Tuesday, December 13, 2016

Tạp Ghi Sau 40 Năm


Kỳ 8
Ngày thứ 36 : 14-4-1975 
Trận chiến Long Khánh (CBU 55)
Ngày 14-4, Chiến đoàn 52 và địa phương quân đã bị thiệt hại và mệt mỏi vì giao tranh liên tục với quân số đông đảo của Bắc quân. Tại ngã ba Dầu Giây trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, Bắc quân tung thêm nhiều sư đoàn có xe tăng yểm trợ cùng với pháo binh để chọc thủng phòng tuyến của ta tại ngã ba Dầu Giây do Chiến đoàn 52 bảo vệ. Trong trận đánh cuối cùng này các chiến sĩ ta phải đương đầu với một lực lượng địch đông gấp mười lần. (Trọng Đạt)
 
Người lính cuối cùng của trận chiến
6 giờ chiều ngày 13-4-1975, sau 15 phút Bắc quân bắc loa kêu gọi đầu hàng tại ngã ba Dầu Giây, Long Khánh, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52 Bộ binh còn khoảng 50 tay súng, cùng bố trí sau những gốc cây cao su chờ giặc đến. Tôi liếc nhìn Trung đội 3 của mình còn đúng 12 người. Những đạn đại pháo, súng cối đủ loại của Bắc quân rót vào. Tiếng lựu đạn nổ chát chúa, tiếng la thét hãi hùng, tiếng rên siết đau đớn và rồi “tiếng hô sóng vỗ” của biển người. Tôi gục xuống trên xác một bạn đồng đội, người đầy máu…”
Đó là một trận chiến tồi tệ. Một trận đánh bi thảm mà những người lính cuối cùng của Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52 phải chấp nhận, gánh chịu. Chiến đấu không yểm trợ, không tản thương, không hy vọng, và trong trạng thái hoang mang, hỗn loạn đến thảm não. Đứng lên một lần cuối cùng trực diện với quân thù, để rồi ngã xuống như những người khác, hay nếu có một may mắn nào đó. Đời lính, chết là chuyện thường tình. Vấn đề chỉ là bao giờ đến lượt mình? Trong chiến tranh, một cuộc chiến được coi là thảm khốc nhất của ta từ 30 năm nay, đã có biết bao nhiêu những người lính của quân lực VNCH, nếu được chết cách đây 2 năm, trước khi Hiệp định Ba Lê được ký kết, đó là một niềm hãnh diện, chết cho đất nước, chết cho sự tự do của những người khác. Trong trận chiến cuối cùng năm 1975, với tôi, nếu bị chết, chỉ là một cái chết tức tưởi, oan khiên. Tôi tiếp tục cầm súng chiến đấu vì cấp chỉ huy của tôi chưa bỏ chạy, và vì không muốn thấy 12 người lính còn lại dưới quyền khinh thường mình.
Do đó, bỗng nhiên tôi trở thành “người lính cuối cùng” của Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52, Sư doàn 18 Bộ binh! Đó cũng là điều thành thật nhất tôi muốn được nói ra, để giải thích một cách lương thiện rằng tôi không phải là một trung đội trưởng anh hùng.
***
Đầu tháng 4-1975, sau khi các mặt trận Quân đoàn I và Quân đoàn II lần lượt tan vỡ, chiến tuyến Long Khánh được thiết lập ngày 8-4-1975 để chận sức tiến của các sư đoàn Bắc Việt trên đà đánh chiếm Sài Gòn. Chiến đoàn 52 được lệnh rời bỏ tuyến đầu của Quân đoàn III, vùng Núi Đốt, phía Nam Định Quán, dọc theo Quốc lộ 20, đường đi Đà Lạt, di chuyển về ngã ba Dầu Giây. Phòng tuyến mới của Sư đoàn 18 Bộ binh bây giờ bắt đầu từ Dầu Giây, dọc theo Quốc lộ 1, khoảng 18 cây số chiều dài, và 7 cây số chiều rộng (trên Quốc lộ 20, đoạn ngã ba Dầu Giây). Trước khi có lệnh co rút về phòng thủ tuyến, Chiến đoàn 52 với những chi đội thiết giáp tăng cường trong tuần lễ cuối cùng của tháng 3, 1975 lên thay thế vùng trách nhiệm của Trung đoàn 43 Bộ binh, trấn đóng phía nam quận Định Quán.
Trong những ngày cuối tháng 3, 1975, thật buồn thảm. Từng đoàn người lếch thếch, lũ lượt gồng gánh đi xuống. Ngược lên, kể cả những chiếc quân xa chạy vội vã, không có xe cộ nào vượt khỏi địa điểm đóng quân của tiểu đoàn. Ban đêm từ Núi Đốt, đỉnh cao nhất, phía tây Nam Định Quán khoảng 15 cây số, có thể quan sát thấy những xe tăng và những đoàn Molotova chở quân của Bắc Việt chạy khơi khơi trên Quốc lộ 20.
Bộ chỉ huy hành quân chiến đoàn xin phản lực lên đánh, nhưng chỉ thấy máy bay quan sát gởi tới bay lượn một hồi rồi bay luôn. Lần không yểm cuối cùng cho tuyến Núi Đốt, Định Quán, 2 trái bom 500 cân Anh rớt trúng xuống Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 43, khiến gần 200 thương vong. Các Tiểu đoàn 2/43 và 1/52 là những tiểu đoàn ưu tú nhất của Sư đoàn 18 Bộ binh. Những đơn vị đã nổi danh với những chiến thắng lẫy lừng tại Chiến khu D, và vùng Bến Cát trong năm 1974. Hai chiếc thiết giáp T54 và PT76 do Tiểu đoàn 1/52 “bắt sống” cách đây mấy tháng đã được lính Sư đoàn 18 chạy thẳng về dinh Độc Lập, Sài Gòn để Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chiều chiều …thưởng lãm. Chính các đơn vị này làm cho những người lính của Sư đoàn 18 ngẩng mặt cao lên, quên đi cái mặc cảm là lính của “Sư đoàn 10 số bù” trước đây, đa số là “lính ma, lính kiểng” và được chỉ huy bởi một ông tướng tham nhũng nhất quân đội thời đó. Và “rửa mặt” cho tướng Lê Minh Đảo, vị tư lệnh cuối cùng và anh hùng của Sư đoàn 18 Bộ binh. Vị tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/43 là một sĩ quan thuộc binh chủng mũ nâu trước đây. Ông nổi tiếng với lối đánh ào ạt, thần tốc trong đêm tối. Ban ngày nhẩy vào vùng địch, nhưng chỉ là đánh “nhứ” để quan sát địa thế, và ước lượng tình hình, khả năng thật sự của địch, tối đến mới là đánh thật. Và đã đánh đêm là phải thắng.
Đó cũng là quy luật của đơn vị này! Hai trái bom 500 cân Anh thả lầm xuống Tiểu đoàn 2/43 là một bất hạnh, một thiệt hại lớn lao chung cho tất cả các đơn vị. Vị tiểu đoàn trưởng tài ba, anh hùng nếu còn sống, chắc chắn sẽ điên loạn; vì ông thương yêu chiến hữu, lo cho những người lính nhiều khi còn hơn cả cho bản thân ông! Chiến đoàn 52 về tới tuyến mới, ngã ba Dầu Giây tối ngày 8-4-1975, thì ngay sáng hôm sau, mặt trận Long Khánh đồng loạt bùng nổ cả 3 nơi: Xuân Lộc, ngã ba Dầu Giây và vùng giáp ranh tỉnh Bình Tuy. Cả hai Sư đoàn 6 và 7 chủ lực quân, các trung đoàn pháo thuộc Sư đoàn 75 Pháo binh Bắc Việt từ An Lộc kéo về, mở những cuộc tấn công vào các vị trí của quân ta ngay giữa ban ngày. Chiến thuật của chúng tại mỗi nơi vẫn là tiền pháo, hậu xung và phục kích chận viện.
Ngày đầu tiên, 10-3-1975, áp lực nặng nề nhất là bắc Xuân Lộc và vùng núi Chứa Chan, nằm ở phía đông Xuân Lộc chừng 12 cây số, gần với ranh giới tỉnh Bình Tuy. Lực lượng bên ta, tại Xuân Lộc trong ngày đầu, ngoài những đơn vị Địa phương quân của tiểu khu Long Khánh, có Trung đoàn 43 và Trung đoàn 48 Bộ binh. Trung đoàn 48 đang nghỉ dưỡng quân tại Long Bình, trước đó đã được lệnh tới tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc, và phòng tuyến phía đông của thị trấn này. Cuộc chuyển quân thần tốc của Trung đoàn 48 cùng với tinh thần chiến đấu của đơn vị này, đã làm cho địch quân không thể tràn ngập được phòng tuyến phía đông Xuân Lộc, trong ngày đầu như chúng đã dự định. Tuyến phòng thủ của Chiến đoàn 52 dọc theo Quốc lộ 20, khoảng 6 cây số về phía bắc, và 2 cây số về phiá nam. Khoảng từ Dầu Giây về Xuân Lộc trên Quốc lộ 1 chừng 10 cây số vẫn còn là một trục lộ an toàn. Bộ chỉ huy chiến đoàn, các pháo đội đại bác 155 ly va 105 ly, các chi đoàn M41 và thiết vận xa M113 trấn đóng tại ấp Nguyễn Thái Học, cách Dầu Giây 3 cây số. Tiểu đoàn 3/52 đóng chốt trên núi Sóc Lu và những cao điểm khác, làm thành vòng đai ngoài cùng.
Phòng tuyến của Tiểu đoàn 1/52 ở phía nam Dầu Giây chừng hơn một cây số. Vùng đóng quân của chiến đoàn trong những ngày cuối, trừ Tiểu đoàn 3, có nhiệm vụ đóng tiền đồn, đóng chốt trên các đỉnh cao, phía bắc và đông bắc của Dầu Giây, tất cả đều nằm trong những đồn điền cao su bát ngát. Chiều ngày 11-4-1975, Tiểu đoàn 2/52 được lệnh về tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc. Vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/52, Đại úy Út, với kinh nghiệm chiến trường, và nổi tiếng bén nhậy trong những ước tính đối với sự việc có thể xẩy ra, nên ông đã để lại dọc đường 2 đại đội “ngủ đêm” trong vườn cao su. Trận phục kích tuyệt vời của Tiểu đoàn 2/52 đêm 11-4-1975, tiêu diệt, đốt cháy cả một đoàn xe chở quân và chở đạn của Bắc quân tại ấùp Cái Răng cách Xuân Lộc 6 cây số về phiá tây bắc, đã là chiến thắng cuối cùng của Chiến đoàn 52, Sư đoàn 18 Bộ binh trước khi bị tan hàng!
 
