Sunday, February 27, 2022

Bay vào, đáp xuống vũng lửa... (Viết riêng gởi, Phi Công Đào Bá Hùng/Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng Và những “Ông Tàu Bay”)

Bài Khóc tiễn bạn của nhà văn Phan Nhật Nam dành cho nhà văn, nhà báo Đào Vũ Anh Hùng; cả hai là những bậc đàn anh của tôi trong làng văn làng báo. Hai anh từng làm việc với tôi tại Báo Đời và báo Sóng Thần vào những năm cuối của Việt Nam Cộng Hòa. Xin chia sẻ với quý bạn FB để biết một thời những người vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu cho quê hương Việt Nam ra sao. Chân thành cám ơn quý bạn:
Bay vào, đáp xuống vũng lửa...
(Viết riêng gởi,
Phi Công Đào Bá Hùng/Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng
Và những “Ông Tàu Bay”)
Dẫn Nhập: Từ cuối năm 2021 đến nay, đầu năm 2022 suốt một năm dài, bản thân phải trãi qua những tình thế mà dẫu cho sức đương cự cứng cỏi bao nhiêu cũng phải lặng xuống với nỗi nặng lòng. Tâm cảnh nặng ưu phiền do chứng kiến lẻ tử/sinh-còn/mất mà không một ai tránh khỏi.. Chứng kiến tận mắt, thấm qua hơi thở, chạm đầu ngón tay khi đứng cạnh thân xác im lặng lạnh lẽo của những người đã một thời thân thiết anh em. Hơn ruột thịt từ buổi trẻ tuổi. Những con người, rất nhiều Người Bạn Lính.. Đã từng có thời ngang tàng.. Xem sống, coi chết như gió thoảng. Thưở xưa ấy, họ đã không bao giờ nói lên lời, tiếp đến hôm nay lúc xuối tay, nằm im xanh xao, bất động. Tuy nhiên, tháng trước, khi đến thăm Hùng trong buổi cuối đời, thấy ra một điều lạ trong ánh mắt.. Ánh mắt của người đang chịu CƠN ĐAU CÓ THẬT TỰ THÂN..
Một.
Trên trời, dưới đất cùng chung cảnh chết!
Có lần trong tuổi trẻ, bản thân đã viết nên một đoạn nhận xét.. Chiến tranh hiện tại (vào những năm 1960, 1970) có một khoảng cách: Khoảng cách từ mũi súng cá nhân đến đối tượng nhắm bắn; khoảng cách từ nòng pháo đến mục tiêu; khoảng cách từ trái bom trên máy bay dội xuống.. Bởi chẳng ai thấy ai, ai bắn ai, người thả bom, bấm nút tác xạ từ trên cao và nạn nhân ở dưới đất. Nhận xét có phần đúng, nhưng quả thật không hoàn toàn chính xác đối với “máy bay trực thăng/phi công trực thăng” – Những người tiếp giáp với cái chết trực tiếp mau chóng, cùng lần nạn nhân (với bản thân họ), và có thể trước cả lính bộ binh – Phi Công Trực Thăng Đào Bá Hùng/Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng là xác chứng cụ thể của thực tế khắc nghiệt đau thương nầy qua bút ký, Dak Seang Gối Mõi Gối Lưng Đồi. Hùng viết trước trận chiến Mùa Hè 1972.
Dak Seang ở đâu? Quả thực chẳng mấy ai biết đến Dak Seang/Ấp Dak Seang cho dù là người chuyên viết phóng sự, tin tức chiến trận; hoặc là những đơn vị Biệt Động Quân trừ bị cho Vùng Chiến Thuật hay sư đoàn tổng trừ bị, nhảy dù, TQLC; chỉ có thể các đơn vị đặc biệt chuyên nhiệm vụ đột kích, thám sát, tình báo, phản tình báo trực thuộc Bộ Tồng Tham Mưu mới có khả năng biết đến. Dak Seang/Bản đồ hành chánh có tên Dak Song ở đâu? Vùng 2 hay Vùng 3? Bởi về thuộc về Quận Gia Nghĩa, Tỉnh Quảng Đức, nằm dưới Dak Lắc với Tỉnh Lỵ Ban Mê Thuộc, thủ phủ Cao Nguyên Trung Phần, địa danh quen thuộc đối với dân lẫn lính Miền Nam. Quảng Đức lại nằm trên Phước Long, chiến trường lớn của Vùng 3, miền Đông Nam Bộ, cùng với Bình Long, một địa điểm nổi danh/nỗi danh khắc nghiệt nhất của chiến sử Miền Nam (1960-1975) với Thị Xã An Lộc, vũng lửa lớn của thế kỷ bom đạn vừa qua. Dân cư Dak Seang lại là người Thượng Stiêng – Nạn nhân tội nghiệp gánh chịu đau thương trước tiên khi lực lượng cộng sản Miền Bắc ngụy danh giải phóng trên đường xâm nhập từ đất Miên vào tàn sát không nương tay.
Thảm sát nơi Dak Seang xẩy ra trước nhất, 5 tháng 12, 1967 trước Giao Thừa Mậu Thân, 31/1/1968 ở Huế và khắp 40 tỉnh Miền Nam. Hai tiểu đoàn quân cộng miền Bắc (Tài liệu quân sự Mỹ, thế giới vẫn gọi tên sai là “Việt Cộng/Lính Việt cộng sản” thuộc lực lượng vũ trang Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Chủ Tịch Nguyễn Hữu Thọ). Hai tiểu đoàn quân Bắc Việt tấn công vào Dak Seang do lực lượng Dân Sự Chiến Đấu (DSCĐ) khoảng 2000 Người Thượng canh giữ, chỉ huy trực tiếp bởi toán Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB/US Special Force), có thành phần Biệt Kích (Bán Quân Sự) người Việt giữ nhiệm vụ liên lạc, phiên dịch. Từ suy diễn do được Mỹ chỉ huy nên quân cộng sản đánh giá: Đây là thành phần cấu kết (trực tiếp) với “Giặc Mỹ”, có “nợ máu với nhân dân (?)” nên lính bộ đội miền Bắc tàn sát không gớm tay. Kết quả, quân cộng sản dựng nên thành tích “giải phóng như “quốc ca”- Đường vinh quang xây xác quân thù của Văn Cao” với 114 xác lính Dân Sự Chiến Đấu và 252 thường dân. Người chết không bởi cách giết người thông thường – Bộ đội cộng sản “giết/thiêu sống” người bằng súng phun lửa do khi kêu gọi đầu hàng, lính DSCĐ và cư dân Dak Seang không hiểu âm nói, tiếng lời của quân miền Bắc. Thiêu sống người chưa đủ, bộ dội cộng sản còn bắn thêm 60 lính DSCĐ, và bắt theo 160 người làm con tin trên đường rút lui để đề phòng phía Mỹ, quân dội VNCH phản kích. Cuộc thảm sát được Báo Time mô tả nhanh chóng và đầy đủ hình ảnh trong số Ngày 15 Tháng 12, 1967 do có Lính LLĐB Mỹ bị giết. Nhưng cuộc thảm sát nầy hoàn toàn không được giới học giả như Stanley Karnow; thành phần truyền thông thiên tả, chống chiến tranh như Martin L. King, Joane Baez, Jane Fonda.. từ thế kỷ trước, hoặc đám mới lớn sau nầy như Ken Burns, Lynovick nói tới một lần, viết ra một chữ. Phe tranh đấu hòa bình ở Sàigòn, nơi Miền Nam kiểu Ngọc Lan, Chân Tín, Lý Chánh Trung.. phía Công Giáo; hoặc Trí Quang, Nhất Hạnh Nguyễn Hữu Bảo, Ni Sư Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành.. phía Phật Giáo cũng KHÔNG một tiếng chia xẻ đau thương, một lời nguyện cầu siêu dộ, giải oan?! Phải chăng vì nạn nhân là người sắc tộc Stiêng nên không xứng đàng để nêu lên trên Báo Công Giáo Đối Diện, nguyệt san thiên tả Trình Bày, biểu ngữ Phật Giáo của Chùa Ấn Quang?!
Thảm sát 5 tháng 12, 1967 ở Dak Seang là chuẩn bị cho Tổng Công Kích Mậu Thân, 1968. Thảm sát lập lại nơi Dak Seang trong năm 1971 để chuẩn bị cho Tổng Công Kích-Tổng Nổi Dậy 1972. Đại Úy Phi Công Đào Bá Hùng đáp trực thăng xuống Dak Seang giữa vũng lửa, trên thây người dân oan khốc chết thảm. Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng phải viết nên lời phẫn uất và đau đớn Dak Seang Mỏi Gối Lưng Đồi – Không phải “mỏi gối chồn chân” trong thi ca cổ điển dịu dàng của Bà Huyện Thanh Quan khi qua Đèo Ngang, hay của nữ sĩ tiền phong táo bạo Hồ Xuân Hương. Nhưng trong chiến tranh Việt Nam dài theo thế kỷ trước, Người Lính miền Nam không viết ra không được vì đời sống quá nhọc nhằn, phải chứng kiến lắm cảnh nguy nan. Không chỉ nhức mỏi thể chất nhưng lòng họ tràn đầy đau xót, uất hận – Tội cho Dân-Thương cho Lính. Vì cũng là “Người Lính-Viết Văn” nên bản thân hiểu rõ điều nầy trong lòng bạn – Những Người Bạn Lính nơi Miền Nam trước, sau 1975.
Hai.
Đi không ai tìm xác rơi..
Lai Khê, Bình Dương Mùa Hè 1972.. Những buổi trưa ở Lai Khê nắng lửa ngột ngạt hay mưa giăng giăng âm u trời đất, hoa tiêu trực thăng hàng đàn ngồi dưới mái quán sơ sài ướt át thắc thỏm đợi chờ phi vụ. Phi vụ như bay vào cõi chết. Đất chết kéo dài theo Quốc lộ 13 - Con số xấu xa định mệnh. Từ Lai Khê, điểm cuối cùng là An Lộc, khoảng giữa Bầu Bàng, Chơn Thành, Suối Tàu Ô, Minh Thạnh, Tân Khai, Xa Cam, Xa Trạch... An Lộc, điểm đợi kinh hoàng. Điểm CHẾT. Là nơi hạ cánh để không bao giờ trở lại của những phần đời trai trẻ, những hiệp sĩ không gian. An Lộc trở thành hỏa ngục, lò thiêu xác, bãi tha ma, vạc dầu sôi lửa bỏng. An Lộc, bãi chiến trường kinh khiếp phơi bầy bộ mặt hãi hùng của cuộc tương tranh tàn sát tới điểm cực cùng bi thảm dậy nên từ cộng sản Miền Bắc.
