Tuesday, April 10, 2018

Đời Phi Công - Phương Toàn


Phương Toàn tên thật là Nguyễn Viết Toàn, sinh năm 1948 tại Dầu Tiếng- Bình Dương, trú quán Tân Hiệp- Rạch Giá. Gia đình ông tới Mỹ năm 1981, định cư tại Garden City, Kansas. Phục vụ trong Board of Director của phòng Thương Mại địa phương (Chamber of Commerce), ông cũng là Advisory Board Member của Security Bank. Hiện nay ông là President and Owner của BT Plumbing Co. Inc. Trước 1975, ông đã phục vụ tại Phi đoàn Lôi Điểu 223 Biên Hòa và Phi đoàn Mãnh Sư 243 Phù Cát. Mới đây, nhân vụ các cựu trung uý khoá 69A họp khoá trên đất Mỹ, Phương Toàn đã viết bài “Trung Uý Nuôi Tôm”, kể chuyện nhà tù CSVN. Được em ruột là Tân Ngố, người viết bài Bên Bờ Freeway, cổ động Viết Về Nước Mỹ, lần này ông kể chuyện “đời phi công”. ------------------------------ -
Mấy anh em tôi đều khù khờ như nhau. Tân Ngố, thằng em kế từ Cali gọi điện thoại hỏi: – Anh có biết gì về chương trình Viết về nước Mỹ cuả Việt Báo không? – Có nghe nhưng không rành mấy.
Nó gạ:
-Nếu có rảnh, viết bài gửi sang, nó ký tên, gửi. Lỡ trúng giải, nó ở gần, đại diện lãnh và xài dùm cho.
Tôi nói, bài đăng báo là để cho người viết hay, tôi sang đây, tối ngày đi chôn ống cống, biết gì mà viết với lách. Nó “động viên”:
– Có nhiều người viết hay, nhưng hay kiểu mèo khen mèo dài đuôi thì đọc không phê. Trong nhà mình, anh được tiếng là khờ nhất. Người khờ thì hay nói thật, mình không hay nhưng mình viết thực, đôi khi ngựa về ngược. Nếu trúng giải, anh em mình cưa đôi.
Sau khi cúp phone, vợ tôi lo lắng hỏi:
– Hai anh em ông không bàn chuyện gửi tiền về Việt Nam đấy chứ?
– Không, bàn chuyện viết bài đăng báo.
Vợ tôi tròn xoe đôi mắt bồ câu quá date kêu lên:
– Giêsu Ma!
Nói đoạn, nàng đến gần rờ vào đầu tôi, bắt mạch xem có bị sốt hay không. Không lẽ từng này tuổi, tôi lại không viết nổi một bài luận văn sao. Tôi quyết định viết bài dự thi, cho dù biết chắc là bị loại nhiều hơn được chọn.
***
Hai vợ chồng tôi lấy nhau được hơn một năm thì vượt biên, vị chi đến nay định cư ở Mỹ được hai chục năm.
Ngày mới sang đến trại tị nạn, hăm hở lắm với những tin đồn được đãi ngộ tại Mỹ. Tôi là phi công của Không quân, vợ tôi là phụ tá nghiệm chế ở Dược khoa, chắc Mỹ chẳng bỏ rơi mình.
Đúng, Mỹ nó chẳng bỏ rơi hai vợ chồng tôi khi đặt chân đến phần đất mới này. Nó cho vợ tôi cái nghề rửa chén, và cho tôi một cái xẻng để làm helper đi đào đất chôn ống cống. Mỹ còn ưu ái hơn, cho chúng tôi mỗi đứa một số quần áo ”tốt”, tha hồ lựa ở kho Salvation Army. Hai vợ chồng từ đó biết thân phận mình, vừa làm, vừa học và vừa góp tiền cắc để gửi về giúp gia đình.
Một hôm, hình như cám cảnh cái nghề mới của tôi, vợ tôi hỏi:
– Kể cho em nghe, tại sao anh lại trở thành phi công?
– Tại anh có chí tang bồng hồ thỉ, muốn làm Đường Minh Hoàng đêm đêm du nguyệt điện.
Đây là lần đầu tiên nói dối vợ, không hiểu tại sao vợ tôi lại biết, nó bĩu môi đáp:
– Xạo ke.
***
Thú thực đời phi công của tôi bắt đầu chẳng phải vì chí tang bồng, mà nó bắt đầu bằng một sự ngẫu nhiên.
Biết khả năng mình chẳng thế nào lái nổi chiếc máy bay. Vì di truyền sao đó, có thể tại ông già bị má tôi dợt cho quay mòng mòng hoài, nên cứ ngồi lên cái gì nhúc nhích là tôi nhức đầu, kể cả ngồi võng.
Tôi ở Rạch giá, thời học trò thỉnh thoảng được về thăm quê, cứ mỗi lần xe đò chạy tới Bình Chánh là tôi bắt đầu ói mửa như con gái có bầu. Nghĩ đến Không Quân, tôi cũng khoái lắm, khoái không phải vì bay bổng mà là vì khỏi lội sình. Nhưng cứ nghĩ sang Không Quân mà không bay được, thế nào nó cũng đuổi về Bộ Binh thì quê lắm.
Tôi gia nhập khóa 1/69 Bộ Binh, đang thụ huấn tại Quang Trung thì Không Quân sang tuyển người. Tôi chẳng tha thiết gì nhưng thằng Trương Phương Tuyên dụ:
– Ghi danh vào Không Quân, theo xe về Trung Tâm Y Khoa khám sức khoẻ, mỗi ngày mình chỉ cởi quần áo cho ông bác sĩ xem, nhảy tưng tưng mấy cái cho ổng đo, rồi vù ra phố chơi chiều về lại quân trường, đã lắm.
Tôi và nó ghi danh vào Không Quân và đúng như nó nói, hai thằng nhởn nhơ một tuần lễ đi khám sức khoẻ. Khám chẳng được là bao, nhưng chiều nào về ngang qua Ngã ba Chú Ía, hai thằng cũng không quên vẫy tay chào mấy nàng Kiều cho thắm tình Quân Dân cá nước.
Mãn khóa Quang Trung, tôi được chuyển về Thủ Đức học tiếp để chờ ngày ra trường. Một hôm chuẩn bị ra tuyến ứng chiến, tôi được lệnh trả quân trang để về Không Quân. Thằng Tuyên nói:
– Chỉ còn 6 tuần nữa ra trường, mang lon Chuẩn uý, bây giờ về Không Quân mang Alpha dài dài.
Hai thằng bèn hạ quyết tâm ở lại.
Tôi nói với ông Thượng Sĩ già:
– Thượng Sĩ, tôi không về Không Quân đâu.
