toán sĩ quan Không Quân mặc quân phục chỉnh tề tiến lên trước linh cữu cố giáo sư. Hai lá quốc kỳ Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và hiệu kỳ Quân Chủng Không Quân được trịnh trọng đặt trên quan tài.

Không Quân Võ Ý tuyên đọc tiểu sử cố giáo sư TS Nguyễn Xuân Vinh như sau:

GSTS Nguyễn Xuân Vinh sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930 tại Yên Bái. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Xuân Nhiên, thân mẫu là cụ bà Đỗ Thị Thảo. Sau một bà chị đã mất, Giáo Sư Vinh là trưởng nam trong một gia đình có rất đông anh em. GS Nguyễn Xuân Vinh có năng khiếu về Toán từ nhỏ. Ông nhập ngũ vào Quân Đội Quốc Gia theo học trường sĩ quan Nam Định sau trở thành phi công và làm việc tại Pháp và Morocco. Trong thời gian này ông ghi danh học Đại Học và đậu Cử Nhân Toán ở Đại Học Aix Marseille, Pháp.


Di ảnh GSTS Nguyễn Xuân Vinh nguyên Tư Lệnh Quân Chủng Không Quân. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Đầu năm 1955, ông được lệnh trở về nước phục vụ trong Bộ Tư Lệnh Không Quân với cấp bậc Trung Úy. Cuối năm 1955 ông thăng cấp Đại Úy. Tháng 10, 1956 ông được TT Ngô Đình Diệm thăng cấp Thiếu Tá làm Tham Mưu Phó tại Bộ Tư Lệnh Không Quân. Ngày 26.10.1957 ông được thăng cấp Trung Tá và giữ chức Tham Mưu Trưởng Không Quân. Vì hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc điều khiển hai máy bay khu trục ném bom Dinh Độc Lập, nên ông bị liên đới trách nhiệm. TT Diệm cử Trung Tá Huỳnh Hữu Hiền thay ông làm Tư lệnh Không Quân. Cùng năm ấy ông xin giải ngũ và du học Hoa Kỳ.

Năm 1965 ông là người đầu tiên được cấp bằng Tiến Sĩ về Khoa Học Không Gian tại Đại Học Colorado, sau khi ông thực hiện thành công công trình nghiên cứu tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền do NASA tài trợ. Những lý thuyết của ông đã góp phần quan trọng trong việc đưa các phi thuyền lên mặt trăng thành công, đồng thời được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền con thoi trở về trái đất an toàn.

Ông cũng là Giảng Sư tại Đại Học Michigan, và lấy bằng Tiến Sĩ Quốc Gia Toán Học tại Đại Học Sorbonne, Paris, Pháp. Từ năm 1982, ông là Giảng Sư của ngành Toán Ứng Dụng tại Đại Học Quốc Gia Thanh Hoa ở Đài Loan. Là người Hoa Kỳ thứ ba và là người châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn Lâm Quốc Gia Hàng Không và Không Gian của Pháp.



Hội Ái Hữu Không Quân Miền Trung California chuẩn bị lễ truy điệu. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Năm 1986 được bầu làm Viện Sĩ chính thức của Viện Hàn Lâm Không Gian Quốc Tế. Ông đã được mời đi thuyết giảng tại các Đại Học ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ý, Đức, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Đài Loan, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Do Thái, Nhật, Trung Hoa và Úc Đại Lợi. Ông đọat rất nhiều giải thưởng quốc tế.

Ông cũng yêu thích văn chương và đã đoạt Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc của VNCH vào năm 1959 với tác phẩm Đời Phi Công. Ông còn là tác giả các sách Theo Ánh Tinh Cầu, Vui Đời Toán Học, Thiên Chức Của Nhà Giáo.

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh kết hôn với bà Cung Thị Toàn. Hai ông bà sinh được bốn người con. Năm 2008 bà Cung Thị Toàn qua đời tại San Jose. Sau đó ông xuống Nam California và kết hôn với bà Nguyễn Thị Nghinh Xuân, một nhà báo và một xướng ngôn viên truyền thanh và truyền hình từ Úc, bút hiệu Phiến Đan. Hai ông bà sống rất hạnh phúc suốt 13 năm cho đến ngày giã biệt nhau vào lúc 2 giờ 39 phút chiều thứ Bảy, ngày 23 tháng 7, 2022 tại Costa Mesa, California. Hưởng thọ 92 tuổi.

Sau phần tuyên đọc tiểu sử, các chiến hữu Không Quân hợp ca nhạc phẩm “Không Quân Hành Khúc” và tiếng kèn truy điệu của KQ Phạm Cung trổi lên để tưởng nhớ và tri ân người anh cả trong Quân Chủng Không Quân QL/VNCH, một khoa học gia đã làm rạng danh con cháu Lạc Hồng trên khắp thế giới.