An Lộc, Bình Long, miền đất máu sông, xương núi. Từ đất bốc dậy mùi tanh lên tận trời cao. Bay trên An Lộc, Đại Úy Đào Bá Hùng như ngửi được mùi của lửa. Mùi của sự chết. Những cánh trực thăng mỏng manh mỗi lần vào An Lộc giữa lưới đạn bắn như mưa. Bắn cùng mọi phía. Bắn bằng đủ loại vũ khí hung hãn, hỏa tiễn tầm nhiệt, đại bác phòng không, đại liên 12 ly 7, súng cá nhân chụm lại trực xạ, đại bác nổ chụp, súng cối rót vào bãi đáp..Hợp đoàn tám trực thăng nối đuôi nhau bay hối hả vòng qua Minh Thạnh vào đáp bãi B15 từ hướng Tây-Nam An Lộc.. Năm phút sau trận mưa bom B52 cuối cùng vừa dứt bày ra những hố bom tươi màu đất đỏ, rỗ hoa chằng chịt trên cánh rừng cao su tạo nên một hành lang an toàn cho cuộc chuyển quân không vận. Bụi đỏ chưa tan, những cây cao su âu sầu ngún cháy, đoàn trực thăng bay thấp, lướt trên ngọn rừng tơi tả, bốc khói mù theo lệnh “C&C/Trực thăng do Đại Úy Hùng chỉ huy “ hướng dẫn: Hợp đoàn quẹo phải 10 độ, đi thẳng..! Chiếc số ba bay nhanh một chút. OK đi thẳng... Bãi đáp mười hai giờ, ba trăm thước. Giảm Air speed...Coi chừng! Coi chừng nó bắn phòng không bên trái! Hợp đoàn đã tới gần bãi đáp An Lộc, nhưng trước tiếng la “coi chừng” hốt hoảng, Hùng đã thấy điểm sáng dưới lòng một hố bom loang loáng lóe lên tia chớp...Quẹo phải! Hợp đoàn quẹo phải!....Chiếc số hai rớt rồi. Lead quẹo phải 90 độ bay ra!.. Bay ra! Đừng đáp! Chiếc số hai đang bay đột ngột cắm đầu đâm thẳng xuống triền đồi, lăn lông lốc như cục đá. Một vùng bụi đỏ mù mịt bốc lên.. Lửa bùng bùng..
Nhưng không chỉ với trực thăng lâm nạn. Ngày 20 Tháng 5, Đại Úy Hùng bay quần quần phía đông Tân Khai, Nam An Lộc chờ bốn phi tuần khu trục đang săn lùng, hạ thêm hai chiếc xe tăng VC trốn lẩn dưới gầm cầu xe lửa và khóa họng những ổ phòng không dọn đường cho Hùng dẫn hợp đoàn trực thăng vào đáp. Bỗng một chiếc AD-6 vừa thả xong hai trái Nalpalm, vút ngược lên cao... Hùng thấy một tia khói cuộn lên từ bụi cây bên bờ con suối cạn. Chiếc phi cơ phát nổ. Một khối lửa chói lòa rực rỡ như quả pháo bông, vun vút rơi thẳng băng xuống đất...Khối lửa bắn tung tóe, cháy lan rộng hiu hiu trên mặt ruộng, để lại không gian một sợi khói đen theo đường rơi của chiếc phi cơ xấu số. Tưởng như là hoa mắt. Như ảo tưởng trong mơ. Đại Úy Hùng nhói điếng ở tim khi nhìn thấy ba chiếc khu trục cơ còn lại gầm rú điên cuồng bay lượn trên vùng trời phi cơ rớt. Anh gọi máy báo với toán Liên Lạc Điều Không.. 17 giờ 25, SA7 cộng sản bắn rơi một phi tuần khu trục tại Tân Khai. Tọa độ XT… Không thấy hoa tiêu nhảy dù ra! Bất chợt, Hùng hỏi thêm: “Panther/Toán Điều Không” cho “Charlie One/Phi cơ của Hùng” biết ai bay chiếc Skyraider vừa bị rớt? Một giọng đầy kích động trong máy UHF, như mũi dao nhọn hoắt xói giữa tim: Đại Úy Nguyễn Cao Hùng, Phi Đoàn 518. Nguyễn Cao Hùng cùng Khóa 65A Phi Hành với Đại Úy Đào Bá Hùng! Bạn ơi!
Bây giờ An Lộc đã xa. Bình Long đã là vùng đất vang danh đầm đìa máu lửa, sự chết của hơn 50 năm qua mấy ai còn nhớ? Còn nhớ chăng chỉ là những người sống sót nay nơi quê xa. Nơi ấy, An Lộc năm 1972 là vết tích thảm thương, là đau đớn cùng cực, nay nhắc lại, buổi cuối đời lòng thắt lại xót xa.. Hóa ra đã có ngày-Ngày Người Lính Miền Nam/Phi Công Không Lực VNCH sống như thế. Chết như thế.. Nghe âm âm bài “Điếu cổ chiến trường văn”…
..Hồn phách kết hề thiên trầm trầm
Quỷ thần tụ hề vân tịch mịch..
Huyết mãn trường thành
Thương tâm thảm mục
Thiên địa vi sầu, thảo mộc thê bi...
Hậu Từ
Thư gửi Người Bạn Chiến Đấu giữa vũng lầy chính trị
Sau 30 Tháng 4, 1975, nơi quê xa, Người Lính VNCH nhân Ngày Quân Lực 19 Tháng 6 hoài niệm, nghĩ về một thời đã góp phần đời tuổi trẻ dự phần cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam, tự nguyện hiến dâng cho lý tưởng giữ nước, an dân. Nhưng vì vận số đất nước lâm cảnh suy vong, Người Lính dẫu đã dốc lòng chiến đấu cuối cuộc phải gửi thân phiêu bạt xứ người. Nhưng cuối cùng, thêm một lần, Người Lính cố gắng thử xoay chuyển vận số với cầu mong sớm có một ngày trở về nhìn lại quê cha đất tổ.. Nhưng không phải như lòng mong ước. Bi kịch đã xẩy ra không tiếng súng, không cảnh chết, chỉ có nỗi lặng lẽ thất vọng. Đúng ra mối tuyệt vọng não nề - Phần Hậu Từ kết thúc nầy trích dẫn từ thư của Thiếu Tá Không Quân Đào Bá Hùng/Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng gửi cho Người Bạn (tưởng đang) nơi Khu Chiến trong thập niên 1980’s.
Bạn xưa,
..Ngạc nhiên và xúc động biết bao nhiêu tôi nhận được thư Bạn gửi từ Khu Chiến – Người Bạn đã cùng tôi chiến đấu dưới cờ Quân Lực, đã cùng tôi sống chết trong một con tàu giữa mây cao gió lộng trên vùng trời đỏ lửa quê hương, lang bạt khắp nẻo đường đất nước. Thư anh cuối đoạn có lời chào và ghi dòng chữ “Mai này chúng ta cùng về Việt Nam”. Lòng tôi choáng ngợp niềm hãnhh diện. Tôi không có địa chỉ hồi âm. Tôi muốn viết cảm ơn anh. Tôi muốn nhờ anh chuyển đến các anh chị em chiến sĩ nơi khu chiến lời thăm chúc, một câu thâm tạ ngô nghê tầm thường của ngôn ngữ loài người. Nhưng thôi, tôi đợi.”
..Vì tôi hiểu bạn và vẫn thương mến bạn qua hình ảnh người phi công lẫm liệt ngày xưa, ngày chúng ta còn khoác chung màu áo, nắm tay nhau vào chốn đường mây sinh tử. Tôi đã làm hoa tiêu phó cho Bạn một thời gian dài (1966-1967) trong tổng số giờ bay trên chiếc H-34 kềnh càng của Phi Đoàn 215 Thần Tượng (Nha Trang biệt phái ra Quy Nhơn)
Chúng ta đã có cùng nhau bao nhiêu kỷ niệm, chia xẻ cùng nhau nhiều nỗi sướng vui cũng như hoạn nạn, những lần chới với bên bờ sống chết, cạnh vực hiểm nguy… Nên tôi đã bằng vào tình nghĩa ấy để đặt tin yêu nơi bạn, không so đo, không nghi ngại, cho mình bổn phận phải tự giác đứng lên, vội vàng tìm đến, dơ cao tay xin nhập cuộc.
Tôi nhập cuộc không đợi ai mời gọi. Lòng hớn hở mừng vì bạn và tôi lại chung hàng ngũ cho tôi hối chuộc tội mình quá nặng đối với quê hương, tẩy rửa niềm xấu hổ vì không ở lại để chết cùng vận số hẩm hiu đất nước sau Ngày 30 Tháng 4, 1975.
Lòng tôi tin như thế và mong như thế. Nhưng cái tin mong thành khẩn dù lớn mạnh bao nhiêu cũng không đủ lực mù quáng trái tim tôi và khoan lượng rộng rãi đến ngần nào cũng không dung được những điều dối gạt với manh tâm quá độ.
Đọc truyện xưa nói đến những cơn tức uất thổ ra từng ngụm máu rồi thét lên chết ngất, tôi cho người kể chỉ đặt bày. Nhưng tôi, chính tôi đã quặn cơn đau của tội-lỗi-người-làm-mà-ta-phải-chịu. Đã sôi hừng hực từng cơn bi phẫn bốc tận đỉnh đầu, mồ hôi vã đổ, run rẩy và nghe được từng cơn lại từng cơn nhộn nhạo nong nóng chảy râm ran trong bụng. Tôi đã đổ ra từng lượng máu trong bao tử và giật mình kinh sợ.. Sợ phải mang tội đồng lõa im lặng!
..Bởi vì đấy là những đồng tiền thẫm sũng mồ hôi khó nhọc của đời cầu thực tha phương. Tiền từ bàn tay khô héo của bà mẹ già nua sống buồn phiền lạc lõng nơi đất nước người muốn mau chóng trở về chết nơi quê nhà, Của em bé thơ ngây nhịn miếng cơm chim mong về hưởng lại tình thương nội ngoại. Của con mong gặp lại cha, vợ mong gặp lại chồng. Của những người sầu héo nhớ thương người, bạn bè mong cứu bạn bè tù tội trong gông cùm cộng sản từ sau 30/4/1975… Những đồng tiền mồ hôi nước mắt đã mất oan khiên không ai đòi lại nhưng Niềm Tin tội nghiệp bị phỉnh lừa phải coi như nợ và nợ này phải trả. Nợ truyền tử lưu tôn, không trả đời này thì đời con, đời cháu. Ôi biết làm sao nói cho cùng cạn nỗi mênh mang thống hận của kẻ cầm vàng tiếc uổng công lao, nửa đường rơi mất?
“Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng…”
Vâng Bạn, Phi Công Đào Bá Hùng – Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng - Tôi biết Bạn đã Đau. Bạn rất Đau.
Viết lần Thiếu Tá Đào Bá Hùng rời bỏ mặt đất..
Bay vào vĩnh cửu, 18/2/2022
Cùng lần Tàu đánh Việt Nam, 17 tháng 2, 1979
Phan Nhật Nam. Hình chụp nhà báo, nhà văn Đào Vũ Anh Hùng (phải) và nhà văn Chu Tử (trái) trước toà soạn báo Sống tại Sài Gòn.