Ông trợn mắt lên nạt:
– Giỡn chơi cha non, quân đội chứ ở nhà hay sao? Bộ muốn làm gì thì làm hả? Đến 8 giờ tối mà không ký giấy trả đồ, An Ninh nó ghép vô tội nội tuyến là bỏ mẹ.
Nghe nói tới An Ninh là tóc tôi dựng đứng đàng sau, tôi bèn trả đồ và lấy Sự vụ lệnh để về Không Quân.
Tôi được xếp học khóa 69A, toàn là những tay thông minh và gốc bự, như thằng Phan Huy Bách, ba nó là Thủ tướng Phan Huy Quát, thằng Hà Thúc Việt chi chòm ông Hà Thúc Ký, Hồ Văn Anh Tuấn con cháu Hồ Biểu Chánh (Nó thề độc là mình không có dính dáng gì đến Hồ Chí Minh). Chỉ có tôi là bần cố nông mê muội, ngay cả ông già cũng chết ngắc ngày còn nhỏ.
Ra đến Nha Trang tôi được niên trưởng chào đón và dạy dỗ rất chí tình. Khóa đàn anh, tôi gọi là niên trưởng; khóa lớn hơn tôi gọi là đại cồ; lớn nữa thì gọi là siêu đại cồ; rồi dần dà lên đến Thiếu uý Sinh viên sĩ quan, Trung uý, Đại uý… Có một ông Niên trưởng tự xưng là Đại tá sinh viên sĩ quan siêu đại cồ niên trưởng. Hôm mới ra Nha Trang ông bắt tôi chào con Đại bàng ở cổng, ông cầm khẩu carbine lên đạn lách cách tuyên bố: – Bắn bỏ ba mươi phần trăm không cần làm báo cáo.
Tôi hoảng hồn. Té ra tôi chọn lầm binh chủng rồi, ở đây nó coi mạng sống con người rẻ như bèo.
Ông niên trưởng hay ví von thời gian đi lính của tôi ít hơn ngày ông khai bịnh lậu ở quân trường. Ông dạy tôi về tinh thần ”thượng mã” của phi công, ông nói ra trận, hạ máy bay địch, nếu phi công nó nhảy dù ra thì bay ngang, lắc cánh mà chào chứ không bắn pilot. Ông dạy về chữ: ”Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”. Ông nói:
– Tất cả mọi người đeo con rồng lên ngực, sống chết có nhau, là ăn cùng mâm, ngủ cùng giường.
Thằng Hà Thúc Việt cười phá lên, ông niên trưởng đến gần gằn giọng: – Ông này cười cái gì?
– Dạ cười ngủ chung với Tiếp Viên Hàng Không.
Ông ngạc nhiên nhìn nó, đi tới đi lui, ngẫm nghĩ, chợt ông đừng lại gằn giọng:
– Mặt ông ngu hơn thằng chăn trâu, Tiếp Viên nào cho ngủ chung mà mơ. Nó dí dỏm đáp:
– Dạ tại niên trưởng nói ai đeo con rồng lên ngực thì mình được ngủ chung một giường.
Ông bực lắm, với giọng kẻ cả, ông giải thích:
– Có nhiều loại rồng, rồng Không Quân là rồng khạc lửa, rồng Nữ Tiếp Viên là rồng…lộn.
Đến lượt thằng Tuyên phì cười. Ông quát:
– Ông kia cười cái gì?
Nó bí thế đáp:
– Dạ cười con rồng.
Ông trợn mắt hỏi:
– Con rồng có gì mà cười?
Tuyên đáp bằng giọng Huế:
– Dạ, tại nó … lộn.
Cả hàng quân cười ồ lên, ông thấy mấy thằng đàn em này lếu láo qúa, ông phải ra oai kẻo chúng lờn, ông nạt tiếp:
– Rồng lộn có gì mà cười?
– Dạ con rồng lộn không có gì để cười, nhưng Nữ Tiếp Viên rồng lộn thì buồn cười.
Ông tức mình bắt hai thằng móc giò lên cửa sổ, miệng hô to một trăm lần câu: ”Nữ Tiếp Viên rồng lộn không có gì phải cười”.
Tưởng như chưa đã nư, ông đến gần một thằng thấp nhất khóa, gằn giọng hỏi:
– Tại sao ông đã xấu, mà lại còn dám lùn?
Thằng Tú ngơ ngác vài giây rồi đáp sảng:
– Dạ tại … ông già lùn.
Ông niên trưởng lại đi thêm một bài giáo khoa thư:
– Xe trước đổ thì xe sau tránh, cây đắng thì phải cố sinh trái ngọt, ông già lùn thì con phải cao, ông biết vậy mà còn ngoan cố cứ lùn. Móc giò lên đuôi bom cho tôi.
Giải quyết xong thằng Tú, ông bước sang đứa kế, ông hỏi:
– Ông tên gì?
– Khóa sinh Lê Văn Nãi, khóa 69A trình diện niên trưởng.
Ông nhìn thằng Nãi đẹp trai, cố kiếm một tội để ghép. Ông chửi:
– Gái bán Bar cũng biết ông thuộc khóa 69A, tôi hỏi tên, khai chi cả khóa. Ông họ Lê, biết Lê Long Đĩnh không?
– Dạ không.
– Mặt ông và mặt Lê Long Đĩnh giống nhau như đúc mà còn chối. Lê Long Đĩnh là vua dâm dật Lê Ngọa Triều, ông tổ mười đời của ông mà ông còn chối thì mai sau ông sẽ chối bỏ bạn bè. Từ nay mỗi lần trình diện, ông phải nói: Khóa sinh Lê Văn Nãi, cháu đích tôn Lê Ngọa Triều, ông quên thì thác cô hồn với tôi.
Ông niên trưởng chừng như thấy quá mất giờ để phạt từng thằng, ông dõng dạc tuyên bố:
– Chưa có một khóa nào ngu như khóa này, mặt ông nào cũng đần đần độn độn, tôi đếm từ một tới năm, không muốn thấy một cái chân ông nào còn đứng trên quả địa cầu.
Ông bắt đầu đếm, hàng quân như ong vỡ tổ, mỗi đứa cố gắng kiếm một vị trí để móc cẳng mình cao hơn mặt đất, không cứ là móc lên cái gì, miễn là đôi giày bốt không còn chạm mặt đất cho ông niên trưởng hài lòng.
Tôi cắn chặt hai hàm răng, sợ bật cười sẽ bị ông ra lệnh móc cẳng lên ngọn cây dương thì khốn.