Những người lính bất hạnh
Đơn vị tôi thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 đóng tại ấp Nguyễn Thái Học, tuyến ngoài cùng của chiến đoàn, mặt phía nam ngã ba Dầu Giây. Một đại đội, nhưng chỉ còn khoảng 50 người, quân số chưa được một nửa theo quân số lý thuyết. Sĩ quan có đúng 2 người, một trung úy đại đội trưởng, và tôi, chỉ huy Trung đội 3 với 12 tay súng.
Ngay đêm đầu tiên, sau những trận mưa pháo của Bắc quân, những đơn vị pháo binh của Sư đoàn 75 pháo Bắc Việt từ An Lộc kéo về, “tuyến đầu” ở phía sau khu vực đóng quân của Chiến đoàn 52 Bộ binh đã co rút lại gần 1 cây số. Chúng tôi lui về phòng thủ sát xã Dầu Giây và Quốc lộ 1. Vẫn là những rừng cao su dầy đặc. Tôi nhìn những chiến hữu trong đơn vị, rồi nghĩ đến mình mà lòng thấy sót sa, đau đớn. Trận chiến cuối cùng này đã vượt khỏi tầm tay của mọi người. Không còn tin tưởng, hy vọng, hay tính toán gì được nữa. Bị bao vây, nguy khốn, bị thương chờ chết, bắn hết đạn, hãy tự giải quyết lấy. Những người gục xuống, đó là cách giải quyết tốt đẹp nhất cho chính họ, và cả những người còn sống. Pháo cuả địch rót vào chiến tuyến của ta giờ này qua giờ khác, ngày cũng như đêm. Những đại đội, trung đội đóng chốt, đóng tiền đồn của Tiểu đoàn 3 trên núi Sóc Lu và những cao điểm phía bắc Dầu Giây. Khi còn sử dụng được máy móc liên lạc, họ gọi kêu cứu liên tục. Các khẩu đại bác từ bộ chỉ huy hành quâïn của chiến đoàn bắn đi yểm trợ cầm chừng. Cứ điểm nào sắp bị tràn ngập, nghe tiếng phản lực xé không gian bay tới, hay tiếng gầm thét của chiến xa ào ạt đến, đó là cứu tinh, là hy vọng cho sự sống được kéo dài thêm của những người lính bộ binh khốn khổ, bất hạnh. Nhưng khi đã thấy một phản lực cơ nổ trên không trung, một chiến xa bốc cháy rồi thì niềm hy vọng và cuộc sống của họ tiêu tan, dẫy chết.
Ngày thứ tư của trận chiến Xuân Lộc, Long Khánh, tuyến ngoài cùng của chiến đoàn tại mặt trận phía tây Xuân Lộc, cả Tiểu đoàn 3 với quân số hơn 300 người, đóng trên các cao điểm phía bắc Dầu Giây chừng 5 cây số, không còn liên lạc, vết tích gì nữa. Họ đã chết thật tức tưởi, phi lý và trong uất hận, đau đớn. Trước khi vào lính, tôi không biết nhiều về đời sống quân đội. Cuộc đời quân ngũ của tôi cũng thật ngắn ngủi, 2 năm, 2 tháng, 20 ngày. Và tôi chỉ phục vụ tại một đơn vị, giữ một chức vụ duy nhất là trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52 Bộ binh. Tôi bị động viên theo học khóa Sĩ quan Trừ bị 2-73, dù thời gian đó Hiệp định Paris đã được ký kết. Cũng trong thời gian này, tôi đã mất đi một người bạn thân nhất. Đó là Chuẩn úy Lương Đức Hậu, người bạn học từ thuở nhỏ, cùng khóa 2-73 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, và cùng một đơn vị khi ra trường. Với cuộc chiến trong những năm sau cùng, nhiều khi sau trận giao tranh, một tiểu đoàn tác chiến, với quân số hành quân khoảng 400 người, có khi bị thiệt hại 1/3 hay nhiều hơn nữa. Và trong trường hợp ấy, ít nhất 50 phần trăm sĩ quan trung đội trưởng, cấp chuẩn úy, thiếu úy bị hy sinh. Một bức hình chụp 9 người khi nhập học khóa 2/73 sĩ quan trừ bị Thủ Đức, hình như chỉ có tôi và một người nữa sống sót.
 ***
Ngày 8-4-1975, khi trung đội của tôi lui về phòng thủ tại xã Dầu Giây, với quân số chiến đấu vỏn vẹn còn 12 người, đi nằm tiền đồn, bố trí chờ địch đến, hay tránh pháo kích, chúng tôi đều dàn hàng ngang, sau những gốc cao su. Tôi cũng không còn khe khắt bắt anh em binh sĩ đào hố cá nhân như trước kia nữa. Bởi vì, những hố đó cũng sẽ chẳng ích lợi gì khi Bắc quân tràn đến. Lúc tôi trúng mảnh pháo của địch, người đầy máu té xuống, tôi đã nghe thấy tiếng rên la trong đêm tối của trung sĩ Hoan, người trung đội phó gan dạ. Hoan người gốc Tàu Chợ Lớn, lầm lì, ít nói, nhưng can đảm và tháo vát. Trận đánh tại Bến Cát cách đây mấy tháng, khi tôi chỉ huy 2 khinh binh bò lên đánh lựu đạn vào một cái hầm có Việt cộng trú ẩn, một trái B40 của địch “thổi” trúng, “chém” đứt đôi 2 người lính, Hạ sĩ Lê Sen và binh nhất Hòa. Tôi thoát chết trong gang tấc, nhờ Hoan kẹp khẩu đại liên vào đùi, đứng bắn che cho tôi bò ngược trở lại. Hạ sĩ Sen và binh nhất Hòa đều là “những người lính bất hạnh” mà tôi thương mến họ. Tôi gọi Sen là “người lính gương mẫu” và Hoà là “đứa bất hiếu”. Sen là người tằn tiện, mực thước, tiền lương hàng tháng thường dành dụm gởi về cho vợ con. Còn Hòa ăn tiêu hoang phí, rượu chè, nhiều khi bà mẹ già chờ đầu tháng lên vùng hành quân xin tiền con, Hòa không có, phải trốn mẹ, bị tôi rầy la hoài. Trận trước, hạ sĩ Sen và Hòa đã ra đi. Hôm nay đến lượt tôi và Hoan! Hoan có người vợ trẻ mới cưới từ 2 tháng trước, định “dù” về Chợ Lớn thăm vợ, nhưng thấy trung đội chỉ còn có mình tôi là cấp chỉ huy, nên không nỡ bỏ đi. Tự nhiên tôi mong ước Hoan sẽ thoát được bàn tay tử thần đêm nay để về thăm vợ anh, dù đó là lần cuối cùng!
Tôi tỉnh dậy sáng hôm sau, một sĩ quan đã cho biết tôi được cứu sống nhờ 3 người lính thay nhau dìu về, những người lính của Trung đội 1, trung đội do cố Thiếu úy Lương Đức Hậu chỉ huy trước đây. Còn 12 quân nhân trong Trung đội 3 của tôi vĩnh viễn ra đi, không một người nào trở về.
***
Ngày 14-4-1975, phòng tuyến của Chiến đoàn 52 Bộ binh co lại thêm nữa. Vị tư lệnh mặt trận, đại tá chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 52 ra lệnh tổ chức phòng tuyến cuối cùng, không lùi thêm nữa. Nhưng cố gắng của ông và của những người lính Chiến đoàn 52 Bộ binh cũng chỉ giữ được phòng tuyến này thêm một ngày nữa, rồi tan hàng. 9 giờ đêm 15-4-1975, đại bác Bắc quân bắn sập hầm chỉ huy của đại tá chiến đoàn trưởng, ông thoát chết nhờ đang ở bên ngoài. Và lúc đó, ông mới quyết định cho mở đường máu rút lui về hướng Long Bình. Tổng cộng chỉ có 200 người thoát về được đêm 15-4-1975. Khoảng 1500 quân thuộc Chiến đoàn 52 Bộ binh bị thiệt hại, bị đánh tan tác trong 6 ngày cuối cùng tại mặt trận Dầu Giây, Long Khánh.
(Phạm Văn Trung)
 
Thiếu Úy Phạm Văn Trung, trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, v…v…

- : Nguyên tác “Trên phòng tuyến ngã ba Dầu Giây trích từ tuyển tập “Những uất hận trong trận chiên mất nước 1975” của Phạm Huấn. Viết theo lời tường thuật của Thiếu Úy Phạm Văn Trung

 
Ngày thứ 37 : 15-4-1975 
Trận chiến Long Khánh (BLU 82)
Ngày 15-4, trận chiến rất ác liệt tàn khốc ngay từ lúc mới giao tranh, Những đợt xung phong biển người của Bắc quân đã tràn ngập các vị trí chiến đấu của VNCH, địch chọc thủng phòng tuyến và chia cắt các lực lượng ta, 4 xe tăng M48 của ta bị trúng pháo kích, trời tối nên máy bay cũng không yểm trợ được. Chiến đoàn 52 gồm một trung đoàn thuộc Sư đoàn 18 và các lực lượng tăng phái đã bị địch quân đánh tan đêm 15-4, chỉ có hai đại đội thoát được.
Phòng tuyến của Chiến đoàn 52 tại ngã ba Dầu Giây bị vỡ đêm 15-4-1975. (Trọng Đạt)
 
Đài Á châu tự do phỏng vấn Thiếu tướng Lê Minh Đảo.   
        BLU 82   CBU 55
Mặc Lâm: Vâng thưa thiếu tướng cho tới nay vẫn còn một câu hỏi đặt ra trước việc nhiều người cho là có hai trái bom CBU 55 đã thả trong trận Xuân Lộc. Nhưng cũng có người nói là chuyện này không có. Xin thiếu tướng cho biết vấn đề này như thế nào trong ngày 16-4-1975.
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: CBU 55 thì nó hút hết tất cả không khí oxygen làm người ta chết chứ còn hai trái bom mà đánh ở đó là BLU 82 đó nặng 14 ngàn pound nói theo kilogram thì nó chừng 7 tấn. Trái bom đó Hoa Kỳ họ đem qua Việt Nam họ dùng trong khi họ còn ở đây. Quả bom đó để tại Việt Nam nhưng không có ngòi nổ vì họ đã đem ngòi nổ về Mỹ.
Và khi có phái bộ của ông đại tướng Frederick Weyand, ông qua duyệt xét tình hình, mang hai chiếc tank M48 trên phi cơ Galaxy để làm quà viện trợ cho quân lực VNCH đồng thời chở các em mồ côi về Mỹ. Chiếc phi cơ này bị rớt ở Tân Sơn Nhất. Phái bộ này họ đem mấy cái ngòi nổ cho mấy quả bom BLU 82 qua bởi họ thấy cộng sản nó đi lẹ quá họ cho VNCH cái đó (BLU 82) để cản bước tiến của cộng sản. Trong mặt trận Xuân Lộc của tôi được họ cho 2 trái.
 
