Thursday, August 10, 2023

Những Cánh Thép Ngày Trước... Vũ Xuân Thông 81BCD

 

Như một lời tri ân chân thành đến tất cả các chiến sĩ Không Quân của KLVNCH đã ngày đêm tích cực yểm trợ Liên Đoàn 81 BCND chiến đấu để bảo vệ quê hương gấm vóc và hai chữ "Tự Do" ...

Cho tôi xin dù chỉ một lần

Mơ làm cánh én giữa trời Xuân

Tang bồng hồ thỉ mang chí lớn

Rạng giống Tiên Rồng lính Không Quân

Firebird24

Công ty tôi đang làm nằm trên con đường Mirama Road, sát nách một phi trường lớn của Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ, nên bắt buộc mỗi ngày tôi phải đi và về trên con đường này. Và ngày nào cũng vậy, lộ trình của tôi đều đi qua khu bảo tàng Không Quân chứa đầy các loại phi cơ, từ thời có lỗ sĩ, từ thời tôi chưa được sinh ra trên cõi đời, cho đến những chiếc phi cơ của thời Đệ Nhị Thế Chiến và thời chiến tranh Việt Nam.

Cái khu bảo tàng này lại nằm sát đường chỉ cách một cái hàng rào bằng lưới chống B-40 (chain link fence). Mỗi lần đi qua khu vực này, tôi đều lái xe chậm lại và không khỏi liếc nhìn vào đó dù tôi đã quá quen thuộc với những loại phi cơ đang nằm phơi trên bãi đậu.

Từ những chiếc Avia B 534, Bell P-39 Airacobra từ những năm 1934...đến những chiếc Gruman Hellcat hay Bearcat, những chiếc F-5, Skyraider cho đến những chiếc trực thăng trái chuối CH-46 đầu tiên, H-34 nặng nề, chiếc UH1, Cobra ...và cả chiếc L-19 Bird Dog mong manh rất quen thuộc với tôi. Ngoài ra mỗi ngày tôi còn phải nghe tiếng gầm rú của các loại phi cơ chiến đấu cất cánh và hạ cánh mỗi giờ, những ngày không khí ẩm thấp, tiếng cánh quạt của nhiều loại trực thăng nặng nề vang dội trên đầu đã thực sự gây cho tôi nhiều ấn tượng nhất.

Vì đó là những tiếng động đã quá quen thuộc với tôi hầu như đã tiềm ẩn trong trí nhớ tôi và không thể xóa nó đi được dù 37 năm đã trôi qua kể từ khi tôi giã từ cái nghiệp lính.

Năm nay tôi đã bước vào tuổi 75, vẫn phải đi làm, ngoài việc tiếp tục kiếm sống qua ngày trên mảnh đất tạm dung nầy, còn để ngăn ngừa sự thoái hóa của bộ óc càng ngày càng già nua ...để rồi hủy hoại hết những điều cần phải nhớ. Tuổi già thì thường hay nói nhiều, nhớ nhiều về dĩ vãng. Thật ra con cháu tôi, chúng cũng thông cảm vì giờ đây tương lai của tôi, chỉ là đang bước dần tôi trạm cuối cùng, là cái nghĩa trang lạnh lùng nào đó.

Tôi là một người lính sống sót sau 15 năm khói lửa, 13 năm tù đày trong các trại tù khổ sai của cộng sản việt nam từ Bắc chí Nam, từ trại kỷ luật đến xà lim Chí Hòa. Thử hỏi cuộc đời của tôi còn lại gì ?

Cái gia tài của người lính như tôi còn lại há không phải là quá khứ của 15 năm trong quân đội hay sao? 15 năm trong một đời người như chúng ta, những người lính đã sống qua cuộc chiến ác liệt, đầy máu và nước mắt, vinh có nhục có và đôi khi buồn nhiều hơn vui, dù muốn quên cũng khó quên.

Ngay từ những năm đầu ở Trung Học, tôi đã rất ngưỡng mộ Không Quân dù chỉ qua hình ảnh của các anh phi công Mỹ, Pháp và Anh trong thời kỳ Thế Chiến thứ hai và trong thời gian chiến tranh Việt Nam vào những năm 50. Sau này khi bước chân vào bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp tôi đã có ý định sau khi tốt nghiệp Trung Học tôi sẽ xin gia nhập vào Không Quân Việt Nam. Những mộng không thành vì khi khám sức khỏe ở Bệnh Viện Cộng Hòa tôi mới phát giác ra là thị lực của con mắt phải của tôi chỉ có 7/10. Thế là vỡ mộng, nhìn bạn bè rộn ràng lên đường gia nhập Quân Chủng Không Quân mà thấy tủi thân. Cuối cùng đành phải chấp nhận cái thân phận chui bờ chui bụi của cái lính đánh trộm là Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. May cũng nhờ quen thuộc lối đánh trộm (đôi khi chúng tôi cũng ăn trộm được nhiều kho vũ khí và lương thực của địch) nên cũng có chút tiếng tăm và chiến công góp phần với các quân binh chủng bạn, đã làm cho kẻ địch suy yếu. Nhưng nếu nói đến cái đơn vị bé tí teo và những chiến tích mà chúng tôi đã lập được cũng nhờ những đôi cánh thép, như một thứ bùa hộ mạng, như cái ô dù che chở trên đầu chúng tôi. Những đôi cánh thép đã mang chúng tôi đi hầu hết các chiến trường (ngoại trừ vùng IV chiến thuật vì lính BCD 81 không biết bơi).

Đã bao lần không quản ngại trước lưới lửa phòng không của địch tua tủa như pháo bông để mang chúng tôi và xác đồng đội ra khỏi vùng vây địch. Qua hàng trăm cuộc hành quân, những đôi cánh thép đã mặc nhiên như gắn ngay sau lưng chúng tôi, đã chắp cho chúng tôi đôi cánh thép. Đơn vị của chúng tôi đã gắn liền với Quân Chủng Không Quân của các bạn.

Xin cho chúng tôi được hân hạnh nhận các chiến hữu Không Quân là bạn để dễ bể tâm sự và để nói hết những điều cần nói sau 37 năm dài. Vì không nói ra lúc này sẽ không có dịp nào để nói, giữa chúng ta từ lâu đã cư xử với nhau rất mực huynh đệ chi binh, nhưng cũng đầy hào khí giang hồ. Tôi sẽ không nhắc lại những chiến công oanh liệt của các bạn hay của chúng tôi. Tôi chỉ muốn nhắc lại những người đi vào chiến tranh với dáng vẻ hào hoa phong nhã, lúc nào quân phục cũng sạch bóng, trang bị nhẹ nhàng không giống như đám chúng tôi bao giờ cũng vậy hễ xuất quân là quần áo rằn ri, lôi thôi lếch thếch...nào là ba lô, súng ngắn, súng dài, giây nhợ quanh người, lựu đạn lủng lẳng đằng truớc, đằng sau. Mỗi lần được bốc ra khỏi vùng hành quân thì ôi thôi khỏi nói, dù có yêu tôi cách mấy cũng chỉ đúng xa mà chào mừng chứ chưa ai dám ôm hôn tôi thắm thiết. Mười lăm ngày hay một tháng luồn lách qua bờ bụi, lên xuống đồi núi dưới cái nắng nóng ẩm, mồ hôi rơi xuống mờ cả mắt lau không kịp. Bộ đồ trận lúc nào cũng đẫm ướt mồ hôi nhiều khi chẩy theo hai bắp chân xuống đôi giày đi rừng.

Đêm nằm trên chiếc poncho gấp đôi, mồ hôi vẫn còn đọng ướt cả lưng. Cứ như thế ngày này sang ngày khác, bộ đồ trận ướt rồi khô, bao nhiêu mùi hôi đều thấm sâu vào vải áo quần. May mắn lắm mới qua được một con suối còn lại chút nước, vội vàng múc cho đầy 2 bị đông nước, xong cùng nhảy xuống hụp cho ngập đầu rồi lại tiếp tục đi.

Ấy là những ngày không chạm địch, còn có thời gian ngồi xuống để thay một đôi vớ đã bốc mùi khó chịu. Những lần chạm địch thì coi như được phép quên đi những khó chịu hàng ngày, quên đi mình đã chưa ăn gì suốt một ngày qua, đã chưa uống một ngụm nước. Tàn cuộc thắng hay thua, lúc ấy mới biết mình còn đủ mồm miệng để ăn vội bọc cơm sấy. Còn các bạn tôi thật khỏe, ngồi trong buồng lái tha hồ tung hoành ngang dọc, hết phi vụ quay về phi trường, đi thẳng vào Câu Lạc. Bộ làm một ly cà phê đá, khỏe re trong lúc chờ cho các chuyên viên "check" tàu, tái trang bị bom đạn, "rocket" để chờ phi vụ tiếp theo.

Chưa nói đến vài ngày chúng tôi được xả hơi sau mỗi cuộc hành quân, cởi được bộ đồ hôi hám, thay vào một bộ quân phục mới để cùng xuống phố phường uống vài chai "33"cho đã bù lại những ngày phải uống nước sông nước suối. Nhưng nếu có xuống phố hay buổi tối tạt vào một tiệm nhảy nào lại đụng mấy bạn, và bao giờ chúng tôi cũng lép vế, lép về về đủ mọi phương diện. Đôi khi có một tí tình còm để an ủi những hễ chấm được cô nào vừa ý là y như rằng đã có một ông Không Quân nào sắp sửa rước đi rồi !!!

Nói cho vui vậy thôi chớ vội cho rằng chúng tôi đả kích các bạn nhé, thua thì thua rồi. Xưa còn trẻ đã không thắng các bạn, nay đầu đã bạc, chân mỏi gối mòn, hơi sức đâu mà ganh với đua . Trước khi nhắc lại những kỷ niệm đã qua, xin cho tôi nhắc lại một câu chuyện sau.

Vào tháng 1 năm 1975 khi Biệt Đoàn chúng tôi được lệnh tăng viện cho Tiểu Khu Phước Long, lúc này đang bị trên một sư đoàn địch vây hãm, các đơn vị địa phương hầu như đã tan hàng. Nói là Biệt Đoàn nhưng thật ra chỉ có 2 Biệt Đội 811, 814 và Bộ Chỉ Huy, tổng cộng khoảng 320 nguời. Không Đoàn 43 Chiến Thuật thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân là đơn vị yểm trợ và đổ quân, dưới cơn mưa pháo 105 ly, 155 ly, hỏa tiễn 122 ly và súng cối, các phi đoàn trực thăng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách phi thường với tổn thất không đáng kể.

