Hai
mươi bảy tháng tám năm một nghìn chín trăm sáu mươi bẩy, tôi bước lên
phi cơ để trở về nước sau khi mãn khóa học trực thăng tại trường bay
Fort Rucker Hoa Kỳ. Mười ba tháng dài đằng đẵng trôi qua, bây giờ tôi đã
thực sự trở thành một con chim non trong đàn chim Việt. Một niềm kiêu
hãnh nhỏ len vào tâm tư.
Bốn
giờ chiều ngày 31 tháng 8 năm 1967 tôi có mặt tại phi trường Tân Sơn
Nhất. Nắng chói chang, không khí oi bức, bụi bặm, ồn ào và phi trường
nghèo nàn hơn nhưng lòng người mở hội. Tôi
đã được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong cái khung cảnh chậm tiến
này; tâm tư tôi gắn bó với cái lạc hậu, chậm tiến này của Quê Hương.
Tôi được trở lại với chính tôi, tôi thấy mình người hơn so với cuộc sống
tẻ nhạt tại quân trường Hoa Kỳ.
Chín
giờ sáng ngày 04 tháng 9 năm 1967 tôi trình diện Bộ Tư Lệnh Không Quân
để được nhận những thay đổi phải có. Cặp cá được gỡ xuống để được thay
thế bằng những bông mai vàng chói, cánh bay cong của Lục Quân Hoa Kỳ
được thay thế bằng cánh bay của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa một giấy
nghỉ phép đi kèm với Sự Vụ Lệnh đáo nhậm đơn vị mới, Phi Đoàn 213, Không
Đoàn 41 Chiến Thuật. Bạn cùng khóa, cũng thày với tôi là Phạm-Ngọc-Sâm
có ông cụ là Trung Úy huấn luyện viên tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang
Trung nên nó được ra Đà Nẵng, còn tôi ông cụ tôi là thợ hớt tóc vườn
thành ra cũng theo nó ra Đà Nẵng luôn. Chúng tôi đều được hân hạnh trở
thành Phi Công Trấn Ải
Mười
ba tháng chín năm một nghìn chín trăm sáu mươi bảy tôi trình diện đơn
vị mới, Phi Đoàn 213 Song Chùy. Đêm ấy địch pháo kích căn cứ nặng nề,
chả hiểu để hù doạ hay chào mừng, nhưng mấy anh bạn bên kia ra tay hơi
quá đáng. Không khí chiến tranh đến với tôi ngay ngày đầu tiên tôi thực
sự trở thành lính nghề. Tôi sinh ra trong cái đêm bom đạn át tiếng trẻ
sơ sinh ngoài miền Bắc và tôi vào đời trong tiếng hỏa tiễn xé không gian
lướt ngang bầu trời. Mỗi giai đoạn của đời tôi đều được bom đạn đánh
dấu nhưng cái may mắn vẫn ấp ủ, che chở tôi.
Tháng
giêng bay xác định hành quân bằng những phi vụ liên lạc, chở các em gái
hậu phương đi ủy lạo các các chiến sĩ ngoài tiền đồn. Phi vụ nào cũng
dễ thương cả, em gái hậu phương của các trường trung học nào cũng xinh
xắn, đáng yêu và có những cái tinh nghịch thật học trò. Tuổi của tôi chỉ
cách tuổi học trò kia hai mươi tám tháng chứ mấy nhưng tôi thấy hình
như mình có vẻ già hơn trong bộ áo bay đầy gươm giáo. Cũng nhờ những
khác biệt này mà chúng tôi gần nhau hơn. Chẳng hiểu sự thân mật của
chúng tôi có làm khó chịu những người lính tiền đồn hay không nhưng bản
năng lính trẻ dễ làm cho tôi quên và không để ý. Ba tuần lễ liên tiếp
với những phi vụ dễ thương, sự giao tiếp của tôi được mở rộng với nhiều
phi vụ khác nhau, với những trường trung học khác nhau của Vùng I. Người
phi công quả thật là hào hoa và quyết định chọn nghành bay bổng đúng là
quyết định tuyệt vời của đời tôi. Giấc mơ thành phi công đến với tôi
khi nhìn thấy hình ảnh oai hùng của phi công Pháp bên cạnh phi cơ khu
trục tại phi trường Gia Lâm và bây giờ giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực
tuy có tí khác biệt, tôi bay trực thăng. Nhưng dù sao tôi vẫn là phi
công và phi công quả thật là hào hoa.