***
Thấm thoắt một năm trôi qua, tôi được trở về Tân Sơn Nhứt học Anh Ngữ rồi đi Mỹ để học lái máy bay.
Đây là lần thứ ba tôi được leo lên chìếc máy bay. Hai lần trước đều ngồi bệt dưới sàn chiếc C119 thủng đít đi từ Sài Gòn ra Nha Trang và về lại, lần nào mưa cũng hắt ướt như chuột lột, lần này chiếc máy bay của hãng Braniff International không dột mà lại có ghế đàng hoàng, cô chiêu đãi viên đẹp hết cỡ, cô ta hỏi chuyện tôi nhiều, nhưng tôi không hiểu mấy. Một lần tới bữa ăn cô hỏi:
– Do you want coffee, tea or milk?
Nhìn chiếc xe cô đẩy, tôi hiểu ngay rằng cô hỏi tôi muốn ăn uống gì không. Tôi trả lời là Yes. Cô lại hỏi:
– You want some coffee?
Tôi lập lại là Yes, với chữ S kéo dài thêm, ý nói muốn lắm.
Cô đưa cho tôi một ly cà phê đắng nghét. Mỉm miệng cười duyên, chắc cô đoán chuyến phi cơ này đụng toàn thứ thiệt, không cần phải hỏi thêm thằng Việt, cô đưa cho nó một ly sữa tươi. Cô hỏi hai đứa:
– Do you want some sugar?
Tôi tưởng cô hỏi muốn thêm cà phê không, nên trả lời rất lịch sự:
– No, thank you Sir .
Uống xong ly cà phê đắng, tôi hỏi thằng Việt, sao mầy được uống sữa, nó trả lời cũng không hiểu tại sao. Tôi nói ở quê tao sữa bột pha ra toàn cho heo ăn, người uống đau bụng chết. Nó nói, họ đưa gì thì uống nấy chứ bộ chọn được sao? Tôi than phiền phải uống cà phê đắng, nó nói chắc Mỹ nó không uống đường, hôm nay mình sang Mỹ tập uống cà phê đắng cho quen.
Sang đến Lackland Air Force Base tôi được học những từ ngữ chuyên môn Anh ngữ và mãn khóa.
Lúc này trình độ Anh ngữ khấm khá lắm rồi, ông thầy Anh văn dưới quê bị tôi bỏ xa. Dù sao tôi cũng phải mang ơn ông vì ông đã dạy cho tôi biết những câu vỡ lòng, như chữ bacon nghĩa là thịt mỡ, hot dog là thịt chó nóng hổi và ”chase the girl” nghĩa là rượt con gái. Tôi cũng đã biết chắc chắn rằng đồng mười xu tuy nó nhỏ hơn đồng năm xu nhưng giá trị gấp đôi.
Cuối cùng ngày chờ đợi đã đến, đó là ngày chuyển trại để đi học lái máy bay ở Fort Wolter,Texas, tôi lo lắm, vì cái bệnh say gió của mình thế nào cũng bị rớt đài. Hôm đầu tiên ra phi đạo, thằng thầy cho tôi lên chiếc TH 55 nhỏ như cái trứng gà, lại không có cửa, nó bay lên tắp tít mây xanh nghiêng qua nghiêng lại phát khiếp, mỗi lần như vậy tôi phải uốn người vào trong cho máy bay thăng bằng trở lại, chỉ sợ mình rớt ra ngoài. Có nhiều lần tôi phải gồng tay lại nắm lấy thành ghế cho chắc. Sau gần một giờ biểu diễn, thằng thầy đáp xuống phi đạo, nhìn tôi cười cười. Tôi ra hiệu cho nó, ý nói phải ngừng ngay tại chỗ cho tôi nhảy xuống, bằng không tôi sẽ ói thẳng vào mặt nó. Thằng thầy đứng lại cho tôi ói. Tôi ói một cách thoải mái cho dù biết rằng cú ói này sẽ chấm dứt cuộc đời bay bổng cuả mình.
Lạ quá, sau khi đưa máy bay vào chỗ đậu, nó khen tôi chịu đựng giỏi và tiên đoán là tôi sẽ bay được. Tôi vận dụng khả năng Anh ngữ để hỏi là tại sao ói mà bay được? Nó cười cười trả lời:
Chẳng có thằng nào mà không ói ngày nó bay thử đầu tiên cả.
Tôi mừng lắm, thì ra tôi ói là do thằng này nó chơi, có lẽ cái sự quay mòng mòng của má tôi nó không áp phê ở xứ Mỹ này. Chắc là được Chúa Phật độ trì, sau gần một năm tôi thi mãn khóa và đậu. Bạn bè có đứa xì xào rằng tôi đậu vớt.
Về nước và chuyển về Không đoàn 43 Chiến thuật ở Biên Hoà. Một hôm đi hành quân ở biên giới Kampuchia, thả Biệt kích Lôi Hổ. Đang mơ mộng nhìn con suối thì đạn AK nổ như bắp rang, phi cơ tôi như cục sắt rớt cái bịch xuống sườn đồi, tôi chẳng còn nhớ tí ti gì về phương pháp đáp khẩn cấp mà trường đã dạy. Nhìn ra ngoài, thấy chiếc phi cơ móp bẹp như con cóc tiá, cánh quạt chém cây rừng đổ te tua và chiếc cánh quạt cũng te tua chẳng kém ngọn cây rừng. Hai chiếc Cobra của Mỹ hộ tống bắn rocket rầm rầm làm tôi hoảng quá, rút vội cái chốt gắn khẩu đại liên cùng thằng xạ thủ phóng ra rừng chạy một mạch. Chạy khoảng 200 mét, tôi hoàn hồn chút đỉnh và mệt quá, tôi chọn chiếc gò mối cao, căng chiếc càng đại liên ra, chuẩn bị một xạ trường để chiến đấu. Thằng VC nào vô phúc nhào lên là nhất định sẽ sinh Bắc tử Nam. Tôi thấy thiếu một cái gì mà nghĩ hoài không ra, bỗng thằng xạ thủ hỏi:
– Thiếu uý, mình không có đạn à?
Lúc bấy giờ tôi mới nhớ, thì ra vác cây đại liên mà chạy, tôi quên phéng ngay thùng đạn còn nằm trên phi cơ, tôi vội tháo lấy chiếc nòng, rồi vứt cây súng M 60 vào bụi rậm và… chạy tiếp.