Đích thân Chỉ Huy Trưởng của tôi, cựu Đ/Tá Phan Văn Huấn và Đ/Tá Triệu đã trực tiếp chỉ huy cuộc đổ quân. Nhìn từ trên trực thăng xuống thị xã Phước Long tôi nghĩ khó mà đáp được vì cả thị xã ngập trong khói lửa của đủ loại pháo chưa kể hỏa lực phòng không của địch tua tủa bắn lên đây trời với đủ loại từ đại liên 50, súng cá nhân, 23 ly và 37 ly. Tiếng đạn pháo nổ dưới đất cộng tiếng các loại phòng không nổ ngang trời nhắm vào các phi tuấn A-37 va F-5 đang cố thả những trái bom và bắn rocket yểm trợ cho cuộc đổ quân vang rền cả một vùng trời.

Tôi chỉ còn trông cậy vào tài bay bổng của các bạn đưa tôi an toàn xuống đất, chỉ cần chúng tôi đặt được chân xuống đất, dù chưa biết sau đó sẽ ra sao. Và thật như một phép lạ, cả hai lần đổ quân đều trót lọt, tất cả đều nhờ tài khôn ngoan của phi hành đoàn. Thay vì đáp ngay xuống thị xã, các phi hành đoàn của Không Đoàn 43 Chiến Thuật đã đáp xuống cạnh các khe suối cạnh thị xã, là những nơi khuất tầm quan sát của các tiền sát viên địch. Địch đã bố trí quanh khu vực Phước Long một trung đoàn phòng không với đủ mọi loại súng từ 12 ly 8 đến 23 ly và 37 ly. Tiền sát viên của địch ở khắp nơi, nhất là đỉnh núi Bà Rá đã bị địch chiếm mấy ngày trước. Biệt Đoàn I Chiến Thuật của tôi chỉ gồm có Bộ Chỉ Huy và 2 Biệt Đội (Biệt Đoàn -), không quá 300 người. Lực lượng trú phòng của Tiểu Khu Phước Long và các đơn vị tăng phái không còn bao nhiêu.

Tiểu Đoàn 7 thuộc Trung Đoàn 9 của Sư Đoàn 5 chỉ còn không quá 100, Đại Đội 5 Trinh Sát, Sư Đoàn 5 chỉ còn hơn 10 người đã dạt vào đơn vị tôi, Đại Đội Trinh Sát Sư Đoàn 18 Bộ Binh còn Đại Đội Trưởng và hơn một trung đội. Hai Tiểu Đoàn Địa Phuơng Quân đã tan hàng, quân nhân còn lại cũng lẫn lộn trong hàng rào phòng thủ của Biệt Đội 811 của tôi. Cộng chung lại không quá 500 tay súng để chọi lại với lực lượng địch trên 10 ngàn với đủ bộ xe pháo mã tốt. F-5 và A-37 vẫn yểm trợ tích cực nhưng với một hệ thống phòng không chằng chịt không thể xuống thấp để có thể đánh bom chính xác hơn. Từ dưới đất tôi thấy chỉ một chút sơ hở là những chiếc F-5 và A-37 kia sẽ vỡ tung, có một vài trái bom đã rơi vào vị trí bạn ...phải chấp nhận thôi .Dù sao sự hiện diện của những chiếc phi cơ này cũng khiến dịch không dám điều động thiết giáp tiến sát đến vị trí chúng tôi. Dân và lính bỏ đơn vị tràn ngập vị trí chúng tôi khiến không thể nào kiểm soát được, tuy vậy chúng tôi vẫn đẩy lui được nhiều đợt xung phong của địch và đã hạ được 4 chiến xa địch.

Vào lúc choạng vạng tối ngày 5 tháng 1 năm 1975, chiến xa địch và bộ binh tiến sát vị trí Bộ Chỉ Huy của tôi, sau đợt pháo 130 ly, 155 ly, 122 lý và 105 ly, chúng thả một toán đặc công vào 2 lô cốt trống , nhờ phát giác kịp thời nên chúng đã bị tiêu diệt ngay sau đó.

Suốt trong thời gian từ ngày 4 tháng 1 năm 1975 đến ngày 6 tháng 1 năm 1975, không lúc nào địch ngưng pháo vào vị trí chúng tôi, chúng mở nhiều đợt tấn công có chiến xa yểm trợ mong tiến sát vào vị trí chúng tôi. Sáng ngày 5 tháng 1 năm 1975, tôi đơn phương quyết định không cho C-130 thả dù tiếp tế nữa vì 1/2 khu vực thị xã đã rơi vào tay địch trước đó 2 ngày. Hầu như 9/10những kiện hàng tiếp tế đều rơi vào tay địch, các phi vụ oanh kịch không hiệu quả, không còn pháo binh yểm trợ, không tiếp viện. Ở tại Quân Đoàn III, Trung Tướng Dư Quốc Đống từ chối lệnh thả phần còn lại của Liên Đoàn 81 BCND. Trong tình thế này, tôi buộc phải cho lệnh đơn vị rút khỏi Phước Long để bảo toàn đơn vị, tôi đã phải để lại hơn 60 xác đồng đội tại đây. Một điều đau đớn chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử của đơn vị tôi. Tôi đã phải phân tán đơn vị tôi thành từng toán nhỏ, lợi dụng đêm tối, vượt qua hàng rào bao vây của địch để thoát ra ngoài. Phước Long thất thủ vào sáng ngày 6 tháng 1 năm 1975.

Trong lúc đơn vị tôi còn đang tìm cách vượt qua vòng vây của địch thì ngày 7 tháng 1 năm 1975 đã có một buổi họp cao cấp của Quân Đội, giống như tòa án quân sự, họ cố gán ghép việc thất thủ Phước Long là do lỗi của Không Đoàn 43 Chiến Thuật thuộc Sư Đoàn III Không Quân Biên Hòa. Thật là vô cùng phi lý nếu không nói là ngược ngạo. Trong khi các phi cơ của các Phi Đoàn Trực Thăng 221, 223, 231 237 ... phi cơ L-19 còn đang bay tìm kiếm và bốc các toán đã vượt qua được vòng vây địch thì tại hậu phương họ đang bị kết tội.

Trách nhiệm làm mất Phước Long nếu nói thuộc về tôi, người đã tự quyết định rút khỏi Phước Long, cao hơn là vì chỉ huy trực tiếp của tôi đã không buộc tôi phải hy sinh cả đơn vị để cố thủ một vị trí mà gần như đã hoàn toàn chiếm giữ bởi quân địch. Chúng tôi còn sống sót không trách cứ bất cứ cấp chỉ huy nào. Người lính chỉ biết tuân hành mệnh lệnh nhưng rõ ràng trách nhiệm làm mất Phước Long thuộc về người đã ra lệnh thả một đơn vị 300 người vào chỗ cầm chắc 90% để thua về một mục đích chính trị. Một ván bài tháu cáy, và đã thua, là khởi sự cho sự sụp đổ sau này.

Tôi đã ghi ở phần trước là giữa Không Quân và các anh em 81 BCND, ngoài tình huynh để chi binh, chúng tôi còn có một cái nghĩa "giang hồ". Trong buổi họp, Đ/Tá Huấn, Chỉ Huy Trưởng 81 BCND đã dũng cảm tuyên bố trước mặt các tướng lãnh:

"Mất Phước Long, lý do tại sao quý vị đều biết nhưng không ai nói ra. Phần Liên Đoàn 81 chúng tôi vào chỗ chết đã đành bởi nghề nghiệp chúng tôi là chọn chỗ chết để đi vào. Riêng các anh em Không Quân, các phi hành đoàn trực thăng đã làm quá bổn phận của họ, đã chết lây với chúng tôi, thật tội nghiệp. Nay đưa họ ra tòa, tôi cho là vô lý, nếu có lỗi làm mất Phước Long, tôi nhận lỗi. Xin quý vị tiếp tục họp và cho tôi biết kết quả, tôi xin phép ra về vì còn nhiều việc phải làm"

Mãi 2 ngày sau, tôi và Bộ Chỉ Huy mới thoát ra khỏi được vòng vây địch. Ban đêm di chuyển qua các bãi trống, tôi phát giác được nhiều chốt của địch đang bám giữ các bãi đáp này. Sáng cuối cùng chúng tôi tới được một nương sắn (khoai mì), đã thấy nhiều trực thăng đang bốc các toán lẻ cách thị xã khoảng 5 đến 10 cây số. Tôi không còn máy để liên lạc với họ vì chiếc mày truyền tin PRC-25 cuối cùng đã bị Hiệu Thính Viên của tôi đánh rớt xuống nước khi vượt qua sông vào buổi tối. Phương tiện liên lạc duy nhất là một mảnh kiếng nhỏ bằng 2 đầu ngón tay, tôi cũng không hy vọng được bốc ra. Ở tại Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn, mọi người đều nghĩ tôi đã tử trận hoặc bị bắt . Còn đang kiểm điểm xem còn lại bao nhiêu người trong BCH của tôi, bất chợt tôi nghe lùng bùng ở tai. Tôi biết đang có trực thăng bay rất thấp vì tiếng quạt gió làm rung chuyển lớp không khí còn ướt hơi sương, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn chiếc chiếc trực thăng UH1 đã ở ngay phía trước. Anh em vội bẻ gẫy một số cây khoai mì, trong lúc đang ra dấu cho trực thẳng vào vị trí, tôi chợt nghe nhiều loạt súng cá nhân từ các đồi bên cạnh bắn qua, có lẫn cả tiếng nổ của đạn súng cối bắn vào vị trí quanh bãi đáp. Vì số cây khoai mì còn nhiều nên trực thăng chỉ lơ lửng trên đầu ngọn cây khoai mì, anh em tự nhảy lên bám vào càng leo lên rồi kéo người khác lên. Đạn bắn càng lúc càng gần, đốn gẫy các cây mì chung quanh.

Vì đạn địch bắn quá gần nên phi hành đoàn buộc phải cất cánh vội vàng. Tôi và Đ/Úy Thành, sĩ quan liên lạc Không Quân (ALO) phải nhảy lên mới bám được vào càng bên trái của chiếc trực thăng.

Khi anh em kéo tôi lên được trên sàn tàu, tôi phải xoay người lại nhờ anh em bám chặt hai chân, cúi xuống nắm lấy hai cổ tay của của Đ/Úy Thành và la lớn để anh thả hai tay ra thì tôi mới kéo anh lên được. Những Anh Thành vẫn không chịu buông tay ra và la lên "Cho tàu đáp xuống" ...khi chiếc trực thăng đã bốc lên cao khoảng 200 bộ , bỗng nhiên anh bỏ tay ra không báo trước nên tôi đã để vuột anh. Nhìn anh rơi xuống như một chiếc lá rụng, chiếc áo jacket da bò xòe ra như một cánh bướm mất hút với tiếng là thảm thiết của anh, tôi như người mất hồn...Cả phi hành đoàn đều cúi xuống nhìn anh rơi mà không màng đến hàng trăm viên đạn phòng không đang túa theo chiếc trực thăng đang nặng nề rời bãi .