Xuân Lộc tháng Tư
(…tiếp với BĐQ ở Xuân Lộc)
Từ trưa tới chiều chạng vạng, mặt trận yên tĩnh lạ lùng. Khi mặt trời vừa lặn, pháo địch từ nhiều hướng khác nhau tập trung trên thành phố Xuân Lộc, đủ loại súng nặng, bắn thẳng, cầu vồng, có điều khác lạ là tất cả đều là pháo tầm xa (?), pháo địch kéo dài cỡ một giờ đồng hồ rồi im hơi. Màn đêm buông xuống, tôi nghe tiếng động cơ chiến xa nổ rộ, rồi nghe tiếng bánh sắt chạm đường đất đá, âm vang kéo dài từ gần rồi xa dần. Toán tiền thám BĐQ ngoài vòng đai báo cáo, chiếc T54 bị đứt xích đã được kéo đi và cả đoàn chiến xa dàn hàng ngang ngoài vòng đai phòng thủ cũng đang rút đi (?). Tôi báo cáo sự việc này cho đại tá Hiếu, ông cũng ngạc nhiên không hiểu vì lý do gì, địch đang chuẩn bị một cuộc sống mái thì đột nhiên đổi hướng.
Những ngày sau đó tình hình im ắng như tờ, những con ve sầu trên ngọn điều lộn hột cất tiếng hòa ca điệu cuối xuân trong khung cảnh thật là tĩnh mịch êm ả đồng quê. Những cây chuối trên đồi rủ lá. Những sợi khói lam từ mái rạ bay cao. Khoảng ba giờ chiều ngày 20-4-1975, đại tá Hiếu cho xe ra sân bay đón tôi vào họp hành quân. Ông rầu rầu,
– Ông Toàn ra lệnh cho chúng ta bỏ Long Khánh rút về Bà Rịa, ông Đảo vừa được lệnh và cho tôi biết. Tôi đón chú vào cho chú hay để mà chuẩn bị, chút nữa ông Đảo họp với ông Toàn xong trở về sẽ có lệnh chi tiết sau.
Tôi ngồi với đại tá Hiếu một lúc thì có điện thoại của tư lệnh, đại khái ông cho biết, lệnh bỏ Long Khánh là từ tổng thống Thiệu. Địch không vây Long Khánh nữa mà đi bọc về đánh Biên Hòa và thủ đô Sài Gòn nên quân ta phải bỏ Xuân Lộc, về bảo vệ Sài Gòn. Tướng Đảo cực lực phản đối vụ triệt thoái này nhưng tổng thống và tướng Toàn đã quyết định cắt tiếp ứng, tiếp tế, yểm trợ cho SĐ 18 để ép sư đoàn này thi hành lệnh lui binh. Tôi được lệnh rút TĐ82 BĐQ về ngã ba Tân Phong trước tám giờ đêm chờ lệnh.
Tiểu đoàn 82 Biệt động quân cuốn lều, lấp hầm hố phòng thủ khi đêm rơi.
Đơn vị tôi vừa di chuyển ngang cổng tòa hành chánh tỉnh Long Khánh thì Đại tá Phạm Văn Phúc, tỉnh trưởng đã chờ ở đó, đại tá yêu cầu tôi cho Tiểu Đoàn 82 Biệt động quân đi với đoàn quân của tiểu khu Long Khánh, và ông xin được tháp tùng tôi trong cuộc rút lui.
Tôi từ chối với lý do: Đại Tá có cả một tiểu khu, đại tá phải chỉ huy họ, là cấp chỉ huy của họ, đại tá không thể đi theo tôi mà để họ không người chỉ huy, Đại tá Hiểu ra, cám ơn tôi đã có lời nhắc nhở nhiệm vụ của ông. Chúng tôi bắt tay từ biệt. Mãi tới năm 1979 tôi mới gặp lại đại tá Phúc trong trại cải tạo Nam Hà A ngoài Bắc.
Trong cuộc rút binh, đại tá Phúc đã bị bắt khi đi được nửa đường Xuân Lộc, Bà Rịa và bị giữ trong trại tù từ ngày đó.
 
(Vương Mộng Long)
 
(?!) Xem Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Trần Văn Trà
ở tiết mục Ngày thứ 42: 20-4-1975 - Xuân Lộc triệt thoái.
 
Ngày thứ 38 : 16-4-1975 
Trận Dầu Giây
Trung tướng Nguyễn Văn Toàn xin lệnh Bộ tổng tham mưu cho ném bom Daisy Cutter, hồi đó còn gọi là bom CBU để ngăn sức tiến của Bắc quân.
Hôm sau 16-4 vào lúc 11 giờ sáng hai trái bom khổng lồ CBU đã được thả xuống vị trí đóng quân của Bắc quân cùng với một đoàn xe dài đầy những xe tăng đại bác trên Quốc lộ 20 từ Định Quán trở xuống.
(Trọng Đạt)
 
Bên lề trận chiến
Ngày 17-4-1975 đang kịch chiến tại khu vườn của cố Thống tướng Lê Văn Tỵ. Thì đồng thời trong hai ngày 17 và 18-4 Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn thuận dự chi 327 triệu cho phép Tổng thống Gerald Ford được quyền sử dụng  quân lực di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Ngày 19-4, tại Xuân Lộc, tình hình thế trận như dầu sôi lửa bỏng, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục quần nhau với Sư đoàn 18. Thì cũng cùng  ngày 19-4, Đô đốc Noel A. Gayler, tư lệnh quân lực Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương đến Sài Gòn, trực tiếp thẩm định tình hình và lượng giá các khả năng di tản. Tại Washington , ủy ban đặc nhiệm di tản WSAG (Washington Special Assignment Group) được thiết lập do Dean Brown thuộc bộ ngoại giao cầm đầu.
 
Ngày thứ 39 : 17-4-1975 
12 ngày trận chiến Xuân Lộc
Ngày 17-4, các đơn vị thuộc 3 sư đoàn 341, 6 và 7 Bắc quân tiếp tục mở các đợt tấn công vào phòng tuyến phía nam thị xã Xuân Lộc do 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 1 Dù án ngữ.
Những pha cận chiến giữa nhảy dù và Bắc quân đã diễn ra quanh các vườn cây rộng mênh mông của khu vườn của cố Thống tướng Lê Văn Tỵ, nằm sát đường rầy xe lửa. Không quân đã thực hiện nhiều phi tuần F5 và A37 oanh kích vào vị trí đóng quân của một trung đoàn Bắc quân trong khu vườn này.
 
Góp nhặt…ghi chép…
Ngày 17-4, ông Martin đề nghị với Kissinger trong một công điện tối mật để đồng ý cho ông thuyết phục ông Thiệu từ chức:
Nếu quốc hội bỏ phiếu chống viện trợ cho VNCH thì địa vị ông Thiệu hết rồi. Vì vậy tôi sẽ thuyết phục ông Thiệu từ chức với tính cách là người bạn. Nếu ông ta không chịu, tôi sẽ đi đến một kết luận vô tư là các tướng lãnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông làm chuyện này.
Kissinger đồng ý và cho hay: Tôi và tổng thống Ford đã chấp thuận từ trước rồi.
 
(Nguyễn Tiến Hưng)
 
- : 10 giờ sáng, Đại sứ Graham Martin vào gặp tổng thống Thiệu và cuộc gặp kéo dài trong tiếng rưỡi đồng hồ về nhận định của tòa đại sứ Hoa Kỳ đối với tình hình quân sự hiện tại.
 
Xuân Lộc tháng Tư
Ra tới QL1 tôi phải cho quân đi hàng một và cách lề trái đường vài chục mét. Khi đến ngã ba Tân Phong tôi được lệnh ngừng lại chờ lệnh. Trên QL1 những chiếc xe cam nhông chở đầy ắp lính ngồi hai hàng, xe chạy như bay, chiếc này bám đuôi chiếc khác. Xe mở đèn pha sáng choang. Có những người lính bộ binh lưng mang nặng ba lô, súng đeo vai đi sát hai bên đường. Một anh lính bộ binh chạy từ bên phải sang bên trái đường, bị trượt chân té, văng nón sắt. Chiếc xe cam nhông chạy qua, đè ngang hai chân anh. Anh lính la hét đau đớn được một câu thì chiếc xe cam nhông thứ hai đã đè đủ năm chiếc bánh bên trái qua người anh ta. Tôi nghe rõ tiếng “rốp!” khi bánh xe lăn qua đầu anh. Cái xác dẹp lép của người lính cách chân tôi khoảng hai mét. Tôi kéo xác anh vào lề đường. Cái căn cước quân nhân cho tôi biết tên người xấu số là Nguyễn Thành Long, sinh quán Long An.
Hai bên đường, người đi như chảy hội, giữa đường, xe cứ nối đuôi nhau.
Tôi chờ khoảng mười phút thì đại tá Hiếu cho tôi biết, Chuẩn tướng Lê Minh Đảo chọn TĐ82   BĐQ làm lực lượng bảo vệ bộ tư lệnh di chuyển. Không lâu sau đó, một chiếc jeep trờ tới, chuẩn tướng Đảo cùng bốn quân cảnh nhảy xuống, chiếc xe chạy đi ngay.
Chúng tôi xác định nhiệm vụ, trao đổi tần số rồi lên đường.

(…)
 
Góp nhặt…ghi chép…
Thực ra thì bản nhận định này đã được Frank Nepp, một chuyên viên phân tích tình báo (intelligence analyst) của CIA soạn thảo. Trong cuốn Decent Interval, Frank Nepp tiết lộ rằng ông đã được Polga, giám đốc CIA tại Sài Gòn ra chỉ thị phải:
Soạn thảo bản nhận định càng đen tối càng tốt chừng đó.
Vì đại sứ Martin sẽ dùng bản nhận định này để thuyết phục ông Thiệu rằng đã đến lúc ông ta phải ra đi. (Frank Snepp)
 
Ngày thứ 40: 18-4-1975
12 ngày trận chiến Xuân Lộc
Sáng 18-4, tổng kết tình hình 3 phần 4 quân số của Trung đoàn 52 BB bị thương. Về thiết giáp, 9 chiến xa và M113 bị tiêu hủy, hơn một phần tư quân số bị loại ra khỏi vòng chiến đấu.
Chiều 18-4, pháo 130 đã bắt đầu bắn phá căn cứ không quân Biên Hòa không cho không quân của ta yểm trợ Xuân Lộc.
(Trần Hiếu Đức)
 
Góp nhặt…ghi chép…
Ngày 18-4, bộ tư lệnh Quân đòan III chuẩn bị di chuyển từ Biên Hòa về Gò Vấp. Trong khi đó các hoạt động phối hợp yểm trợ chiến thuật của Sư đoàn 3 KQ cũng bắt đầu suy giảm mạnh. Những kho dự trử bom đạn tại Biên Hòa, Long Bình, Gò Vấp và thành Tuy Hạ đều cạn kiệt những loại bom 500, 750, 1.000 lbs, chỉ còn loại bom nhỏ MK81 cở 250 lbs.
Các phi đoàn máy bay của Sư đoàn 3 KQ phân tán về Tân Sơn Nhất và Cần Thơ.
(Trần Hiếu Đức)
 