Saturday, February 26, 2022

Phân Ưu Thiếu Tá Không Quân Khóa 65/A Phi Hành Đào Bá Hùng Phi Đoàn 245 Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa



 

Vinh Danh Những Cánh Chim Trời (Không Quân VNCH)


Phi Đoàn Thiên Long 718 - Không Thám Điện Tử
Những câu chuyện cũ và hình ảnh trong đề tài nầy được sưu tầm và tổng hợp từ internet, một số không còn thấy đề tên tác giả vì có lẽ đã qua nhiều lần sao chép. Trong mục đích tìm hiểu và giữ gìn những hình ảnh hào hùng của Không Quân VNCH, xin quý Niên Trưởng và quý Bạn lượng thứ cho những sơ sót nếu có và ước mong được bổ xung hay đính chính, nhất là tên của Tác Giả.
Phi Đoàn 718 EC-47 Không Thám Điện Tử, một phi đoàn hoạt động trong thầm lặng, và hầu hết các đơn vị khác trong Không Lực VNCH không biết gì về những hoạt động của Phi Đoàn 718. Chương trình EC-47 được bí mật thành lập từ 1965-1966 để cung cấp tin tức tình báo cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ mà sự bí mật được vén màn trước khi Hoa kỳ rút chân khỏi chiến trường Việt Nam.
Tại miền Nam Việt Nam, Phi Đoàn 360th TEWS đóng tại phi trường Tân Sơn Nhứt, Phi Đoàn 362th TEWS đóng tại phi trường Nha Trang sau dời ra Đà Nẵng.
Trong năm 1971, để chuẩn bị chương trình "Việt Nam hóa chiến tranh", để bàn giao phi cơ EC47 cho Không Lực VNCH nhóm phi hành đầu tiên gồm sáu điều hành viên (Navigator) dưới sự chỉ huy của Đại Úy Nguyễn Văn Thắng đến xuyên huấn tại Phi Đoàn 360th TEWS để trở thành huấn luyện viên tháng 12-1971.
Tháng 4-1972 một số hoa tiêu tốt nghiệp tại Hoa Kỳ và nhiều Trưởng Phi Cơ và Cơ Phi các phi đoàn vận tải 314, 415 và 819 Hỏa Long được tuyển chọn sang Phi Đoàn 360th TEWS để xác định hành quân dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Bách.
Năm 1973 Phi Đoàn Thiên Long 718 chánh thức hoạt động dưới danh nghĩa Không Lực VNCH, Hoa Kỳ bàn giao trọng trách cho Phi Đoàn này, chỉ còn Phi Đoàn 361th TEWS, đóng tại Utapao, Thái Lan trách nhiệm dọc theo biên giới Tam Biên.
Phi Ðoàn 718 EC-47 Không Thám Ðiện Tử chánh thức thành lập tại căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt và hoạt động trực tiếp Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu cho đến tàn cuộc chiến.
Tổ chức đầu não của Phi Ðoàn 718 gồm có:
– Phi đoàn trưởng: Trung Tá Nguyễn Hữu Bách
– Phi đoàn phó:Thiếu Tá Phan Văn Lộc
– Phụ trách Ðiều Hành Viên: Thiếu Tá Nguyễn Văn Thắng.
Phi Đoàn 718 EC-47 Không Thám Điện Tử không những là một phi đoàn tác chiến, mà là một phi đoàn có quân số lớn nhất với hơn 500 quân nhân các cấp và 36 phi cơ EC-47 được trang bị với hệ thống ALR-34. Phi hành đoàn âm thầm thi hành nhiệm vụ, không bao giờ tiết lộ việc hành quân kể cả người thân.
Nhân viên Phi Đoàn 718 phải qua máy nói sự thật (Polygragh test) và tuân theo những luật lệ đặc biệt như phải giữ bí mật về hoạt động và nhất là không được chụp ảnh của phi cơ bất luận bên trong hay bên ngoài. Vì lý do nầy hình ảnh hoạt động của Phi Đoàn 718 rất hiếm.
Dưới mắt ngườì ngoài, mỗi chuyến bay chỉ là một phi vụ C47 vận tải. Phi cơ không trang bị vũ khí ngoại trừ máy móc điện tử bên trong và 16 trái flare ở sau đuôi để chống hỏa tiễn tầm nhiệt SA7. Phi vụ có vẻ rất yên bình, thực ra rất nguy hiểm vì phi cơ phải bay lượn trên vùng địch trong một thời gian dài, trung bình 3 giờ đến 5 giờ. Khi Hiệu Thính Viên Đơn Vị 17 khám phá ra mục tiêu, phi cơ phải lại gần để chấm tọa độ thông thường ở trên những họng súng phòng không hoặc SA7.
Tùy theo nhu cầu chiến trường có hai loại phi vụ khác nhau.
– Phi vụ ưu tiên 1 hay là search and destroy mission. Sau khi xác định bán kính của mục tiêu chừng 300 m oanh tạc cơ được gọi đến thanh toán thông thường là F4 của USAF, đôi khi cả B52. Sau ngày Mỹ rút quân phi vụ ưu tiên 1 không còn search and destroy nữa, tin tức nhận được lập tức chuyển xuống cho Bộ chỉ huy hành quân các vùng chiến thuật.
– Phi vụ hàng ngày (Routine mission) thông thường là để theo dõi sự chuyển quân của địch và các dự kiện gởì về Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu.
Từ ngày thành lập đến tháng 4.1975, có tất cả ba phi vụ đều cùng mang phi vụ Thiên Long 13 và cùng bay trên vùng trời biên giới Việt Miên đã lâm nạn.
– Chiếc đầu tiên vào ngày 26-10-1973, do Trưởng Phi Cơ Trung Úy Lăng Đức Triều và Hoa Tiêu Phó Thiếu Úy Trần Văn Vân điều khiển, đã trúng đạn phòng không bên máy cánh phải, phải bay về phi trường TSN bằng một máy, đáp khẩn cấp bằng bụng. Kết quả Trưởng Phi Cơ bị tử nạn, riêng Hoa Tiêu Phó Thiếu Úy Trần Văn Vân bị thương nặng, tưởng đã chết, đưa vào nhà xác sau nhờ Thiếu Tá Phi Đoàn Phó Phan Văn Lộc phát giác đem từ nhà xác ra cứu sống trong tình trạng “thập tử nhất sinh”.
– Chiếc phi cơ thứ hai có tail code là WR 0013, phi vụ 0913 vào ngày 9-5-1974 cất cánh từ phi trường TSN lúc 13:00 hoạt động tại vùng Mỏ Vẹt, Tây Ninh bị phòng không của địch bắn trúng cánh trái. Nhờ vào sự bình tĩnh và kinh nghiệm của phi hành đoàn gồm có:
– Trung Úy Nguyễn Ngọc Oanh - Trưởng Phi Cơ,
– Trung Úy Đoàn Văn Nô - Hoa Tiêu và
– Trung Úy Lê Thước - Điều Hành Viên
đã về đáp khẩn cấp an toàn tại phi trường Tây Ninh, nhưng phi cơ bị gãy cánh trái và xác chiếc phi cơ nầy đã để lại phi trường Tây Ninh sau khi chuyên viên tháo gỡ các máy móc điện tử trên tàu.
– Sự mất mát lớn lao của Phi Đoàn Thiên Long 718 là trong vi vụ Thiên Long 13 ngày 13-5-1974 bị trúng hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 bắn rơi trên vùng trời Tây Ninh, gần núi Bà Đen và Mỏ Vẹt.
Phi vụ nghiệt ngã và đau thương này cũng mang số phi vụ 13, phi cơ mang “tail code” WT 0019 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 13 giờ đúng, ngoại trừ điều hành viên là Thiếu Úy Trương Tử Ân nhảy dù sống sót và bị địch bắt giữ làm tù binh, phi hành đoàn còn lại đều bị tử nạn. Thiếu Úy Ân bị dẫn bộ đưa ra Bắc ngày 19-7-1974 và được trả về Nam vào khoảng năm 1982.
Tóm lại, các hoạt động của Phi Đoàn Thiên Long 718 là hoạt động tình báo, bí mật không phải ai cũng biết. Dù trưởng thành trong một thời gian quá ngắn, Phi Ðoàn 718 EC-47 Không Thám Ðiện Tử cũng đã tích cực đóng góp tin tức tình báo cho và các chiến trường, khám phá và hủy diệt rất nhiều căn cứ của bọn việt cộng. 

(Sài Gòn trong tôi/ Hoàng Thái Sơn st)”

ngọctự: Đào Vũ Anh Hùng: người vừa bội hứa

(Bài viết như nén tâm hương chân thành tưởng nhớ một hiền huynh quý mến. Trong bài có nhắc đến danh tính nhiều người đã khuất. Cũng xin thành tâm tưởng nhớ).

(tạp văn)

Sáng sớm thứ bẩy tuần mới rồi, tôi nhận được tin nhắn từ thân hữu báo cho biết, anh Đào Vũ Anh Hùng vừa từ trần tại Dallas lúc 9:00 giờ tối hôm trước, thứ sáu 18.2.2022. Chỉ một thoáng xúc động thôi, vì tôi biết cái điều phải đến đã đến. Mấy năm trước đây, sau lần bị đột quỵ, rồi té ngã ngoài công viên khi đang đi bộ tập thể dục, sức khỏe của anh suy giảm dần. Và thời gian sau đó là nằm luôn trên giường bệnh, không còn có thể hoạt động bình thường như cũ. Chúa nhật tuần trước, tin từ gia đình cho biết bệnh tình anh bắt đầu trở nặng hơn theo chiều hướng xấu. Anh không còn ăn uống được gì nữa và mọi thứ chuẩn bị cho hậu sự đã được gia đình sắp xếp lo liệu. Và rồi cuối cùng, anh nhắm mắt xuôi tay yên nghỉ, bỏ lại phía sau cho đời tất cả mọi thứ, mọi chuyện.

Trong cuộc sống với những mối liên hệ, thường ra mỗi khi có một người thân quen ở đâu đó từ giã cuộc đời, đều gợi nhắc cho người ở lại những liên tưởng, hồi nhớ theo dòng thời gian với người ấy. Tôi không phải là bạn hữu ngang hàng cùng lứa với anh Đào Vũ Anh Hùng, mà chỉ như một người bạn vai em. Dù vậy, tôi được anh coi là thân thiết gần gũi, và dành cho nhiều yêu mến suốt mấy mươi năm qua. Vì thế cũng có ít nhiều kỷ niệm ân tình để ghi nhớ.

Tôi gặp và biết anh lần đầu tiên vào khoảng năm 1971, nhân dịp đám cưới một người bạn tôi. Cô dâu là em trong gia đình anh. Ngày ấy, đi theo bạn tôi đến nhà gái tại con hẻm nhỏ đầu đường Kỳ Đồng, gần ngã ba Trương Minh Giảng, để phụ giúp vài thứ việc cho đám cưới, tôi được chào hỏi và thưa chuyện đôi chút với một vị có vai vế bên nhà gái, hãy còn trẻ, nhưng nhìn rất nghiêm nghị đạo mạo, dẫu vậy lại vui vẻ cởi mở dễ gần, là anh. Thời gian đó, sau khi mãn khóa 3/69 Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi được chuyển về phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị tại Bộ Tư lệnh Không Quân mới hơn năm, và là lính văn phòng, nên cũng chưa hiểu biết gì mấy về giới bay bổng của quân chủng có tiếng hào hoa này, cũng như sinh hoạt báo chí, văn chương chữ nghĩa của nơi chỗ tham dự mới. Trong khi ấy, anh đã là một ông quan pilot oai vệ, thâm niên quân vụ, lon lá hơn hẳn. Anh còn là một tên tuổi quen thuộc từ lâu của văn giới Không Quân, cách riêng tập san Lý Tưởng, tờ báo của quân chủng, do đơn vị nơi tôi mới về phục vụ, phụ trách việc thực hiện.Và anh là người cũng từng sinh hoạt văn nghệ báo chí nhiều năm trong làng văn xóm chữ Sài gòn, trước khi nhập ngũ.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp anh, cho tôi có cảm nghĩ đây là hình ảnh một ông thầy giáo, hơn là một hoa tiêu trực thăng, trực tiếp đối đầu với hiểm nguy sinh tử ngày ngày nơi chiến trường. Nhưng rồi chỉ ít lâu sau đó, được thân quen gần gũi với anh, tôi mới biết rằng đằng sau cái dáng mạo như nhà giáo ấy, và bên trong bộ phi bào võ biền ấy, là một con người nghệ sĩ vô cùng tài hoa, tâm hồn thật phóng khoáng, nhưng cũng rất trực tính.

Mọi người thường quen thuộc với cái bút danh Đào Vũ Anh Hùng, hơn là tên thật Đào Bá Hùng của anh, một người gốc Hà nội thanh lịch, đất nghìn năm văn vật.

Chỉ thời gian ngắn sau lần gặp gỡ đầu tiên ngắn ngủi ấy, một hôm từ đơn vị anh ghé qua văn phòng Khối Chiến Tranh Chính Trị chúng tôi để đưa bài cho tập san Lý Tưởng số sắp tới. Tình cờ lúc đó tôi đang ngồi tán gẫu với mấy anh em phụ trách điều hành và biên tập viên, cộng tác viên của tờ Lý Tưởng. Trong sự ngạc nhiên thích thú, anh nhận ra ngay khuôn mặt mới là tôi, giữa những người cũ mà anh đã quen biết ở đây từ lâu, như anh Thế Phong, Hồ Phong, Kiêm Thêm, Nguyễn Đình Thiều, Thanh Chương, Trần Kim Nho, Minh Triệu, Phạm Hồ, Hoàng Thụy Kha, Phan Lạc Giang Đông… Và rồi tôi trở nên thân quen gần gũi với anh từ những lần như thế, vẫn thường thỉnh thoảng tiếp theo là chầu cà phê đông vui dưới khu gia binh hay bên hội quán, nhiều khi với sự có mặt thêm nữa của anh Trần Tam Tiệp, hay một vài người bạn phi hành của anh.