Chiếc trực thăng duy nhất của Không Đoàn 43 đó Tr/Uy Sơn (Sơn Rỗ) lái đã phải cất cánh với 32 nguời kể cả phi hành đoàn, nó đã bị quá tải (overtorque), chỉ bay mà không đáp được nữa vì nếu đáp sẽ không còn có thể cất cánh được nữa.

Trong đời binh nghiệp của tôi từ khi còn là một toán trưởng thám sát cho đến khi trở thành một cấp chỉ huy cao hơn, chưa bao giờ tôi phải ân hận như thế, đã để rớt Đ/Úy Thành. Hình ảnh của anh còn mãi trong tôi như một cơn ác mộng luôn đè nặng lên tôi trong nhiều năm.

Có rất nhiều phi hành đoàn trực thăng đã chết lây theo chúng tôi. Vì là một đơn vị lấy phương tiện không vận và không yểm là con chủ bài, hầu hết các cuộc hành quân của Liên Đoàn 81 BCND đến nằm trong vùng địch và sau lưng địch, không nằm trong tầm pháo binh, có khi còn phải chuyển tiếp qua căn cứ tạm để tiếp nhiên liệu vì thời gian bay của trực thăng không đủ bảo đảm số thời gian bao vùng. Nếu nói một cách tàn nhẫn hơn thì dù 81 BCND chỉ là một đơn vị nhỏ nhưng đã làm thiệt hại rất nhiều phi cơ của cả hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi đã sống hết đời quân ngũ trong chỉ một đơn vị duy nhất, 12 năm khởi đầu bằng nghề Toán Trưởng, leo lên đến được BCH/ Biệt Đoàn, tôi đã chứng kiến được nhiều điều đau xót. Quên sao được khi lần đầu tiên bước chân lên chiếc H-34 nặng nề như một con voi của Phi Đoàn 215 Thần Tượng, nhớ những Anh Vui, Vinh, Khôi, Mành, Trắng, Hiếu ...Những con người hào hoa đã đưa chúng tôi vào những mặt trận "thắt cổ họng còn sướng hơn" như Bình Giả, Pleime, Đức Cơ, Đồng Xoài ...và đã đón chúng tôi trở về trong niềm vui gặp lại vợ con, bằng hữu. Quên sao những bạn bè như Trọng, Vỹ, Bảo, Dõng, Duyên và hàng trăm phi công trẻ của Không Đoàn 43 Chiến Thuật, những cánh bay mong manh L-19 thủng hàng chục lỗ đạn. Quên sao được những buổi hàng đoàn trực thăng đáp xuống sân căn cứ hành quân ở Suối Máu, Biên Hòa, phi hành đoàn ngồi chờ phi vụ với một khúc bánh mì, gói xôi đậu xanh mua vội ở Biên Hòa. Những con người đã từng đối đầu với gian nguy cùng với chúng tôi qua bao nhiều mặt trận mà cuộc sống vật chất không đủ để nuôi vợ con, nhưng vẫn cười vang mỗi lần gặp gỡ.

Chúng tôi đã không có đủ khả năng để đãi các bạn một bữa cơm trưa thanh đạm mà phải để các bạn bay về căn cứ, nuốt vội bữa cơm ở Câu Lạc Bộ, để rồi lại phải tiếp tục suốt buổi chiều, có khi trở về khi trời đã tối. Thế mà các bạn vẫn cười, không có một lời phiền hà. Chúng ta đã đã cùng chiến đấu để không vì miếng cơm manh áo của chính mình mà vì để bảo vệ miền Nam tự do, tránh được cái họa cộng sản.

Mỗi lần đi tham dự ngày họp mặt của các Quân Binh Chủng bạn, nhìn lại các chiến hữu xưa, nay đầu đã bạc trắng bỗng bùi ngùi nhớ lại thân phận mình. Nhớ tới tôi đã chưa một lần gửi lời cảm ơn các bạn, vì lòng nhiệt thành của các bạn, biết bao nhiêu lần chỉ vì để cứu một người lính 81 BCND trong vòng vây địch, để rồi lại phải hy sinh cả phi hành đoàn, chúng tôi đã phải chấp nhận những tổn thất về nhân mạng. Chúng ta khác kẻ thù, chúng ta quý nhân mạng hơn, dù chỉ là một người lính bình thường. Biết bao lần tôi chứng kiến những chiếc trực thăng bị nổ tung khi vừa vào bãi đáp, không một người sống sót. Sự tiếp cứu sau đó chỉ để mang về những xác người đã cháy đen!!! Còn gì buồn hơn khi thấy người phi công thoát ra khỏi chiếc A-37 bị bắn cháy, chiếc dù cứ trôi theo gió rồi rơi vào đất địch. Hãy cảm nhận nỗi đau khổ của anh em chúng tôi, những người tiếp cứu một phi công L-19 của Không Quân Việt Nam bị bắn cháy chỉ mang về một thi thể trần truồng. Địch đã xỉ nhục hay căm thù đến nỗi lột hết quần áo của một người đã chết thân thế không còn nguyên vẹn. Cái bản chất cầm thú của kẻ địch đã đối xử với một người đã chết còn như thế, thử hỏi đối với những chiến hữu của chúng ta rơi vào tay địch còn phải chịu đựng những khổ nhục như thế nào? Bao nhiêu chiến sĩ Không Quân đã hy sinh, bao nhiêu người đã rơi vào tay địch?

Hoàng hôn ngày 27 tháng 4 năm 1975, giữa khung trời còn âm u khói từ kho bom phi trường Biên Hòa bị nổ trước đó vài ngày, tôi đứng bên nầy hàng rào nhìn hàng chục chiếc trực thăng cất cánh rời bỏ phi trường. Thế là hết, ẩn ý như một lời vĩnh biệt...đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy những cánh chim ấy, những cánh chim đã cùng chúng tôi trải qua bao gian nguy.

Bây giờ những cánh bay ấy có thể đã nằm mục rã ở một vài bãi phế thải nào đó, hoặc nằm sâu dưới đáy biển sau lần bay cuối cùng, hay may mắn hơn được nằm trong các viện bảo tàng chiến tranh. Nhưng những con người điều khiển chúng vẫn còn nhiều, lòng yêu nước và tinh thần dấn thân vẫn còn và mơ ước một ngày nào đó được bay trên vùng trời Tổ Quốc Việt Nam Tự Do .

Cuộc chiến tranh này chưa bao giờ chấm dứt, nó chỉ được thay đổi hình thức mà thôi ...

"Old soldiers never die; they just fade away."

General Douglas MacArthur

A20 Vũ Xuân Thông

Liên Đoàn 81 BCND

Friday, July 7, 2023

Căn nhà ma trong cư xá Huỳnh Hữu Bạc Trần Quốc Sỹ Chuyện ngắn dưới đây được trích từ quyển hồi ký "Dòng đời trôi nổi" của cùng tác giả ...