Tôi còn một cây P.38 và hai viên đạn, lúc này mới thấy nguy hiểm quá chừng, hai viên đạn thì làm được trò trống gì. Ngày lãnh súng, tôi được phát 6 viên đạn, ráp đầy các lỗ của trái khế trong ổ súng, tôi thấy hơi ít, hỏi ông Phi đoàn phó, ông nói:
– Pilot đi đâu cũng chỉ đeo có một cây súng và hai viên đạn, mày có 6 viên còn ít ỏi gì. Nghe nói thế sau này mỗi lần đi bay gần bãi trống tôi hay bắn bia và cuối cùng còn lại đúng hai viên. Trên tay còn cái nòng súng M 60, tôi nghĩ, Việt cộng đội nón cối, mình lựa thế, dến cho một nòng đại liên bằng sắt lên đầu, có mà trời cứu. Nghĩ thế nên tôi vững bụng đôi chút. Cũng may lần này có hai chiếc gunship hộ tống và mấy chiếc H34 thả Lôi Hổ ở Lào đang bay về gần, xuống bốc bọn tôi về an toàn.
Thấy hai thằng Võ Trang bay vòng vòng có vẻ đỡ nguy hiểm hơn đi thả Lôi Hổ, tôi có ý định xin về bay trực thăng võ trang Gunship. Chưa kịp xin thì hên quá, xếp của tôi cho tăng cường vào Phi đội Gunship. Bay Gunship thì mệt một chút nhưng không phải lơ lửng trên ngọn cây đưa bụng cho chúng bắn.
Một hôm đi hành quân ở gần Bến Thế- Bình Dương, tôi phải yểm trợ cho Bộ Binh hành quân. Quân bạn cho biết họ ở sát bờ nam con rạch, địch ở phía bắc. Tôi nghĩ thầm, mấy cha Bộ Binh hay lừa mình, thôi thì bay cách hướng Nam con rạch hai cây số, bắn về phía Bắc, rồi cách con rạch một cây số ta vòng lại, nếu máy trục trặc thì cũng rớt lên đầu quân bạn. Tôi vào trục, nhắm mục tiêu bóp cò, rocket không nổ, tôi lượn ra mới hay mình bật lầm nút. Tôi nhào vào lại, bắn được hai quả rocket, một quả tịt, một quả nổ ở hướng nam con rạch, thì thấy đạn phòng không bay tứ phía, phi cơ bốc cháy ở bình xăng, tôi phải cho máy bay, bay ở vị thế nghiêng, cho khối lửa dạt ra ngoài, kẻo nó tràn vô phòng lái.
Theo bài bản học khi ở trường lái, nếu máy bay cháy, việc đầu tiên là phải bấm nút release cho hai bó rocket rớt khỏi thân tàu, kẻo nó bắt lửa nổ là bỏ mẹ cả đám. Tôi tính làm như vậy nhưng chợt nhớ lời ông già dặn hồi nhỏ: Đánh nhau, nếu bị thằng hàng xóm đấm vào mặt, không đấm lại được, thì lấy đất cày mà phang vào mái nhà nó, gặp thằng keo kiệt, tiền sửa mái nhà làm nó đau hơn bị đấm thiệt. Nên thay vì release hai bó rocket, tôi bèn bật nút cho nó nổ ”la phan”. Ôi thôi mười sáu quả còn lại thi nhau chui khỏi giàn phóng, quả thì nổ ở hướng bắc con rạch, quả thì bay tuốt sang bên kia sông Sài Gòn nổ ở tận mật khu Bời Lời. Tôi quẹo 180 độ và cho phi cơ nhào đại xuống con rạch gần đó.
Chiếc máy bay cày tung bùn như con cá thòi lòi phóng dưới bãi sình và tôi phóng vội ra ngoài. Cụ mẹ cuộc đời, tôi bị lừa, Bộ Binh nó cách con rạch tới hai cây số. Sau này hỏi lại, tôi được trả lời là nó sợ tài bắn cuả tôi, nếu không nói vậy lỡ tôi bắn trúng đầu nó thì sao. Mà nó hay thiệt, nếu nó ở phía nam con rạch như lời nó nói, thì quả rocket vừa rồi đã làm nó chạy té đái trong quần.
Cũng may số tôi còn lớn, thằng Gunship 2 kề kịp và bốc tôi lên an toàn, bỏ lại chiếc máy bay cháy mịt mù ven bờ suối. Về đến Phú Lợi, tôi mới hoàn hồn hẳn và nhận ra Phi hành đoàn thiếu một người. Tôi hỏi Cơ Phi là thiếu ai, nó nói thằng Xạ Thủ nóng quá phóng ra lúc còn ở cao độ hơn trăm bộ. Và cũng may mắn là nó rớt xuống cái bào và thằng C & C hành quân gần đó bốc lên rồi.
Hôm sau đơn vị cho biết, tôi sẽ được Anh Dũng Bội Tinh, công bắn mười sáu quả rocket, trúng hầm đạn VC gây nhiều tiếng nổ phụ, tôi còn được Chiến Thương Bội Tinh vì vết phỏng trên tay do quên mang chiếc găng tay chắn lửa Nomex, cộng thêm chiếc Phi Dũng Bội Tinh vì tôi bay hay quá, máy bay đã cháy mà còn lết cả mấy trăm thước mới chịu rớt.
***
Trời phú cho tôi cái tính hay sợ chết, sau lần chết hụt này, tôi nhắm xem có loại phi vụ nào ngon hơn bay Gunship hay không.
May thay, phi đoàn trưởng nói tôi có tướng ”sát phi”. Cả phi đoàn có không đầy hai chục chiếc phi cơ bay được, tôi đã nướng hết hai, ông không muốn mất thêm nữa, nên cho tôi bay những phi vụ liên lạc, và bay VIP thật là nhàn hạ.
Một hôm nhận lệnh bay cho Phủ Phó Tổng Thống, đáp ở bãi đáp VIP Air Vietnam. Tôi tưởng là mình sẽ chở tướng Kỳ hoặc bay theo chiếc Triệu Minh Vô Kỵ của ông, tôi đáp chỗ ấn định thì chẳng thấy tướng tá nào, chỉ thấy một ông già râu tóc bạc phơ cùng hai cô bé thơm như mít tố nữ, tháp tùng bằng một anh Đại uý với chiếc máy truyền tin PRC 25. Ông Đại uý hách xì xằng này ra lệnh cho tôi đi Trà Vinh. Tôi hỏi Trà Vinh là ở đâu? Ông trợn mắt nhìn tôi như nhìn một dị nhân, có lẽ ông nghĩ sao có thằng phi công ngu như vậy. Nhướng đôi lông mày, ông nói Trà Vinh nó ở Vĩnh Bình.
Tôi tưởng rằng mình sẽ bay vòng vòng ở Quân khu 3 nên hỏi: Vĩnh Bình có gần Phước Bình không? Ông hỏi: Phước Bình nào? Tôi nói Phước Bình ở gần núi Bà Rá trên Phước Long.