Tôi biết mình dành được sự yêu mến của anh, là còn nhờ ở mối giao tình của anh với mấy hiền huynh thân quý của tôi trong báo giới Sàigòn ngày ấy, như anh Dương Hùng Cường, cũng cùng chung đơn vị với tôi, anh Hồ Nam (nhà thơ Vương Tân) mà anh quen biết từ hồi ở nhật báo Hòa Bình.

Cũng như mọi người, tôi biết anh gia nhập làng báo Sài gòn rất sớm khi còn trẻ và bộc lộ văn tài từ những ngày ấy. Anh cũng đã có dịp tự sự về quãng đời sôi nổi này của mình, bên cạnh các tên tuổi lớn như nhà văn nhà báo Hiếu Chân (Nguyễn Hoạt), Chu Tử (Chu Văn Bình), Nguyễn Thế Truyền, Ngô Đức Mão …qua các tờ báo đình đám một thời như: Ngày Nay, Thứ Tư tuần san, Thân Dân, Tranh Đấu, Hòa Bình, Sống… Ngoài những bài báo và nhiều sáng tác đa dạng về nội dung cũng như đề tài, được đăng tải rải rác trên các báo, dấu tích dường như duy nhất của anh thời kỳ này, may ra còn lưu lại đâu đó là tập truyện đã xuất bản “Ngày Ấy Khi Ta Yêu Nhau”(in chung với Võ Hà Anh).

Anh gia nhập Không Quân năm 1964, thuộc tài khóa 65A, rồi tốt nghiệp trường bay bên Hoa Kỳ, về nước phục vụ tại các Phi đoàn Trực Thăng, qua nhiều chức vụ, từ PĐ.215 Thần Tượng ngoài Sư đoàn 2 Không Quân Nha Trang (1966-1971), rồi PĐ.245 tại Sư đoàn 3 Không Quân Biên Hòa (1971-4/1975), mà sau cùng anh đảm nhận chức vụ Quyền Phi đoàn trưởng, khi đã thâm niên cấp bậc Thiếu tá. Anh là một hoa tiêu trực thăng dầy dạn kinh nghiệm, có mặt trên khắp các chiến trường, đã từng bay từ loại trực thăng H.34 cổ lỗ sĩ, rồi loại hiện đại UH.1. Sau trận chiến Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, anh được bầu chọn và Quân chủng tuyên dương là Phi công Xuất sắc. Là một cấp chỉ huy mẫu mực, được sự yêu mến vị nể của đồng đội và thuộc cấp. Các thượng cấp cũng dành cho anh những tin cậy và tình cảm yêu thương. Cách riêng, với những anh em cầm bút trong gia đình văn chương chữ nghĩa Không Quân, anh luôn thể hiện sự chan hòa của tình bạn hữu huynh đệ.

Tưởng chừng đời quân ngũ sống với bay bổng, thường trực đối diện hiểm nguy và cái chết rình rập, sẽ làm thay đổi văn phong trong con người nghệ sĩ Đào Vũ Anh Hùng. Nhưng rồi như đã thấy qua các sáng tác của anh về cuộc sống, về chiến tranh và đời lính, nhất là đời phi công chiến đấu, chỉ cần giới hạn trong phạm vi đã xuất hiện trên tờ Lý Tưởng, đã cho thấy biết bao cảm xúc dạt dào, phơi trải những nỗi niềm tâm tư da diết của một người cầm bút, đồng thời cũng là một người chiến sĩ trực tiếp nơi tuyến đầu binh lửa.

Anh viết rất đều tay và sáng tác của anh xuất hiện thường xuyên trên tờ Lý Tưởng, chưa kể đến các báo ở đơn vị và các tuyển tập in chung với các văn hữu như Những Mảnh Trời Khác Biệt (9 tác giả Không Quân, Lý Tưởng xuất bản), Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến (25 tác giả trong và ngoài Không Quân, nhà xuất bản Vàng Son), Đường Mây (in chung với ba tác giả Không Quân khác: Lê Văn Trước, Trần Viễn Phương, Kiêm Thêm).

Bút ký Không Bỏ Anh Em không Bỏ Bạn Bè của anh Đào Vũ Anh Hùng đăng trên báo Lý Tưởng trước đây (sau đó được in lại trong các Tuyển tập), nói kể cuộc tìm về sinh lộ, về với anh em, bạn bè đồng đội, sau ba bốn đêm ngày chiến đấu và vượt qua biết bao thử thách cam go, đầy hào hùng lẫm liệt bi tráng của phi công Trần Duy Nguyện hồi cuối tháng 3/1968, sau khi chiếc máy bay L.19 lâm nạn, rơi xuống giữa rừng già đồi núi chập trùng hiểm trở M’Drak, vùng Cao nguyên Trung phần; đã là một dấu ấn vô cùng đậm nét trong các sáng tác về đời lính Không Quân. Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè đã trở thành quen thuộc và bất hủ. Cho đến hôm nay, mỗi khi nghe nói câu này là phải nhớ ngay đến Không Quân và tác giả của câu nói đó.

Riêng tôi, bao giờ cũng nhớ đến nét mặt của anh, lúc nào cũng như thật nghiêm nghị đạo mạo, nhưng bên trong ẩn chứa sự hồn hậu vồn vã biết bao, chỉ được biểu lộ khi cần thiết.

Lần sau hết còn nhớ được, tôi bất chợt nhìn thấy anh trong thoáng vội, tất bật đầy vẻ lo âu bận rộn, giữa một đám đông người, quân nhân và gia đình, vô cùng hối hả, xô bồ lộn xộn, đang lo lắng chen chúc nhau trong việc sắp xếp để đi di tản, là vào một buổi chiều nơi mấy ngày cuối cùng của tháng Tư bi thảm ấy, trong căn cứ Tân Sơn Nhất.,

                                                                 *

    Đầu năm 1981, tôi trở về từ trại tù cải tạo miền Bắc, sau gần sáu năm lưu đầy biệt xứ. Nhờ có vài cơ duyên và từ anh Dương Hùng Cường, đã ra tù sớm trước đó, mà anh Trần Tam Tiệp, một hiền huynh thân thiết khác trong Không Quân ngày xưa, đã tìm lại được tôi để nối liên lạc. Khi ấy anh Trần Tam Tiệp hoạt động trong Văn Bút Việt Nam hải ngoại và là Tổng Thư ký. Thỉnh thoảng, ngoài sự tiếp tế về vật chất là thùng quà thuốc tây 2 pounds, anh còn tìm cách gửi cho mấy tờ báo xuất bản ở hải ngoại, qua đường dây riêng, kín đáo trong Bưu điện. Một lần như thế, tôi nhớ là trong bài đăng trên tờ Nhân Chứng bên Cali, nhân dịp đi uống cà phê với anh Trần Tam Tiệp, trong chuyện trò, anh Đào Vũ Anh Hùng nhắc đến tôi và nói không biết tình trạng của tôi bây giờ như thế nào, khi nhớ lại những buổi cùng đi uống cà phê với anh em huynh đệ ở khu gia binh căn cứ Tân Sơn Nhất nơi ngày tháng cũ. Thật cảm động quá.

           Và rồi lại tiếp theo những dâu bể nữa của cuộc đời. Đến giữa tháng 12 năm 2006, gia đình tôi mới lên đường đi Hoa Kỳ định cư theo chương trình được mở lại lần cuối cho các sĩ quan quân đội đã bị đi tù Cộng sản. Nơi đến mà gia đình tôi chọn là thành phố Houston, Texas. Bà chị cả tôi sinh sống tại đây đã giúp cho việc thuê sẵn được một căn nhà, có thêm số điện thoại bàn để liên lạc. Tôi đã cung cấp chi tiết nơi chỗ sẽ đến này cho một vài huynh đệ bằng hữu gần gũi, trong đó có anh Hồ Nam. Chính nhờ anh, một người vẫn liên lạc email thường xuyên với hải ngoại, mà nhiều huynh đệ bằng hữu cũ của tôi bên Hoa Kỳ biết về chuyến đi của gia đình tôi.

Vừa đến Houston đâu được vài ngày, thật bất ngờ trong ngạc nhiên và xúc động khi tôi nhận được điện thoại thăm hỏi của anh Đào Vũ Anh Hùng. Anh nói đã biết tin tôi sang đây và sẽ từ Dallas xuống thăm tôi vào cuối tuần, cũng nhân dịp họa sĩ Đằng Giao, người bạn thâm giao của anh, từ Việt Nam mang tranh sang triển lãm tại trụ sở báo Saigon – Houston và đài phát thanh Radio Saigon 900AM của anh chị Dương Phục & Vũ Thanh Thủy.

Và rồi anh em chúng tôi cùng có mặt trong ngày khai mạc cuộc triển làm này, Gặp mọi người thân quen, anh vồn vã chào hỏi và ân cần giới thiệu tôi.

Biết bao mừng vui, hàn huyên chuyện trò đủ thứ câu chuyện, tưởng chừng không thể dứt giữa anh em chúng tôi buổi gặp lại nhau lần ấy.

Trước lúc chia tay, ngoài việc trấn an, động viên tinh thần cho tôi, anh còn dặn dò tôi nhiều điều, phải cẩn thận với tổ chức này, đoàn thể kia, phải dè chừng người này hay tránh mặt nhân vật nọ, kể cả một trong những cộng tác viên khá quen thuộc của tờ Lý Tưởng trước kia, mà anh nói là rất lèm bèm, dễ gây bực mình.

Chỉ ít lâu sau thôi, tôi cảm nhận được ngay và hiểu ra rằng vì sao mà anh Đào Vũ Anh Hùng đã phải dặn dò tôi như thế. Qua một vài bài viết cũ của anh gửi cho đọc và qua đủ loại báo chí có được từ nhiều nguồn, tôi cũng phần nào biết qua về các sinh hoạt của người Việt tại hải ngoại, cách riêng là sinh hoạt của các tổ chức hội đoàn Không Quân tại nhiều nơi.

Tôi được biết đến Hoa Kỳ hồi tháng 4/1975 và sau thời gian ổn định cuộc sống, anh đã tích cực tham gia các sinh hoạt của Không Quân và từng nắm giữ các chức vụ chủ chốt như Hội trưởng Hội Không Quân vùng Dallas-Fortworth, địa phương nơi gia đình anh cư ngụ, rồi được tín nhiệm bầu làm Tổng Hội trưởng Tổng Hội Không Quân hai nhiệm kỳ liền từ 1996-2000. Tôi có được đọc mấy bài viết tâm huyết, đầy chân tình, nhưng cũng thật nẩy lửa của anh, liên quan đến các sinh hoạt tại hải ngoại.

Anh cũng là một trong những người có nhiều công sức làm sống lại tờ Lý Tưởng tại hải ngoại và làm cho Lý Tưởng đình đám một thời, trở thành niềm tự hào của Không Quân. Khi tôi sang đến Hoa Kỳ và gặp lại anh năm ấy, anh đã thôi không còn một tham dự nào nữa, từ một lý do đơn giản là do cá tính con người anh, sự thẳng thắn và bộc trực không cho phép anh chấp nhận hay thỏa hiệp với những điều thiếu rõ ràng. Dĩ nhiên, cũng đâu thể nào tránh khỏi va chạm, có người yêu kẻ ghét, nhưng dường như với anh, không phải là điều quan trọng cho lắm.