Tôi gia nhập đại gia đình Không Quân vào đầu năm 1971. Ðiều kiện để được gia nhập Không Quân thời bấy giờ là ứng viên phải qua một bài thi viết và phải có đầy đủ sức khỏe. Ðầy đủ sức khoẻ đây có nghĩa là ứng viên phải cao trên 1m 60 (5'3) và nặng trên 47 kg (103 lb), mắt tốt, tai tốt và không mang những chứng bệnh hiểm nghèo.
Phần thi viết không có gì là khó khăn. Trình độ khảo sát của bài thi thuộc trình độ lớp đệ Tứ (lớp 9), vì vậy tôi qua được một các dễ dàng.
Sau khi qua được phần thi viết, tôi được gởi đến Quân Y Viện Không quân để khám sức khoẻ tổng quát. Với chiều cao 5'6 (1m67) tôi không gặp trở ngại trong vấn đề thước tấc, nhưng khi bước lên bàn cân, tôi chợt tái mặt khi thấy cây kim đỏ đã đứng lì ở mức 46.5kg.
Tại sao lại 46.5kg mà không là 47kg ? Tôi đứng chết trân, không nhúc nhích.
Thấy tôi có vẻ thất vọng, người y tá phụ trách mách nước:
-Tôi không thể ăn gian để cho anh đủ cân nhưng tôi có thể hoãn việc khám sức khỏe của anh cho đến chiều. Bây giờ cũng đã gần đến giờ ăn trưa, anh hãy đi ăn rồi trở lại đây.
Tôi thầm cám ơn người y tá tốt bụng đã cho tôi cơ hội. Trưa hôm đó, tôi gồng mình nuốt hết hai ổ bánh mì không, cùng nốc thêm hai chai cô ca loại lớn. Kết quả, cây kim đỏ dễ thương của cái cân ở quân y viện Không Quân đã anh dũng bò lên khỏi mức 47kg. Thế là tôi đã đủ điều kiện để trở thành một quân nhân thuộc binh chủng Không Quân của đại gia đình Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Những ngày đầu của đời quân ngũ là một kỷ niệm đáng ghi nhớ của những thanh niên vừa mới lớn như tôi. Sau khi lãnh quân trang, ba chiếc xe GMC chở chúng tôi đến một ngôi nhà cổ thật lớn trong Tân Sơn Nhất , với cái tên gọi thật lạnh lùng, nghe ớn lạnh: 'nhà ma'. Căn nhà được xây theo kiểu Tây, toạ lạc trên một khu đất rộng, cây cối um tùm, chung quanh có hàng rào kẽm gai bao kín. Với nét cổ kính, hoang tàn không chăm sóc cộng với những bức tường loang lỗ, rêu phong phủ kín đã làm chúng tôi có cảm giác lành lạnh nơi sau ót. Sỡ dĩ căn nhà này có cái tên độc đáo này vì nghe đồn rằng ban đêm ma thường hay hiện ra nhát những người ở trong nhà hay hàng xóm ở chung quanh. Chủ nhân của căn nhà có lẽ yếu bóng vía nên đã dọn đi và tặng lại ngôi nhà cho binh chủng Không Quân để dùng làm nơi tạm trú trong vài tuần lễ cho những chàng lính mới trong khi chờ đợi thủ tục nhập khoá và gởi đi đến các trung tâm huấn luyện quân sự.
Xe vừa đỗ trước sân nhà, chúng tôi đã được tận tình ''dàn chào'' bởi những khoá sinh ''đàn anh'' với những gương mặt lạnh như tiền, trông thật dữ dằn, sát khí. Trên tay mỗi người hình như là một cây roi mây. Họ hét lớn trong khi vụt những ngọn roi trên cái túi sắc-ma-ranh của chúng tôi:
-Các ông chạy cho tôi 5 vòng sân, lẹ lên...
Miệng hét, tay cầm cây roi mây, họ lăm le dọa nạt như để dằn mặt chúng tôi. Chúng tôi lục đục nối đuôi nhau vác quân trang chạy vòng vòng chung quanh cái sân rộng.
-Ông kia, biết chạy không ?
Chát, chát, tiếng voi rụt vào cái sắc-ma-ranh.
-Các ông có biết so hàng không?
Tiếng hét của những bậc đàn anh lại vang lên. Rồi những hình phạt diễn ra.
-Ông kia, bò hoả lực cho tôi xem...
-Ông này, cho tôi 20 cái hít đất...
-Còn ông nữa, cho tôi 50 cái nhảy xổm...
Lúc đó, bao nhiêu khí anh hùng của chúng tôi dường như biến đi đâu mất cả. Chúng tôi riu ríu vâng lời như những chú cưù non trước bầy sói hung hăng. Mấy ngày sau tôi mới biết những bậc ''đàn anh'' này chỉ thâm niên quân vụ hơn chúng tôi trên dưới hai tuần lễ.
Chịu trách nhiệm tổng quát của ngôi nhà này là một ông Thượng sĩ tên là B. cùng hai người trung sĩ phụ tá. Ông thượng sĩ tuổi ngoài năm mươi, ốm, người dong dỏng cao. Gương mặt hốc hác, thiếu ngủ đã làm ông già trước tuổi mặc dù bộ tóc muối tiêu của ông đã được cắt thật ngắn. Ðôi mắt sáng, lông mày rậm với bộ râu mép của ông cộng thêm vết thẹo dài trên cổ có thể làm người đối diện mất tinh thần.
Chúng tôi được chia thành những trung đội, sắp hàng thẳng tắp, đứng ở thế nghiêm như trời trồng. Tất cả đều nín thở im lặng. Ông thượng sĩ, tay chắp sau lưng chậm rãi bước tới bước lui, giọng sang sảng:
-Tôi không cần biết ngoài đời các anh là ai, làm gì, nhưng bây giờ các anh đã thuộc binh chủng Không Quân, thuộc quyền điều khiển của tôi.
Ngưng một lát, ông quét cặp mắt lạnh lùng trên chúng tôi:
-Ở đây chúng ta có kỷ luật. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Bất cứ chuyện gì các anh đều phải làm theo lệnh của cấp trên. Khi tôi cho các anh ăn các anh mới được ăn, khi tôi cho các anh ngủ, các anh mới được ngủ. Thi hành trước, khiếu nại sau. Nghe rõ chưa?
Chúng tôi đồng thanh:
-Nghe rõ
Nghe chừng không vừa ý, ông quát lên:
-Tôi không nghe gì hết. Các anh có miệng không? . Nghe rõ chưa ?
Một lần nữa chúng tôi lấy hết giọng đồng thanh hét lớn:
-Nghe rõ
Ðêm đầu tiên xa nhà, tôi không tài nào nhắm mắt được. Thao thức, trăn trở một hồi, tôi ngồi dậy ra bờ hè hút thuốc. Nhìn những bạn đồng ngũ đang say sưa trong giấc điệp mà lòng tôi dậy lên một nỗi bồi hồi khó tả. Ðây là những người bạn mới của tôi, những người sẽ cùng tôi chung chiến tuyến, cùng chung một sứ mạng, một lý tưởng. Mặc dù chưa từng quen biết, tôi vẫn cảm thấy giữa họ và tôi có một sự liên hệ rất mật thiết.
Tuần lễ đầu qua mau, chúng tôi đã làm quen với đời sống tập thể. Chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm vệ sinh, bất cứ việc gì đều được chia đều cho mọi người. Vì vẫn còn trong tình trạng tạm thời nên chúng tôi tương đối rảnh rang. Ngoài việc tập họp điểm danh, làm vệ sinh chung quanh ngôi nhà, học đi đều bước, chúng tôi được tự do với những chuyện cá nhân.
Khoá tôi được mang chỉ số 5/71, với tổng số 332 khóa sinh được chia thành 8 trung đội. Mỗi trung đội khoảng hơn 40 người. Tôi thuộc trung đội 4. Ngày đầu tiên chia trung đội, tôi đã mạnh dạn nhận chức trung đội trưởng. Nhiệm vụ của người trung đội trưởng cũng chẳng có gì là nặng nhọc. Ðiểm danh, báo cáo quân số, nhận lệnh từ trên và chuyển đạt xuống cho anh em, hướng dẫn các anh em trong trung đội làm tạp dịch, v.v... Những ngày còn ở trung học tôi đã từng làm trưởng lớp nên những công việc này đối với tôi cũng chẳng có gì là khó khăn cả.
Hai tuần lễ trôi qua, chúng tôi đã thực sự quen với đời sống quân ngũ. Sáng hôm nay, những bậc 'đàn anh' của tôi đã giã từ ngôi nhà ma lên xe GMC để về quân trường thụ huấn quân sự. Ngày mai, số đông của đại đội 5/71 cũng sẽ rời đây để chuẩn bị đời sống quân trường. Chỉ còn lại một số nhỏ, trong đó có tôi, ở lại để làm 'đàn anh' cho khoá 6/71 mới nhập trại, và sẽ được đưa về ngôi nhà ma này trong những ngày sắp tới.
Ba chiếc GMC đỗ xịch trước sân nhà. Trên xe lố nhố những anh lính mới tò te, áo quần chưa một nếp nhăn, mặt mũi ngơ ngơ ngác ngác . Nhìn những nét sợ sệt lo âu trên gương mặt của họ đã làm tôi chợt nhớ lại những hình ảnh của chính chúng tôi ba tuần lễ trước đây. Bỗng dưng, tôi bật cười thầm....
-Các ông chạy cho tôi 5 vòng sân, lẹ lên...
Tiếng quát của một anh bạn đồng khoá mang tôi về với thực tế.
Các anh lính mới riu ríu vâng lời. Rồi mọi chuyện xảy ra đúng y như đã xảy ra cách đây ba tuần. Họ được chia trung đội, sắp hàng thẳng tắp và nghe giảng mo-ran từ Thượng sĩ B. mà chúng tôi quen gọi là 'ông thày'.
Cũng như chúng tôi vài tuần lễ trước, những khoá sinh thuộc 6/71 được giao công tác vệ sinh doanh trại, nhổ cỏ, đổ rác và ... chùi rửa cầu tiêu. Ngoài ra, cũng như chúng tôi, họ còn có nhiệm vụ canh gác cổng ra vào.
Ngôi nhà ma này được bao bọc chung quanh bằng giây kẽm gai với một cổng duy nhất để ra vào được kiểm soát 24/24. Mỗi phiên gác 2 giờ, được luân phiên canh gác bởi 12 toán mỗi toán 2 người . Nhiệm vụ của người gác cổng là kiểm soát sự ra vào của tất cả mọi người. Vì vẫn còn là tân binh nên những khoá sinh gác cổng không được trang bị vũ khí.
Tối hôm đó trời vào khoảng giữa tháng hai. Bầu trời lãng đãng những cụm mây đen, nối kết tạo nên những hình thù quái gỡ. Ánh trăng tròn vằng vặc, ẩn hiện sau những tầng mây toả ánh sáng yếu ớt trên những ngọn cây đang xào xạc trong những cơn gió cuối đông. Các khoá sinh 6/71 đang yên giấc trong phòng ngủ chính sau một ngày bị 'quần' tơi bời, mệt lả.
Bộ tham mưu 'đàn anh' chúng tôi vẫn còn thức, ngồi tán dóc trong phòng điều hành. Ðây là bản dinh và cũng là phòng ngủ dành riêng cho bọn 'cấp trưởng' đàn anh chúng tôi . Căn phòng rộng được chia làm hai, ngăn bởi một bức tuờng với một lối đi không có cửa ở giữa. Phía ngoài là phòng điều hành, kê hai cái bàn giấy, dăm cái ghế dựa và một tủ đựng hồ sơ. Một cái cửa sổ lớn cạnh bên cửa chính. Trên tường, trên khung cửa là một cái đồng hồ lớn. Qua khung cửa sổ, chúng tôi có thể quan sát được cổng trại, ở đó có hai anh khoá sinh đang thi hành nhiệm vụ gác cổng. Phòng ngủ bên trong kê bốn cái giường tầng, sát nhau với một lối đi nhỏ ở giữa.
Cái đồng hồ lớn trên tường chỉ đúng mười hai giờ. Chúng tôi đang huyên thuyên tán dóc, bỗng dưng mọi người im bặt, miệng há hốc, mắt cùng đổ dồn vào một hình thù quái dị đang từ trong phòng ngủ khập khễnh bước ra. Dáng dấp cao lêu nghêu, quái nhân mặc trên người bộ long-jon (đồ ngủ quân đội) màu trắng bó sát vào người, một ống quần sắn lên khỏi đầu gối, tay phải cầm một đoản tre dài. Trên đầu hắn đội một cái nón sắt chụp lên bộ mặt được phủ kín bằng cái mặt nạ gớm ghiếc mà chúng ta thường thấy trong những đêm Haloween. Hắn khệnh khạng từng bước về phía chúng tôi, . Bọn tôi trố mắt nhìn quái nhân một lúc và bỗng dưng bật cười lớn khi nhận ra cái dáng cao lỏng khỏng quen thuộc của y. Thì ra, đằng sau cái mặt nạ và bộ quần áo hoá trang, quái nhân không ai khác hơn là Lương, anh chàng trung đội trưởng của trung đội 7.
Chúng tôi chưa kịp mở miệng hỏi xem anh chàng này định giở trò gì thì Lương đưa ngón tay trỏ lên miệng ra dấu cho chúng tôi im lặng. Với dáng điệu nhẹ nhàng, Lương phóng mình ra cửa, chạy băng về phía cái giếng bên phiá trái của căn nhà.
Tất cả chúng tôi đồng loạt quay mặt nhìn theo về hưóng chạy của Lương. Khi tới gần cái giếng cạnh bên bờ rào, Lương dừng lại, chống đoản tre xuống đất, nhảy tưng tưng như những tên mọi Phi châu, miệng rú lên một tràng âm thanh quái đản, ghê rợn nghe đến lạnh người. Dưới ánh trăng mờ, Lương xuất hiện như một con ma một chân, với gương mặt thật gớm ghiếc đáng sợ. Hình ảnh thật ghê sợ có thể làm những người yếu bóng vía vãi đái ra quần.
Hai anh khoá sinh đang gác cổng bỗng hét một tiếng thất thanh rồi khuỵu người xuống, bò lăn bò càng, cố gắng lết về chỗ cửa ra vào.
Tất cả khoá sinh 6/71 được đánh thức dậy, đèn đuốc được bật sáng choang. Mọi người xúm lại tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Hai anh khoá sinh, mặt không còn chút máu, người run như cầy sấy. Khoảng quần đằng trước của một anh ướt sũng. Vẫn chưa hoàn hồn, anh chỉ tay về phía cái giếng, ú ớ nói không ra lời:
- Ma.. ma...., ma một chân...
Tiếng bàn tán to nhỏ nổi lên. Tất cả đứng sát vào nhau, mắt đổ dồn về phía bờ rào. Nơi cái giếng không có gì động tĩnh ngoài những bóng cây rung rinh dưới ánh trăng rằm cùng tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Cảnh vật ở đó hoàn toàn yên lặng.
Nửa giờ sau, tất cả khoá sinh 6/71 được lệnh trở lại phòng ngủ. Cổng chính bây giờ được tăng cường với 4 khoá sinh cho nhiệm vụ canh gác.
Khoảng hai giờ sáng, con 'ma' Lương lại xuất hiện, nhưng với một chiến thuật mới. Hắn lột mặt nạ, kéo cái áo ngủ lên khỏi đầu, và ụp cái nón sắt lên trên. Cũng vẫn tiếng rú quái đản, ghê rợn, đoản tre dài và điệu nhảy tưng tưng, con 'ma' bây giờ trở nên cụt chân và không đầu.
Cũng như hai khoá sinh trước, bốn anh khoá sinh thay thế cũng hét lên rồi bò lăn bò càng, lê lết về cửa chính. Mặt họ cũng tái mét, người run lập cập, miệng lắp bắp:
- Ma..ma...ma không đầu...
Các khoá sinh 6/71 lại được đánh thức. Ðèn đuốc lại được bật lên sáng trưng. Lần này không ai có can đảm ngủ nữa. Mọi người đều lộ vẻ sợ sệt, hoang mang. Ðèn được thắp sáng suốt đêm và tất cả khoá sinh 6/71 đêm hôm đó đã thức trọn cho tới sáng.
Con 'ma' Lương hầu như vui đã đủ, rút lui về phòng điều hành thay quần áo. Ðêm đó, chúng tôi được một bữa cười nghiêng, cười ngả, cười ra nước mắt.
Ngày hôm sau, chuyện con ma không đầu được các bà bán quán ở khu gia binh đem ra bàn tán sôi nổi. Người thì bảo là 'ma không đầu', kẻ nói là 'ma cụt chân', có người còn cho là ''quỷ dạ xoa cao hai thước ''... Huyền thoại ngôi nhà ma tha hồ được truyền miệng nhau nhanh chóng.
Chị Tư bán bánh ướt cao giọng nói:
- Tui đã nói rồi, không ai chịu tin. Mấy con ma ở đây lộng hành lắm. Tôi đã từng chứng kiến tụi nó đi lền khên, dễ sợ lắm. Có lần tụi nó còn dám dô bếp lục cơm cháy của tui, báo hại tui phải lấy cây chổi chà đánh nhau với tụi nó một trận quá chời. Tui hổng có ngán tụi nó đâu.
Người nghe đều gật gật đồng tình và khâm phục lòng can đảm của người đàn bà có một không hai này. Riêng nhóm cấp trưởng 'đàn anh' chúng tôi, phần lớn chỉ im lặng mỉm cười, ngoại trừ một vài tên còn cố ý thêm mắm thêm muối câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Tôi đoan chắc rằng huyền thoại về ngôi nhà ma này sẽ sống lâu, sống vững muôn đời và càng ngày sẽ càng thêm phong phú với những sự thêu dệt, thổi phồng truyền miệng của những người dân sống chung quanh.

