Sau
gần nửa thế kỷ, vụ Việt Cộng đột kích vào các thành phố miền Nam Việt
Nam vào dịp Tết Mậu Thân (1968) vẫn còn được viết, được nói tới để sự
thật tiếp tục được phơi bày về một biến cố quân sự lớn trong cuộc Chiến
tranh Việt Nam (1960-1975).
Cuộc
tổng công kích Tết Mậu Thân không chỉ liên quan đến chiến thuật, chiến
luợc về mặt quân sự, nó còn là một khúc quanh trong chính sách của Hoa
Kỳ đối với Việt Nam, và liên quan đến truyền thông báo chí, và đến những
tội ác chiến tranh đã xảy ra.
Vào cuối năm 2010, có thêm một cuốn sách nữa của người Mỹ viết về cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân (1968): This Time We Win: Revisiting the Tet Offensive của James S. Robbins, một cây bút bình luận chính trị của nhật báo Washington Times.
Tác
giả đã dùng những tài liệu của phiá Việt Cộng để chứng minh rằng, trái
ngược với “mô tả” trên báo chí Mỹ lúc ấy, cuộc tổng công kích Tết Mậu
Thân đã làm suy yếu lực lượng VC tới gần điểm sụp đổ và gây tổn thất
nặng nề hạ tầng cơ sở của đối phương tại miền Nam. Còn phiá bộ đội cộng
sản Bắc Việt thì bị mất tinh thần, phần vì xa nhà, phần vì đường tiếp tế
quá dài, quân số hao mòn nhanh hơn là sự bổ sung có thể cung cấp do
“đường mòn HCM” từ Bắc vào Nam.
Cuộc
tổng công kích không nhằm mục đích chiếm giữ lâu dài các tỉnh và thành
phố miền Nam nhưng được hoạch định để tạm kiểm soát các cứ điểm quan
trọng và lãnh đạo quần chúng nổi dậy cướp chính quyền. Nhưng, cả hai mục
tiêu này đều đã không đạt được vì Việt cộng đã bị đẩy lui hầu như ở tất
cả mọi nơi và quần chúng cũng đã không nổi dậy mà còn bỏ chạy về phiá
quốc gia.
Tác
giả Robbins đã kể ra từng trường hợp một để chứng minh rằng vụ Tết Mậu
Thân không phải là “một cuộc tấn công bất ngờ” như báo chí Mỹ tường
trình. Không có chuyện tình báo thất bại vì kế hoạch tấn công của VC đã
rơi vào tay Nam VN và Mỹ trước khá lâu. Nhờ tin tức do cán binh Bắc Việt
cao cấp hồi chánh và VC trở cờ cung cấp, phiá Nam VN đã được báo động
và đề phòng. Theo tài liệu hậu chiến, trong tổng số khoảng 84,000 cán
binh VC tham gia cuộc tấn công Tết Mậu Thân, hơn một nửa (45,000) đã bỏ
mạng.
Trương
Như Tảng đã nhận định trong hồi ký của ông ta rằng vụ Tết Mậu Thân là
một tổn thất làm điên đảo hàng ngũ VC, và là một sự trớ trêu lớn khi một
cuộc thất trận như vậy “đã được truyên truyền của chúng ta biến thành một chiến thắng huy hoàng”.
Robbins
cho rằng khi ấy thay vì thừa thắng xông lên để đè bẹp VC thì TT
Johnson, với quan niệm chiến lược “chiến tranh giới hạn” và “tiệm tiến”
đã cho đối phương có thời gian để phục hồi. Cho tới mấy năm sau, vào
giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến với sư sa lầy của Mỹ, Tổng thống
Nixon mới ra lệnh oanh tạc toàn miền Bắc VN nhằm mục đích đem tù binh Mỹ
về nước.
Theo
Robbins, sau trận Tết Mậu Thân, ít người biết những phần tử chủ hoà ở
Hà-Nội đã muốn bỏ cuộc, và việc điều đình đã được công khai thảo luận,
nhưng phe diều hâu với Võ Nguyên Giáp cầm đầu đã thắng và đẩy mạnh cuộc
chiến tranh xâm chiếm miền Nam.