Long Khánh triệt thoái
Đài Á châu tự do phỏng vấn Thiếu tướng Lê Minh Đảo.
Mặc Lâm: Thưa thiếu tướng với tình hình mà thiếu tướng vừa diễn tả khiến ông phải rút quân ồ ạt vào ngày 20-4. Có những chi tiết gì quan trọng trong cuộc rút quân thưa thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Minh Đảo: Mặt trận Xuân Lộc nó ác liệt đẫm máu ngay vào ngày đầu tiên 8-4-1975 và kéo dài cho tới ngày Sư đoàn 18 rút ra khỏi trận địa vào ngày 21-4. Tình hình bắt đầu thay đổi khi ngày 16-3 thì mặt trận Phan Rang bắt đầu bể, một quân đoàn gọi là Quân đoàn 2 Hương Giang của họ đi ở Quốc lộ 1 xuyên qua Phan Rang xuống Phan Thiết để về Sài Gòn. Họ đi vô Bình Tuy ngang Xuyên Mộc về Bà Rịa để tấn công Biên Hòa, vì họ không thể đi ngõ Xuân Lộc nên họ đi ngõ đó. Đồng thời Trần Văn Trà thay đổi kế hoạch đánh phá rất mạnh vào phi trường Biên Hòa vì họ biết phi trường còn thì sẽ yễm trợ cho chúng tôi. Mỗi ngày chúng tôi có chừng 50 phi xuất của Biên Hòa yễm trợ cho chúng tôi, anh em đó đánh rất là ngoạn mục, đánh rất hay, rót bom lên địch thành ra họ bị thiệt hại rất nhiều vì phi pháo của chúng tôi.
Chiến đoàn 52 của tôi ở tại ngã ba Dầu Giây họ đánh nhiều ngày hết đạn dược rồi nên phải xuyên rừng đi thẳng vào rừng, đi xuyên rừng Bình Sơn để về Biên Hòa. Trước sự uy hiếp trên quân đoàn sợ rằng mặt trận của tôi nằm ở phía trên mà nó đã lọt được vào bên dưới do Quân đoàn Hương Giang đi từ bên kia nó vòng ngõ tắt về Biên Hòa cho nên ông trung tướng Toàn ra lệnh phải thay đổi chiến thuật, xin tổng thống Thiệu và tổng thống chấp nhận là đưa Sư đoàn 18  về giữ Trảng Bom, giữ Quốc lộ 1 về Biên Hòa. Mặt trận này hồi nào đến giờ do chuẩn tướng Khôi, tư lệnh Lữ đoàn 3 Thiết giáp, đem chiến đoàn lên giữ mặt trận đó mà không lên tiếp cứu được cho Sư đoàn 18 vì tụi nó chận ông và ông phải cầm cự ở đó. Thật ra thì ông Toàn cũng muốn giữ lực lượng này để bảo vệ cho Quân đoàn III nếu cái đoạn này mà Lữ đoàn 3 dính vào mà nó đánh vô thì ông không có đường mà đỡ, ông ra lệnh cho tôi rút càng sớm càng tốt.
 
Góp nhặt…ghi chép…
Trước khi cuộc lui binh khỏi Xuân Lộc bắt đầu, ngày 18-4, Uỷ ban quốc phòng thượng viện Hoa Kỳ biểu quyết bác bỏ đề nghị viện trợ khẩn cấp cho VNCH của tổng thống Mỹ, họ chỉ cho tiền cứu trợ di tản.
Hai hôm sau cuộc lui binh (ngày 21-4), ngày 23-4 tại đại học Tulane, New Orléans , Tổng thống Ford tuyên bố: Đối với Hoa Kỳ chiến tranh VN đã kết thúc
 
(Trần Hiếu Đức)
Ngày thứ 41 : 19-4-1975
12 ngày trận chiến Xuân Lộc
Ngày 19-4, tại Xuân Lộc, tình hình thế trận như dầu sôi lửa bỏng, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục quần nhau với quân ta. Mất Dầu Giây và Quốc lộ 20, Biên Hòa trở thành mục tiêu và Xuân Lộc bị cô lập. 
Tư lệnh Quân đoàn III bay trực thăng xuống Long Khánh, và tất cả nhận được lệnh rút khỏi Xuân Lộc 12 giờ đêm 19-4 theo con đường mòn qua Long Giao-Bình Giả về Phước Tuy để trở về phòng thủ Biên Hoà. Đội hình lui quân được dự trù như sau:
BTL/SĐ18 BB và BCH/TK/LK đi trên đường mòn qua Long Giao. Hai bên sườn được bảo vệ bởi  lữ đoàn Dù, liên đoàn BĐQ, và liên đoàn ĐPQ.  Đến Bình Gỉa, BCK/TK bị phục kích. Đại Tá Phạm Văn Phúc, TKT Long Khánh bị bắt.
(Trần Hiếu Đức)
 
Long Khánh triệt thoái
Muốn rút trên con đường này tôi lại ra lệnh lần nữa là không rút ban ngày, rút ban ngày địch nó biết nên tôi rút ban đêm. Bắt đầu 8 giờ tối, tôi cho rút quân vì tôi biết họ không bao giờ có thể nghĩ rằng một đại đơn vị của quân lực VNCH mà rút quân vào ban đêm như thế này hết, họ không bao giờ ngờ! Sáng hôm ông Toàn ra lệnh tìm cách rút quân thì tôi đã cho lệnh tất cả lữ đoàn dù và một tiểu đoàn của tôi ở trên núi Thị nã pháo vào các vị trí của họ và mở cuộc tấn công để làm cho họ thấy rằng chúng tôi bắt đầu phản công để tiêu diệt họ thì họ lo chống đỡ và nghĩ rằng chúng tôi đánh họ chứ họ không biết khi đó tôi chuẩn bị rút đi.
Rút quân trong cuộc hành quân này thì rất táo bạo nhưng phải bình tĩnh tối đa, rút từng đơn vị. Trước hết tôi cho trung đoàn của tôi đi đầu, trung đoàn đó được một đơn vị pháo lớn tại căn cứ Long Giao của Trung đoàn 48 nằm đó nó yễm trợ. Khi họ rút được êm rồi thì đơn vị pháo đó rút sâu dưới kia họ bắn ngược lên. Sau đó là lực lượng cơ giới do ông đại tá tham mưu trưởng hành quân Hứa Yến Lến của tôi ổng dẫn đi, đem hết tất cả cơ giới nặng, cả xe xác chết của binh sĩ mình trong ngày hôm đó không đi được bỏ lên xe chở về hết tất cả.
Tôi chỉ biết là mỗi một ngày tôi chấm tọa độ. Tối tôi chấm tọa độ nơi nào họ đóng quân, chẳng hạn chỗ này sư đoàn đóng chỗ này trung đoàn đóng, chỗ này là điểm tập trung quân của quân đoàn còn chỗ này là điểm của một đơn vị sắp sửa xuất phát. Tại sao tôi biết? Bởi vì trong cuộc chiến thì tới giờ này tôi nói luôn cho biết về vấn đề gọi là mật mã. Tháo ra hết tất cả mật mã của họ thì chúng tôi có phòng 7 họ gửi bao nhiêu chúng ta mở ra hết tất cả. Buổi chiều khi họ truyền tin thì chúng tôi bắt được hết. Họ báo tất cả bức điện của họ bằng chữ, ví dụ một lô chữ azkd...nhưng trong số chữ đó chúng tôi biết đọc ra mật mã, chính chỗ đó nên tôi đánh trúng họ và họ thiệt hại rất nhiều. Trung tâm phối hợp hỏa lực của tôi chiều nào cũng kiểm tra cái này hết. Những mục tiêu xa tập trung những đơn vị của họ ở gần trên Định Quán thì tôi xin quân đoàn cho tôi đánh mục tiêu này.
Tôi xin đánh vào mục tiêu đó nhưng tôi không biết rõ là quân đoàn đánh bằng quả bom BLU 82. Sự thiệt hại của địch quân rất cao. Còn một quả nữa thì tôi thấy nó không ép-phê gì trong trận địa của tôi, trái thứ hai không kết quả bao nhiêu. (Mặc Lâm-Lê Minh Đảo)
 
Ngày thứ 42: 20-4-1975
Xuân Lộc triệt thoái
Tù binh VNCH tại Xuân Lộc
Những trận đánh cuối cùng tại chiến trường Long Khánh.
Rạng sáng ngày 20-4, hai trung đoàn Bắc quân từ hướng đông-nam Xuân Lộc tiến đánh thẳng vào bộ tư lệnh Sư đoàn 18 và bộ chỉ huy tiểu khu Long Khánh. Bắc quân tập trung lực lượng tại đồn điền Xuân Lộc cách bộ tư lệnh hành quân Sư đoàn 18 khoảng 3 km.
10 giờ sáng cùng ngày 20-4, theo lệnh của bộ tư lệnh Quân đoàn III, bộ tư lệnh Sư đoàn 18 đã có cuộc họp khẩn với các chỉ huy trưởng các đơn vị tăng phái và tiểu khu trưởng Long Khánh. Trong vòng 1 giờ, bộ tư lệnh Sư đoàn 18 phổ biến lệnh mới của bộ tư lệnh Quân đoàn III là toàn bộ lực lượng VNCH triệt thoái khỏi Xuân Lộc.
(SQTB K10B/72)
 
Giã từ vũ khí
Trong cuộc rút quân khỏi Xuân Lộc, lộ trình rút quân của lữ đoàn dù dài hơn 40 cây số đường rừng ven theo liên tỉnh lộ 2 từ Tân Phong đến Long Lễ về Bà Rịa…
Nhưng có một điều đã làm xót xa các cấp chỉ huy và binh sĩ dù, đó là những chiến sĩ dù bị thương nặng trong những trận giao tranh trước khi có lệnh rút quân đang chờ đợi tải thương. Trong một tình thế bất khả kháng, tất cả những người lính dù đều khóc khi phải cố nén đau thương từ biệt những đồng đội của mình đang bị trọng thương ở các chiến hào.
Trước phút lên đường, nhiều người lính dù đã òa lên khóc, ôm lấy đồng đội, máu từ áo bạn thấm sang áo mình, lần đầu tiên và cũng lần cuối cùng họ phải để bạn bè bị thương vĩnh viễn ở lại với chiến trường…Họ sửa lại ngay ngắn thế nằm của đồng đội, vuốt từng đôi mắt sau khi các quân y sĩ, y tá quân y chích cho thương binh những mủi thuốc an thần. Nón sắt của thương binh được lấy ra, đầu của họ được gối trên ba lô, súng cá nhân để bên cạnh.
Như một thước phim bi tráng trong điện ảnh về đề tài chiến tranh, những người lính dù đứng nghiêm, chào vĩnh biệt đồng đội. Rồi, đoàn quân lên đường. (Vương Hồng Anh) 
 
Bên lề trận chiến
Henry Kissinger qua trung gian  của Anatoly Dobrynin, đại sứ Liên Xô tại Washington, gi một công điện tối khẩn cho tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev. Theo Kissinger, vì quyền lợi lâu dài Xô–Mỹ, vì nguyên tắc tự chế (principle of restraint), đồng thời để tránh hậu quả rất tai hại có thể xảy ra cho miền Bắc Việt Nam, Moscow nên hợp tác, giúp sắp xếp với Hà Nội một thỏa thuận ngầm về ngừng bắn ngắn hạn cho công tác di tản công dân Hoa Kỳ, cùng một số người Việt Nam có liên hệ đặc biệt với Hoa Kỳ. Đề nghị được Liên Xô chấp nhận mau lẹ và Hà Nội cũng bắn tiếng không có ý định ngăn cản việc di tản, hay muốn làm tổn thương thêm danh dự của Hoa Kỳ (Biên  bản cuộc họp ngày 24-4 của Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Thư viện Tổng thống Gerald Ford giải mật năm 2004).
Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn cử Đại tá Harry Summer làm thông tín viên con thoi thường trực với Hà Nội. Chỉ có Đại sứ Graham Martin và Phó đại sứ Wolf Lehmann biết mối liên hệ tay ba Hà Nội, Moscow và Washington. Điều thỏa thuận căn bản đã đạt được là Hà Nội đồng ý sẽ chờ bên ngoài Sài Gòn cho Hoa Kỳ rút đi trong yên ổn, chỉ với điều kiện mọi chiến cụ và phương tiện chiến tranh đều phải được để lại toàn bộ nguyên vẹn.
Tuy nhiên trong một bức thư trao tay trực tiếp cho Hà Nội, Hoa Kỳ nhấn mạnh đến các pháo đài bay B52  Thái Lan và lực lượng không quân của Hạm đội 7, đã và đang được đặt trong tình trạng báo động. Bất kỳ một sự khinh suất nhỏ nào của Hà Nội cũng đều có thể đưa đến một hành động trả đủa khốc liệt (1). (Larry Engelmann, sđdHoàng  Đức Nhã, cố vấn Tổng thống VNCH, dẩn theo Pièrre Darcourt, Vietnam: Qu’as – tu fait de tes fils, 1977).
(1) Để cụ thể hóa áp lực, ngày 21-4, Hoa Kỳ giúp Sư đoàn 5 KQ thả tiếp hai quả hai bom CBU 55, xuống vùng Bảo Vinh, Bình Lộc, (Nguyễn Hiệp) 
 
