Asahi Shimbun
Tác giả: NAOJI SHIBATA
Người dịch: Trần Văn Minh
25-05-2015
Thành
phố Hồ Chí Minh – Những hình ảnh về chiến tranh Việt Nam vẫn còn sống
động trong ký ức của một giáo sư 54 tuổi, đang giảng dạy tại một trường
đại học tư ở thủ phủ miền nam này.
Một
người lính bị bắn và ngã xuống đất trước nhà của bà. Một vụ nổ trên
đường phố, thổi tung các bộ phận cơ thể con người và làm cho đám đông
chạy tứ tán. Sau đó lệnh đầu hàng được công bố.
Chiến
tranh kết thúc ngày 30 tháng 5 năm 1975, với một chiếc xe tăng Bắc Việt
tiến vào Dinh Độc Lập của miền Nam Việt Nam. Sự sụp đổ của Sài Gòn 40
năm trước đây được chính quyền miền Bắc gọi là “giải phóng” hoặc thống
nhất Việt Nam.
Vị
giáo sư, người viết blog về những gì mà nhà nước không muốn nghe, nói
với tôi vào cuối cuộc phỏng vấn, rằng bà muốn giữ kín danh tính. Bà nói
rằng bà không muốn có bất kỳ rắc rối nào đến với gia đình hay nơi làm
việc của bà.
Quốc
kỳ đỏ và cờ đỏ của Đảng Cộng sản Việt Nam được thấy tung bay tại rất
nhiều góc đường của thành phố. Lá cờ đỏ cũng được cài theo tất cả các xe
tắc xi. Tất cả biểu ngữ này đang tạo bầu không khí cho sự kiện đáng nhớ
đánh dấu kỷ niệm lần thứ 40.
“Tôi
chưa bao giờ giăng lá cờ đỏ tại nhà của tôi trong 40 năm qua”, vị giáo
sư nói với một giọng thấp nhẹ khi tôi sửa soạn rời khỏi. “Tôi chỉ giả vờ
như không để ý”.
Chắc hẳn bà phải có can đảm để không làm như thế ở đất nước này.
Dân chúng chưa đồng lòng
Mặc
dù Sài Gòn đã được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh sau khi chiến
tranh chấm dứt, tên cũ của thủ đô Nam Việt Nam vẫn còn tồn tại ở nơi
cách [Sài Gòn] 13.000 cây số về phía đông.
Little
Saigon, thường được biết đến như một địa hạt ở quận Cam, California, là
nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất ở nước ngoài, nơi có gần 200.000
người Việt.
Nhiều
biển báo trong khu vực được viết bằng tiếng Việt. Một bảng hiệu ở lối
vào khu vực ghi: “Chào mừng bạn đến Little Saigon”. Lá cờ vàng ba sọc
đỏ, lá quốc kỳ của Nam Việt Nam, được thấy bay phất phới đây đó.
Tôi gặp một nhân viên cao cấp của một công ty của người Việt ở trung tâm khu vực. Người đàn bà 59 tuổi là em gái của vị giáo sư.
Bà
cho biết bà đã chạy khỏi Sài Gòn vào ngày Sài Gòn sụp đổ và bị quân đội
Mỹ bắt giữ. Cuộc sống thật khó khăn cho các thành viên của gia đình bà
còn lại ở Việt Nam vì cha bà làm việc cho chính quyền miền Nam. Bà đã
lần lượt mang sáu người em trai và em gái của bà, ngoại trừ vị giáo sư,
đến Hoa Kỳ.
Bà
làm việc cho một công ty Mỹ sau khi tốt nghiệp cao học. Bà đã đổi việc
để làm việc cho người chủ hiện nay, mặc dù với điều kiện kém thuận lợi
hơn, bởi vì bà muốn gắn bó với quê hương của mình.
Nhiều người Việt lưu vong có lẽ cùng chia sẻ quan điểm với hai chị em.
Người
chị nói: “Họ nói thống nhất. Hệ thống chính trị đã được thống nhất,
nhưng mọi người thì không – cho đến bây giờ. Lý tưởng của chủ nghĩa xã
hội ở đâu? Tham nhũng và cách biệt kinh tế đang trở nên tệ hơn nhiều so
với 40 năm trước đây. Chính phủ Nam Việt Nam cũng tham nhũng, nhưng ít
nhất các phương tiện truyền thông có thể chỉ trích điều đó. Nhưng bây
giờ không có tự do báo chí để chỉ trích nạn tham nhũng”.
Cách
Little Saigon hai tiếng lái xe, cảng San Diego bên bờ Thái Bình Dương
là nơi đặt hàng không mẫu hạm USS Midway. Được đóng từ thời Đệ Nhị Thế
chiến và ngưng hoạt động vào năm 1992, tàu đã được chuyển đổi thành viện
bảo tàng và mở cửa cho công chúng vào xem.
