Monday, August 27, 2018

Thương Tiếc Những Cơ Phi KQ-VNCH Đã Vị Quốc Vong Thân


Máu Nhuộm Không Gian
Cơ Phi Nguyễn Văn Hùng, Phi Đoàn 229 Lạc Long, Sư Đoàn 6 Không Quân VNCH
Sau ba ngày phép, tôi rời Sài gòn, trở về đơn vị, Phi Đoàn 431, Phượng Long, Caribou C7A, ở Phù Cát. Thằng Nam (mắt lồi) cùng Phi Đoàn 229 Lạc Long, Trực thăng UH-1H Gunship, cùng đơn vị với thằng Hùng, tụi nó đã từ Pleiku biệt phái sang tăng cường cho phi đoàn 243, Mãnh Sư, Phù Cát. Phụ trợ cho trận đánh, tái chiếm ba quận lỵ của tỉnh Bình Định: Tam Quan, Đề Đức và Bồng Sơn.
Tôi rời chiếc xe Van đưa đón phi hành đoàn, đi về barrack cư xá của Hạ Sĩ Quan. Thằng Nam đã đứng chờ tôi tại gốc trụ đèn không biết từ bao giờ. Nó đứng phất dậy, bước vội đến bên tôi. Nhìn thấy cặp mắt nó đỏ hoe vì đã khóc quá nhiều, dáng điệu mệt mỏi, sắc mặt thất thần. Tôi đoán chừng đã có chuyện chẳng lành. Tôi dừng lại, chưa kịp hỏi. Nó đã ôm chầm lấy tôi rồi khóc như một đứa trẻ, làm tôi xúc động ứa nước mắt khóc theo. Giọng Nam run run, lắp bắp. Tôi bàng hoàng nghe loáng thoáng giọng đứt đoạn vì cơn xúc động tột cùng của Nam: “Thằng Hùng... đã... chết... rồi!”.
Như sét đánh ngang tai. Tôi bủn rủn cả tay chân, rớt cái túi xách phi hành xuống đất, đứng như trời trồng, chết lặng, tim đau buốt vì hung tin cực ác như luồng điện cao thế đã chạy qua người. Nam đã biết tôi và Hùng là những người bạn chí thân đã lập nhóm “Chúng mình 6 đứa” từ ngày đầu nhập ngũ. Nam biết tôi sẽ đau đớn lắm khi phải nghe cái tin quái ác nầy của Hùng. Hai đứa tôi không nói gì được nữa, cứ để cho nước mắt tuôn rơi... cho nhẹ nhỏm tâm hồn.
Tôi nhìn lại quán cà phê yên tĩnh dưới gốc xoài trước barrack cư xá của tôi. Nơi đó, 3 hôm trước, tôi và Hùng ngồi giải khát và tâm sự, Khi Hùng từ Pleiku vừa biệt phái sang Phù cát yễm trợ Phi đoàn 243 Mãnh sư. Sau khi những trận đánh ở Kontum tạm yên, nơi đó tôi đã gặp Hùng, trong phi vụ tản thương vào tháng trước. Bây giờ, Phi Đoàn 229 đã gửi những biệt đội sang Phù Cát, phụ trợ, đánh tái chiếm ba quận lỵ của tỉnh Bình Định đã mất vào tay bọn cộng sản Bắc Việt xâm lược.
Nam cố gắng lấy lại bình tĩnh, giọng run run sau lần chứng kiến cái chết hãi hùng, rùng rợn, chiếc phi cơ của Hùng đã nổ tung trên bầu trời Tam Quan. Vết hằn kinh hãi, thất thần vẫn còn hiện diện rõ trên gương mặt xương xẩu, khắc khổi của Nam. Nó nghẹn ngào kể lể về cái chết của Hùng:
– Chiếc trực thăng gunship UH-1H của tao bay đàng sau chiếc phi cơ Lead của thằng Hùng, bay vào bãi chiến trận ở Tam Quan, đạn ở dưới bắn dữ dội lên phi cơ của Hùng, trên phi cơ bắn xuống. Bất chợt, tao nhìn thấy chiếc phi cơ của Hùng đã bị trúng đạn phòng không, phát nổ kinh hoàng trên bầu trời như trái cầu lửa, tao điếng hồn, ngồi lặng người nhìn hoả cầu lửa rơi thẳng xuống mặt đất, rồi bốc cháy. Chiếc phi cơ Gunship của tao đã vòng mấy vòng bắn trả xối xả để yễm trợ cho phi cơ của Hùng. Nhưng hỡi ơi, không còn hy vọng gì nữa!