10 ngày cuối cùng của VNCH
Chủ Nhật 20-4-1975
Đại sứ Martin đã đưa cho ông Thiệu bản nhận định do Frank Nepp viết nguyên văn như sau:
(…) Với cuộc sụp đổ của các cuộc phòng thủ của quân đội của chính phủ quanh tỉnh lỵ Xuân Lộc và sự tiếp tục gia tăng tập trung quân đội của Bắc quân trong Vùng 3 chiến thuật cán cân lực lượng trong vùng chung quanh Sài Gòn hiện nay đã nghiêng về phía Bắc Việt. Mặc dù chính phủ vẫn còn có thể tăng viện cho một trong những mục tiêu có thể sẽ bị tấn công như Biên Hòa, Long Bình ở về phía đông Sài Gòn, các tỉnh Long An, Hậu Nghĩa ở về phía tây hay tỉnh Bình Dương ở về phía bắc, tuy nhiên lực lượng của chính phủ sẽ không đủ sức mạnh để phòng thủ tất cả các mục tiêu nầy một cách hữu hiệu. Mặt khác về phía Bắc Việt chỉ trong vòng ba hay bốn ngày nữa, họ lại có đủ khả năng phóng ra những cuộc hành quân mức nhiều sư đoàn vào tất cả những mục tiêu này. Như vậy thì chính phủ VNCH sẽ phải đối phó tình trạng Sài Gòn sẽ bị cô lập và sẽ không còn liên lạc được với bên ngoài chỉ trong vòng vài tuần lễ và có thể rơi vào tay của các lực lượng Bắc Việt trong vòng 3 hay 4 tuần lễ. (…)
***
Frank Nepp nói rằng ông muốn viết “chỉ vài tuần lễ” thế nhưng Polgar không muốn như vậy. Frank Nepp cho biết thêm rằng sau khi ra đi, ông Thiệu vẫn còn để bản nhận định nầy trên bàn giấy của ông trong dinh Độc Lập. Khi Bắc quân chiếm Sài Gòn, tướng Văn Tiến Dũng đã lấy được bản nhận định này và đã cho đăng nguyên văn không sót một chữ trong cuốn sách Đại thắng mùa xuân của ông ta (*** Frank Nepp: sđd, trang 382).
(Trần Đông Phong)
 
Quân sử ngoại truyện
(qua Xuân Lộc tháng Tư” của VMLong với…Họ án binh chờ lệnh? có thể vì lý do dưới đây).
Theo Thượng tướng Trần Văn Trà, tình hình lúc đó khiến cho đồng chí Văn Tiến Dũng và cả anh Lê Đức Thọ hết sức lo lắng. Vì Quân đoàn 1 đang được điều động từ miền Bắc vào. Quân đoàn 2 (Lê Trọng Tấn) vừa hành quân vừa tác chiến dọc theo bờ biển. Tướng Trà viết:
“Có đơn vị vào tới, nhưng đạn dược chưa tới, pháo chỉ còn hai viên. Có xe tăng đến nơi nhưng xăng dầu hết, hậu cần vùi đầu vơi công việc. (*** Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm – trang 258)
Ngày 18-4-1075, trong Điện sô 07, ông Lê Duẩn viết: Tôi đã bàn với anh Văn (Võ Nguyên Giáp), nhận thấy cần chuẩn bị mấy ngày nữa, đến khi phần lớn lực lượng của Quân đoàn 3 và Quân đoàn 1 đến nơi sẽ bắt đầu cuộc tấn công lớn. Chưa nên làm ngay bây giờ. (*** Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm – trang 261)
Thế nhưng rạng sáng ngày 21-4 (1a). các tuyến phòng thủ của Sài Gòn tại Xuân Lộc sụp đổ. Vì tướng tư lệnh Lê Minh Đảo …”triệt thoái” khỏi thành phố.
(Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm - Trần Văn Trà)
 
Ngày thứ 43 : 21-4-1975
Sài Gòn thay đổi nhân sự (2)
Sáng ngày 21-4, trong khi cuộc rút quân của lực lượng VNCH đang triệt thoái khỏi Xuân Lộc trên Quốc lộ 2, thì tại Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia với sự tham dự của Phó tổng thống Trần Văn Hương, v…v…
Theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên, trong cuộc họp này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã thông báo quyết định từ chức và trao quyền lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương.
7 giờ 30 ngày 21-4 (1a), lễ bàn giao chức vụ tổng thống đã diễn ra tại dinh Độc Lập.
(SQTB K10B/72)
 
Góp nhặt…ghi chép…
Ngày 29-4-1975, mặc dù rất bận rộn trong việc di tản, đại sứ Hoa Kỳ, ông Martin cũng đến tư dinh đường Công Lý với một tham vụ sứ quán nói tiếng Pháp. Đại khái đại sứ nói:
Thưa tổng thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhân danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời tổng thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà tổng thống muốn. Chính phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho ngài một đời sống xứng đáng với cương vị tổng thống cho đến ngày trăm tuổi già.
Cụ Trần Văn Hương mỉm cười trả lời :
Thưa ngài đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến nỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn ông đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết cộng sản vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam . Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia xẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông đại sứ đã đến viếng thăm tôi.
Khi nghe câu “Les États-Unis ont aussi leur part de responsabilités” (Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó), đại sứ Martin giật mình nhìn trân trân cụ Trần Văn Hương.
 
(Trần Đông Phong)
- : Trước đó vào tháng 4-1975 khi Nam Vang sụp đổ, Thủ tướng Sirik Matak cũng được Đại sứ Hoa Kỳ John Gunther Dean mời di tản nhưng ông Sirik Matak đã từ chối qua một lá thư trách Hoa Kỳ đã nhẫn tâm bỏ rơi dân tộc Cao Miên. Ông viết: Tôi chỉ ân hận một điều vì quá tin vào người Hoa Kỳ… Thủ tướng Sirik Matak chọn ở lại vì ông quan niệm đã sinh ra thì sẽ chết một ngày nào đó. Ngày 17-4-1975, ông đã chết vì vì bàn tay đẫm máu của Khờ Me đỏ.    
- : Thủ tướng Sirik Matak bị Khờ Me đỏ chặt đầu tại vận động trường Nam Vang ngay ngày đầu tiên Cao Miên bị sụp đổ. Tuy nhiên theo Henry Kissinger thì ông bị bắn vào bụng. Sau đó ông bị bỏ mặc cho máu chảy, bị bỏ mặc đến chết ròng rã trong 3 ngày.
- : Cụ Trần Văn Hương mất ngày 27-1-1982 tại Sài Gòn.
 
(Wikipedia)
10 ngày cuối cùng của VNCH
 
Thứ Hai 21-04.1975
Sau đêm suy nghĩ, trưa ngày hôm sau, thứ hai 21-4-1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mời Phó tổng thống Trần Văn Hương và Đại tướng Trần Thiện Khiêm, cựu thủ tướng, đến dinh Độc Lập và thông báo với họ rằng ông sẽ từ chức. Tổng thống Thiệu kể lại cho hai nhân vật này cuộc hội kiến với đại sứ Pháp và đại sứ Hoa Kỳ ngày hôm trước và nhấn mạnh rằng cả hai ông đại sứ đều không chính thức khuyến cáo ông từ chức, tuy nhiên vì tình hình quân sự đã trở nên vô vọng và ông cảm thấy rằng ông không còn có thể phục vụ đất nước hữu hiệu được nữa nên ông phải từ chức. tổng thống Thiệu nói với cụ Trần Văn Hương và ông Trần Thiện Khiêm rằng ông muốn bảo tồn tính hợp pháp của chế độ VNCH và do đó ông yêu cầu Phó tổng thống Trần Văn Hương nhận lãnh chức vụ Tổng thống VNCH để cứu vãn tình thế.
(…)
 
Di tản
Ngày 21-4, trong khi lực lượng VNCH đang triệt thoái khỏi Xuân Lộc thì từ ngày 21 đến 28-4-1975, Mỹ đã bốc ra khỏi Sài Gòn qua 170 chuyến bay bằng phi cơ vận tải C130, C134 và C141 đưa tới căn cứ không quân Clark ở Phi Luật Tân, một số nhỏ được đưa thẳng tới Guam. Nhân viên của các đài phát thanh bí mật, được chở ra đảo Phú Quốc, rồi ít ngày sau được bốc đi.
Trong Chiến dịch Frequent Wind ngày 29-4 trực thăng vận, từ toà đại sứ bốc 978 người Mỹ, 1.120 người Việt cùng công dân các nước khác. Từ DAO bốc 395 người Mỹ và 4.475 người tị nạn. Ngoài những chuyến trực thăng do Mỹ bốc, còn rất nhiều phi công đã đi một mình hoặc chở người thân bay thẳng ra Đệ thất hạm đội.
Trong 4 ngày cuối tháng 4, Mỹ đã xử dụng 45 tầu hải quân, từ mẫu hạm, chiến hạm, tầu vận tải vớt tổng cộng 40.000 người. Tổng cộng cả tháng 4, Đệ thất hạm đội vớt khoảng 130.000 người. Lúc đầu, họ được cho tạm trú tại đảo Grande Island ở Subic Bay .
Ngày 28-4, quốc hội Mỹ chính thức cho phép người tị nạn vào Mỹ tại 3 nơi:
Camp Pendleton, CA ; Eglin Air Force Base, FL; Fort Chaffee , Arkansas . Sau mở thêm Camp Indiantown Gap , PA. vào đầu tháng 6.
 