Trần Quốc Sỹ


Vài hàng về tác giả:

Tác giả sanh năm 1952 tại Nam Ðịnh, theo bố mẹ di cư vào Nam đầu năm 1955. Gia nhập Không Quân đầu năm 1971, du học Hoa Kỳ năm 72 . Sau khi mãn khoá trở về, tác giả đã phục vụ cho xưởng Vô Tuyến Ðặc Biệt (Bravo) thuộc Sư Ðoàn 5 Không Quân cho đến khi rời Việt Nam tháng 4 năm 75.
Tác giả hiện là một kỹ sư điện toán và đang định cư tại thành phố Huntington Beach, California.
[/I]
 

Câu Lạc Bộ Không Quân Huỳnh Hữu Bạc

Đã từ lâu chúng tôi vẫn thường nghe nói tới Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc là nơi sinh hoạt của các sĩ quan Không Quân thuộc Quân Lực VNCH trước năm 1975. Nghe nói, vào thời đó các ca sĩ như Khánh Ly, Kim Loan… đã từng nhiều lần trình diễn ở đây. Ngày xưa các anh của tôi là lính nên thỉnh thoảng có nhắc tới câu lạc bộ nầy, nhưng chỉ cho biết đó là một câu lạc bộ giải trí của các sĩ quan Không Quân. Chính vì thế nên tôi không biết nhiều và thường hay thắc mắc CLB ấy được thành lập từ lúc nào, lớn nhỏ ra sao và Huỳnh Hữu Bạc là ai. Sau này lớn lên có dịp tìm hiểu thì tôi được biết câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc ở trong phi trường Tân Sơn Nhất. Có người còn nói đây là một câu lạc bộ sang trọng dành cho sĩ quan Không Quân, hoặc những khách mời, khách „sộp“ vào để tổ chức party hay giải trí, ăn uống và khiêu vũ vv…

Được biết ngoài câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, còn có cư xá Sĩ quan độc thân Huỳnh Hữu Bạc và đường Huỳnh Hữu Bạc là một trong những con đường nhỏ ở trong phi trường Tân Sơn Nhất ngày xưa.
Một người anh của tôi đã từng làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu gần đó thì cho biết, Tân Sơn Nhất có 3 khu vực bao gồm: phi trường dân sự, phi trường quân sự của Việt Nam và một khu vực thuộc về quân đội Hoa Kỳ thường được gọi tắt là MAC-V (Military Assistance Command, Vienam). Khi quân đội Mỹ rút về nước sau hiệp định Paris 1973 thì MAC-V được đổi thành DAO (Defense Attaché Office) vì Hoa Kỳ chỉ còn giữ cố vấn và tùy viên quân sự Mỹ ở lại mà thôi.
Nhân tìm hiểu về câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, chúng tôi cũng xin kể một vài chuyện vui buồn về đời quân ngũ căn cứ vào ký ức của một người lính Không Quân VNCH. Hy vọng những hình ảnh ngày nào vẫn còn lưu lại trong lòng nhiều người về một thời đã qua với nhiều kỷ niệm.
Trước năm 1975 phi trường Tân Sơn Nhất phía đường Công Lý (bây giờ là Nam Kỳ Khởi Nghĩa & Nguyễn văn Trổi nối dài) có hai cổng ra vào, một là cổng Phi Hùng và một là cổng Phi Long gần lăng Cha Cả, thuộc khu vực nghĩa trang Bắc Việt nghe nói đã giải tỏa từ năm 1980.
Một người anh khác của tôi là lính Không Quân làm việc ở phi trường Tân Sơn Nhất từ năm 1973 nên thường xuyên ra vào hai cổng nầy. Anh cho biết, cổng Phi Hùng là cổng chính còn được gọi là cổng Huỳnh Hữu Bạc vì có CLB Huỳnh Hữu Bạc ở gần đó. Cổng này lớn nằn trên trục lộ chính có xe hơi ra vào thường xuyên, nghe nói bây giờ là chỗ bùng binh kế bên công viên Hoàng văn Thụ. Thời trước năm 1975 vào đầu giờ hành chánh (khoảng 8 giờ sáng) và 6 giờ chiều cổng này luôn có nhiều xe cộ ra vô tấp nập, riêng trong giờ hành chánh nếu chạy xe ra ngoài phải có giấy xuất trại. Nơi đây luôn có quân đội canh gác bao gồm: Quân Cảnh,  Phòng vệ và An ninh.
Riêng cổng Phi Long thì gần Lăng Cha Cả. Cổng này còn gọi là cổng dân sự dành cho những người đi bộ qua lại. Cổng này có hai lối đi hàng dọc, một cho người đi vào và một cho người đi ra, có lính Quân cảnh và lính Phòng vệ của Không Quân kiểm soát. Kế bên cổng này còn có một cổng khác được chắn bằng barrier, thỉnh thoảng có xe hơi hay xe nhà binh ra vào. Tại đây có hai người lính Không Quân tên là Trước và Ấu thay phiên nhau canh gác. Khi đề cập đến những kỷ niệm vui buồn trong đời quân ngũ thì anh tôi hay nhắc tới hai anh Quân cảnh tốt bụng đó, vì họ luôn thông cảm và thỉnh thoảng cho anh tôi về thăm gia đình, nhất là vào những khi cấm trại 100%.
Được biết cũng chính tại khu vực cổng Phi Long này hồi Tết Mậu Thân 1968, cố Chuẩn Tướng KQ Lưu Kim Cương, Tư lệnh Không Đoàn 33 Chiến Thuật (KĐ33CT) đã tử trận. Lúc đó ông đang chỉ huy cuộc hành quân giải vây vành đai phi trường Tân Sơn Nhất. Theo tin tức cho biết thì do sức nổ mạnh và miểng đạn B40 gần chỗ ông đứng khiến ông bị trúng thương và tắt thở ngay tại chỗ. Sự hy sinh của ông chính là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Trịnh công Sơn sáng tác nhạc phẩm “Cho một người nằm xuống” thường được ca sĩ Khánh Ly hát.
Cũng nhân nói tới phi trường Tân Sơn Nhất, đến câu Lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc anh tôi còn nhắc đến “ngôi nhà ma”. Không biết thực sự ngôi nhà ma có hay không nhưng mọi người hay thêu dệt chuyện ma trong ngôi nhà nầy. Thực ra đây là một biệt thự xưa đời Pháp để lại. Bộ Tư Lệnh Không Quân lấy ngôi biệt thự nầy dùng làm nơi tập trung khóa sinh sĩ quan phi hành và khóa sinh kỹ thuật khi mới bước chân vào binh chủng Không Quân. Theo lời anh tôi,những ngày đầu vào lính kỹ thuật Không Quân năm 1970, anh tôi được tập trung tại ngôi nhà ma đó một thời gian để chờ khóa học quân sự tại Trung Tâm huấn luyện Quang Trung. Mãn khóa quân sự, anh tôi được chuyển về trại khóa sinh trong căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất, gần Trung Tâm Tiếp Huyết thuộc đại đội 145. Trong trại Khóa sinh nầy có hai ông Trung sĩ thuộc Liên Đoàn Phòng Vệ phụ trách quản lý Khóa sinh tên Hòe và Nên. Đặc điểm của hai ông này đều là…”short man” và nổi tiếng hắc ám, khóa sinh nào vào đây cũng đều khiếp vía. Vì thế các anh em khóa sinh mới có bài vè như sau:

“Sài Gòn có nạn mất xe,
Khóa sinh có nạn ông Hòe, ông Nên,
Đã lùn ông lại còn kênh,
Ông phạt dã chiến anh em rên … hừ hừ”


Mỗi buổi sáng tất cả được xe GMC chở đi học Anh ngữ tại trường Sinh Ngữ Quân đội nằm tại góc đường Lê Lai và Đinh Công Tráng. Người thầy dạy Anh ngữ cho các khóa sinh lúc đó tên là Hedquembourg, ông là người Mỹ nhưng không cao hơn người Việt là bao nhiêu. Ông này vui tính, ngoài giờ học thường sinh hoạt, chụp hình chung với các khóa sinh nên được mọi người quý mến. Cũng cần nói thêm, nếu khóa sinh vào đạt điểm Anh văn xuất sắc thì có cơ hội tham dự khóa đào tạo Chuyên viên Kỹ thuật ở Mỹ, còn đa số được huấn luyện trong nước.
Riêng phần anh tôi được huấn luyện khóa Động cơ Phản lực ở trường Kỹ Thuật chi nhánh Biên Hòa do Thiếu tá Nguyễn Hữu Lãm làm Chỉ huy trưởng. Sau khi tốt nghiệp nhờ đậu Á khoa nên anh tôi được ưu tiên chọn đơn vị mà không phải bốc thăm. Anh tôi chọn Sư Đoàn 3 Không Quân, Liên Đoàn 43 Kỹ Thuật do Thiếu tá Phan Võ Viên làm Liên Đoàn Trưởng. Sau đó anh tôi được điều động về làm việc tại Công Xưởng động cơ do Thượng sĩ Trần Kim Cang và Trung sĩ nhất Sáng làm trưởng và phó Công Xưởng. Nhiệm vụ của các anh em trong công xưởng là bảo trì động cơ trực thăng UH-1H. Trong xưởng được chia thành nhiều toán bao gồm toán Kiểm Kỳ và toán Phi Đạo. Toán Kiểm kỳ phụ trách trung tu động cơ trực thăng đã bay 100 giờ, toán này làm việc theo giờ hành chánh, chúa nhật nghỉ. Còn toán Phi Đạo thì làm 24 nghỉ 24. Toán nầy túc trực ngoài phi đạo nên mỗi khi máy bay đáp xuống là có trách nhiệm kiệm kiểm tra xem pilot có ghi chép hư hỏng gì về động cơ trên tờ Form để có biện pháp sửa chữa hoặc hậu phi… Cũng cần nên biết, nhiều khi trực thăng đang bay hành quân thì bị trục trặc về động cơ như máy chảy dầu, RPM (vòng quay phút) tăng giảm bất thường, hoặc đang nằm lại ở một nơi nào đó thì toán Phi đạo được trực thăng chở đến nơi để sửa chữa. Còn nếu sửa không được thì phải báo cáo xin máy bay chinook bốc về.
Nghe nói vào thời đó các em gái hậu phương rất ngưỡng mộ các anh pilot “hào hoa phong nhã” vì các anh nầy bay bướm, cộng thêm bộ đồ bay rất đẹp so với các đơn vị Không Quân khác. Tuy nhiên có lẽ vì hay đi cua đào nên các anh thường hay bị lính tác chiến ghét và lính quân cảnh bắt nạt. Riêng các anh chàng chuyên viên kỹ thuật là lính thành phố chỉ biết sửa chữa, bảo trì máy bay vì thế không có nét oai hùng, nên không được các em gái ngưỡng mộ bằng. Họ cho rằng lính kỹ thuật là lính không phi hành, chỉ biết… “bay nằm” vì phải nằm để sửa máy bay (?) nên không được các em ngó ngàng đến. Có lẽ lúc đó bài hát “Lính thành phố” do Hùng Cường hát thì rất đúng với tâm trạng nầy của các anh. Lời bài hát đó như sau:

“Em bảo anh là lính thành phố
Suốt thàng tháng năm sống nơi thành đô
Em vội chi chớ trách anh chi
Lính thành phố xin em đừng chê…”


Tuy là nói thế nhưng trong thực tế, toán Phi đạo hay bay test với pilot nên cũng được cho bay thử thường xuyên. Những lúc này phi công test ngồi ghế hoa tiêu chính, còn chuyên viên kỹ thuật ngồi ghế hoa tiêu phụ, do đó nhiều anh chàng kỹ thuật cũng biết bay và hạ cánh an toàn chính xác, đúng vị trí không thua gì các phi công thực thụ. Có thể nói chuyện bay test với pilot là chuyện thường xuyên của các chuyên viên động cơ trực thăng, vì mỗi khi máy bay gặp trục trặc thì phải sửa chữa và điều chỉnh xong, rồi báo cho pilot biết để bay test. Nghe nói vào đêm 27.04.1975 phi trường biên Hòa bị pháo kích liên tục, pilot phải cho trực thăng cất cánh để tránh đạn pháo kích, trong đó cũng có mấy anh chàng “bay nằm” bất đắt dĩ trở thành “bay ngồi”. Và họ cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc để di chuyển máy bay đến nơi an toàn.
Nhân nói đến bay test thì cũng nên nói thêm về những anh chàng kỹ thuật ít kinh nghiệm. Họ sợ nhất là những lúc bay để đo độ rung động cơ với sự tăng giảm độ cao đột ngột, hoặc là test forcelanding dễ bị xây xẩm mặt mày. Nhưng phải nói, vui nhất là những khi đáp xuống đất nhặt dù chiếu sáng, hay bắt những con chim quốc không bay được vì gió mạnh của cánh quạt trực thăng. Một điều đặc biệt khác khá “thú vị” ít người biết, đó là những khi cấm trại 100% lính Phi đạo thỉnh thoảng có thể đem Honda lên trực thăng và nhờ pilot test thả ra ngoài để về thăm nhà.
Những kỷ niệm bay test mà anh tôi còn nhớ và thường hay nhắc đến là đươc nhìn thấy bầu trời quê hương trong xanh với mây là đà, bên dưới là những cánh đồng ruộng bao la với một màu xanh bát ngát, hoặc xa xa là những khu rừng cây thẳng tắp. Hình ảnh quê hương đó còn bao gồm những khu gia cư với nhà cửa san sát, cùng cảnh sinh hoạt của người dân bên sân nhà với đàn gia súc, hoặt trên đường thì xe cộ lưu thông tấp nập… Nhưng trái ngược với hình ảnh quê huơng thanh bình đó có lẽ đau lòng hơn hết là mỗi khi phi cơ bay ngang qua Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà, thấy cảnh tiễn đưa những quân nhân đã anh dũng hy sinh, đền xong nợ nước. Nhìn hàng loạt quan tài được bao phủ lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ đã làm nhiều người không khỏi bùi ngùi và chạnh lòng nhớ đến câu thơ “Cổ lai chinh chiên kỷ nhân hồi” (xưa nay chinh chiến có ai về). Các anh biết rằng bổn phận làm trai thời chinh chiến thì “nào ai ngại gì vì gió sương” một khi đã chấp nhận “dâng cả đời trai với sa trường” (như lời bài hát “Anh đi chiến dịch” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương), thì chuyện hy sinh cũng là điều khó tránh khỏi.
Nhắc lại kỷ niệm năm 1971 là lúc anh tôi mới vào làm việc ở xưởng Động cơ phi trường Biên Hòa thuộc Liên Đoàn 43 Kỹ Thuật. Đơn vị này sau đổi thành Liên đoàn Bảo trì cấp đơn vị, có nhiêm vụ bảo trì động cơ trực thăng thuộc các Phi đoàn 221, 223, 231, 245. Giai đoạn nầy anh tôi thường được bay test với đại uý Trai và trung úy Thuyết thuộc Phi đoàn 231, 245. Đại úy Trai sau đó đi tu nghiệp ở Mỹ, khi trở về nước đuợc thuyên chuyển ra Sư Đoàn 1 Không Quân Đà Nẵng và hiện đang định cư ở Mỹ theo diện HO. Chính Đại uý Trai là ân nhân giúp anh tôi đổi về phi trường Tân Sơn Nhất từ năm 1973 cùng các anh Tài, Dũng và Thanh. Đại uý Trai có đến nhà thăm ba má chúng tôi nhiều lần. Trong những lúc chuyên trò, ba chúng tôi thường khen ngợi và tỏ lòng quý mến người sĩ quan gương mẫu nầy. Còn trung úy Thuyết nhà ở đường Nguyễn Thông cũng có về quê tôi chơi một vài lần cùng các bạn của anh tôi.
Từ khi chuyển về phi trường Tân Sơn Nhất anh tôi làm việc tại Phi đạo 259G phụ trách bảo trì sửa chữa động cơ trực thăng UH-1H. Lúc đó trung úy Vinh là một sĩ quan trẻ làm trưởng toán Phi đạo, Chuẩn úy Nhan là phó phụ trách toán Kiểm kỳ. Ông Nhan xuất thân là Thượng sĩ lâu năm, ông nổi tiếng nghiêm khắc, hay đề nghị phạt tù vì lính thường lấy xăng JP4 để chạy xe hoặc đem về nhà nấu cơm. Mỗi lần bị phạt, các anh lính nầy hay đến nhà ông ở đường Nguyễn Cảnh Chân để năn nỉ vợ ông (là cô giáo) xin tha, vì thế ông cấm không cho lính đến nhà ông nữa.
Cũng cần nói thêm, thời gian đó Phi đạo 259G trực thuộc Đoàn Phi đạo (bao gồm cả chục toán Phi đạo) do Trung Úy Sanh làm Đoàn trưởng Phi đạo. Trên Đoàn Phi Đạo là Liên Đoàn Bảo Trì do Trung Tá Hòa làm Liên Đoàn Trưởng, đại úy Lê Quang Thọ làm Liên đoàn phó. Ở cấp cao hơn là Không Đoàn Bảo trì Tiếp Liệu do Trung tá Lân làm Không đoàn phó. Tất cả trực thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân ở Tân Sơn Nhất.
Khi tìm hiểu và viết xuống những dòng chữ này, chính người viết cũng cảm thấy khó khăn dễ nhầm lẫn về các tên đơn vị như Phi Đạo, Đoàn Phi Đạo, Phi Đoàn, Phi Đội… Đem những thắc mắc nầy hỏi lại anh tôi thì được giả thích như sau:
- Nếu hỏi anh làm việc ở đâu? Chỉ cần nghe nói anh làm việc ở Phi Đoàn 437 là người ta biết ngay anh là lính Bay của Phi đoàn 437. Còn nếu nghe anh nói làm việc ở Phi Đạo 437 thì người ta biết ngay anh là lính Kỹ Thuật của Phi Đạo 437.
- Một Phi Đoàn có một ông phi công làm Phi Đoàn trưởng và nhiều phi công khác phụ trách bay trong Phi đoàn đó. Thí dụ như Phi đoàn 437 có nhiều máy bay C130.
- Phi cơ nằm ngoài ụ hay trong hangar được gọi là Phi đạo. Một Phi Đạo có một sĩ quan kỹ thuật làm Trưởng phi đạo và có nhiều hạ sĩ quan, lính kỹ thuật phụ trách sửa chữa trong Phi đạo đó. Tất cả các Phi đạo được tập hợp thành Đoàn Phi Đạo do Trưởng Đoàn Phi đạo làm xếp.
- Phi đạo nào bảo trì sửa chữa Phi Đoàn đó, chỉ riêng Phi đạo 259G là bảo trì sửa chữa Phi Đội 259G (biệt lập).
- Cấp số phi cơ của Phi Đoàn nhiều hơn Phi Đội.
- Cũng cần nên biết ở Việt Nam ngày xưa có 6 Sư Đoàn Không Quân: Sư Đoàn 1 KQ ở Đà Nẵng, Sư Đoàn 2 KQ ở Nha Trang, Sư Đoàn 3 KQ ở Biên Hòa, Sư Đoàn 4 KQ ở Cần Thơ, Sư Đoàn 5 KQ ở Tân Sơn Nhất, Sư Đoàn 6 KQ ở Pleiku.
Anh tôi còn cho biết thêm lính kỹ thuật thuộc Phi Đạo 259G có nhiệm vụ sửa chữa và bảo trì trực thăng UH-1H cho Phi đội 259G do thiếu tá Võ là Phi đội trưởng. Trong Phi đội bao gồm sĩ quan phi hành, hạ sĩ quan Cơ khí phi hành (cơ phi) và hạ sĩ quan xạ thủ phi hành (xạ thủ). Phi đội 259G phục vụ trong việc tải thương và chống pháo kích. Mỗi tối có hai chiếc trực thăng, một chiếc trang bị giàn đèn soi sáng (light ship), còn chiếc kia loại vũ trang (gun ship) được trang bị minigun và rocket. Hai chiếc này khi phát hiện pháo kích thì bay đến soi sáng hiện trường để xạ kích. Hàng đêm mỗi phi tuần có hai chiếc trực thăng với nhiệm vụ thay phiên nhau không thám. Những điều này là do trung úy Phước (pilot) giải thích với anh tôi. Anh Phước và anh tôi ngày xưa thường gặp nhau chuyện trò vì cả hai cùng làm việc ở cùng đơn vị 259G, một người ở Phi đội, một người ở Phi đạo. Sau này anh tôi cũng mất liên lạc với anh Phước, giờ không biết cuộc sống ra sao. Riêng đại úy Lê Quang Thọ là người đã dìu dắt và giúp đở anh tôi tận tình. Những ân tình này anh tôi luôn ghi nhớ mãi và mong được bày tỏ lòng tri ân đối với người chỉ huy ngày trước.
Sau này anh tôi được chuyển từ Phi đạo 259G qua Phi đạo 437 để bảo trì động cơ máy bay C130. Lúc này Phi đạo 437 do đại úy Cát và Thượng sĩ nhất Hà Bá Phong làm trưởng và phó Phi đạo, trung sĩ nhất Kiếu làm trưởng toán Động cơ, còn Thượng sĩ nhất Linh làm trưởng ca. Trong ca của Thuợng sĩ Linh anh tôi thuộc Toán động cơ gồm có TS1 Kiều, TS Phi, Dương, Vinh (thường được anh em thương mến gọi là Bắc kỳ con), Hưng, Ở, Trương Nam, Anh (ruồi), Đài, Nhi (văn thư), Lý và rất nhiều bạn bè khác… Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh tôi có gặp lại đại úy Cát. Ông cho biết vừa ở tù cải tạo về. Hoàn cảnh khó khăn vì không có việc làm nên phải chạy Honda ôm mưu sinh qua ngày. Có lẽ sau nầy ông đã đi Mỹ theo diện HO.
Cũng theo bạn bè anh tôi cho biết vào chiều ngày 29/4/1975 nhiều anh em trong Phi đạo 437 đã cùng lên máy bay C130 để di tản, nhưng cho đến bây giờ bạn bè cũ vẫn không nhận được tin tức gì của các anh ấy. Nghe nói chiếc C130 nầy đã bị bắn rơi ở Bà Quẹo sau lúc cất cánh không bao lâu (nếu quý độc giả nào có tin tức gì thì xin vui lòng cho biết, rất cám ơn…)
Trở lại với thắc mắc Huỳnh Hữu Bạc là ai thì anh tôi trước đây có email cho biết:

“Chuyện em hỏi anh về Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc. Thật ra trong phi trường Tân Sơn Nhất ngoài câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc còn có câu lạc bộ Mây Bốn Phương Trời. Riêng đường Huỳnh Hữu Bạc là một trong những đường nội bộ đặt tên những tiền nhân có công với đất nước, hoặc những sĩ quan Không Quân đầu tiên đền xong nợ nước, trong đó có phi công Huỳnh Hữu Bạc.

Theo lời kể của đại úy Thọ, nguyên là Liên đoàn phó Liên Đoàn Bảo trì cấp đơn vị thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân thì Huỳnh Hữu Bạc là Trung úy Không Quân. Trong một dịp lễ kỷ niệm ngày Quốc Khánh hay ngày thành lập Không Quân (?), Trung úy Huỳnh Hữu Bạc đã biểu diễn chiếc khu trục cơ nhào lộn rất đẹp mắt trên bầu trời, nhưng do sơ xuất đã bay quá thấp nên đâm xuống đất và nổ tung. Trung úy Huỳnh Hữu Bạc trở thành cố đại úy. Hồi đó vào thời cụ Ngô. Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc là CLB dành cho sĩ quan Không Quân vui chơi, khiêu vũ, lính lác không có cửa vào…”


Theo một thông tin khác bằng Anh ngữ trên internet mà tôi đọc được thì:
“Mr Huynh Huu Bac was an F8F – Bearcat fighter pilot of the former Rebublic of Vietnam Air Force, killed in action in the late ‘50s. His name was used to name the VNAF Officers Club in Tan Son Nhat Air Base prior to April 30, 1975”. (Huỳnh Hữu Bạc là một phi công chiến đấu thuộc Phi đội F8F Bearcat của Không Lực VNCH, tử thương trong một phi vụ vào cuối thập niên 1950. Tên của ông được đặt cho một câu lạc bộ sĩ quan Không Quân ở trong phi trường Tân Sơn Nhất trước 30/4/1975).