Nam khóc sụt sùi, lắc đầu tuyệt vọng:
– Không hy vọng có ai trên phi cơ của Hùng còn sống sót trong đám lửa đỏ trên mặt đất! Bên dưới VC đã bắn xối xả lên, phi cơ của tao bị trúng đạn, bắt buộc phải rời vùng chiến trận. Thiết giáp và bộ binh đã đánh nhau ác liệt với bọn Việt cộng gần hai ngày trời mới càn quét được địch quân, tiến vào lấy được xác phi hành đoàn của Hùng mang về Phù Cát. Sáng nay, xác của bốn nhân viên phi hành được C7A Caribou của tụi bây đã mang về Sài gòn rồi.

Thì ra, phi hành đoàn C7A Caribou của thằng Tín (mad), Phi Đoàn 431 của chúng tôi đã mang xác phi hành đoàn của Hùng về Sài gòn, cũng cùng chuyến bay hôm nay của Tín đã đưa tôi trở lại Phù Cát sau 3 ngày nghỉ phép. Có lẽ thằng Tín cũng không biết những nạn nhân rớt phi cơ đó đã có thằng Hùng cùng khóa 5/69 với chúng tôi, nên nó đã không nói gì với tôi cả.
Thằng Nam buồn khổ kể thêm:
– Thằng Hùng cắt bay ngày hôm đó cho thằng Diệp Quỳnh Sang đi bay, vì thằng Hùng đang bị bịnh cảm nặng. Thằng Sang lớn tiếng cự nự, cho rằng thằng Hùng “lạnh cẳng” làm bộ bịnh trốn tránh trách nhiệm đi bay. Nguyễn Văn Hùng tự ái, không để cho ai khi dễ mình, nó xóa tên thằng Sang, để ngay tên của nó vào bảng Phi-vụ lệnh và nó đã thi hành phi vụ mà không một thắc mắc nào. Đây là chuyến bay định mệnh cuối cùng đã đẩy Hùng vào một cái chết thê thảm, rùng rợn, lúc phi cơ rơi xuống đất, sức va chạm mạnh, đã ném văng nó ra khỏi phi cơ, một tay, một chân và hàm răng dưới của nó đã văng đi mất, cái chết quá rùng rợn, thê thảm.