(Đinh Từ Thức)
 
10 ngày cuối cùng của VNCH
Frank Snepp, tiết lộ rằng khi ông Thiệu nói chuyện với Phó tổng thống Trần Văn Hương và Đại tướng Trần Thiện Khiêm (hay Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn) tại dinh Độc Lập thì bộ phận nghe lén của CIA ở tòa đại sứ Mỹ nghe hết không sót một lời nào.
Trùm CIA tại Sài Gòn là Thomas Polga sau đó đã ra lệnh cho phụ tá của ông là Thiếu tướng Charles Timmes đến gặp Đại tướng Dương Văn Minh ngay chiều hôm đó và hỏi thẳng ông Dương Văn Minh rằng nếu người Mỹ có cách loại ông Hương ra khỏi ghế tổng thống thì ông Minh có sẵn lòng đảm nhận chức vụ này để điều đình với Việt cộng hay không? Đại Tướng Minh nhận lời, và tin tưởng rằng ông có thể thuyết phục “phe bên kia”. Ông nói với tướng Timmes ông cần gởi ngay một đại diện của ông sang Paris để thương thuyết với phe bên kia.
Nghe ông Minh nói như vậy, tướng Timmes liến mở cặp lấy ngay một ngàn đô la (1) tiền mặt trao cho ông Minh để mua vé máy bay cho người đại diện này.
(…)
(1) Frank Snepp chú thích là ông Minh không hề gửi người nào sang Paris, không dùng đến số tiền này và cũng không trả lại cho người Mỹ. Frank Snepp cũng cho biết thêm là đại sứ Martin không hề hay biết gì về việc CIA cho người tiếp xúc với Dương Văn Minh trước khi ông Thiệu từ chức. (*** Frank Snepp: sđd, trang 395)
 
Những ngày cuối VNCH
Theo hồi ký của ông Trần Văn Đôn, tòa đại sứ Pháp đã nhẩy vào chính trường Việt Nam . Cố vấn chính trị của sứ quán Pháp là ông Brochand đã gặp ông Đôn cho biết sứ quán Pháp có liên lạc với Hà Nội và nhấn mạnh: Nếu có thương thuyết thì Hà Nội chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà thôi. 10 giờ tối ngày 22-4, ông Đôn gặp ông Minh cho hay Hà Nội đang chờ ông nắm quyền rồi sẽ thương thuyết.
Ông Minh chưa tiếp xúc với ông Trần Văn Hương vì vị tân tổng thống không thích ông Minh.
Ông Minh đề nghị ông Đôn đi gặp đại sứ Mỹ Martin để thuyết phục ông Hương. Rời nhà ông Minh, ngay trong đêm 22-4, ông Đôn đã đến tư gia đại sứ Martin dù đã gần 12 giờ khuya. Sau đó, ông Đôn trao đổi với ông Marin về ý kiến của ông Minh và yêu cầu đại sứ Martin đề nghị ông Hương giao quyền cho ông Minh đứng ra thương thuyết với Hà Nội.
(Vương Hồng Anh)
 
10 ngày cuối cùng của VNCH
Thứ Hai 21-04-1975
Lễ bàn giao đang diễn ra tại dinh Độc Lập, các đơn vị còn lại của Sư đoàn 18 bắt đầu di tản ra khỏi thị trấn Xuân Lộc sau khi đã chiến đấu vô cùng anh dũng chống lại một lực lượng chính quy Bắc Việt đông gấp năm lần trong hơn hai tuần lễ. Khi cụ Trần Văn Hương nhậm chức tổng thống thì Bắc quân đã tiến về tới gần Biên Hòa và bộ máy của cơ quan tình báo Mỹ CIA cùng tình báo của Pháp, cũng như đại sứ là ông Jean-Marie Mérillon đã bắt đầu hoạt động ráo riết để đưa ông Dương Văn Minh lên thay thế ông Trần Văn Hương nhằm thương thuyết với Hà Nội.
Trong khi đó thì từ Hà Nội, ban bí thư đảng đã gửi điện văn số 316-TT/TW ngày 21-4-1975 cho tất cả các chi bộ đảng chỉ thị về việc chọn lựa cán bộ để tiếp thu Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Chỉ thị nầy nói rằng ưu tiên dành cho các cán bộ quê ở miến Nam , nếu trường hợp thiếu thì mới dùng cán bộ miền Bắc. Chỉ thị nầy do Lê Văn Lương, ủy viên bộ chính trị, trưởng ban tổ chức đảng ký tên. (*** Văn kiện đảng: trang 291-293)
(…)
 
Ngày thứ 44 : 22-4-1975
Long Khánh hoàn tất cuộc triệt thoái
Ngày 22-4, lực lượng VNCH tại Long Khánh đã triệt thoái về Phước Tuy:
Theo kế hoạch, Lữ đoàn 1 Dù vẫn tiếp tục giao chiến và đánh bật Bắc quân ra khỏi các vị trí trọng điểm trong thị xã và là lực lượng đoạn hậu sẽ rút đi sau cùng. Cánh quân của Sư đoàn 18 rút đi tương đối an toàn. Còn cánh quân do Đại tá Phạm Văn Phúc, tỉnh trưởng Long Khánh chỉ
huy đã bị Bắc quân chận đánh ở liên tỉnh lộ 2.
(Phạm Huấn)
- : Trong hồi ký: Cuộc hành trình 10 ngàn ngày của Hoàng Cầm, tướng chỉ huy trận tấn công Xuân Lộc viết: “…sau 3 ngày chiến đấu, Sư 341 thương vong 1.200 chiến sĩ, Sư 7 thương vong 300 chiến sĩ…”
Nhân ngày 30-4-2010, BBC phỏng vấn Nguyễn Văn Thái, trung tướng, nguyên phó chính ủy Sư đoàn 7. Về trận Xuân Lộc, ông ta đưa ra con số lính Bắc Việt tử thương là 4.000 người. Sau 35 năm thì tay tướng này có vẻ thành thật hơn trong những con số.
Và, “… trận Xuân Lộc diễn ra 12 ngày đêm ta đã tiêu diệt 2.056 tên địch” (Chiến thắng Xuân Lộc- Long Khánh). Đó là con số tử vong của binh sĩ thuộc VNCH.
(Nhớ lại trận chiến Xuân Lộc - Hoàng Định Nam)
- : Xuân Lộc thất thủ sau 2 tuần lễ chống chọi với Bắc quân, chiến trận này đã làm trì hoãn Chiến dịch Hồ Chí Minh của quân Bắc Việt ít nhất 2 tuần.
 
10 ngày cuối cùng của VNCH
Thứ Ba 22-04-1975
Tổng thống Trần Văn Hương cho phép thả bom CBU ở Xuân Lộc.
Ngay sau khi cụ Trần Văn Hương nhận chức tổng thống VNCH, trong ngày 22-4, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III đã yêu cầu Đại tướng Cao Văn Viên xin Hoa Kỳ yểm trợ một phi vụ B52 dội bom xuống khu vực chung quanh Xuân Lộc, nhưng tướng Viên biết rõ người Mỹ không thể nào đáp ứng được điều đó cho nên ông từ chối.
Tuy nhiên trước đó mấy tuần, Đại tướng Federick Weyand và phụ tá bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Von Marbod đã xoay xở đưa sang Việt Nam mấy trái bom CBU. Bộ Tổng tham mưu đề nghị lên Tổng thống Trần Văn Hương xin xử dụng loại bom nầy ở Xuân Lộc để ngăn chận sức tiến quân của Bắc Việt và chính Tổng thống Trần Văn Hương đã chấp thuận cho phép Không quân VNCH thả những trái bom này.
12 ngày sau khi đã anh dũng chống lại nhiều đợt tấn công của Bắc Việt, Sư đoàn 18 rút khỏi Xuân Lộc. Các nhà báo ngoại quốc đã khen ngợi cuộc rút quân nầy là đã “được hoạch định và thi hành rất hay” và các đơn vị nầy về đến Biên Hòa chỉ bị thiệt hại chừng 30% quân số.
(Trần Đông Phong)
 
Góp nhặt…ghi chép…
Cuộc họp tại Bộ tổng tham mưu 6 giờ chiều ngày 22-4-1975, với chức danh là tổng trưởng quốc phòng, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn đã họp các tướng lĩnh tại văn phòng tổng tham mưu trưởng. Tại buổi họp này, tướng Đôn nói: Dù có thương thuyết để đình chiến, chúng ta cũng cố giữ những gì chúng ta có. Vị tổng trưởng quốc phòng yêu cầu đại tướng Viên, trung tướng Toàn sắp xếp lại tuyến phòng thủ để bảo vệ Sài Gòn. Cũng tại cuộc họp này, đại tướng Viên đã báo cáo tình hình chiến sự và khả năng phòng ngự của quân lực VNCH tại khu vực vòng đai thủ đô và khu vực các tỉnh lân cận.
(Mường Giang)
 
10 ngày cuối cùng của VNCH
 
Thứ Ba 22-04-1975
Trái bom CBU được thả xuống ngay trên đầu bộ tư lệnh Sư đoàn 341 của quân Bắc Việt lúc đó đang trú đóng ở 6 cây số về phía tây-bắc thành phố Xuân Lộc khiến cho cả ba bốn trăm bộ đội bị tử thương. Đài phát thanh Hà Nội ngay sau đó đã la lối tố cáo rằng Hoa Kỳ và VNCH đã xử dụng loại vũ khí hóa vi quang
Theo Frank Snepp thì dù có sự phản đối mạnh mẽ nói trên, không quân Hoa Kỳ cũng còn trợ giúp bằng cách dùng phi cơ thả xuống vùng do Bắc quân kiểm soát quanh thị trấn Xuân Lộc bom Daisy Cutters, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho Bắc quân. (Sau 1975, họ tìm được 3 trái bom BLU 82 chưa xử dụng và cho triển lãm tại Sài Gòn).
Mặc dù có bom CBU nhưng một sư đoàn không thể nào chống cự được với một lực lượng địch đông gấp bội, các đơn vị cuối cùng của Sư đoàn 18 đã rút khỏi Xuân Lộc.
(…)
 
Sài Gòn thất thủ
Sau khi rút quân từ miền Trung, quân đội VNCH sẽ tập trung để tạo thành tuyến phòng thủ Sài Gòn. Trước đó, Hà Nội đã dốc hết toàn lực để sớm đánh chiếm Sài Gòn bằng cách đưa thêm quân số của Quân đoàn 2 vượt qua vĩ tuyến 17 để đột nhập Quảng Trị và Huế. Nói chung là Hà Nội đã rót hết lực lượng chiến đấu vào miền Nam với tổng cộng 20 sư đoàn lúc đó đang trên đường Nam tiến. Kết quả là phía miền Nam đã từ từ mất Ban Mê Thuột, Đà Nẵng và các khu vực chung quanh Sài Gòn cũng lần lượt bị rơi vào vòng kiểm soát của quân Bắc Việt. 
Lúc này, tổng tham mưu chỉ huy quân Bắc Việt là tướng Văn Tiến Dũng đã huy động tất cả 5 quân đoàn gồm 15 sư đoàn với quân số khoảng gần 200 ngàn để chọc thủng những tuyến phòng thủ vòng đai cuối cùng hầu tiến chiếm Sài Gòn.
Dọc theo Quốc lộ 13, cách Sài Gòn khoảng 50 km về hướng bắc là căn cứ Lai Khê do Sư đoàn 5 VNCH trấn giữ. Đây là một trong năm sư đoàn được phối trí theo thế chiến lược bảo vệ vòng đai thủ đô Sài Gòn. Sư đoàn 5 tan vỡ và vị tư lệnh sư đoàn là tướng Lê Nguyên Vỹ đã tự kết liễu vận mạng bằng cái chết hiên ngang, bất khuất. Mặt khác, tại cứ địa Củ Chi cách Sài Gòn khoảng 30 km về hướng tây bắc, Sư đoàn 25 của VNCH cũng bị tấn công dữ dội và ngã gục trước Quân đoàn 3 Bắc Việt. tư lệnh sư đoàn là tướng Lý Tòng Bá vì muốn bảo vệ sinh mạng binh sĩ nên đã chịu hàng và bị bắt làm tù binh.
Ngày 30-4-1975, Sài Gòn đã phải hứng chịu những áp lực nặng nề trước sức tấn công mãnh liệt của 4 quân đoàn Bắc quân, lực lượng lại quá ít so với quân số hùng hậu của quân Bắc Việt,
(The Fall Of Sai Gon - Komori Yoshihisa)
 
Quân đoàn 1 và 4 tại Vùng 3 chiến thuật
Sài Gòn lập tuyến phòng thủ vì:
Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) đang trên đường kéo tới Sài Gòn:
Các Sư đoàn bộ binh 312, 390, Sư đoàn phòng không 367, Lữ đoàn 202 tăng thiết giáp, Trung đoàn pháo binh 45, Lữ đoàn công binh 299, trung đoàn thông tin.
Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) đang từ Xuân Lộc kéo xuống:
Các Sư đoàn bộ binh 5, 7, 9, các Trung đoàn pháo binh 24, Trung đoàn đặc công 429, Trung đoàn phòng không 71, Trung đoàn công binh 25, Trung đoàn 26 tăng thiết giáp.
- : Quân đoàn này trước khi đánh Xuân Lộc có tổng quân số 35.112 người, trong đó, quân số trực tiếp chiến đấu 29.034 người.
- : Tổng số lực lương chính qui Bắc Việt bao vây Sai Gòn gồm 4 quân đoàn và Đoàn 232 (tương đương một quân đoàn).
    Phòng không nòng dài                Hoả tiễn Sam
- : Với 5 quân đoàn, số đại pháo 130 ly khoảng 400 khẩu. Không kể xe kéo pháo, cối từ 61 đến 120 ly, pháo cao xạ nòng dài, nòng ngắn từ 37 đến 57 ly, hỏa tiễn H12, hoả tiễn Sam.
 