Sáng
mùng một Tết tôi làm hoa tiêu phó cho Trung Úy Trần-Duy-Kỳ ra Huế mang
theo quà tặng của Không Đoàn cho biệt đội. Thành Phố Huế trong sương sớm
sao êm đềm và thơ mộng, phía dưới tôi dòng sông Hương nữa kín đáo, nửa
lẳng lơ, lững lờ như mới gọi. Tôi thấy mình thích Huế.. Hôm nay tôi đến
Huế lần đầu tiên trong đời, đất thần kinh cổ kính, người thần kinh trang
phục gọn gàng tươm tất giọng nói tuy có lạ tai và hơi nặng nhưng nghe
thật dễ thương nhất là giọng nói của các cô bé Đồng Khánh.. Hình ảnh của
mấy người bán hàng rong trong chiếc áo dài khiến tôi chợt nhớ đến khung
cảnh của miền đất tuổi thơ xa lắc phía Bắc bờ Bến Hải. Thành phố không
một bóng dáng ngoại nhân, điều này đã gây xúc động mạnh trong tâm hồn
tôi. Tôi thấy mình thương Huế, gần Huế và Huế như quê tôi. Phải chi mẹ
tôi còn sống tôi sẽ đưa mẹ tôi ra thăm Huế, một thành phố Việt Nam duy
nhất còn sót lại. Trưa hôm đó tôi về lại Đà Nẵng.
Đêm
mùng một rạng mùng hai Tết, địch tấn công khắp nơi ở Vùng I. Sáu giờ
sáng mùng hai Tết tôi phóng lên phi đoàn ôm đồ nghề ra phi cơ đi tiếp tế
Trà Kiệu. "Châu Ông Chủ", tôi và "Sinh Già" chiếc số một, Thể chiếc số
hai rời phi trường lúc 7:00 sáng đi về hướng Nam; "Du Điên" với một A1
khác cất cánh phi đạo 17 với trang bị nặng ra hướng Bắc, lúc vừa cất
cánh Du phát hiện độ một tiểu đoàn Việt Cộng tại Bến Đò Xu, thế là phi
vụ được thay đổi. Hai khu trục làm cỏ trọn gói tiểu đoàn địch, Bộ Tư
Lệnh Quân Đoàn I và Đà Nẵng được bình yên nhờ sự phát hiện này.
Căn
cứ Trà Kiệu bị vây hãm. Đồn bị pháo kích liên miên, đạn dược thiếu hụt,
chúng tôi có nhiệm vụ phải tiếp tế cho căn cứ hoả lực này. Hai chuyến
đầu chúng tôi bị bắn nhưng vẫn hoàn tất; đến chuyến thứ ba đồn bị pháo
kích liên miên và hai khẩu đại liên ở hai bên chân đồi bắn lên sối xả.