Anh Đào Vũ Anh Hùng còn đem đến cho tôi một bất ngờ khác nữa và là một trong những kỷ niệm nhớ đời nơi đất khách quê người. Câu chuyện như thế này:

Khoảng ba tháng sau ngày anh em chúng tôi gặp lai nhau, một hôm có người gọi điện thoại đến nhà xưng tên và tự giới thiệu thuộc Câu lạc bộ Trực thăng, đồng thời cũng là Trưởng ban Tổ chức Buổi Dạ tiệc Tình Chiến hữu, được tổ chức nhằm mục đích chào mừng các gia đình cựu quân nhân mới đến Houston định cư, trong chương trình như chương trình H.O. được mở lại. Anh gọi tôi là niên trưởng và chân thành xin lỗi vì không biết, nên đã không gửi thư mời gia đình tôi tham dự buổi Dạ tiệc này. Hôm nay thì cận kề rồi và chỉ còn vài ba ngày nữa là đến ngày khai mạc. Vì thế, xin được thông cảm và có lời mời trễ muộn qua điện thoại. Dù hơi ngạc nhiên và ngỡ ngàng, tôi ngỏ ý cám ơn và xin nhận lời mời. Anh đọc cho tôi ghi địa điểm và ngày giờ. Tôi cũng nói thêm rằng, tôi chỉ là sĩ quan Không Quân cấp bậc thấp và làm việc văn phòng thôi, nên Ban Tổ chức không phải bận tâm, câu nệ điều gì, nhất là về danh xưng.

Tôi đoán ra rất nhanh và sau đó hỏi ngay anh Đào Vũ Anh Hùng. Anh cười xác nhận và cho biết biết Ban Tổ chức cũng có mời, nhưng anh đã từ chối rồi, vì từ lâu không còn tham dự các sinh hoạt cộng đồng, và đã quên khuấy việc này. Bất ngờ, họ lại vừa gửi chi tiết chương trình, kèm theo danh sách các gia đình khách mời đặc biệt, là thành phần chính của buổi tiệc. Không thấy tên tôi mà chỉ có mấy gia đình thuộc Hải quân, Cảnh sát Quốc gia, Bộ binh, nên anh nói với Trưởng ban Tổ chức, người điện thoại cho tôi, cùng dân Trực thăng, thuộc khóa đàn em rất xa sau anh, rằng có một tay Không Quân thứ thiệt là tôi, cũng vừa mới đến Houston mà sao không thấy trong danh sách được mời. Thì ra là như vậy.

Khi đến dự buổi Dạ tiệc này, tôi ngạc nhiên và thoáng giật nình vì số lượng người tham dự ngoài sự tưởng tượng. Dễ cũng đến hơn năm trăm người ngồi chật kín phòng tiệc rộng lớn. Biết được điều này là nhờ tôi nhìn thấy số thứ tự của bàn, đặt trên mấy bàn nơi cuối phòng, nằm sát cửa ra vào.

Ban Tổ chức đã dành cho các gia đình chúng tôi những trân trọng ưu ái, tràn đầy thương yêu quý mến của tình huynh đệ chi binh, vô cùng cảm động. Chúng tôi được long trọng giới thiệu và nhận tràng pháo tay dài chào mừng. Đây là lần duy nhất trong đời tôi được làm khách đặc biệt như vậy.

Mỗi gia đình còn được nhận một Bảng Lưu Niệm trình bầy khá đẹp, có danh xưng và chữ ký của 18 vị phụ trách đương nhiệm 18 hội đoàn quân đội và cảnh sát tại Houston, kèm theo món quà vật chất là một phong bì đựng hiện kim.

Chưa hết, ngay trong buổi tiệc hôm ấy, nhiều người thân quen ngày xưa đã vui mừng và vô cùng bất ngờ được gặp lại tôi. Có bạn cùng khóa về Không Quân, nhưng khác ngành. Có cả người bạn học tại trường Luật từ hồi 1966 khi tôi chưa nhập ngũ.

Và rồi những ngày tiếp theo, tôi được đón tiếp nhiều cuộc thăm viếng ân cần tại nhà, lại được nhận thêm những món quà hiện kim. Gom lại tất cả, nhiều hơn tháng lương đầu tiên của tôi tại đất khách quê người. Thật cảm động, trong số các vị khách ấy, có anh Trần Văn Nghiêm, Hôi trưởng Hội Không Quân, cựu Thiếu tá Phi đoàn trưởng một Phi đoàn Khu trục phản lực ngoài Đà Nẵng, dù rằng tôi chỉ là một anh Không Quân văn phòng hạng bét.

Thỉnh thoảng sau này, bất chợt cầm một tờ tiền Hoa Kỳ trên tay, tôi lại bồi hồi nhớ đến những đồng tiền ân nghĩa ngày mới đặt chân lên xứ lạ, và lại nhớ đến anh Đào Vũ Anh Hùng. Ai đã làm ơn cho mình điều gì dù nhỏ nhoi, thì cũng không bao giờ được phép quên lãng, đạo nghĩa làm người dậy bảo như thế.

                                *

Và rồi theo với thời gian nơi cuộc sống, anh em chúng tôi chỉ thỉnh thoảng điện thoại thăm hỏi nhau. Thảng hoặc có dịp ghé xuống Houston, anh không quên tìm tôi và chúng tôi chỉ có chút ít thời gian gặp gỡ chuyện trò ở tiệm phở hay quán cà phê, để anh còn kịp quay về Dallas ngay. Anh vẫn hay nhắc tôi việc thu xếp để có một lần lên chơi vùng Dallas. Nhưng rồi cuộc sống nơi xứ người cũng có những khó khăn cho thân trâu già như tôi, đã chậm mà nước đục thì cũng cạn kiêt, phải lo tìm nguồn nước còn sót lại ở các vũng nước khác nữa. Quanh năm suốt tháng, tôi chỉ vùi đầu vào cuộc mưu sinh và quen với việc quanh quẩn ở một xó xỉnh thành phố, như bên trong lũy tre làng, chưa bao giờ biết đến việc đi đây đi đó. Vì thế, vẫn nhớ lời anh nhắc, nhưng chưa bao giờ thực hiện được.

                                                                      *

Mấy năm trước đây, không nhớ rõ ngày tháng, tôi nhận được tin anh bị té ngã do đột quỵ bất ngờ khi đang đi bộ tập thể dục ngoài công viên. May mà được mọi người chung quanh kịp thời gọi báo cấp cứu và đưa đi bệnh viện. Nhưng rồi kể từ đó sức khỏe anh suy giảm dần. Cho đến hôm nay dễ cũng ba bốn năm qua đi. Một điều ân hận khác nữa, không biết từ lúc nào và vì sao, tôi làm mất số điện thoại người bạn tôi, là vai em trong gia đình anh. Do vậy, muốn thăm hỏi trực tiếp tình trạng sức khỏe anh cũng không thể. Gọi số của anh mấy lần không được. Mọi tin tức chỉ biết gián tiếp qua các thân hữu khác, gần gũi với người thân của anh. Có người nói gia đình muốn anh được yên tĩnh nghỉ ngơi hoàn toàn và rất giới hạn việc thăm viếng, tiếp xúc. Vì vậy một lần, có người bạn từ Washington, D.C. ghé xuống, ngỏ ý rủ tôi lên Dallas thăm anh, tôi thấy ngần ngại quá nên cũng thôi. Thật là đáng trách.

Tuần lễ trước ngày anh mất, tin từ gia đình cho biết tình trạng của anh vừa bắt đầu trở nặng theo chiều hướng xấu. Và rồi cuối cùng, cái điều phải đến đã đến.

Cũng đành qua nốt phận người

Xuôi tay yên nghỉ một đời phiêu du

Đào Vũ Anh Hùng trên giường bệnh

Tôi nhìn lại rất lâu tấm ảnh chụp anh đang nằm trên giường bệnh. Ánh mắt dõi nhìn xa thẳm ấy vẫn đằm thắm quá, như thể đang thay cho lời anh muốn nói rằng anh không muốn giã từ những người thân yêu, không muốn bỏ anh em không muốn bỏ bạn bè.

Năm mươi bốn năm trước, người phi công Trần Duy Nguyện chiến đấu với cái chết chỉ có ba bốn ngày đêm. Hôm nay, người phi công Đào Bá Hùng đã chiến đấu hằng ba bốn năm trời ròng rã.

Không một ai dám trách anh về sự bội hứa này đâu, thưa anh Đào Vũ Anh Hùng. Nào ai biết được chính xác tọa độ của Thiên đường nơi vùng trời thênh thang bao la cao vời ấy. Nhưng tôi tin chắc rằng với sự dầy dạn kinh nghiệm của một hoa tiêu lão luyện, cùng với sự khôn ngoan của một con người luôn sống ngay chính, nhất định anh Đào Vũ Anh Hùng sẽ tìm được bãi đáp bình yên và được đón nhận ở nơi ấy.

Vĩnh biệt hiền huynh Đào Vũ Anh Hùng thân quý.

ngọctự

(thành phố Richmond, TX 22.02.2022)

Cáo Phó Thiếu Tá Không Quân Đào Vũ Anh Hùng / Giuse Đào Báo Hùng

 


Tên thật: Ðào Bá Hùng
Sinh năm 1943 tại Hà Nội
Viết văn từ năm 1960 với bút hiệu Ðào Vũ Anh Hùng. Gia nhập làng báo năm 1964. Viết thường xuyên cho cho các báo Ngày Nay, Sống, Ðời, Sóng Thần, Hòa Bình, Truyện Hay Thứ Tư và Lý Tưởng KQ…
Tại hải ngoại, cộng tác với nhiều báo và tạp chí ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Quản trị và điều hành ÐPT Tiếng Nói Việt Nam tại Dallas, TX. (1983-1985).
Gia nhập KQ năm 1964. Tốt nghiệp ngành phi hành tại Hoa Kỳ, 1966. Phục vụ PÐ215 (Nha Trang, 1966-1971) và PÐ245 (Biên Hòa, 1971-1975). Cấp bậc cuối cùng: Thiếu tá Phi đoàn trưởng PÐ245/SÐ3KQ.
Tại Hoa Kỳ: Hội trưởng Hội KQ Dallas-Fortworth (1990-1996).-- Tổng Hội Không Lực VNCH hai nhiệm kỳ (1996-2000)
Chủ biên Ðặc san Ðường Mây và Lý Tưởng Không Quân (1990-2000).
 

Kính gửi Quý Niên Trưởng và Quý Chiến hữu một bài biết của KQ Đào Bá Hùng, tức Đảo Vũ Anh Hùng viết cho Đặc San kỷ niệm ngày họp mặt các khoá 65 SVSQ/KQ vào tháng 07, năm 2005.
Niên Trưởng coi tôi như một người em từ tuổi đời, tuổi lính và tình Huynh Đệ Hướng Đạo.
Bài viết này, trước khi gửi cho họp mặt các khoá 65. KQ Đào Bá Hùng đã gửi trước cho vài người bạn thân thiết nhất và tôi là một đứa em cũng được nhận.
Giờ đây, KQ Đào Bá Hùng đã đi vào cõi thênh thang không oán ghét, không hận thù và không đố kỵ.
Xin cẩu nguyện cho Linh Hồn Niên Trưởng Đào Bá Hùng sớm hưởng Nhan Thánh Chúa. Niên Trưởng Đào Bá Hùng ra đi được nhiều người thương tiếc. Trong đó có tôi, một đàn em của trưởng Hướng Đạo Đào Bá Hùng, có tên Rừng là Hổ Trực Ngôn.

Tên Rừng là một trò chơi của HĐVN được đăt tên cho một trưởng hướng đạo xin gia nhập sinh hoạt Rừng. Hội đồng Rừng căn cứ vào dáng dấp, khả năng, tính tình của trưởng Hướng Đạo và qua nhiều thử thách để chọn tên thật đúng cho trưởng xin gia nhập.