Ngày thứ 45 : 23-4-1975
Sài Gòn lập tuyến phòng thủ
Ngày 23-4, Sư đoàn 18 sau khi rút về được bộ tư lệnh Quân đoàn III cho nghỉ dưỡng quân hai ngày tại Long Bình, sau đó các đơn vị được điều động tăng cường phòng thủ khu vực đông-nam Biên Hòa và mặt đông Sài Gòn, kéo dài từ kho đạn Long Bình đến kho đạn thành Tuy Hạ.
Lữ đoàn 1 Dù được bố trí giữ Phước Tuy, bảo vệ Quốc lộ 15 từ Long Thành về Bà Rịa, là lực lượng tiếp ứng Vũng Tàu khi thành phố này bị tấn công. Với kế hoạch phối trí của bộ tư lệnh Quân đoàn III để bảo vệ Sài Gòn, kể từ sáng 22-4, phòng tuyến án ngữ phía bắc và phía đông được thành hình với tuyến Long Thành-Phước Tuy. Lực lượng chính tại phòng tuyến này có Sư đoàn 18 Bộ binh, Lữ đoàn 1 Dù, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ và Lữ đoàn 468, 147 và 258 Thủy quân lục chiến là lực lượng bảo vệ phía bắc của phi trường Biên Hòa.

(Phạm Bá Hoa)

10 ngày cuối cùng của VNCH
Thứ Tư 23-04-1975
 
Tổng thống Trần Văn Hương cử Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp đi Hà Nội.
Trong Decent Interval, Frank Snepp kể lại….
Trong khi quân đội Bắc Việt đang chuẩn bị tấn công Sài Gòn thì ông tổng thống già Trần Văn Hương cũng tìm cách tiếp xúc kín với phái đoàn Bắc Việt tại Tân Sơn Nhất và ông đề nghị gửi một người trung gian đi Hà Nội để thảo luận ngưng bắn. Đề nghị của ông Hương bị Hà Nội thẳng tay bác bỏ. (*** 141: Frank Snepp: sách trang 433)
Tác giả của bộ The Vietnam Experience cũng có đề cập đến chuyện này như sau:
Ông Hương không tin việc Hà Nội sẵn sàng chịu thương thuyết với Dương Văn Minh. Ông nói rằng tôi chỉ tin vào việc đó sau khi tôi có đủ bằng chứng. Ông Huơng đưa ra một đề nghị hoà bình của ông, đó là đề nghị một cuộc ngưng bắn tức khắc và thiết lập một Hội đồng quốc gia hoà giải, loan báo việc giải nhiệm chính phủ của ông Nguyễn Bá Cẩn mới được thành lập trong 9 ngày và đề nghị gửi Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp, tổng trưởng thông tin trong nội các Nguyễn Bá Cẩn làm đặc sứ đại diện cho miền Nam đi Hà Nội. Bắc Việt bác bỏ ngay cả ba đề nghị này một cách phách lối (contemlptuously), nhất là đề nghị về ngưng bắn. (*** 143: Thevietnam Experence. sđd, trang 142)
Trong một cuộc tiếp xúc với Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp (cũng là cựu trưởng phái đoàn VNCH trong Uỷ ban liên hợp bốn bên năm 1973), tướng Hiệp đã cho người viết biết một vài chi tiết khá lý thú về chuyện này. Tướng Hiệp nói rằng vào khoảng hai ngày sau khi tổng thống Hương nhậm chức (23-4), ông trở về nhà vào lúc đã khuya và được bà Hiệp cho biết văn phòng tổng thống gọi điện thoại nhiều lần vì tổng thống muốn nói chuyện với ông. Tướng Hiệp vội vàng gọi điện thoại đến phủ tổng thống nói chuyện với Tổng thống Trần Văn Hương…
(Trần Đông Phong)
 
Góp nhặt…ghi chép…
Chiếc HQ 802 nhổ neo lúc 6 giờ chiều 30-3-75, nhưng vì sóng và gió ngược nên mãi đến 8 giờ tối mới rời quân cảng Cam Ranh để xuôi nam về Vũng Tàu, trên tàu chở khoảng 4.000 tàn binh của SĐ/TQLC, như vậy chỉ có 1/3 quân số của sư đoàn thoát được về Cam Ranh, gần 8.000
TQLC còn lại thì hoặc chết hay mất tích tại Thuận An và Đà Nẵng.
LĐ468 khi lui binh tại bãi biển Nam Ô, may mắn được tàu hải quân vào sát bờ đón nên quân số và vũ khí cá nhân còn đầy đủ. Cuộc lui binh của LĐ258 và LĐ147 TQLC tại căn cứ Non Nước đã xẩy ra trong hỗn loạn và đẫm máu, chỉ có những TQLC may mắn và biết bơi mới lên được
tàu. HQ 802 về đến Vũng Tàu lúc 4 giờ 20 chiều 31-3-75.
(Phạm Vũ Bằng)
 
10 ngày cuối cùng của VNCH
Thứ Tư 23-04-1975
Tổng thống Trần Văn Hương nói với tướng Hiệp cụ muốn tìm một đường dây đề nghị thẳng với Bắc Việt về chuyện thương thuyết với Hà Nội. Chuyện thương thuyết này cần phải được xúc tiến sớm chừng nào tốt chừng đó và đường dây qua phái đoàn Bắc Việt trong Ủy ban liên hợp bốn bên, do đó cụ chỉ thị cho tướng Hiệp liên lạc với phái đoàn Bắc Việt nếu họ chấp thuận thì tướng Hiệp có thể ra Hà Nội mở đầu cho sự thương thuyết.
Tướng Hiệp nói rằng ông liên lạc với phái đoàn Hoa Kỳ và được biết rằng vào ngày hôm sau, 24-4-1975, sẽ có một chuyến phi cơ C130 đặc biệt từ Bangkok bay sang Sài Gòn để đưa một số nhân viên trong phái đoàn Bắc Việt ra Hà Nội rồi lại trở về Sài Gòn vào buổi tối hôm đó.
Tướng Hiệp vào phi trường Tân Sơn Nhất nói chuyện với đại diện của Bắc Việt. Đại diện của Bắc Việt vô cùng ngạc nhiên...Tướng Hiệp nói ông yêu cầu người đại diện của Bắc Việt bay ra Hà Nội ngày hôm sau và khi trở về Tân Sơn Nhất vào buổi tối thì cho ông biết kết quả.
Chiều hôm sau, người đại diện của Bắc Việt trở về cho ông biết Hà Nội bác bỏ đề nghị thương thuyết của Tổng thống Trần Văn Hương. Đại diện của Hà Nội còn nói thêm rằng Hà Nội đòi chính quyền miền Nam phải đầu hàng vô điều kiện. (Mạn đàm với cựu Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp tại Anaheim , Califomia, ngày 4 tháng 1 năm 2003)
Đó là nổ lực duy nhất mà chính phủ VNCH cố gắng tìm cách gửi đại diện ra Hà Nội để thăm dò nhằm tiến đến một cuộc thương thuyết và người chủ trương đường lối này là tân Tổng Thống Trần Văn Hương. Cả hai ông đại sứ Hoa Kỳ và đại sứ Pháp cũng cùng quan điểm như vậy và họ nghĩ rằng vẫn còn có thể giàn xếp để cho hai phe Sài Gòn và Hà Nội nói chuyện với nhau nhằm đạt được một giải pháp chính trị nào đó.
Tuy nhiên, cả người Việt Nam, người Pháp và kể cả người Mỹ là đại sứ Martin cũng không thể hiểu được rằng cho đến giờ chót, người làm chính sách (policy maker) cao cấp nhất của nước Mỹ là Ngoại trưởng Henry Kissinger không hề bao giờ có ý định để cho hai phe người Việt Nam đối nghịch có thể trực tiếp ngồi lại nói chuyện với nhau, dù lúc đó đã là những ngày cuối cùng của trận chiến tranh.
(…)
 
Ngày thứ 46 : 24-4-1975
Bà Rịa
Ngày 24-4, Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, tư lệnh SĐ3/BB (Vùng 1 CT) nhận trách nhiệm tư lệnh Mặt trận Bà Rịa bảo vệ thị xã này.
Thiếu tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh Sư đoàn thủy quân lục chiến, được cử làm Tổng trấn thị xã Vũng Tàu, tái phối trí lực lượng tại các phòng tuyến quanh Sài Gòn.
(SQTB K10B/72)
 
10 ngày cuối cùng của VNCH 
Thứ Năm 24-04-1975
Theo các tác giả Trần Văn Đôn trong Việt Nam nhân chứng, Frank Snepp trong Decent Interval và Oliver Tood trong Cruel Avril  thì hồi 10 giờ sáng ngày 24-4-75, qua sự trung gian của cựu Đại tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng thống Trần Văn Hương đã đến gặp cựu Đại tướng Dương Văn Minh tại tư gia của đại tướng Khiêm trong cư xá sĩ quan tại Bộ tổng tham mưu gần phi trường Tân Sơn Nhất. Đại úy Nguyễn Văn Nhựt, tùy viên của Tổng thống Trân Văn Hương thuật lại cho người viết biết rằng cụ Hương không muốn gặp ông Minh ở dinh Độc Lập cũng như tại phủ phó tổng thống ở đường Công Lý, Cụ cũng không muốn gặp ông Minh tại tư gia ở đường Hồng Thập Tự như ông Minh muốn, do đó cụ nhờ ông Khiêm sắp đặt cuộc gặp gỡ này.
Trong cuộc tiếp xúc, Tổng thống Trần Văn Hương đã yêu cầu tướng Minh nhận chức thủ tướng toàn quyền để thương thuyết với phe bên kia theo đề nghị của đại sứ Pháp. Tổng thống Trần Văn Hương đã nói với lưỡng viện quốc hội về việc gặp gỡ tướng Dương Văn Minh rằng:
Người ta bảo rằng Anh có đủ điều kiện để thương thuyết, vậy thì xin Anh vì nước nhà, mọi tỵ hiềm đã qua, mọi sự không tốt đẹp đã xảy ra, xin Anh vui lòng xóa bỏ để cùng nhau chung lưng dựng nước. Xin Anh chấp nhận cái ghế thủ tướng để đứng ra thương thuyết với phe bên kia.
Tuy nhiên tướng Minh đã cương quyết từ chối và ngược lại ông đã yêu cầu tổng thống Hương từ chức, nhường chức vụ tổng thống VNCH lại cho ông Minh để được toàn quyền nói chuyện với phe bên kia. (Phỏng vấn Đại úy Nguyễn Văn Nhựt)
(Trần Đông Phong)
 