Quốc kỳ Hoa Kỳ, quốc kỳ VNCH và hiệu kỳ Quân Chủng Không Quân được trịnh trọng đặt trên linh cữu cố GSTS Nguyễn Xuân Vinh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Phần thứ hai là các lời phát biểu của đại diện các đơn vị tham dự. Mở đầu, Không Quân Lê Văn Sáu (Hội Trưởng Hội Không Quân Miền Trung California), kế đến là niên trưởng KQ Nguyễn Văn Ức đại diện Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại rồi đến chiến hữu Tần Nam, đại diện Liên Hội Cựu Chiến Sĩ. Sau đó đến đại diện của Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia, của Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, của Hội Giáo Chức VNCH và CLB Hùng Sử Việt, của Hội Cựu Học Sinh Bưởi – Chu Văn An, của Hội Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh và của Hội Nhân Văn Nghệ Thuật.

Ngoài ra, nhiều vị trước đây là bạn đồng khóa, là học trò hoặc bạn thân của GS Nguyễn Xuân Vinh muốn lên phát biểu nhưng thời gian không cho phép. Tất cả các lời phát biểu đều nói lên lòng ngưỡng mộ, thương tiếc một nhân tài nước Việt đã cống hiến nhiều tài năng cho xã hội, đã làm rạng danh cho dòng giống Việt Nam vừa ra đi để lại bao luyến nhớ cho gia đình và mọi người. Cuối các lời phát biểu, tất cả đều nguyện cầu cho linh hồn Alfonse Nguyễn Xuân Vinh được hưởng nhan thánh Chúa.

Sách tang lễ đăng câu hỏi của Linh Mục Nguyễn Văn Khải thuộc Dòng Chúa Cứu Thế: “Từ lúc nào ông quyết định xin trở thành con cái Chúa?” GS Nguyễn Xuân Vinh trả lời: “Từ sau khi đi hành hương châu Âu, đặc biệt sau khi viếng thăm Đền Thánh Alfonse. Lúc viếng mộ Ngài tự nhiên tôi cảm thấy rất gần gũi và rất xúc động. Cái cảm giác của tôi lúc đó không thể diễn tả được.” Sau khi biết quyết định của ông, phu nhân Phiến Đan liên lạc với ông bà bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, ông bà bác sĩ Trần Văn Cảo và nhà văn Trần Phong Vũ và các bạn hữu khác để giúp ông học giáo lý và lãnh nhận bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức.” Ông chọn thánh hiệu là Alfonse (Al Phong Sô).


Bà quả phụ Phiến Đan tại lễ truy điệu chiều thứ Năm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Ngay khi vào bệnh viện, LM Mai Khải Hoàn đã đến thăm hỏi và xức dầu cho ông. Khi bệnh viện trả về gia đình, nhà văn Quyên Di, ông bà bác sĩ Trần Văn Cảo đã đến bên giường hát thánh ca và cùng lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho ông; nhiều bạn bè, học trò, chiến hữu đã liên tục đến thăm ông. Ngày 22 tháng 7, 2022 Đức Ông Phạm Quốc Tuấn đã đến ban các bí tích sau cùng cho ông và hôm sau, thứ Bảy 23 tháng 7 ông đã thanh thản giã biệt cõi đời này trong tình yêu của Chúa và của mọi người thân quen.

LM Nguyễn Văn Khải nói, “Thế là hoàn tất cuộc đời của một con người luôn cố gắng sống lương thiện, chuyên cần phụng sự tổ quốc và thế giới trong tư cách là một quân nhân, một nhà giáo và nhà khoa học.”

Bà Phiến Đan nói về GS Nguyễn Xuân Vinh, “Đặc điểm của ông là sự giản dị và trung thành, ngay cả với đức tin. Ông đến với Chúa bằng lòng phó thác và đầy niềm tin cho đến những ngày giờ cuối cùng, ông khẳng định với tôi: “Không có Chúa, anh sẽ không làm được gì.” Vì lẽ đó ông năng cầu nguyện hằng ngày và ông đã chứng minh khoa học cũng sẽ cúi đầu trước Thiên Chúa toàn năng. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã kết hợp chúng con nên một và con đã tìm thấy được một trái tim có Chúa và có cả quê hương.”

Thánh lễ an táng GS Nguyễn Xuân Vinh sẽ được cử hành vào lúc 9 giờ sáng thứ Sáu, ngày 29 tháng 7, tại nhà thờ chính tòa Chúa Kito, 13280 Chapman Ave, Garden Grove. Sau thánh lễ là di quan và hỏa táng tại Destiny Funeral Home & Crematory, 5443 Long Beach Blvd, Long Beach.

No comments:

Post a Comment