Trần Đình Phước (Khoá 7/68 KQ)

Đào Vũ Anh Hùng

 Khi tôi đến địa điểm, đã thấy đông người náo nhiệt. Họ đi lại, nói cười ầm ĩ từ trong ra ngoài nhưng bước vào hội trường, tôi không thấy “thầy” đâu.  Đang nhìn quanh tìm kiếm thì Long tiến đến chào:

          -  Dạ thưa chào anh.Thầy qua chùa Đạo Quang thăm thầy Tịnh Đức rồi sẽ về đây, chắc cũng sắp rồi.  Có lẽ thầy còn kẹt ở bên đó, mời anh ngồi đây đợi thầy về.  Thầy nhắc đến anh và nói em phải tìm mời được anh đến cho thầy gặp.

          “Thầy” đây là Đại đức Thích Linh Quang, tức Phan Xuân Hòa, bạn cùng khóa 65A, hoa tiêu vận tải, lái C-130 nay đã đi tu, có pháp danh, có nơi trụ trì, ở một nấc thang xã hội khác nên giữa nơi công quán quan chiêm nhĩ mục, tôi phải gọi bằng “thầy”. “Thầy” khó quá, từ Mỹ qua tận bên Ấn độ - Nepal, xứ Phật - để tu trong một ngôi chùa giữa vườn Lâm Tì Ni là nơi Phật đản sanh - địa danh được nhắc đến rất nhiều trong kinh sách - không một Phật tử nào là không nghe biết đến vườn này nhưng khi hỏi vườn rộng bao nhiêu mẫu, trồng những cây trái gì, bông gì thì bà con bù trất. 

Hồi đầu năm ngoái hay giữa năm kia, một hôm tự nhiên Hạnh Đầu Bò từ Houston điện thoại cho tôi, hỏi:

-  Ông còn nhớ Phan Xuân Hòa khóa mình không?

          Tôi cười trả lời:

          -  Sao không nhớ?  Thằng Hòa... “Hột Vịt Lộn” phải không?

Lúc đó tôi chưa biết Phan Xuân Hòa đã là “thầy”, vẫn nghĩ mình có quyền thân mến gọi bạn bằng cái hỗn danh được anh em thân tặng từ ngày ở quân trường mà tôi không rõ đứa nào đặt và lý do tại sao.  Hạnh nói:

          -  Phan Xuân Hòa đi tu, thành “thầy” rồi ông ơi. Thầy mới về Houston, nhờ tôi liên lạc một số anh em bạn cũ đến gặp.

          -  Đương sự về Houston, ở bao lâu?  Rồi sẽ đi những nơi nào?  Về Houston làm gì?             

          Tôi hỏi Hạnh với giọng dồn dập như chuyện cần phải biết đến nơi đến chốn.  Nhớ không lầm dường như lâu lắm rồi tôi có phong thanh nghe nói Hòa đi tu, có lẽ nguồn tin cũng phát xuất từ Hạnh Đầu Bò vì Hạnh rất thân và biết rõ nhiều chuyện về Hoà.

          -  Ông ấy tu mãi bên Ấn độ, ở một ngôi chùa nghèo lắm.  Qua đây vài tuần để quyên góp giúp chùa xây viện mồ côi bên đó và nhờ tôi quy tụ một vài anh em cho thầy gặp. Bạn có thì giờ xuống đây chơi với anh em và gặp thầy?

          -  Chắc là đi không được rồi.  Hoà ở đâu?  Bạn cho tôi số điện thoại để tôi gọi hỏi thăm thì tốt hơn.

          Tôi gọi “thầy” ngay sau đó, nói bằng giọng tự nhiên:

          -  Mô Phật.  Thầy có biết ai gọi đây không?

Đầu dây bên kia có tiếng cười:

          -  Biết chứ...  Tôi biết ai rồi.  Bạn đang ở đâu?

          -  Bạn nào?

          “Thầy” không nói tên tôi mà trả lời bằng cách hỏi ngược lại:

          - Bạn dạo này vẫn còn viết lách đều chứ?

          A, thì ra “thầy” vẫn còn nhớ và nhận ra giọng tôi.  Còn tôi, nghe lại tiếng Hòa sau bao nhiêu năm không gặp, thấy vui và xúc động.  Tôi vẫn nhớ rất rõ gương mặt Phan Xuân Hòa với cặp môi dày và nụ cười hiền lành của thời huấn nhục Nha Trang, nhưng không thể hình dung ra người bạn ngày xưa lúc này nhân dáng thế nào trong bộ áo tu hành, đầu cạo trọc.  Tôi cười lớn:

          -  Chịu thầy. Vậy bây giờ thầy muốn tôi xưng hô thế nào?  Nói thật lâu lắm mới nghe tiếng thầy, “con” mừng quá, chỉ muốn “mày tao” như ngày xưa cho sướng cái miệng!

          -   Ôi...  nghĩa lý gì đâu điều vặt vãnh.

          -  Thôi, đùa ông tí chơi chứ ông tu hành thì tôi phải trọng, đâu dám hỗn!  Chúng nghe được tôi “mày tao” với ông, chúng uýnh tôi chết.  Nhưng “thầy con” với ông thì tôi chưa quen.

          Bắt đầu từ phút đó tôi hỏi han trò chuyện với Phan Xuân Hòa lúc thì “thầy và tôi”, lúc thì “ông và tôi”, có khi buột miệng “bạn và tôi” loạn cào cào, nhưng vẫn chưa lú sảng đến độ gọi thầy bằng “mày” xưng “tao” như ngày xưa ở quân trường.  Tôi hỏi:

          -  Lý do nào ông lại xuất gia?  Chuyện đi tu đâu phải dễ, đâu phải ai cũng làm được?

          -  Thì cũng là cơ duyên thôi. Tôi qua Mỹ năm 75, cũng lao động tốt như mọi người suốt mười mấy năm trời cho đến khi bà vợ tôi ly dị tôi để theo người khác thì tôi chán quá, vô chùa.  Tôi nghĩ vợ bỏ đi rồi, con cái cũng lớn hết rồi, bây giờ chỉ có một mình, đi làm cũng chỉ để tháng tháng trả bill, chẳng ích lợi gì, thôi thì đi theo con đường mình chọn lựa.

          -  Vậy đúng là ông “trốn việc quan đi ở chùa” rồi!  Chán đời kiểu gì mà khôn thế?

          Hòa chỉ cười không nói tiếp và tôi cũng không muốn đào sâu thêm về chuyện gia đình và chuyện tu hành của bạn.  Hôm đó chúng tôi nói chuyện khá lâu, thoải mái và thú vị.  Thầy Thích Linh Quang cho tôi biết là thầy còn ở Houston thêm một tuần rồi đi vài nơi khác trước khi về lại Népal. Chúng tôi nói linh tinh đủ thứ và hai “thằng” cười hinh hích với nhau mỗi khi có chuyện thú vị...  Tôi chẳng thấy xa cách “thầy” chút nào.  Ngày xưa ở quân trường Hòa và tôi không ở chung phòng, không có những kỷ niệm thắm thiết đáng ghi nhớ.  Hòa qua Mỹ du học sau tôi nên cũng không có thời gian gần gụi để tôi có kỷ niệm gì với Hòa ở Mỹ vì tôi rời Lackland qua trường bay thì Hòa mới đến.  Về nước, mỗi người một ngành bay, một đơn vị khác.  Tôi ở Nha Trang, Hòa ở Tân Sơn Nhất.  Hòa nhớ và nhắc lại cho tôi kỷ niệm chúng tôi chỉ có một lần gặp nhau là lần tôi quá giang chiếc C-130 của Hòa về phép Saigon, năm đó là năm 70, 71 thì phải.

          Đấy là lần đầu tiên nhờ Hạnh Đầu Bò móc nối mà tôi được nói chuyện với Hoà qua điện thoại sau 30 năm có lẻ.  Ngay sau đó, tôi gọi Chín Đầu Trâu, giục Chín phải phone thăm thầy Thích Linh Quang.  Chín hỏi:

          -  Mày xưng hô với chả thế nào?  Tao phân vân chưa biết khi nói chuyện phải xưng hô ra sao vì kêu chả bằng “thầy” thì dễ rồi nhưng xưng “con” tao thấy khó quá!

Tôi cười lớn trêu Chín:

-  Có gì là khó?  Mày bắt chước tao, dung hòa cả hai cách xưng hô giữa đạo và đời.  Cứ gọi nó là “thầy”, xưng “tao” là được cả đôi đàng.

Chín biết tôi đùa nhảm, chỉ cười và nói sẽ gọi ngay. 

 

 

Vài tháng sau, một buổi chiều bỗng Long gọi đến, hỏi tôi có rảnh không.  Long là Mévo của một phi đoàn trực thăng thuộc Sư đoàn 4, rất dễ thương và có tinh thần xã hội cao.  Hai vợ chồng Long là Phật tử thuần thành, hăng say làm việc cho chùa, cho hội một cách sốt sắng chí tình đáng phục.  Long cho tôi biết có thầy Thích Linh Quang từ bên Ấn độ qua, ghé Dallas mấy ngày và nhờ Long liên lạc mời tôi đến dự bữa cơm chay gây quỹ của nhóm Phật tử Đạo Tâm giúp nạn nhân Tsunami ở Á châu.  Địa điểm cũng gần nhà nên tôi nhận lời ngay dù lời mời đến bất ngờ và quá gấp rút.

Tôi được dẫn đến một bàn trên cùng, gần sân khấu, có lẽ là bàn VIP.  Tôi gật đầu chào mấy bà vợ, bắt tay các ông chồng đến trước rồi ngồi xuống một trong ba ghế còn bỏ trống.  Nhiều người ngạc nhiên khi trông thấy tôi, đến chào hỏi vì dễ thường đã cả bảy tám năm qua tôi “quy khứ lai từ”, tránh xa cái cộng đồng địa phương đầy chuyện nhiễu nhương này, tránh xa những hội họp, đám đông, chuyện thị phi trời ơi đất hỡi từng làm tôi điêu đứng...  Khoảng mươi phút sau “thầy” đến.  Tôi nhận ra ngay.  Thầy cũng nhận ra tôi khi tôi đứng dậy, bước tới đón chào.  Tôi cười toe khi trông thấy người bạn cũ trong bộ cà sa, gương mặt chẳng thay đổi bao nhiêu, nụ cười mở rộng.  Thầy chắp tay trước ngực xá vài cái rồi đưa cả hai tay ra trong cử chỉ đón nhận và ôm chầm lấy tôi.  Tôi cũng chắp tay chào lại bằng cung cách đó.  Cả hai vồ vập lấy nhau trong nỗi vui mừng. Tôi thấy bồi hồi giữa phút giây tương ngộ. 

 

Có ai ngờ, phải, có ai ngờ hai tên lính Ngụy, phi công giặc lái ngày xưa của Không lực VNCH lại gặp nhau giữa chốn ta bà náo nhiệt này, nơi xứ sở này?  Một anh đã “nửa đường đi xuống”, tóc tai rụng lả tả như lá mùa thu, hói trông thảm hại cái đầu.  Một anh thay chiếc phi bào bằng bộ thiền y nhà Phật, dáng vẻ khoan thai, trông hiền như ông bụt.  Có mấy ai biết đôi bàn tay vồn vã đang thân mật và nồng nhiệt vỗ vỗ vai tôi trước đây đã từng cầm cần lái, điều khiển chiếc phi cơ C-130 khổng lồ bay len lỏi qua lưới đạn phòng không, hạ cánh chớp nhoáng rồi cất cánh cuống cuồng rời phi đạo đang quằn quại nẩy tung hứng trận mưa pháo tàn bạo của Bắc quân?  Tôi thảng thốt như thấy lại hình ảnh chiếc C-130 của Trần Ngọc Châu tức Châu Râu khoá 64D bay tiếp tế Phước Long, vừa sà xuống đầu phi đạo của phi trường Phước Bình, chưa kịp hạ cánh đã vội vã bốc mình rời vùng đất chết nhưng Châu Râu đã chào thua định mệnh.  Chiếc C-130 trúng đạn phòng không cộng sản tua tủa bắn lên, bốc cháy và nổ tung ở cao độ thấp.   Lúc đó tôi đang dẫn hợp đoàn bay quần quần trên ngọn đồi thấp phía Nam, tìm đường vào bãi đáp.  Con chim sắt khổng lồ nghiêng đôi cánh vỡ kéo theo ngọn lửa rực rỡ, lao xuống đất, nẩy tung lên rồi khuỵu xuống cháy phừng phừng giữa buổi trưa Phước Vĩnh đầy trời lửa đạn...