Về phiá Mỹ, Robbins kết luận rằng sự thiếu quyết tâm là nhược điểm của anh khổng lồ (Achilles’ heel),
đã đưa đến sự thất bại của một cuộc chiến tranh mà quân đội Mỹ và Nam
VN đã thắng, và thắng liên tiếp trên chiến trường. Tác giả cũng đã nhấn
mạnh đến vai trò của “phong trào phản chiến” tại mặt trận hậu phương
nước Mỹ và sự phản bội của giới báo chí Tây phương trong cuộc chiến.
Khi
ấy, dẫn đầu bởi Walter Cronkite, truyền thông dòng chính của Mỹ tại
miền Nam Việt Nam đã “định nghiã chiến trường theo chiều hướng có lợi
cho quân thù, bất kể sự thực.” Và tác giả đã kết luận bằng cách trích
dẫn lời của một người lính Mỹ: “Việt Cộng đã không hạ được chúng tôi, nhưng New York Times và CBS-TV có thể làm việc ấy.”
Tạp
chí VIETNAM số tháng 2/2011 cũng có ba bài về cuộc tổng công kích Tết
Mậu Thân. Hai bài của Don North và Wilburn Meador viết về cuộc tấn công
và giải cứu toà đại sứ Mỹ tại Sài-Gòn.
Bài về những gì xảy ra tại Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân (What Really Happened At Hue),
tác giả là James Willbanks đã cung cấp nhiều chi tiết cập nhật về trận
đánh kéo dài hơn một tháng cũng như về tội ác của VC trong vụ tàn sát
thường dân tại Huế. James Willbanks là cựu chiến binh VN, đã viết nhiều
sách, trong đó có cuốn The Tet Offensive: A Concise History and Abandoning Vietnam, và hiện là giám đốc ngành Quân Sử tại Trường Đại Học Chỉ Huy và Tham Mưu của Bô Binh Hoa Kỳ.
James
Willbanks cho biết cuộc phản công giải cứu Huế kéo dài từ 31.1.1968 và
chấm dứt vào ngày 2.3.1968. Tổn thất của Quân đội VNCH là 384 tử trận,
1,800 bị thương và 30 mất tích. Thuỷ quân Lục chiến Mỹ có 147 bị giết và
857 bị thương. Bô Binh Mỹ 74 người chết và 507 bị thương. Tổn thất về
phía Cộng sản được báo cáo là 5,000 chết tại Huế và khoảng 3,000 nữa bị
giết tại các vùng phụ cận. Các cuộc giao tranh trong hơn một tháng đã
phá hủy khoảng 40 nhà cửa tại Huế khiến 116,000 lâm cảnh màn trời chiếu
đất, 5,800 thường dân bị giết hay mất tích.
Số
phận của những người mất tích dần dần được tính sổ khi khoảng 1,200 tử
thi được tìm thấy dưới 18 hố chôn tập thể bị vùi lấp vội vã. Trong 7
tháng đầu năm 1969, nhóm mồ tập thể thứ hai được phát hiện. Rồi vào
tháng chin, nhờ sự chỉ dẫn của ba cán binh VC hồi chánh, 300 tử thi được
khai quật ở Khe Đá Mài. Cuối cùng, vào tháng 11, hố chôn tập thể lớn
thứ tư được tìm thấy gần xã Lương Viên, cách Huế khoảng 15 cây số về
hướng đông. Cộng chung, gần 2,800 tử thi đã được phát hiện từ những hố
chôn tập thể này.
James
Willbanks viết rằng mới đầu tin về những vụ tàn sát tập thể không được
báo chí Mỹ loan tải rộng rãi vì họ cho rằng không đáng tin, và chỉ chú
tâm vào cuộc giao chiến đẫm máu và những tàn phá tại cố đô Huế. Cho đến
khi những hố chôn tập thể được đào lên, các cuộc điều tra mới được bắt
đầu để tìm hiểu sự thật.
Vào năm 1970, Douglas Pike, phân tích viên của Sở Thông Tin Hoa Kỳ, xuất bản tập tường trình The Viet Cong Strategy of Terror,
trong đó viết rằng ít nhất phân nửa số xác chết được đào lên tại Huế đã
cung cấp bằng cớ rõ ràng về “những vụ giết người tàn bạo: như tay bị
trói quặt ra sau lưng, mồm bị nhét giẻ, thân thể vặn vẹo nhưng không
mang thương tích (cho thấy đã bị chôn sống).” Pike kết luận rằng những
vụ tàn sát này đã được thi hành bởi những cán binh VC tại địa phương và
là kết quả của “một quyết định được lý luận và biện minh trong đầu óc
Cộng sản”.