Ba điều kiện khiến thằng Hùng đã chết: lòng tự ái, vì tình cảm với bạn bè cùng ngành nghề, cùng lớp và vì thiếu kinh nghiệm chỉ huy, không dùng đúng “đặc quyền” của một Trưởng ngành Cơ phi, theo đúng “luật quân đội” được phép cắt bay cho bất cứ nhân viên cơ phi nào thuộc quyền của mình. Người cơ phi có tên trên phi vụ lệnh, bắt buộc phải “thi hành phi vụ trước, rồi khiếu nại sau”, sau khi đã cắt bay xong trên phi vụ lệnh, không có một người cơ phi nào có thể kiện cáo để đổi tên.
Trong khi Trưởng ngành đang cắt bay, không có một nhân viên thuộc quyền nào có thể đến gần xin xỏ hay phàn nàn để thay đổi người đi bay, trong lúc Trưởng nhóm đang sắp xếp nhân viên cho các phi vụ. Đặc biệt, là những phi vụ phải bay vào vùng lửa đạn hóc búa, khốc liệt của chiến trường, những vùng đất chết của chiến tranh.
Đặc quyền cắt bay của vị trưởng phòng hành quân phi đoàn khi ông ta đang cắt bay, không có một trưởng phi cơ nào đến bên cạnh hỏi han, xin phép hoặc phàn nàn việc cắt bay. Nhưng những tệ nạn nầy thường xuyên xảy ra cho các trưởng ngành khác, khi các mặt trận ở chiến trường trở nên sôi động.
Trong khi đó, chỉ hai năm từ 1970-1972, Nguyễn Văn Hùng đã nhảy lên ba cấp bậc nhanh như gió thổi. Để rồi nó trở thành Cố Thượng sĩ nhất Nguyễn Văn Hùng, anh đã lên bàn thờ lúc 21 tuổi (1951-1972). Hùng đã lập gia đình được một năm, chị Mai, vợ của Hùng đang mang bầu 6 tháng, đứa con đầu lòng của họ không bao giờ nhìn thấy mặt cha. Lúc Hùng biệt phái sang Phù Cát, Mai đã ra sinh sống chung với Hùng ở Pleiku, chị là người gốc Sài gòn.
Suốt cả buổi chiều, tôi đã đứng thờ thẫn, chống đôi tay lên bức tường cement bao bọc chung quanh barrack, chống đạn pháo kích, đầu óc quay cuồng, hồi tưởng lại 3 ngày hôm trước, chúng tôi đã gặp nhau dưới bóng mát gốc xoài tại quán cà phê bên hông barrack của tôi. Nguyễn Văn Hùng không để lộ một triệu chứng gì bi quan, sầu khổ hay những ám ảnh chiến tranh chết chóc. Hùng vẫn tươi cười, điềm nhiên, thân thiện, hiền hòa như những ngày xưa thân ái, như lúc gặp nhau khi vừa nhập ngũ.
Hùng là một người điềm đạm kín đáo. Không bao giờ bàn bạc chính trị hay chiến tranh, không hề để lộ những sự sợ hãi chết chóc trên chiến trường, đặc biệt, Hùng không kể cho ai nghe về những chiến công của Hùng đã tham dự trong các trận đánh, kể cả những thằng bạn thân nhất.
Ba ngày trước, khi sang biệt phái Phù Cát, Nguyễn Văn Hùng đã vội vã tìm kiếm tôi, thăm hỏi và trò chuyện, cũng như tôi, thường khi sang Pleiku phải đi tìm Hùng. Tôi và Hùng không chỉ là bạn thân cùng khóa, cùng băng cơ phi thân thiện “Chúng mình 6 đứa” chúng tôi còn là bạn láng giềng của nhau nữa, hai nhà chúng tôi sống cùng khu vực chợ Hòa Hưng, Sài gòn. Chúng tôi thường đến nhà thăm nhau. Đôi giầy boot tôi đã mang hai năm nay, do tiệm giày của gia đình Hùng đã đóng, làm kỷ niệm.
Ba hôm trước, tôi rất đổi ngạc nhiên lẫn vui mừng, tự hào cho thằng bạn đã tiến thân trên bước đường binh nghiệp nhanh hơn anh em toàn khóa 5/69. Gần 2 năm làm việc tôi vẫn còn mang chiếc lon Trung sĩ, chưa nhúc nhích. Thằng Hùng đã đeo cấp bậc Thượng sĩ, vào tháng 7, năm 1972. Cái lon thượng sĩ mới lên, được làm bằng kim khí sáng giới nó đeo trên ngực áo, thật le lói!
Mới tháng trước, tôi đã gặp nó ở Kontum nó vẫn còn mang cái lon Trung sĩ I, ba gạch, nổi trội hơn mình nhiều! Bây giờ, gặp lại, nó đã trèo lên chức Thượng sĩ, ngon ơ! Đúng là Trưởng ngành Cơ phi có khác!
Nhìn cái lon Thượng sĩ bằng kim loại nhỏ nhắn, xinh xinh, thật khiêm nhường. Tôi đã đứng nghiêm chào nó, gọi nó bằng “sếp”, làm thằng Hùng mắc cỡ mặt đỏ gay, nó ấp úng than thở: của nợ đấy! Bạn hiền.
- Tôi hỏi: Tại sao?
- Nó đáp: Quân cảnh Quân trấn Sài gòn thấy mặt tao non choẹt (mới 21 tuổi) mang lon thượng sĩ, bọn họ không tin, nghĩ tao mang lon giả.
- Không tin mặc kệ họ, giấy tờ mầy đâu? Mầy không có giấy tờ chứng minh sao?
- Dĩ nhiên, là có! Nhưng họ vẫn không tin. Mấy lần về phép Sài gòn tao bị bắt giữ oan, chờ đơn vị trưởng xác nhận, Mẹ kiếp nó! Phiền phức lắm!
– Ê! Mầy đã lên lon hai cấp nhưng chưa khao anh em đấy nhé, bạn! Khi nào mầy “rửa lon” cho “bọn mình 6 đứa” đây?
– Nó cười híp mắt, đáp: Sẽ có một ngày không xa, tao đãi tụi bây mà.

Bây giờ, ngày khao lon đó của Hùng không bao giờ xảy ra, khi Nguyễn Văn Hùng đã lên bàn thờ và được thăng cấp “Cố Thượng sĩ I” của khóa 5/69, khi Hùng vừa tròn 21 tuổi, với cái tuổi “Chết Non” của Chiến tranh Việt nam. Nguyễn Văn Hùng là người thứ nhất giã từ anh em trong nhóm Cơ phi “Chúng Mình 6 Đứa”, rồi ba tháng tiếp theo, thằng Trần Văn Rẹn, Cơ phi Vận tải cũng theo thằng Nguyễn Văn Hùng về bên kia thế giới vào tháng 9, năm 1972, bỏ lại một vợ và đứa con gái 1 tuổi.
Khi phi đoàn Phượng Long 431, Caribou C-7A của tôi dời về Tân Sơn Nhứt, cuối năm 1972. Tôi đã ghé thăm gia đình Hùng, tôi bùi ngùi đốt cho Hùng nén hương, buồn bả, nhìn bộ đồ lễ Không quân màu vàng, mang năm gạch trắng Thượng sĩ nhất trên cầu vai, trang trọng, đặt trên bàn thờ trong nhà của Hùng.
Nhớ lại hai năm trước, lúc còn học Quân Sự ở Biên hoà, tháng nào mẹ của Hùng cũng lên thăm, lần nào bà cũng khóc sướt mướt vì thương con. Bây giờ, nó đã thực sự rời bỏ bà mẹ thân yêu, vợ con, bỏ anh em, ra đi vĩnh viễn.
(WEBHQPD-ST-NET)