 

 

Rất nhiều cặp mắt nhìn chăm chú chúng tôi, tò mò muốn biết giây liên hệ giữa nhà sư đến từ Ấn Độ và tôi như thế nào.  Có lẽ họ chỉ nghĩ được thầy với tôi có tình quen biết trước chứ khó ai nghĩ thầy từng là một phi công vận tải, bây giờ xuất gia... 

Vợ chồng Long bưng đồ ăn chay đến mời.  Tôi xin lỗi đã ăn và no rồi.  Thầy cầm đôi đũa đưa lên ngang mày vái tạ rồi gắp miếng chả giò chay cho vào bát.  Tôi nhìn thầy ăn, thấy có một thứ tình cảm xốn xang, vừa rất thân quen, vừa như lạ lẫm.  Gần thì thật gần vì là đôi bạn đang ngồi sát cạnh nhau nhưng xa cũng thật xa vì nay Hoà đã là một thầy tu và tôi vẫn là tôi giữa cõi đời ô trọc nhiễu nhương này.  Hình ảnh Phan Xuân Hoà trong bộ áo tu hành mới lạ quá, tỏa ra mầu đạo hạnh và dáng nét tôn kính, tôi chưa thu được đầy đủ góc cạnh để xếp vào ngăn tiềm thức. 

Trước mắt tôi, vẫn là hình ảnh Phan Xuân Hoà, Sinh viên Sĩ quan khoá 65A ngồi cùng bàn ăn với chúng tôi trong phạn xá Trung tâm Huấn luyện ngày nào.  Nhớ những bữa ăn sáng với bánh mì cặp chả có phết chút bơ, một quả chuối và ly trà đá sau cuộc chạy bộ từ sân khoá sinh ra bãi biển Duy Tân rồi chạy về, có Trần Thế Vinh hay Phan Văn Có đếm nhịp cho toán đi đều bước và hát những bài hát quân hành hùng tráng.  Những bữa ăn sáng, bữa cơm trưa, bữa cơm chiều bốn đứa xếp vào một caret, tuổi đôi mươi sung sức ăn như hạm...  Nhưng hôm nay thầy ăn từ tốn và ăn không nhiều.  Xong, buông đũa, chắp tay xá xá.  Lại nhớ ngày xưa đứng xếp hàng đợi tiếng hô mới răm rắp ngồi xuống hay nhất loạt đứng lên.  Tôi ngùi ngậm thấy từng gương mặt bạn bè thân mến cũ lướt qua trí tưởng.

Lúc chia tay, tôi mời thầy về nhà tôi chơi ngày hôm sau để có thì giờ rộng rãi chuyện trò, ôn nhớ kỷ niệm thời xưa cũ.  Chúng tôi hỏi han nhau về ngày cuối cùng và những giờ khắc cuối cùng trước lúc di tản.  Nói với nhau chuyện quân trường, chuyện bôn ba bay bổng khắp miền đất nước, chuyện bạn bè, chuyện thăng trầm trong bước truân chuyên đời luân lạc...  Tôi hỏi thầy có nhớ Phùng “Cầu Muối” không?  Thầy trả lời nhớ chứ.  Tôi mỉm cười.  Nếu là ngày xưa, thầy đã không trả lời “Nhớ chứ” như bây giờ, mà đã trả lời tôi bằng hai chữ gọn lỏn thầy rất quen dùng, “Bắt buộc!” khi nghe tôi hỏi...  Có lẽ đó là điều duy nhất tôi nhớ về Phan Xuân Hòa.

-  Phạm Đình Phùng chết rồi, mới chết vài tháng nay, bệnh hay vì hậu quả của Sì-ke tôi không rõ.  Dầu sao một thằng bạn ra đi hẩm hiu như thế cũng thương tội...

 

Phạm Đình Phùng tức Phùng Cầu Muối, dân khu trục của phi đoàn 518 Biên Hoà.  Hồi đó Phùng vượt biển đến Thái Lan rồi qua Mỹ, thân tứ cố.  Tôi tội nghiệp Phùng lêu bêu, đem về ở chung nhà.  Ông anh Phùng ở Pensacola gọi lên cám ơn và nhờ tôi giúp đỡ, khuyên bảo Phùng cố gắng làm lại cuộc đời.  Vợ chồng tôi dành riêng cho Phùng một phòng.  Ký giấy bảo đảm cho Phùng mua chiếc Camaro hai cửa màu đen mới toanh để chạy cho có vẻ tay chơi.  Phùng sống sạch sẽ ngăn nắp, rất cưng chiều mấy đứa con tôi.  Con bé út lúc đó mới được ba, bốn tuổi, Phùng gọi nó là “Mai Lệ Huyền” và giải thích tại nó có giọng khào khào giống Mai Lệ Huyền!.  Phùng dạy con bé hễ cứ trông thấy Phùng là nói “Khổ quá... Chán đời..!” rồi hai bác cháu cười với nhau.  Phùng lâu lâu tập hợp lũ con tôi lại, dạy cách thoát hiểm nếu xảy ra hoả hoạn, bắt lũ nhỏ thực tập cách thở cho khỏi bị sặc khói, lấy khăn bịt mắt lần bò từ phòng ngủ tìm lối thoát.  Ngày đó chúng tôi rất appreciate Phùng về chuyện này.  Sau mới té ngửa nghĩ ra, ông nội bắt lũ nhỏ thực tập thoát hiểm vì sợ có ngày ông nội nằm trên giường hút thuốc lỡ bị say, làm cháy nhà...

Vợ tôi rất quý Phùng, lo cơm nước mỗi ngày để Phùng đem đi làm.  Nhưng rồi một hôm nàng mách tôi rằng Phùng vì nể mà mang theo thôi chứ không ăn, đem đổ đi.  Phùng lén lút hút cần sa trong phòng nhưng chúng tôi biết vì mùi khói thật khó chịu dễ nhận ra.  Tôi lôi Phùng ra sát xà bông cho một trận rất kỹ và cảnh cáo.  Phùng xin lỗi, nhưng không hứa bỏ, chỉ nói sẽ không hút trong nhà.  Tôi lo sợ cho các con tôi, lâu lâu đóng vai cán bộ đi khám phòng.  Mấy lần tôi moi ra tang vật, tịch thu vứt đi những gói cần sa cu cậu dấu dưới áo gối hay nhét trong xó kẹt hoặc ngăn tủ nào đó.  Một lần Phùng đi chơi đêm bị cảnh sát chặn bắt, khám trong xe có cần sa, còng tay đem nhốt.  Nửa đêm Phùng từ nhà giam điện thoại dựng đầu tôi dậy năn nỉ.  Tôi phải mặc vội quần áo đem tiền đóng bail bond lãnh Phùng về.  Rồi sau đó giúp chạy luật sư lo cho Phùng trắng án.  Hồi đó có Dự cùng phi đoàn với Phùng cũng ở Dallas, khoá đàn em, thường đến chơi, khuyên nhủ Phùng hết lời nhưng rút cục phải lắc đầu chào thua.  Ở xa thì có Hai Còi, cũng điêu đứng về những chuyện bê bối của Phùng.  

Phùng biết nấu ăn và nấu rất ngon, nhất là món hủ tíu được vợ tôi khen nước lèo ngọt và đúng mùi vị hủ tíu của người Nam.  Thể chất Phùng rất yếu, có lẽ vì nghiện hút và ăn rất ít. Thỉnh thoảng bạn bè tụ họp với nhau tại nhà tôi, Phùng cũng ăn cũng uống nhưng ăn uống rất khổ sở.  Nhất là khi ăn ớt cay hoặc đồ ăn nóng, mồ hôi đổ ra nhễ nhại từ đỉnh đầu chảy xuống ròng ròng như tắm, mặt mũi nhợt nhạt, tay run lẩy bẩy.  Người tình cũ của Phùng hồi ở Biên Hoà biết Phùng ở với tôi, từ Houston phóng lên Dallas kiếm Phùng.  Gặp lại người xưa, Phùng tỏ vẻ cà lơ, thái độ gần như ruồng rẫy.  Vĩnh rớm nước mắt lúc chia tay, gượng nở nụ cười héo hon chào Phùng và tôi, lên xe lái về Houston, biệt vô âm tín từ ngày đó. 

Phùng ở với chúng tôi được khoảng hai năm, sau đó dọn ra apartment vì giận hờn vô lý.  Tôi “kẹt”, không mua sắm được gì vì đứng tên bảo đảm cho Phùng mua chiếc Camaro mới toanh, mỗi tháng trả khá nặng.  Phùng hứa chắc sẽ sang tên cái xe sau sáu tháng khi có việc làm ổn định nhưng mãi không đả động gì tới việc này. Cho mãi đến hơn một năm sau vì cần dùng credit, tôi mới yêu cầu Phùng sang tên.  Phùng đi với tôi vào credit union làm giấy tờ nhưng vẫn giận tôi ngấm ngầm. 

Phùng ra ở riêng, thỉnh thoảng cuối tuần hai vợ chồng tôi vẫn đưa các con đến thăm “bác Phùng”, đem theo đồ ăn vì biết Phùng ở một mình, lười nấu nướng.  Một hôm đến thăm, định gõ cửa, nhưng tôi ngưng gõ vì tưởng Phùng đang tiếp khách.  Có tiếng Phùng nói lớn bên trong như đang cãi cọ, mắng mỏ ai.  Tôi đứng sát vào cửa nghe rõ tiếng Phùng như nói với đứa trẻ nào đó. 

-  Ê, tao không cho mày chạy.  Mày chạy đi đâu?  Chết cha mày rồi con ơi... 

Có tiếng lục đục và tiếng chân di chuyển rồi lại vang lên tiếng Phùng cười khoái trá:

-  Mày tưởng mày lẹ hơn tao sao con?  OK, tao cho mày chạy thêm vòng nữa tao mới “dích” à nhe.  Đừng lưu manh nghe mày!  Ê... ê...  thằng con không có ăn gian, tao cấm đi lối đó mà!  Còn thằng này... đứng dậy chạy tiếp đi.  Đu mạ, đừng giả bộ nằm chỏng cẳng phây phả như vậy nghe con!

Đứng một lúc, chỉ nghe tiếng Phùng độc thoại, ngoài ra chẳng có tiếng ai, tôi gõ cửa.

-   Mày làm gì mà la lối quá vậy?

-  Buồn quá cha nội ơi.  Buồn và chán đời thảm thiết, tôi đang chơi với mấy con gián!  Gián mà khôn tổ chảng, chơi với tụi nó cũng mệt...

Tôi vừa buồn cười vừa ái ngại nhìn bạn, thương trong lòng.  Buồn và cô đơn, Phùng giải sầu bằng cách bắt gián bỏ lên bàn chơi với chúng.  Ngày xưa cũng vì buồn và chán, Phùng đã tung hê đời mình vào đáy sâu trụy lạc.  Sau tai nạn bất cẩn ở quán cơm Ngọc Hương làm khẩu rouleau giắt trong bụng nổ suýt bay cậu chó lần biệt phái hành quân trên Pleiku, Phùng giải ngũ về Biên Hoà làm sở Mỹ LSI & RMK, có nhiều tiền nên hư hỏng.  Tháng 4-75 Phùng kẹt lại, trốn không ra trình diện học tập, sống lây lất với giới mánh mung buôn bán chợ trời ở Saigon rồi tìm cách vượt biển...