Ông chán đời nói: Mình đi Vùng 4. Tôi nói là không có bản đồ đi Vĩnh Bình ở Vùng 4 vì tôi hành quân ở vùng 3 Chiến thuật, ông nói cứ bay đi rồi ông chỉ.
Tôi bay xuống Vĩnh Bình, ông liên lạc sao đó, Tỉnh trưởng ra đón vào tòa hành chánh, để lại tôi và hai em bé xinh xinh chờ ở phi trường.
Tôi hỏi:
– Hai cô đi đâu mà xuống đây?
– Dạ em đi ăn giỗ ngoại.
Bây giờ thì tôi biết là phi vụ cuả tôi có nhiệm vụ đưa hai cô gái về quê ăn giỗ ông ngoại.
Chiếc xe Jeep cuả tỉnh chạy ra chở thêm mấy người nữa, có ông già búi tó, có bà mặc bà ba. Ông Đại Uý lại ra lệnh cho tôi:
– Mình đi Chợ Lách.
Tôi lại hỏi:
-Chợ Lách nó ở đâu?
Ông chán nản nhìn tôi và lập lại câu cũ: – Bay đi rồi tôi chỉ.
Ông khoác tay chỉ tôi bay về hướng Vĩnh Long, qua con sông Mỹ Thuận, rồi vòng vòng một hồi, ông chỉ một con sông, bảo tôi theo đó mà bay. Đến một con rạch nhỏ, ông dòm xuống một xóm làng và bảo tôi đáp xuống một con đê, gần đồn Nghĩa Quân. Ông ra lệnh:
– Tắt máy rồi mình vào đây ăn giỗ, chiều về.
Bốn thằng Phi Hành Đoàn tụi tôi nhìn nhau, tôi không dám để chiếc máy bay nằm đây cho Nghĩa Quân coi để vào ăn giỗ, sợ vợ nó xúi hút xăng về nấu rờ sô hoặc bỏ muối vào bình xăng chút ra đề khó nổ. Tôi năn nỉ ông cho bọn tôi về Mỹ Tho hay đâu đó để kiếm cơm bình dân mà ăn. Ông nói đi đâu thì đi 4 giờ trở lại đón Phái đoàn. Tôi bực mình cho phi cơ bay về Vĩnh Long đáp xuống bãi nổi ở bờ sông trước dinh Tỉnh trưởng. Một anh Địa Phương Quân ra đuổi, nói bãi đó dành riêng cho tỉnh trưởng, thằng Cơ Phi cương ẩu:
– Tỉnh Trưởng lớn bằng Phó Tổng Thống không? Phi cơ này của phủ Phó Tổng Thống.
Anh Địa Phương Quân chạy vào trong, lôi ra một anh Đại Uý, anh này khúm núm như tôi là Phó Tổng Thống vậy. Anh hỏi tôi cần gì, tôi mượn một xe Jeep đi ăn cơm. Cơm xong tôi phanh ngực áo bay, tụt phẹc ma tuya tới gần háng cho mát, giăng võng nằm ngủ. Ông Đại Uý thỉnh thoảng ra dòm chừng, có lẽ ông thắc mắc, sao Phi hành đoàn của Phó Tổng Thống mà quá bình dân và xấu trai như vậy. Gần bốn giờ chiều, trở lại Chợ Lách đón phái đoàn. Hôm sau kể chuyện lại cho thằng Tuất nghe, nó trợn mắt: – Mày điếc không sợ súng, vùng đó tụi tao ít thằng nào dám la cà vào, bay thấp thì AK nó bắn, bay cao thì hoả tiễn tầm nhiệt SA7 nó chào.
Tôi ngẫm nghĩ, phi vụ nào cũng nguy hiểm cả, như thế làm sao sống nổi cho đến ngày biết yêu. Tôi hỏi ông Phi đoàn Trưởng có phi vụ nào đỡ nguy hiểm hơn không, ông nói:
– Có, ở ngoài Phù Cát bay đỡ nguy hiểm hơn, vì toàn là cát và nước biển, có rớt cũng rớt êm êm.
Thực ra ông chỉ nói chơi thôi, vì tôi là thằng cuối cùng luân phiên thuyên chuyển sau bốn năm ở phi đoàn. Tôi ra Phù Cát, an toàn thật, vì thời điểm này Mỹ cắt viện trợ, một tháng chỉ bay vài phi vụ, còn lại là chuyên học nhảy đầm và luyện Tae Kwon Do.
Đến hôm di tản chiến thuật về Nha Trang, tôi đang uống cà phê ở Câu lạc bộ thì nghe súng nổ tứ tung, chạy ra ngoài thấy lính Không Quân chạy đầy phi đạo, tôi vội chạy ra chiếc phi cơ cuả mình, còn cách khoảng 20 mét thì thấy nó tự động vọt lên trời, bên trong đen ngòm là người. Quýnh quá, tôi vòng ngược trở lại, thấy một chiếc phi cơ cũng đầy là lính, trên ghế lái có một anh mặc đồ bay ngồi đó, chiếc ghế trưởng phi cơ còn trống, tôi phóng lên ngồi, cả phi cơ đều nhìn tôi. Tôi hỏi ông phi công:
– Vọt đi chứ cha, nó tràn ngập bây giờ.
Anh phi công nói:
– Em bay không được.
Tôi vội chụp cần lái, mở máy, cho phi cơ vội vọt lên trời và theo đoàn phi cơ hướng về Nam, đáp xuống Tân Sơn Nhất. Tôi hỏi ông phi công ngồi bên trái:
– Ông là phi công gì mà không biết bay?
– Dạ em chưa ra trường, với lại hôm nay máy bay nhiều quá, mà em thì không có Check list để mở máy.
Đó là phi vụ cuối cùng cuả tôi, nó chấm dứt cuộc đời bay một cách vô duyên, có lẽ cũng giống như nó đã bắt đầu cuộc đời bay bổng vô lý cuả tôi. Nó không bắt đầu bằng mộng mây trời và cũng không kết thúc bằng những chiến công oanh liệt.
Phi công của Không Quân toàn là những anh hùng, những người hào hoa và bay bướm, không hiểu tại sao lại đọa ra một thằng như tôi, vừa cù lần vừa dấm dớ. Hơn 5 năm khoác chiếc áo bay, tôi chẳng làm được cái gì nên tích sự, ngoại trừ lừa được một người con gái khờ, đó là má bầy trẻ của tôi bây giờ. Cho tới nay bà vẫn tin là tôi ngon lắm, hơn hẳn những thằng phi công khác, cho dù cứ mỗi lần tôi gáy, thì theo thói quen, bà vẫn đồng ý bằng câu trả lời cũ ”xạo ke”.