Là hoa tiêu phó ngồi đồng tôi nhìn ánh đạn lửa liên tiếp bay đến mặt
mình, tàu bị bắn, đạn trúng thùng lựu đạn, "Sinh Già" ôm vứt thùng lựu
đạn ra khỏi tàu thì vừa lúc cả thùng lựu đạn nổ. Hệ thống âm thoại trên
phi cơ hỏng, "Sinh Già" thò tay nắm lấy chân tôi làm dấu hiệu tàu bị bắn
nặng phải rời vùng, tôi hết hồn vì cái chụp cẳng này. Phi vụ tiếp tế
Trà Kiệu được quân bạn yêu cầu huỷ bỏ vì áp lực pháo quá nặng nề của
địch. Về Đà-Nẵng ăn cơm trưa, đổi tàu rồi tiếp tục phi vụ tiếp tế khác
cho Hội-An. Điều làm tôi ngạc nhiên là phi trường Đà-Nẵng sao yên lặng
quá không một phi cơ Mỹ nào cất cánh cả. Ngày thường thì cứ năm phút là
một cặp F-4 Phantom cất cánh, hôm nay tất cả đều nằm ụ. Trên trời chỉ
lác đác vài anh A-1 nặng nề, lèo tèo mấy chị L-19 mảnh dẻ và mấy chú
H-34 cổ lỗ sĩ. Chả hiểu chuyện gì xảy ra mà bạn hiền không cứu bồ. Tôi,
tên lính sữa mới ra trường đã học được một bài học cay đắng nhất trên
đời và phân vân không hiểu chúng ta có còn được người Mỹ còn coi là bạn
hay không!
Xuống
đến Hội-An, bất cứ một mảnh đất trống nào có thể hạ chiếc trực thăng
xuống được là bị pháo kích cuối cùng chúng tôi phải đáp nhảy cóc lung
tung trên mọi đường cái trong thành phố và đồng thời thông báo cho quân
bạn đến lấy, tình trạng thật chán nản. Nhờ
đáp nhảy cóc lung tung quân bạn đã được chứng tôi tiếp tế đầy đủ. Tình
trạng cũ lại tái diễn, địch đuổi theo chúng tôi mà pháo. Nhà dân nổ
tung, chúng tôi phải cất cánh để tránh thảm họa cho mình cũng như cho
dân. Năm giờ chiều, tầu vừa cất cánh rời thành phố thì liền bị súng trên
mấy căn lầu gần đó bắn sổi xả, người thì chẳng bị gì nhưng tầu thì rách
bươm. "Du Điên" và "Hoàng Điệu" nhập cuộc khóa họng súng địch. Một vài
căn phố đi theo mấy khẩu thượng liên, bom đạn quả vô tình. Trở về
Đà-Nẵng, phi cơ bị rỗ bụng, phi vụ huỷ bỏ vì không tầu thay thế. Lại một
việc làm thâu đêm cho phi đạo, chúng tôi khổ và họ cũng chẳng sung
sướng gì. Tình huynh đệ thật đậm đà, mấy tên phi đạo rưng rưng nước mắt
khi thấy chúng tôi cơm gạo xấy ôm con tàu bịnh hoạn lao vào lửa đạn rồi
lại mỉm cười khi thấy chúng tôi mang con tầu đầy lỗ đạn an toàn trở về
bến đậu.
Trong
nguy biến, tình bạn, tình đồng đội, tình người đã được tự nhiên phát
triển. Tôi mong tình thế lắng dịu để có lại một phần nào an toàn cho
thân thể và đồng thời lại mong chinh chiến kéo dài để chúng tôi còn mãi
mãi để ý và lo lắng cho nhau.
Sáng
mùng 3 Tết, 4 chiếc H-34 cất cánh ra Huế. Đáp Phú-Bài lấy đạn dược để
tiếp tế cho đồn Mang-Cá Huế, mỗi chiếc đáp được bốn lần an toàn. Trần
mây khá cao, mây rải rác, chúng tôi len lỏi quanh những cụm mây để tránh
tầm nhìn của địch. Bên dưới chúng tôi, mấy chiếc tàu quân vận Mỹ dương
cờ Hoa cà rịch cà tàng đi lại trên sông Hương. Đạn địch tìm đến chúng
tôi ở cao độ hai ngàn rưởi bộ trong khi trực thăng Mỹ lững lờ ở năm trăm
bộ. Đại Úy Bùi-Quang-Chính bi bắn rơi ở Cây Số 17, Đại Úy Châu Ông Chủ
bị bắn ở Toà Khâm. Chiều hôm đó trên đường về chúng tôi chỉ còn lại ba
chiếc.