Willbanks nhắc đến cuốn Tet! của
Ký giả Don Oberdorfer xuất bản năm 1971, trong đó thuật lại diễn tả
sống động của các nhân chứng về những gì đã diễn ra trong thời gian VC
kiểm soát thành phố Huế, gồm có những vụ hạ sát các người ngoại quốc tại
Huế, như ba bác sĩ người Đức Raimund Discher, Alois Alteoster, và
Horst-Gunther Krainick cùng bà vợ, tất cả đều dạy ở trường y khoa tại
đây, và đã nghĩ rằng họ được an toàn vì là người ngoại quốc không liên
hệ đến chính trị, nhưng đã bị VC bắt dẫn đi. Xác của họ được tìm thấy bị
vùi trong một hố cạn nơi cánh đồng gần bên. Cũng giống như vậy, hai
giáo sĩ người Pháp, Cha Urbain và Guy, được trông thấy bị bắt dẫn đi.
Sau đó xác Cha Urbain được tìm thấy với tay và chân bị trói, và bị chôn
sống. Còn xác của Cha Guy, với một viên đạn bắn vào sau ót, được chôn
cùng một hố với Urbain và 18 người khác. Các nhân chứng kể rằng đã trông
thấy Linh mục Bửu Đông, người đã làm mục vụ cho cả hai bên và thậm chí
có cả một tấm ảnh Hồ Chí Minh treo trong phòng, cũng đã bị dẫn đi. Xác
của ông được tìm thấy 22 tháng sau trong một huyệt mộ đào nông cùng với
xác của 300 nạn nhân khác.
Trong
danh sách “những tên phản động” có cả một lao công làm việc tại phòng
thông tin của chính quyền tên Phan Văn Tường. Lúc VC tới nhà tìm, ông ta
đi trốn cùng với gia đình và khi bắt được ông ta cùng với đưá con trai 5
tuổi, con gái 3 tuổi và 2 đứa cháu, VC lập tức bắn hạ tất cả và bỏ xác
trên đường phố cho những thân nhân còn lại nhìn thấy.
Trong
ngày thứ năm sau khi chiếm Huế, VC tới Nhà thờ Phú Cam, tập họp khoảng
400 đàn ông và thiếu niên. Trong số đó, vài người có tên trong danh sách
kẻ thù, vài người ở tuổi đi lính và vài người chỉ có tội là trông có vẻ
khá giả. Họ bị dẫn đi về phiá nam. Xác của những người này sau đó được
tìm thấy tại những hố chôn tập thể ở Khe Đá Mài.
Willbanks
không quên trích dẫn tài liệu của phiá VC và sách báo của các tác giả
Mỹ và Tây phương bào chữa cho tội ác của VC tại Huế, hạ giảm số nạn
nhân, thậm chí đổ tội cho phi cơ Mỹ đã dội bom gây ra những cái chết của
thường dân, và chính quyền Sài-Gòn đã bịa đặt vụ thảm sát với mục đích
chiến tranh tâm lý, kể cả cuốn hồi ký Từ Thù Đến Bạn của
cựu Đại tá VC Bùi Tín xuất bản năm 2002. Ông Bùi Tín nhìn nhận việc xử
tử thường dân đã xảy ra tại Huế trong vụ Tết Mậu Thân. Tuy nhiên, ông ta
nói rằng dưới sự căng thẳng của các cuộc oanh kích do phi cơ Mỹ thực
hiện, kỷ luật bộ đội đã bị tan vỡ. Bùi Tín giải thích rằng hơn 10,000 tù
binh đã bị bắt tại Huế, và những người quan trọng nhất đã được giải về
miền Bắc. Khi Thuỷ quân Lục chiến Mỹ phản công tái chiếm Huế, bộ đội
CSBV được lệnh rút lui về Bắc và đem theo tù nhân. Theo Bùi Tín, trong
sự hoảng loạn của cuộc rút quân, vài cấp chỉ huy đại đội và tiểu đoàn đã
bắn hạ tù binh “để bảo đảm an toàn cho cuộc rút quân”.