Hiện nay đã ”An cư lạc nghiệp” tại Mỹ, tuy cũng rất cùi đày chẳng kém ai, nhưng vào cuối tuần, tôi cũng hay la cà ở quán cà phê nghe anh em bàn chuyện thế sự.
Quán cà phê chỗ tôi ở, có đủ mọi chuyện dài ”Nhân dân tự vệ”, từ những ông đội đá vá trời một thuở, bây giờ làm Lã Vọng ở nhà ăn trợ cấp, đến những người biết quá nhiều nghề, chẳng nơi nào xứng đáng cho ông làm, bèn đi thụt bi da chờ thời. Tôi biết mình từng là pilot xạo ke thủa nọ, không dám gáy nồ trước đám đông, chỉ ngồi nghe kể chuyện thế thái nhân tình.
Hôm qua, có một ông sau khi kể thành tích long trời lở đất, thấy tôi ngồi im như Bụt, ông hỏi:
– Thế chú ngày xưa làm gì?
Bản tính bần cố nông của tôi tự nhiên vùng lên, không tự chế được mình, tôi gáy:
– Bay cho Phủ Phó Tổng Thống.
Cả quán bi da quay lại nhìn tôi, có nhiều câu bàn tán nhưng một câu tôi thấy thấm thía nhất do một anh thanh niên nói: “Xạo ke.”
Chuyện đóng góp vào cuộc chiến của tôi không có gì đáng ghi vào công trận, mà toàn là những chuyện làm mất mặt pilot và binh chủng. Tôi chỉ mong các phi công của Không lực thứ lỗi cho vì tôi bắt đầu nhận ra chân lý: ”Nhận cái dở mình có, hay hơn đánh bóng cái hay mình không có”.
Tuần rồi dự lễ ra trường của đứa con gái, nhìn lên câu khẩu hiệu mà lớp 2001 dùng làm kim chỉ nam cho cuộc đời tương lai của chúng, tôi suy nghĩ mãi. Câu nói rất giản dị của Tony Arata: ‘I will do my dreaming with my eyes wide open and I will do my looking back with my eyes closed”.
Tuy phải lưu vong ở quê người, ngày ngày đóng vai thằng phu ống nước, kiếm đồng bạc nuôi con ăn học, khó có hy vọng trở về quê cũ cầm lại cần lái chiếc trực thăng, tôi vẫn cầu mong sao, kiếp sau nếu có làm người, tôi sẽ cố gắng trở thành một phi công đàng hoàng hơn để xứng đáng với lời hát: ”Phi công ra đi lướt trên ngàn mây gió”.
Tôi cũng mong sao tập thể phi công không buồn lòng khi có một thằng ”Pilot ke” dám kể chuyện ”Xạo ke” mà tỏ ra chẳng ”ke” gì về dĩ vãng, ở cái mảnh đất tạm dung này. Thật là đa tạ, đa tạ.
Phương Toàn

Monday, April 2, 2018

Không Quân VNCH ... tháng Tư năm 1975 Đại bàng bị "buộc" cánh

 Bốn mươi năm qua từ khi ‘Bầy chim vỡ tổ‘ đem theo niềm đau viễn xứ, xin nhìn lại khoảng thời gian xưa để cùng suy nghĩ thân phận nhược tiểu..
Sau ngày ngưng chiến 27 tháng Giêng 1973, KQ/VNCH được xếp vào Không lực đứng hàng thứ 4 trên thế giới về số lượng phi cơ với 2075 chiếc, gồm 25 loại khác nhau. KQ VNCH có đến 65 phi đoàn, quân số lên đến 61, 147 người.
Tháng 4 năm 1975...vai trò của KQ VNCH hầu như không còn hữu hiệu trong việc yểm trợ bộ binh chống đỡ các đợt tấn công của CSBV.
Bài viết xin góp nhặt một số dữ kiện được ghi nhận trong:
- Air War over South Vietnam 1968-1975 (Bernard C. Nalty)
- Flying Dragons: The SouthVietnamese Air Force (Robert C. Mikesh)
- Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa (Cao văn Viên)
- Quân sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa (Lý Tưởng Úc Châu)
- Vietnam from Cease-Fire to Capitulation (William Le Gro)
- The Fall of South Vietnam: Statements by Vietnamese Military and Civilian Leaders

Những vấn đề..từ phi cơ:
Không Quân VNCH, trước ngày ’Ngưng bắn theo Hiệp định Paris’ đã được nhận (đúng hơn là bắt buộc phải nhận) một số lượng phi cơ và quân dụng vượt quá khả năng tiếp nhận qua các Chương trình chuyển giao quân cụ Enhance và Enhance plus. Những phi cơ ’ồ ạt’ bàn giao gồm các phi cơ vận tải C-130, phi cơ tuần tra ven biển RC-119G, phi cơ phản lực F-5, A-37, và những trực thăng UH-1 và CH-47 từ Lục quân HK và vài loại khác như các phi cơ quan sát O-2, huấn luyện T-37..
Phi cơ thì nhiều nhưng nhân viên bảo trì và Phi công lại chưa đủ để sử dụng..Tướng Jimmy L. Jumper, Trưởng Toán Cố vấn KQ cho rằng..’ cứ có quân dụng sẵn đi , rồi tính sau..’
Nhưng trên thực tế, việc bàn giao phi cơ và quân dụng khẩn cấp, "thiếu tính toán (?)" này đã đặt KQ/VNCH vào một tình trạng bất ngờ và...rối rắm...
- Các phi cơ C-130, đã cũ và hao mòn nhiều, đòi hỏi sự tu bổ và bảo trì của 199 nhân viên dân sự hoạt động theo hợp đồng giữa Chánh phủ HK và Công ty Lear Sigler, ngoài ra còn phải trả thêm chi phí thuê bao cho 2 nhân viên kỹ thuật đại diện của Công Ty Lockheed (mọi chi phí dĩ nhiên là tính hết vào ngân khoản viện trợ).
  - Chương trình RC-119G là chương trình..xài tiền viện trợ mà ..không hoạt động được, tuần thám ven biển không hiệu quả như uớc tính trên giấy tờ! Trên nguyên tắc các phi công đã từng bay C-119 và C-47 , sau khi xuyên huấn sẽ có thể điều khiển RC-119G dễ dàng, nhưng vấn đề là không có các nhân viên phi hành, và việc chuyển 13 chiếc AC-119G thành RC-119G lại quá tốn phí: mất hơn 4 triệu USD! Khi phi cơ được chuyển đổi xong, vấn đề hoạt động chiến thuật lại gặp trở ngại: các tàu, thuyền vận tải xâm nhập của CSBV, trang bị súng phòng không và hỏa tiễn SA-7 gây khó khăn cho các phi cơ bay chậm và hơn nữa, do được hoạt động gần như tự do trên đường mòn HCM, CSBV hầu như không ..cần đến việc tiếp tế bằng đường biển nữa!