Về
đến nhà kiểm lại tầu tôi lủng tám lỗ, tầu của Thể lủng sáu lỗ và tầu
Châu Ông Chủ lủng mười tám lỗ. Thân phi cơ vá chằng cá đụp những mảnh vá
không có thì giờ để sơn cho đồng mầu với thân tầu thành ra chiếc tầu
như mang hình ảnh quần áo của những đứa trẻ con nhà nghèo của các câu
chuyện trong Tân Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Tất cả các H-34 đều bị bệnh đầu
mùa rỗ chẳng rỗ chịt.
Mùng
4 Tết ra Huế trở lại, trời xấu ghê gớm. Mưa nặng hạt trần mây 300 bộ.
Low level từ Đà-Nẵng ra Phú-Bài lấy đạn dược để tiếp tế cho Đồn Mang-Cá,
low level từ Phú-Bài ra biển, bay dọc theo bờ biển lên hướng Bắc đến
cửa Thuận-An quẹo trái theo sông Hương hướng đến Đồn Mang-Cá. Trung Úy
Nguyễn-Phú-Chính và tôi chiếc số một, Trung úy Trần-Duy-Kỳ và
Đinh-Văn-Huê chiếc số hai. Hai chiếc nối đuôi nhau hụp lên hụp xuống
trong mây hướng vào đồn Mang-Cá, phía dưới tầu quân vận của Mỹ vẫn
trương cờ Hoa thanh thản qua lại trên sông Hương. Qua Bao-Vinh tầu tôi
bị bắn, đạn phá vỡ cửa kính bên trái nơi tôi ngồi, mảnh nhựa bay tứ tung
văng đầy vào người vào cổ. Cổ tôi đau rát, chắc tôi bị bắn vào cổ!. Tại
sao tôi lại có thể chết sớm đến như vậy nhỉ. Trong khoảnh khắc thời
gian thật ngắn ngủi, bao nhiêu mơ ước tràn ngập tâm hồn. Tôi còn quá trẻ
để đi chuyến tàu suốt. Hai mươi mốt tuổi đời, hai tuổi lính, vì nhà
nghèo nên vẫn chưa có người yêu, chưa hề biết hẹn hò hay thấp thỏm đợi
chờ. Những mơ mộng của mối tình đầu tôi chưa hề được biết và thực tế hơn
nữa là lương Thiếu Úy tôi vẫn chưa được lĩnh, thẻ lương của tôi vẫn là
thẻ lương Sinh Viên Sĩ Quan, tiền lương tương đương với lương Trung Sĩ.
Đời chưa trang điểm mà sao đã vội đi. Tôi len lén đưa tay lên sờ đầu rồi
sờ cổ, ấn nắn từng tí một xem có tí máu nào không để cuối cùng thấy
được mình vẫn an toàn. "Ngọc em bay đi", tôi vội vàng chụp lấy cần lái.
Nhìn qua bên anh Chính, máu chảy ròng ròng trên bàn tay phải. Khoảnh
khắc sau đó tôi phải trả lại vì anh Chính vẫn điều khiển được phi cơ.
Tầu vẫn tiếp tục bị bắn. Hai phi cơ đáp đồn Mang-Cá an toàn. Phi cơ của
tôi chảy dầu nặng, anh Chính bị thương nhẹ ở tay phải, tôi và cơ phi Nữu
an toàn. Phi cơ anh Kỳ, cơ phi Hạnh bị một viên đạn duy nhất bắn xuyên
áo giáp vào bụng, vỡ cuống gan, chết sau khi đến bệnh viện được 2 tiếng,
bệnh viện cách đó 200 thước. Hạnh người cơ phi dễ thương, con nhà giầu
bên Lào, có bằng tú tài 2 Pháp vì thích làm Phi Công nên về nước tình
nguyện nhập ngũ, thiếu điều kiện thể chất mà vẫn thích bay bổng nên lại
nộp đơn xin đi làm cơ phi. Hạnh, người chiến hữu đầu tiên trong đơn vị
ra đi vì chiến cuộc, tôi bâng khuâng tức tưởi. Quanh tôi lính nhẩy dù bi
thương nằm la liệt.