 

Hôm đó tôi chỉ vắn tắt nói với thầy Thích Linh Quang rằng Phùng vượt biển, trước kia ở với gia đình tôi và đã chết, tôi biết tin rất muộn khi tình cờ đọc báo và rồi sau đó nhận thư  Phạm Đình Khuông thông báo đến anh em trong khoá.  Thầy hỏi tôi có liên lạc với các bạn 65A thường không?  Tôi nói lâu rồi tôi cũng vì chán đời và ngán người, chẳng liên lạc với ai, ngoài Chín Đầu Trâu.  Chín với tôi điện thoại qua lại thường xuyên.  Hai thằng qua đây vẫn tái diễn trò cãi nhau ỏm tỏi như ngày xưa ở quân trường nhưng thân nhau và tin nhau nhất.  Tôi kể cho thầy nghe chuyện lần vợ chồng tôi lên Minnesota chơi với vợ chồng Chín.  Chúng tôi lái xe đi thăm Yellowstone ở Wyoming và Mount Rushmore ở South Dakota. 

-  Cái thằng buồn cười lắm.  Tôi lái xe, thỉnh thoảng dở coi bản đồ tìm check-point xem đến đâu và còn bao xa thì tới hoặc nơi này là nơi nào, dân số bao nhiêu nhưng nó nhất định cấm tôi không được xem bản đồ.  Nó bắt tôi chỉ chú tâm vào việc lái xe, cứ thẳng theo xa lộ 94 là tới và nó biết đường.  Tôi bực mình, lại thích trêu cậu Chín, hỏi vặn lại nó rằng mày là Pilot, lái máy bay không bao giờ coi bản đồ hay sao?  Nó chửi tôi là thằng ngoan cố, vừa lái xe vừa coi bản đồ lỡ xảy ra tai nạn thì sao?  Tôi bảo tai nạn thế chó nào được!  Mày cứ lải nhải bên tài xế làm nó si-nẹc mới dễ xảy ra tai nạn.  Mày biết traffic New York thế nào rồi chứ? Vậy mà... hỏi vợ tao đi, tao lái xe trong thành phố New York, vừa lái, vừa coi bản đồ, vừa tìm đường, vừa chụp hình, vừa quay Vidéo ngon lành, có chết thằng tây nào đâu? 

Vợ tôi ngồi băng sau với vợ Chín, lên tiếng xác định:

-  Thật đó anh Chín!  Ông ấy hay lắm, thấy cảnh đẹp bảo tôi chụp hình hay quay Vidéo nhưng tôi vừa giơ máy lên chưa kịp bấm thì xe đã đi qua mất rồi...  Cuối cùng ông ấy bảo tôi đưa cho ông ấy cả hai cái máy, quàng lên cổ rồi ổng vừa lái xe, vừa xem bản đồ, vừa tìm đường, vừa chụp ảnh hay quay phim...

Chín quay sang cự vợ tôi:

-  Sao bà... liều vậy?  Bà giao trứng cho ác mà không sợ sao?  Có ngày chết không kịp trối!  

Rồi nó cáu, trừng trợn nhìn tôi, quát lớn:

-  Thằng này lì lợm quá mày!  Tao biểu mày đưa cái bản đồ đây cho tao.  Tao chỉ đường cho mày lái.

Và Chín giựt lấy tấm bản đồ.  Thấy Chín giận thật tình, tôi thôi không trêu chọc nữa.  Hai nàng vợ lắc đầu, cười.  Vợ Chín nói:

-  Tôi thấy hai ông này thân nhau, thương nhau lắm.  Mà sao hễ nói chuyện một chút là cãi nhau, kỳ vậy?

Tôi nói:

-  Chính tôi cũng thấy kỳ nhưng tôi với nó trời sinh ra không cãi nhau không được.  Có lẽ do thói quen từ hồi còn trong quân trường.  Tôi với nó ở gần nhau cùng một phòng.  Hai giường chỉ cách nhau một cái tủ đứng xài chung.  Mà bà biết, cán bộ xét phòng, một thằng bê bối như xếp quần áo không ngay ngắn và đúng kích thước là cả hai đều bị phạt.  Không ngày nào mà tôi không bị phạt lây với anh chồng bà.  Thằng này nhiều lúc cũng tội nghiệp vì tôi biết nó cũng sợ bị phạt, sợ làm tôi liên lụy bị nghe sỉ vả nên lúc nào thấy cán bộ sắp tới phòng là nó lăng xăng như gà mắc đẻ lật đật vuốt lại quần áo hay phủi bụi đôi giày, kéo lại tấm drap, dù rằng trước đó nó đã o bế rất cẩn thận và mời tôi kiểm soát cho chắc ăn...  vậy mà vẫn bị phạt!  Có gì đâu...  Thằng em đo đạc, sắp xếp lại quần áo, rút tấm giấy phạt trong túi rồi để quên ở ngoài.  Hoặc kéo đôi giày ra phủi bụi, nghe tiếng hô chào cán bộ bước vào phòng, nó quýnh quáng đẩy đôi giày vào chỗ cũ nhưng mũi giày bị lệch, thế là lãnh củ...! 

Hồi đó tôi điên lên vì cái vụng về lật đật của cậu Chín, chửi cậu là trâu bò.  Cậu chỉ biết vò đầu bứt tai than sao tao ngu quá tụi bay khiến bọn tôi chỉ biết cười trừ thôi chứ giết được nó à?  Tôi với nó cự nhau, cãi nhau hàng ngày, nên bây giờ gặp nhau mà không cãi cọ thì ăn không ngon, ngủ không yên.   Cũng là một thứ bệnh tâm thần, một thứ “hội chứng Việt nam” đấy.

 

 

Thầy nghe tôi kể cũng cười vui một cách hồn nhiên, rồi hỏi:

-  Bạn nhớ Vũ Việt Dũng không...  Dũng bây giờ ở đâu?

-  Dzũng chứ không phải Dũng!  Làm dáng cái tên, có chữ “Zét” sau chữ “Dê“.  Dzũng lùn có xương hàm vuông giống y chang chú vịt Donald của Walt Disney!...  Dzũng Vịt ở tiểu bang Pennsylvania.

-  Hồi còn huấn nhục ở quân trường, ngồi nhổ cỏ làm tạp dịch, nó với Nguyễn Cao Hùng, Võ Ngọc Sơn tủi thân khóc.  Ngày đó đứa nào cũng non choẹt, trông rất “sữa”...  Vũ Việt Dzũng bị cán bộ bắt gặp đang khóc sụt sịt, hỏi tại sao?...  Nó òa lên khóc lớn hơn, nói là tại  nhớ...  má, muốn về với má!

          Chúng tôi nhắc đến kỷ niệm quân trường, đến bạn bè với những thói tật hay thành tích đặc biệt tạo nên huyền thoại của khóa 65A. Mà huyền thoại nóng hổi hiện tại là “Chuyện Lý Tống”.  Tôi bảo có lẽ tôi sẽ phải viết thêm “Chuyện Lý Tống” thứ hai để cho những người anh em KQ “tử tế có thừa” hùn tiền đưa  cho Tống, xúi Tống mướn luật sư kiện tôi một thể.  Thầy cười, nói đùa:

-  Hay ông viết bài vận động bầu cho Lý Tống làm tổng thống Mỹ cũng có lý lắm!

Lúc đó dư âm mùa tranh cử giữa anh Bush con và gã lưu manh láu cá vặt John Kerry vẫn còn nóng hổi.  Tôi lãng qua chuyện khác:

-  Ông có nhớ Nguyễn Hữu Thụy, khoá 65B Kỹ thuật không?  Ông ấy ở Biên Hoà, Không đoàn Bảo trì Tiếp vận...

-  Không.  Thụy nào ta?  Chịu, tôi không nhớ.  Nhưng mà sao?

-  Ông Thụy cũng xuất gia lâu lắm rồi và đã viên tịch cách đây bốn năm năm, dường như bị viêm gan.  Thầy đi tu khi đang sống yên bình với vợ con.  Cả gia đình đều hoan hỉ đồng ý để thầy xuất gia. 

Thiếu tá Nguyễn Hữu Thụy tức Đại đức Thích Chân Tịnh, trụ trì tại một ngôi chùa trên Kansas City.  Hồi còn sống, thầy rất quý tôi, thường gọi thăm, gửi cho tôi kinh sách hoặc những bài giảng thâm thúy giá trị thâu trong audio tape.  Thỉnh thoảng thầy còn viết bài về  Phật đạo gửi cho Lý Tưởng và viết thư khuyên tôi giữ tâm an tịnh, trau luyện hùng lực và sự tinh tấn để vững vàng trước bao sóng gió dập vùi thời kỳ tôi nắm giữ trách vụ Tổng hội trưởng và chủ biên tờ Lý Tưởng. Thời gian đó, tôi thấy mình như có triệu chứng của bệnh “trầm uất” sau những trận đòn thù đón nhận từ một số người chỉ vì thứ danh hờ lợi hão và lòng đố kỵ, ganh ghét, đã nhắm vào tôi bằng những đối xử bất công, tàn độc vì tôi lỡ đứng ra nhận trách nhiệm điều hành Tổng Hội và một mình chăm lo tờ Lý Tưởng.  Tôi khủng hoảng đến độ tới những nơi hội họp KQ, nhìn thấy cái slogan “Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè” chính mình là tác giả, tôi ngầy ngật khó chịu, buồn nôn, thấy cả một sự mỉa mai cay đắng, sợ trông thấy nó, sợ nghe thấy nó đến hoảng hốt tâm thần...

          Thầy Chân Tịnh với Tạ Ngọc Chủy (dường như cùng khoá với Vĩnh Anh?)  và tôi có tình thân thiết vì chúng tôi đều có liên hệ với cụ Cử Phùng, cụ bà là nữ sĩ Việt An, song thân của nhà văn nữ Thiều Giang, viết cho báo Sống.  Chị Thiều Giang nay tuổi đã gần thất tuần, ở Virginia, về hưu nhưng vẫn say mê theo đuổi việc khảo cứu văn hoá, lịch sử Việt Nam.  Hồi còn ngoài dân chính, tôi cũng viết báo trong ê-kíp Chu Tử, làm việc chung và rất thân với chị Thiều Giang.  Ông Chu Tử ngày xưa là học trò cụ Cử Phùng, nên hàng năm vào dịp tết lễ, tôi vẫn đưa ông đến nhà chị Thiều Giang ở đường Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận biếu lễ cụ bà và lạy trước bàn thờ cụ ông.  Anh Nguyễn Hữu Thụy và Tạ Ngọc Chủy là người trong thân tộc của cụ Cử Phùng.  Anh Thụy qua Mỹ trở thành Đại đức Chân Tịnh.  Tạ Ngọc Chủy, thiếu úy, phi công L19 của phi đoàn 114 ở Nha Trang, cùng với Nguyễn Thành Sang 64C bay trên chiếc cessna trong phi vụ liên lạc Saigon, chuyến về gặp mưa bão và rớt tại vùng biển Cà Ná khoảng tháng 10-67, không tìm thấy xác.  Hồi đó tôi viết bài “Mùa Biển Động” trên Lý Tưởng BTLKQ là viết về cái chết này của Chủy.

 

          Hôm đó sau một tuần trà, tôi tiễn chân Đại đức Thích Linh Quang ra về.  Nhìn thầy trong chiếc áo tu hành màu nâu, dáng đi hơi vội, tự nhiên tôi thấy lòng chùng xuống, bùi ngùi.  Thầy vẫn còn là Phan Xuân Hoà của khoá 65A chứ chưa thể hoàn toàn tan biến trong tôi để thay bằng hình ảnh một nhà sư đang lầm lũi bước theo dấu vết Đường Tăng đi tích thiện và hành thiền cứu khổ mãi tận nơi Thiên Trúc.

 Đào Vũ Anh Hùng