 - Phi cơ khu trục yểm trợ bộ binh A-1, theo dự kiến sẽ được dùng thả các loại bom cải tiến thay cho bom napalm (xăng đặc) thành bom ‘chứa khí đốt hóa lỏng=propane bomb’ cũng đang ở vào thời gian cuối của ’tuổi thọ‘.Cấu trúc phi cơ đã vượt quá thời gian được phép xử dụng. Skyraider không thể chúi theo gốc độ hẹp hơn 30 độ, và không thể ‘kéo’ được quá 4 Gs (gấp 4 lần sức hút của trái đất).. Các giới hạn kỹ thuật này ảnh hưởng nhiều đến khả năng oanh kích của phi cơ, giới hạn sự hữu hiệu của các phi vụ yểm trợ hỏa lực.
 
  - C-47, loại phi cơ vận tải sản xuất từ thời 1930, tuy vẫn còn khá hữu hiệu trong các phi vụ thả hỏa châu soi sáng chiến trường và trợ giúp các tiền đồn khi bị CQ tấn công, lại được dự trù chuyển đổi thành các EC-47s để dùng trong các phi vụ không thám. Các trang thiết bị trên các EC-47 từ Hoa Kỳ chuyển giao sang cho VNCH đã bị hư hại và ‘hao mòn’ nhiều qua thời gian sử dụng liên tục, không được tu bổ, sửa chữa kịp thời..Nhân viên khai thác tin tức và không ảnh thiếu kinh nghiệm, không ước đoán nổi tình hình và không ảnh sau khi chụp, phải mất đến 5 ngày để đến tay nhân viên khai thác (?).
 - Trực thăng UH-1, thành phần chính trong Lực lượng trực thăng của KQVNCH: Số lượng phi cơ tiếp nhận vượt quá khả năng bảo trì..chưa kể sự chậm trễ trong việc cung cấp các cơ phận thay thế...
- Phi cơ Caribou C-7 hầu như ngưng hoạt động vì không còn cơ phận sửa chữa, phải dùng phương thức săn nhặt (tháo bộ phận còn tốt của phi cơ nằm ụ) để thay cho phi cơ khác khi cần..

Từ dự trù đến thực tế:
Vào mùa Hè 1974, Các Bộ Chỉ Huy Không quân HK tại Khu vực Thái bình dương và Bộ Chỉ Huy Tiếp vận KQHK đã xem xét lại cơ cấu tổ chức của KQ VNCH để đưa ra những khuyến cáo trong mục đích giúp VNCH tự chống trả những cuộc tổng tấn công kiểu Mùa Hè đỏ lửa (1972) của CSBV. Tuy đứng trước tình hình Quốc Hội HK và áp lực của công luận Mỹ đang dự trù cắt giảm viện trợ, bản khuyến cáo này vẫn dựa trên ’giả thuyết Không lực HK sẽ can thiệp khi VNCH bị tấn công!

Một số điểm được nêu ra:
 - Vấn đề thu thập tin tình báo: Nhóm nghiên cứu cho rằng với lực lượng không thám cơ hữu gồm 12 chiếc RC-47, 32 chiếc EC-47 và 7 chiếc RF-5, có thể tạm đủ nhưng đề nghị chia RF-5 thành 2 nhóm, đồn trú tại Đà Nẵng và Biên Hòa (thay vì tập trung hết tại Biên Hòa) để RF-5, vì tầm hoạt động tương đối hẹp, có thể bao vùng dễ dàng hơn và KQVN cần áp dụng thêm kỹ thuật chiến lược, hổ trợ cho RF-5 bằng cách dùng RC-47 hay EC-47 thả hỏa châu trên khu vực cần chụp không ảnh, để giúp RF-5 tránh hỏa tiễn SA-7.
 
  - Bản nghiên cứu cho rằng với 200 phi cơ quan sát hướng dẫn mục tiêu oanh kích, KQ VNCH có đủ lực lượng để hoạt động hữu hiệu. Phi cơ U-17 tuy được đánh giá là loại thích hợp nhất cho các phi vụ vận tải nhẹ và liên lạc, nhưng không thích hợp cho các quan sát viên. Sự đe dọa của SA-7 đưa đến đề nghị nên sử dụng các nhân viên điều khiển yểm trợ ở ngay tại chiến trường dưới đất và dùng F-5 như một phi cơ hướng dẫn mục tiêu ở những khu vực CSBV đặt hệ thống phòng không dầy đặc.
- Sự thay đổi từ các F-5 A, B sang F-5E được xem là rất thích ứng để KQ VNCH có thể bảo vệ không phận chống trả các MiG-21 và một phi đoàn F-5E đặt tại Đà Nẵng là tốt nhất, để khi cần có thể ’tung’ ra được 20 phi xuất trong vòng 2 giờ.
  - Về phương diện vận chuyển, bản nghiên cứu ghi nhận số lượng phi cơ vận tải, dù hoạt động hết năng suất, cũng sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu vận chuyển của Quân lực VNCH . Quản trị thật tốt cũng không thể tăng nổi năng xuất.
 - Lực lượng trực thăng, có vẻ như..tạm đủ (?). Số lượng trực thăng UH-1 sử dụng trong các cuộc hành quân không vận của Quân lực HK vào khoảng 842 chiếc, nhưng với QLVNCH con số 640 có thể vừa đủ vì VNCH không có đủ khả năng ’hành quân không vận’ trên các chiến trường rộng lớn, con số CH-47 được xem là thích hợp để dùng trong các nhu cầu vận chuyển nặng và gần.
- Con số phi cơ khu trục và tấn kích, theo bản nghiên cứu, được xem là thiếu 127 chiếc, tuy nhiên có thể dùng các AC-47 và AC-119K để giúp tăng hỏa lực khi cần. Chỉ cần tu bổ và bảo trì tốt, các F-5s , A-37 và A-1s có thể giúp chống đỡ đuợc các đợt tấn công của CSBV.