Ở
lại Huế qua đêm trong hoàn cảnh hãi hùng, thương binh tới tấp được mang
về bằng đường bộ, địch pháo kích liên miên vào đồn Mang-Cá. Hỏa tiễn
140 ly, hỏa tiễn 122 ly, cối 82 ly, B-40, thượng liên, AK-47...tôi được
anh bạn thương binh Nhảy Dù phân tích cho tôi từng loại sau mỗi tiếng
nổ. Thế là ngày giai đoạn nhập cuộc tôi đã có được một số vốn liếng khá
về khả năng tàn phá của vũ khí địch. Bài học chua chát, bài học pha chất
mặn của máu từ thân thể các chiến hữu của tôi.. Bước ngang qua ngoài
kia người lính Sư Đoàn 1 Bộ Binh ngắn ngủi bên cạnh khẩu súng Garant
M-1, lạc hậu trên lưng khẩu Carbin M-1. Sự thiệt thòi của họ tạo cho tôi
can đảm chịu đựng. Tôi rời Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh thả bước qua
Bệnh Viện Nguyễn Trí Phương.. Mưa lất phất rơi, thân thể tôi thấm lạnh.
Người cố vấn Mỹ hớt hải phóng qua trước mặt tôi, trong tâm tư tôi mang ý
tưởng của kẻ sát nhân. Đêm ấy địch pháo kích thâu đêm. Mùng 5 Tết trời
vẫn còn xấu, nhưng có tí nắng, chúng tôi quyết định trở về Đà-Nẵng với
xác của Hạnh bằng phi cơ của Trung Úy Trần-Duy-Kỳ. Chúng tôi bay phi cụ
trong điều kiện phi cụ thiếu lung tung của phi cơ. Mây thấp và dầy, đến
cửa Thuận An phi cơ bay low level về Đà-Nẵng. Mùng 6 Tết tôi lại bay trở
lại Huế để nghe tin anh Nguyên Điền Phong Phi Đoàn 516 bi bắn rơi. Con
người bay bổng thứ nhì ra đi kể từ khi tôi nhập cuộc. Tôi không quen anh
Phong mà chỉ biết tiếng anh khi tôi còn đang học ở Hoa Kỳ. Tôi được
nghe biết về anh vì anh đã sử dụng đèn pin cá nhân khi đèn trong phi cơ
hỏng trong chuyến solo đêm tại trường bay Hải Quân Mỹ. Về nước tôi được
gặp anh một lần ở Câu Lạc Bộ Trần-Văn-Thọ. Có lẽ những người tài hay vắn
số. Sự mất mát của dân bay bổng chấm dứt sau cái chết của anh
Nguyễn-Điền-Phong.
Tôi
đã bay mười tám ngày liên tiếp với các trưởng phi cơ khác nhau. Tết Mậu
Thân vì hưu chiến nên mọi đơn vị trong Quân Đội đều thiếu người. Cái
Tết đầu tiên trong đời Phi Công, trận chiến đầu tiên trong đời lính,
kinh nghiệm thực tiễn đầu tiên sau khi đọc quyển " Nỗi Buồn Nhược Tiểu"
của Pearl Buck và sự mất mát đầu tiên xảy đến trong đời lính: sự ra đi
của một người bạn, cơ phi Hạnh. Bom đạn đã cày nát mảnh đất lý tưởng của
tôi, thành phố Huế.
Nỗi buồn ray rứt gặm nhấm tâm hồn, thù hận len lỏi vào cách cư sử với
ngoại nhân và với những người ăn trên ngồi trốc. Tôi cau có và sẵn sàng
gây gỗ với tất cả mọi người không liên quan đến bay bổng và nhất là các
Cố Vấn Mỹ. Tôi đau đớn nhìn quê hương bị tàn phá và nỗi đau này đã làm
mất đi cái thiện trong bản ngã bình thường của con người để khiến tên
tôi được gán thêm tiếp vĩ ngữ "MÁT". Ngọc Mát
KQ Trần-Văn-Ngọc 65-E2
PĐ-213 PĐ-241
No comments:
Post a Comment