Máy
bay chiến đấu và trực thăng quân sự được trưng bày trên boong tàu. Máy
bay cùng loại cũng được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở
thành phố Hồ Chí Minh. Nếu các máy bay trên hàng không mẫu hạm tượng
trưng cho cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã chiến đấu cho tự do, máy bay ở
viện bảo tàng được trưng bày như chiến lợi phẩm của một cuộc chiến tranh
mà trong đó chủ nghĩa đế quốc đã bị đánh bại.
Một
người cháu của Dương M. Nguyễn, Giám đốc điều hành của công ty DS
Fibertech Corp, một nhà sản xuất máy móc chuẩn xác ở San Diego, ví tàu
USS Midway như chiếc “Mayflower” của gia đình.
Ông
Nguyễn, 70 tuổi, từng là một phi công trực thăng quân sự của miền Nam.
Ông và gia đình rời Việt Nam một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Gia
đình ông so sánh hàng không mẫu hạm với con tàu đã đưa dân hành hương từ
Anh đến Mỹ trong thế kỷ 17 bởi vì ông Nguyễn đến Hoa Kỳ sau khi tàu
Midway, khi đó đang đậu ngoài khơi Sài Gòn, đã cứu ông.
Ông
Nguyễn là một trong những người thành công nhất trong số khoảng 1,7
triệu người Việt sang định cư ở Hoa Kỳ. Ông bắt đầu làm việc với mức
lương tối thiểu 2 USD một giờ. Hiện nay, ông có 75 nhân viên đồng hương
của ông làm việc trong một công ty với doanh số 10 triệu USD hàng năm.
Nhiều
người Việt Nam tha hương đã về thăm quê hương kể từ thập niên 1990,
nhưng ông Nguyễn vẫn chưa lần nào đặt chân lên đất nước xuất thân của
mình.
Ông
nói, “Chúng tôi không muốn trở lại và chứng tỏ rằng chúng tôi là công
dân Mỹ gốc Việt, là những người có đủ tiền để tận hưởng một kỳ nghỉ sang
trọng trong khi có rất nhiều người Việt vẫn còn rất nghèo. Tốt hơn
chúng tôi nên tiết kiệm tiền để giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là các cựu
chiến binh tàn phế ở Việt Nam”.
Vết thương cũ vẫn còn đau
Tôi
đã đến thăm Văn Lê, một nhà làm phim kiêm nhà văn nổi tiếng với phim
tài liệu chiến tranh của ông tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hỏi một cựu
chiến binh và cựu phóng viên Bắc Việt 66 tuổi những gì ông nhớ về ngày
Sài Gòn sụp đổ.
“Trái
tim tôi tràn đầy niềm vui từ ý nghĩ rằng chúng tôi không phải chiến đấu
nữa, và về nỗi đau buồn thực sự là có quá nhiều người đã bị chết”, ông
Lê nói thêm rằng chỉ có năm người sống sót trong số 300 người thuộc đơn
vị của ông.
Nhà làm phim đã có những lời cay đắng nói về người Việt ở nước ngoài.
“Họ không tham gia vào xây dựng đất nước, và dù vậy họ nói xấu chúng tôi từ bên ngoài”, ông nói.
Không
ít người có cảm xúc lẫn lộn về cuộc sống giàu có ở nước ngoài của những
người chạy khỏi Việt Nam sau thất bại trong chiến tranh.
Tất
cả những người tôi gặp ở Hoa Kỳ và Việt Nam đã có một quá khứ đầy ác
mộng, mà chỉ có thể để cho lịch sử phán xét. Họ có những quan điểm khác
nhau, nhưng họ đã chia sẻ một sự hiểu biết rằng bốn thập niên sau chiến
tranh vẫn chưa mang lại hòa giải dân tộc. Chiến tranh Việt Nam cũng là
một cuộc nội chiến, đã đẩy nhóm này chống lại nhóm kia trong một quốc
gia với mục đích giết hại lẫn nhau.
Các
bãi chiến trường đã trở thành các khu chợ, nhưng vết thương cũ vẫn còn
đau. Là một sinh viên, cảm thông cho sự xung đột của người Việt Nam để
giải phóng dân tộc, tôi thấy thương tiếc cho tình hình hiện nay của đất
nước này.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhà lãnh đạo mà sau đó tên ông được đặt cho thành phố Sài Gòn nói.
Độc lập đã đạt được. Nhưng tự do cho công chúng vẫn còn hạn chế, và con đường đi đến dân chủ có vẻ xa vời hơn bao giờ hết.
No comments:
Post a Comment