Như vậy qua những thông tin trên chúng ta có thể kết luận, lúc sinh thời Huỳnh Hữu Bạc là sĩ quan Không Quân nên sau khi tử nạn tên của ông được đặt cho một câu lạc bộ của quân đội và cả tên đường trong phi trường Tân Sơn Nhất ngày xưa. Điều này theo nhận xét của nhiều người là để chính phủ ghi công và tưởng niệm đến những tiền nhân có công với đất nước - những người đã hy sinh tính mạng trong lúc thi hành nhiệm vụ. Chính vì vậy mà tên tuổi của họ sẽ được lưu truyền đến thế hệ đi sau.
Mới đây theo lời một người bà con với ông Huỳnh Hữu Bạc mà chúng tôi quen biết thì gia đình phi công Huỳnh Hữu Bạc là người Việt gốc Hoa sinh sống lâu đời ở Sài Gòn. Chúng tôi không biết chính xác ông có bao nhiêu anh em, nhưng trên ông còn có một người anh tên là Huỳnh Hữu Đực. Vào thời Pháp thuộc gia đình bên thân mẫu của ông Huỳnh Hữu Bạc thuộc loại khá giả. Cả hai anh em ông đều học hành rất giỏi. Huỳnh Hữu Đực và Huỳnh Hữu Bạc đã từng qua Pháp du học, sau khi tốt nghiệp, một người trở thành kỹ sư hàng không còn một người thì trở thành sĩ quan phi công. Cả hai đều phục vụ trong binh chủng Không Quân của Việt Nam Cộng Hòa. Một chi tiết khác mà chúng tôi nghe được từ gia đình, đó là tình anh em của hai ông mà có lẽ trong chúng ta ít có người biết đến. Nhân cơ hội nầy cũng xin được đóng góp cùng độc giả khắp nơi.
Như đã nói ở trên, đúng là vào một dịp lễ lớn, phi công Huỳnh Hữu Bạc đã cùng đồng đội biểu diễn máy bay nhào lộn trên trời. Trong lúc biểu diễn, máy bay của ông gặp truc trặc và nổ tung làm ông tử thương. Đau buồn thay, người anh của ông là Huỳnh Hữu Đực lại chính là người kiểm tra an toàn chiếc máy bay đó trước lúc cất cánh. Ông Huỳnh Hữu Đực lúc đó là kỹ sư cơ khí. Cũng chính vì tai nạn nầy đã làm ông Huỳnh Hữu Đực ân hận suốt bao năm trường, ông cho rằng vì ông tắc trách nên đưa đến thảm họa cho đứa em trai. Nỗi dằn vặt nầy đã dày vò đầu óc ông cho đến lúc mất trí. Sau ngày Huỳnh Hữu Bạc hy sinh, mọi sinh hoạt của người anh Huỳnh Hữu Đực là của một người quẩn trí. Hàng ngày ông đi lang thang ngoài đường phố không thiết tha gì đến những lời khuyên giải của bạn bè. Cũng theo lời người bà con thì sau tai nạn thảm khốc đó, không chỉ một mình ông Huỳnh Hữu Đực ân hận mà ngay cả gia đình cũng trách móc ông Đực vì đã không cẩn thận để gây cái chết cho người em.Tình trạng quẩn trí của ông Huỳnh Hữu Đực kéo dài đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì càng bi đát hơn.Lúc ấy có lẽ gia cảnh ông càng trở nên túng quẫn như bao gia đình khác ở miền Nam sau biến cố 1975, cộng thêm tuổi già sức yếu nên ông đã qua đời những năm sau đó tại Sài Gòn. Có lẽ đó cũng là do định số an bày, hy vọng nơi cõi vĩnh hằng anh em họ sẽ gặp lại nhau.
Mới đây anh tôi có email cho biết đại úy Lê Quang Thọ nguyên là Liên Đoàn Phó Liên đoàn Bảo trì cấp đơn vị thuộc SĐ5KQ vừa qua đời tại Việt Nam. Ông Thọ cũng là cấp chỉ huy của anh tôi ngày trước. Nghe nói sau khi cải tạo về, đại úy Thọ ở nhà làm dịch vụ dịch tài liệu tiếng Anh kiếm sống qua ngày, ông bị bịnh ung thư phổi và mất vào cuối năm 2009. Sỡ dĩ ông không đi Hoa Kỳ theo diện HO vì thời gian học tập của ông dưới 3 năm. Tang lễ của ông có nhiều chiến hữu năm xưa đến phân ưu và đưa tiễn. Thế là một sĩ quan Không Quân nữa đã “rụng cánh đại bàng” (xin được dùng lời của một bài hát về người phi công mang tên Phạm Phú Quốc đã đi vào “huyền sử ca” trước đây). Chúng tôi hiểu rằng, đại úy Thọ mặc dù không phải là phi công nhưng với nhiệm vụ của mình, ông cũng đã từng cùng đồng đội bảo trì không biết bao nhiêu là phi cơ để hàng ngày những máy bay nầy an toàn cất cánh, không ngoài mục đích cao cả là bảo vệ đất nước mến yêu. Riêng đối với anh tôi, từ nay đã mất đi một vị chỉ huy ngày trước, cũng là một chiến hữu đã từng phục vụ dưới một màu cờ, cùng chung sắc áo mang phù hiệu Tổ Quốc Không Gian và danh hiệu Bảo Quốc Trấn Không.
Nhân dịp ngày 19 tháng sáu, bài viết này xin được tưởng nhớ về một quân đội đã từng góp phần không nhỏ trong việc phục vụ và bảo vệ quê hương. Giờ đây nhắc lại để nhận ra rằng cuối cùng rồi năm tháng cũng qua đi, chiến tranh rồi cũng đến hồi kết thúc, và vận nước cũng đã đổi thay. Ngôi nhà Việt Nam giờ đã đổi chủ, nhưng chắc chắn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (nói chung) vẫn còn sống mãi với miền Nam thân yêu, cũng như kiêu hãnh một thời về tình Quân Dân Cá Nước. Riêng binh chủng Không Quân (nói riêng) cũng đã kiên cường làm tròn trách nhiệm cùng những binh chủng bạn thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không ngoài nhiệm vụ bảo vệ non sông. Họ đã tạo nên bao chiến tích oai hùng để cùng viết nên trang QUÂN SỬ VIỆT NAM.
Ngày nay trên internet hay báo chí khắp nơi thường hay nói tới những chiến công hiển hách, về những kỷ niệm oai hùng của người lính phi hành, nhưng ít ai đề cập đến những đóng góp thầm lặng của những người lính không-phi-hành, đến trách nhiệm của những chuyên-viên kỹ-thuật ngày đêm lo bảo trì và sửa chữa để đưa phi cơ tung cánh, không ngoài nhiệm vụ bảo vệ bầu trời của tổ quốc thân yêu.
Riêng những sĩ quan, những phi công tài hoa và anh dũng ngày nào của Không Quân VNCH như Phạm Phú Quốc, Lưu Kim Cương, Trần Thế Vinh v.v.. và cả Huỳnh Hữu Bạc sẽ trở thành bất tử. Họ không những bất tử với thời gian, mà còn bất tử trong lòng những người còn nhớ đến Việt Nam của một thời chinh chiến.
Ngày nay nếu có đôi lúc lắng lòng nhìn lại quê hương Việt Nam, hy vọng rằng mọi người không phải nhìn để ngậm ngùi, để tiếc thương hay là để xót xa về sự lầm than của dân tộc… Thôi thì, xin hãy ước mong một ngày mai tươi sáng sẽ bừng lên như lời bài hát ngợi ca anh hùng phi công Phạm Phú Quốc ngày nào : “Xin cho thái dương soi nước Việt Nam sáng rọi muôn đời…”
Thiên Minh

Thursday, July 6, 2023

Video Đại Hội Không Quân Toàn Thế Giới 2023 Nam California



Nghi Thức Khai Mạc Không Quân Hành Khúc Ban Chấp Hành Hội Không Quân Miền Trung California 2023  
Chị Bội Trâm - KQ Nguyễn Văn Tưởng Kingbee PD219

Không Quân Lâm Vĩnh Hiên Chị Đức Phi Đoàn 227  
KQ Nguyễn Việt Hùng

Chị Giang Thanh - Một Chuyến Bay Đêm Đăng Vũ - Hòa Bình Ơi Quỳnh Thúy Như Quỳnh Như 

Ca Sĩ Quỳnh Như bắt đầu chương trình dạ vũ
The House - Long Hồ Anh Đức Phi Đoàn 227 giúp vui văn nghệ - Đại Hội KQ Toàn Thế Giới 2023 Nam California Văn Nghệ Dạ Vũ - Long Hồ Văn Nghệ Dạ Vũ 7 Như Quỳnh Văn Nghệ - Quỳnh Như - Buồn KQ Tuấn - Nhạc Pháp - Giúp Vui Văn Nghệ Quỳnh Thủy - Dạ Vũ Văn Nghệ

Monday, July 3, 2023

Hình Ảnh và Video Đại Hội Không Quân Thế Giới 2 tháng 7 năm 2023 Nam California

Chụp hình lưu niệm
Nghi Thức Khai Mạc 


 
Không Quân Hành Khúc 
Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quуết chiến đấu
Ðã chiếm chiến công ngang trời
Giờ đoàn người còn vượt qua biên giới quуết chiến đấu
Ði không ai tìm xác rơi
Lúc đất nước muốn bao người con thân уêu ra đi
Hối tiếc tấm thân làm chi
Giờ thề một lòng vượt trên lưng gió quуết chiến thắng.
Ɲhớ lấу phút giâу từ li
Ta là đàn chim baу trên cao xanh
Khi nhìn qua khói những kinh thành xa
Ðôi cánh tung hoành vượt trên mâу xanh
Ta là tinh cầu baу trong đêm trăng
Ðâу đó hồn nước ơi!
Không quân Việt Ɲam vút trên ngàn mâу gió
Ù... u... u... ú... u... u...
Ôi phi công danh tiếng muôn đời
Ɲhìn xa phi trường Việt Ɲam
Không quân ra đi cánh baу rợp trời
Ù... u... u... ú... u... u...
Xa giang sơn ngắm nhìn về khắp nơi
Điệp khúc:
Đàn chim dù baу ngàn phương cũng về
Ðể rồi ngàу ngàу sống hòa nhịp đời
Ϲùng ngàn kiếp chim
Đoàn ta càng đi càng xa
Quуết khi về đem lại đâу chiến công
Ɗù thân mồ quên lấp chìm.
*****
Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quуết chiến đấu
Ðã chiếm chiến công ngang trời
Giờ đoàn người còn vượt qua biên giới quуết chiến đấu
Ði không ai tìm xác rơi
Lúc đất nước muốn bao người con thân уêu ra đi
Hối tiếc tấm thân làm chi
Giờ thề một lòng vượt trên lưng gió quуết chiến thắng.
Ɲhớ lấу phút giâу từ li
Ta là đàn chim baу trên cao xanh
Khi nhìn qua khói những kinh thành xa
Ðôi cánh tung hoành vượt trên mâу xanh
Ta là tinh cầu baу trong đêm trăng
Ðâу đó hồn nước ơi!
Không quân Việt Ɲam vút trên ngàn mâу gió
Ù... u... u... ú... u... u...
Ôi phi công danh tiếng muôn đời
Ɲhìn xa phi trường Việt Ɲam
Không quân ra đi cánh baу rợp trời
Ù... u... u... ú... u... u...
Xa giang sơn ngắm nhìn về khắp nơi
Điệp khúc:
Đàn chim dù baу ngàn phương cũng về
Ðể rồi ngàу ngàу sống hòa nhịp đời
Ϲùng ngàn kiếp chim
Đoàn ta càng đi càng xa
Quуết khi về đem lại đâу chiến công
Ɗù thân mồ quên lấp chìm.


Toán Quốc Quân Kỳ 


Anh Chị Nguyễn Phục Thiệu PD219

  Video


Anh Chị NT Châu Lương Cang PD219

 

Các Hội Trưởng KQ Khắp Nơi về tham dự

 
Khóa 72-73 KQ

Anh chị Quỳnh và KB Trần Ngọc 


Khóa 4/69 KQ Tôn Thất Kim và anh Thành 
Video Video







KQ Nguyễn Thanh Giàu

KQ Nguyễn Việt Hùng và các C/H Khóa 72&73







KQ Huỳnh Trung Tỉnh


Chị Quỳnh 219

KQ Trần Đường

KQ Bùi Đẹp


Phạm Hòa, KQ Dương Văn Khải và KQ Trần Ngọc 219





Anh Chị Sáu và anh Đức 227 Hải Âu





Toán Quốc Quân Kỳ 

Uống 1 ly mừng hội ngộ

BCH Hội Không Quân












KQ NT Võ Ý 

KQ Nguyễn Văn Chuyên và Phạm Hòa



KQ Tr/Tá Nguyễn Văn Ức

KQ Phạm Đình Khuông


Ban Chấp Hành Hội Không Quân




MC Mộng Thủy 






Anh Chị Đặng Quỳnh và KQ Trần Ngọc Kingbee 219




KQ Trần Ngọc, Huỳnh Trung Tịnh, Phạm Hòa và Nguyễn Văn Giàu


Phạm Hòa và Huỳnh Trung Tịnh



BS Khanh và MC Mộng Thủy

KQ Nguyễn Văn Chuyên




Group Pictures







Hình Lưu Niệm

KQ Lâm Vĩnh Hiên, KQ Đường, KQ Dương Viết Đang

Th/Úy Tuấn

Chị Đức Hải Âu 227