Còn
các “sử gia” của Đảng CSVN thì viết rằng trong cuộc tổng công kích Tết
Mậu Thân tại Thừa Thiên - Huế, các cán bộ VC đã truy lùng và bắt giữ
“những tên gian ác và các nhân viên quân sự và công chức ngụy quyền Việt
Nam Cộng Hoà”, và rằng “nhiều ổ gian ác và phản động… đã bị giết”. Hàng
trăm kẻ “có nợ máu đã bị xử tử”.
Sau
một thời gian phủ nhận không có vụ thảm sát hàng ngàn thường dân tại
Huế, Cộng sản Việt Nam đã nhận tội trước những bằng chứng hiển nhiên
không thể chối cãi. Các “tội” mà VC quy cho những nạn nhân (“những tên
gian ác”, “nhân viên quân sự”, “công chức ngụy quyền”, “phản động”, “có
nợ máu”…) là những lý do chính trị mà theo định nghiã của Toà Án Hình Sự
Quốc Tế (International Criminal Court) là những yếu tố cấu thành tội ác
chiến tranh và tội ác chống nhân loại để truy tố những can phạm, từ kẻ
lãnh đạo cao nhất đến những cấp thi hành và đồng lõa. Nhiều can phạm của
những tội ác này trên thế giới đã bị bắt, bị truy tố và bị Toà Hình Sự
Quốc Tế kết án.
Phải
chăng vì vậy mà vài kẻ liên quan đến vụ thảm sát tại Huế đã tìm cách
chối tội, như trường hợp của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Phạm
Thị Xuân Quế mà Nhà văn Nguyễn Văn Lục đã nói tới trong một bài viết
gần đây. Có nhiều bằng chứng cho thấy họ đã có mặt tại Huế trong thời
gian VC chiếm giữ thành phố và đã đóng vai trò đồng loã (chỉ điểm, dẫn
đường) trong việc lùng bắt và hạ sát các giáo sư tại Viện Đại Học Huế.
Sau
khi đọc bài “Trường Hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường” của Ông Nguyễn Văn Lục,
tôi đã hỏi ý kiến Giáo sư Nguyễn Thế Anh nhân dịp liên lạc với ông gần
đây. Giáo sư Nguyễn Thế Anh là Viện trưởng Viện Đại Học Huế khi xảy ra
biến cố Tết Mậu Thân, sau đó dạy sử tại Đại Học Sorbonne ở Paris, nay đã
nghỉ hưu. Ông Nguyễn Thế Anh cho biết đã thoát chết vì ở bên hữu ngạn
Sông Hương. Về sau, ông được nghe kể lại là có loa phóng thanh (ở bên tả
ngạn Sông Hương do VC địa phương chiếm giữ) yêu cầu “ông Viện trưởng ra
trình diện”, và những người đứng ra lãnh đạo cái ủy ban nhân dân là Lê
Văn Hảo, giáo sư Đại Học Văn Khoa (dưới quyền Viện trưởng Nguyễn Thế
Anh) và bọn sinh viên Đại Học Huế là anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng
Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân…Một tháng sau, chính Gs. Nguyễn Thế Anh
là người đã đi nhận diện tử thi của ba bác sĩ người Đức, cô vấn Trường
Đại Học Y Khoa Huế.
Tiết
lộ của Gs. Nguyễn Thế Anh phù hợp với phần tường thuật của James
Willbanks về diễn tiến của mặt trận Huế trong biến cố Tết Mậu Thân, theo
đó Trung đoàn 4 chính quy CSBV đã chiếm mạn nam (hữu ngạn) Sông Hương
của Thành phố Huế (trừ khu MACV, xem bản đồ đính kèm) ngay từ lúc hừng
đông ngày 31.1.1968 (mùng hai Tết Mậu Thân).
Vụ
thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế là tội ác chống nhân loại của Cộng sản
Việt Nam mà cộng chung lên đến hơn một triệu nạn nhân vô tội kể từ khi
cướp chính quyền tại Việt Nam.. Hồ Chí Minh, người chịu trách nhiệm lớn
nhất, cùng nhiều tay chân đã chết già, nhưng một số can phạm và đồng lõa
khác còn sống, có thể bị điều tra, truy tố và xét xử trước Toà Án Hình
Sự Quốc Tế.
Đây là công việc mà các tổ chức chính trị và nhân quyền của người Việt ở hải ngoại có thể làm.
Sơn Tùng
No comments:
Post a Comment