Xuân Lộc tháng Tư
(…tiếp Xuân Lộc tháng tư của Vương Mộng Long
di tản từ mặt trận Long Khánh về đến Bà Rịa)
Đường liên tỉnh lộ Long Khánh, Bà Rịa nhỏ và hẹp. Ra khỏi ngã ba Tân Phong một đỗi, thỉnh thoảng chân tôi đá phải những xác người nằm chết rải rác đó đây, những người dân chạy giặc, trúng đạn pháo chết oan, những cái xác còn mềm, có cái còn toàn thân, có cái chỉ còn một phần hình hài con người. Tôi đi ngang qua đồn điền Michelin vào lúc vợ chồng con cái hối hả lên đường. Có những bé thơ chừng năm, bảy tuổi, chân bó áo bó quần từng cục vải to. Tội nghiệp cho bé, chân non đường dài!
Tôi chạnh nhớ đến ba đứa con tôi ở Ban Mê Thuột, đứa lớn nhất mới bốn tuổi, vợ tôi lại đang mang bầu. Ban Mê Thuột đã rơi vào tay giặc từ đầu tháng 3-1975. Gia đình tôi đã rơi vào tay giặc khi tôi gắng sức bảo vệ gia đình những người khác ở Quảng Đức.
Đoạn đường vài chục cây số từ Tân Phong đi Bình Ba, Bà Rịa thực ra không có gì là đáng ngại đối với những người lính TĐ82 BĐQ. Nhưng cái nhiệm vụ nặng nề bảo vệ tư lệnh hành quân đã làm tốc độ tiến quân của chúng tôi giảm đi nhiều so với khả năng. Đi chừng nửa giờ tôi lại phải cho đơn vị dừng quân bố trí chờ đơn vị theo sau. Quân nhân của những đơn vị khác đi hàng một trên đường, vậy mà vẫn chậm hơn nhiều so với đội hình tác chiến một hàng dọc của TĐ82 BĐQ đi sâu gần bìa rừng trái trục lộ. Có lúc hỏa châu soi khi ngừng quân, tư lệnh (Chuẩn tướng Lê Minh Đảo) quan sát bên đường một lúc rồi hỏi tôi,
– Quân của Long đâu sao qua không thấy?
Tôi phải giải thích với ông rằng đơn vị tôi đã được tập luyện thành thói quen, bất cứ lúc nào dừng quân, mỗi người lính tự động núp vào bụi cây, gò đất, nếu không có gì ẩn nấp, họ phải ngồi thủ thế, súng trên tay sẵn sàng tác xạ. Hỏa châu không đủ soi sáng đội hình, nên tư lệnh không thấy rõ họ. Nghe tôi giải thích có lý, tướng tư lệnh gật đầu,
 
Ngồi ở quán nhậu kể chuyện súng đạn
Ði lính hơn ba năm, hắn khoe hắn đã bắn chết đúng tám tên địch. Sang Mỹ, mỗi lần nhậu ngà ngà, hắn lại khoe khoang thành tích ấy. Bạn bè hắn không tin. Hắn cởi áo và xắn quần lên khoe: Trên lưng và dưới chân hắn còn thấy rõ tám vết sẹo. Bạn bè hắn cười: Ông bị tám vết thương đâu có nghĩa là ông giết được tám tên địch.
Hắn vẫn khăng khăng: Thì có gì khác nhau đâu?.
 
(Website Tiền Vệ - Truyện cực ngắn hay Truyện chớp)
Tới một cái cầu nơi con suối sâu, nước chảy ào ào, đoàn quân qua cầu hàng dọc, rồi chuyển sang hàng ngang tiến sâu về hướng bìa rừng, khi an ninh đã sẵn sàng, tôi mới mời tư lệnh và đại tá Hiếu rời vị trí ẩn nấp tiếp tục lên đường.
(Vương Mộng Long)
 
Ngày thứ 47 : 25-4-1975
Bình Dương, Long An
Giao tranh ở phòng tuyến Bình Dương.
Ngày 25-4, Bắc quân điều động sư đoàn có bí số CT-7
(1) và 2 trung đoàn cơ động áp sát tại tuyến phòng thủ của Sư đoàn 5 BB. Bắc quân muốn chọc thủng mặt đông của tỉnh Bình Dương và mặt tây của tỉnh Biên Hòa để tiến về Sài Gòn.
Tuyến phòng thủ Long An
Tại mặt trận Long An, Sư đoàn 22 BB được giao nhiệm vụ phòng thủ vòng đai thị xã Long An  và khu vực từ Tân An về Sài Gòn. Các đơn vị của Sư đoàn 22 được đặt thuộc quyền điều động của Biệt khu Thủ đô do Trung tướng Nguyễn Văn Minh làm tư lệnh.
(SQTB K10B/72)
 
(1) CT là tên gọi một sư đoàn. CT-7 là Công trường 7.
10 ngày cuối cùng của VNCH
 
Thứ Sáu 25-04-1975
Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào tối 21-4, tuy nhiên ông vẫn còn trú ngụ trong dinh Độc Lập cho đến ngày 25-4. Trong cuốn Decent Interval, Frank Snepp kể lại vào hồi 5 giờ 30 chiều ngày 25-4-75, trùm CIA Thomas Polgar gọi tướng Charles Timmes và Frank Snepp vào văn phòng của ông ta và ra lệnh cho họ phải giúp cho ông ta đưa ông Thiệu và ông Khiêm đi Đài Loan vào tối hôm đó.
Khoảng 8 giờ rưỡi tối, tướng Timmes, Frank Snepp cùng 2 nhân viên CIA khác lái ba chiếc xe đến tư gia của Đại tướng Trần Thiện Khiêm trong Bộ tổng tham m­ưu và khoảng 9 giờ tối thì trùm Polgar cũng đến nơi. Ít lâu sau thì một chiếc xe Mercedes (1a) chạy đến đậu ngay trước nhà ông Khiêm và ông Thiệu vội vã bước vào nhà.
Frank Snepp kể rằng ông Thiệu có mái tóc bạc chải bóng loáng, quần áo ủi thẳng nếp và trong lúc trời còn tranh tối tranh sáng: Ông ta có vẻ giống như là “Một người mẫu trong tạp chí Gentleman’s Quartery” hơn là một vị cựu tổng thống đi tỵ nạn.
 
Ngồi ở quán nhậu kể chuyện di tản

Mồ cha thằng Thiệu rời dinh
Để tao ở lại đào kinh mỗi ngày
Đoàn tuỳ tùng của ông Thiệu người nào người nấy đều to con vạm vỡ tay xách những chiếc va-li quá khổ đến những chiếc xe của toà đại sứ Mỹ và họ đòi phải để cho họ đích thân đặt những chiếc va-li đó vào thùng sau xe. Frank Snepp nói ông ta không biết trong những va-li đó đựng gì, tuy nhiên có vẻ rất nặng vì khi những hành lý đó được đặt xuống xe thì nghe như có tiếng kim loại chạm vào kim loại.
Theo Frank Snepp thì sau khi đưa hành lý vào thùng xe, Polgar, tướng Timmes cùng nhiều nhân viên người Việt ra khỏi nhà và bước lên xe. Ông Thiệu lên ngồi đằng sau xe của Frank Snepp, ông ta ngồi giữa tướng Timmes và một nhân viên người Việt. Trên xe, tướng Timmes nói với ông Thiệu: Xin Tổng thống cúi đầu xuống. Khi xe đi vào cổng phi trường Tân Sơn Nhất, ông ta lại vội vã nhắc ông Thiệu cúi đầu xuống nữa vì lính gác có thể nhìn mặt người trong xe, nhất là lúc đó đã sau giờ giới nghiêm. May thay, khi thấy xe mang bảng số ngoại giao đoàn, lính gác vẫy tay cho đoàn xe chạy thẳng.
(…)
 
Góp nhặt sỏi đá
Chúng tôi lần lượt ra xe và yêu cầu họ mở cốp sau. Tôi bỏ cái samsonite vào, (lúc ông Polgar đang viết gì đó, tôi bỏ thêm cây K54 vào samsonite) hai khẩu súng chạm nhau khua lộp cộp. Trong sách của Frank Snepp có nhắc tới chuyện này. Ông có nghe tiếng kim loại khua khi chúng tôi xếp sắc tay vào cốp xe, và có thể nghĩ đó là tiếng va chạm của vàng bạc, châu báu!

(Những ngày cuối của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn - Nguyễn Tấn Phận)

Nguyễn Tấn Phận, thiếu tá tuỳ viên đi theo tổng thống Thiệu qua Đài Bắc.

Lạc đạn
Vào khoảng 7 giờ 30 tối, tổng thống Thiệu thay bộ đồ bốn túi trong phòng ngủ rồi qua phòng nhỏ bên cạnh nghiêng đầu qua cửa sổ nhìn xuống. Dưới sân, bên cạnh thềm tam cấp một xe Mercedes mầu xanh đen đã đậu sẵn. Thấy mọi việc đã sẵn sàng, tổng thống Thiệu rút trong hộc tủ cây Browning đã lắp đạn, ông khóa chốt an toàn rồi cho vào túi áo. Ông vừa bước xuống bậc tam cấp thì vào lúc có hai binh sĩ (tên là Sanh và Khình) xuất hiện làm ông giật mình thò tay vào túi áo. Thực ra là họ chỉ đến để đổi gác.
Ông Thiệu và ông Điền vội vã bước vào xe. Đại tá Điền ngồi bên phải của tổng thống Thiệu ở băng sau. Như vậy là ông Điền đã ngồi vào chỗ chính thức của tổng thống và chịu làm Lê Lai cứu chúa! Vừa ngồi vào xe, ông Thiệu hỏi:
- Có mấy cây súng?
Đại tá Điền đáp:
- Có hai cây, một cây dài, một cây ngắn.

(Những ngày cuối của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn - Nguyễn Tấn Phận)

 
Lạc đạn
Ngày 2-9-1975, chiếc xe Mercedes được sử dụng để chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ duyệt binh ở Ba Đình, Hà Nội nhân dịp quốc khánh ngày Việt Nam thống nhất. Trong khi tiếp quản dinh Độc Lập, một đơn vị bộ đội phát hiện một chiếc xe nhãn hiệu Mercedes 4 chỗ, biển số 72 M-0217 màu xanh đen, số khung 100248, số máy 027150.
Chiếc xe này có kính chống đạn, sườn sắt chống mìn đã được cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đặt mua năm 1970.
 
(Wikipedia)