 ...và ... thực tế ...:
 Dự tính trên có vẻ như KQ VNCH sẽ có thể yểm trợ hữu hiệu cho Bộ binh trên chiến trường nhưng ngay từ khi bản nghiên cứu được công bố, Tướng John Murray ( tháng 10-1974) đã cảnh cáo là ‘có rất nhiều điểm thiếu sót và khiếm khuyết , để giới hạn sự hữu hiệu (được bản nghiên cứu cho là) của KQ VNCH  (Tuớng John Murray là Trưởng toán cố vấn DAO gồm 50 nguời, hoạt động phối hợp cạnh QL VNCH, kiểm soát các nhà thầu dân sự trong các hoạt động yểm trợ về bảo trì và tiếp liệu. DAO không trợ giúp VNCH về các vấn đề quân sự. DAO được đặt dưới quyền chỉ huy tổng quát của ĐS HK Graham Martin)
 Theo nhận xét của Murray:
 - Các phi công VNCH rất can đảm và liều lĩnh nhiều khi vượt quá mức cần thiết. Để tránh nguy cơ bị bắn hạ do SA-7 và các hệ thống phòng không điều khiển bằng radar của CSBV, họ ít khi liều lĩnh tấn công các mục tiêu dưới đát, từ cao độ dưới 10 ngàn feet. Các tai nạn do liều mạng và bất tuân luật lệ an phi, chở ‘thêm’ người trái phép (joyriding), đậu phi cơ bất kể nơi quy định.. có khi ’say xỉn’..đã làm KQ VNCH mất số lượng phi cơ..tương đương với một phi đoàn ?.
 - Trong khi các phi công tự làm hao hụt phi cơ thì phòng không CSBV gây thêm những tổn thất.. Cho đến tháng 6 năm 1964, CQ đã bắn 136 quả SA-7, trị giá khoảng 680 ngàn USD đễ bắn hạ 23 phi cơ VNCH trị giá đến 12 triệu USD . Vũ khí phòng không của CQ đã tỏ ra nguy hiểm đến mức VNCH không còn kiểm soát nổi những vùng không phận dọc biên giới Miên, Lào và như tại Vùng I, phi cơ của KQ VNCH hầu như chỉ hoạt động trên vùng ven biển. Tai nạn và hỏa lực của CQ đã làm KQ VNCH mất 237 phi cơ (trong khoảng thời gian 23 tháng sau ngày đình chiến
 - Chi phí cho KQ VNCH trong Tài khóa 1974 lên đến 382 triệu USD, chưa kể chi phí về bom đạn..
Tốn kém hơn cả chi phí cộng chung của Lục quân và Hải quân! KQ còn đòi hỏi thêm sự cộng tác của 1540 chuyên viên yểm trợ từ Nhà thầu Quốc phòng Mỹ như Lear Sigler, trong khi dó Lục quân chỉ cần 723 nhân viên và Hải quân cần..61 người. Trong số 466 nhân viên dân sự do Chính Phủ HK gửi giúp Quân lực VNCH thì 202 nguời làm việc cho KQ.. Tướng Murray đã cho rằng KQ VNCH..quá tốn kém để hoạt động trong một không phận bị thu hẹp...

 Cơ cấu tổ chức:
 Bernard Nalty ghi: Tuy các cố vấn HK đã cố gắng, qua trên 10 năm để tổ chức KQ VNCH theo kiểu’ KQ HK, nhưng không thành công. Mục tiêu để có một Sĩ quan KQ chỉ huy lực lượng KQ biệt lập trong QL VNCH đã không đạt được trong suốt thời gian cuộc chiến..
 Cách hoạt động của QL VNCH là các Tướng Vùng, toàn là Bộ binh, có toàn quyền trên các đơn vị , kể cả KQ, trong Vùng của họ. Nguời Sĩ quan KQ , chỉ huy Trung Tâm Hành quân Chiến cuộc KQ điều hành các phi vụ hành quân yểm trợ trong Vùng trách nhiệm, thường là một Đại tá hay Trung tá KQ phải báo cáo với Sĩ quan Chỉ huy hành quân của Vùng (là SQ BB), đồng thời liên lạc với các Tuớng Tu lệnh Su đoàn trực thuộc Quân đoàn. KQ VNCH không có những Bộ Chỉ huy theo kiểu ..HK và Bộ TTM QL VNCH hầu như gồm toàn SQ BB ..
 KQ VNCH thiếu khả năng hành quân ‘mềm dẻo‘ kiểu HK. Đa số các phi vụ đều đã được ’dự trù’ theo kế hoạch định trước; rất ít khi Trung tâm điều hành hành quân có thể thay đổi mục tiêu oanh kích phù hợp với nhu cầu chiến trường! Các quyết định ‘cứng ngắc’ trong các phi vụ oanh kính hoàn toàn tùy thuộc vào sĩ quan liên lạc không trợ, chỉ định đi theo đơn vị hành quân và quan sát viên chỉ điểm mục tiêu trên phi cơ quan sát.. Sĩ quan liên lạc không trợ bên cạnh các Bộ tư lệnh cao hơn cấp tiểu đoàn thường là những sĩ quan KQ trung cấp, được huấn luyện cấp tốc và có nhiều khi không phải là phi công, và dù cho họ từng là phi công, họ cũng chỉ đóng những vai trò phụ thuộc trong các kế hoạch hành quân do các sĩ quan BB vạch ra .. Các sĩ quan Bộ binh sau khi được học một khóa cấp tốc 30 ngày về KQ, được đưa vế cấp Tiểu đoàn để phụ trách liên lạc không trợ.
 
  Khả năng yếu kém của Bộ Chỉ huy Tiếp vận KQ trong việc theo dõi chiến cụ tồn kho cũng gây thêm trở ngại cho vấn đề thiếu cơ phận bảo trì.Tính đến cuối tháng 10-1973, Bộ Chỉ huy Tiếp vận KQ có nhận số đáp ứng 92% cấp số dự trù nhưng thiếu kinh nghiệm và chỉ được huấn luyện cấp tốc về tiếp vận.. Máy điện toán tại các Bộ Chỉ huy, giữ các dữ kiện về hàng tiếp liệu tại các kho Vùng thường bị trở ngại trong các mùa Xuân và Hè (?) (Năm 1973, trong thờì gian kéo dài đến 30 ngày, hệ thống điện toán tiếp vận KQ tại Căn cứ Tân Sơn Nhứt.. hầu như ngưng hoạt động đến 65%, một hệ thống điện toán lưu động đặt tại Căn cứ Clark, ở Philippines đã phải can thiệp và trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 đã giúp chuyển vận, giải quyết đến 400 ngàn trường hợp).
 
 Những con số viện trợ..và tiếp liệu:
 Vấn đề viện trợ của Hoa Kỳ được Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu Trưởng QLVNCH ghi nhận riêng về phần ngân khoản dành cho KQ như sau:
 Sau khi ngân khoản bổ túc 300 triệu bị Quốc Hội HK bác bỏ, Ngân khoản được cấp cho QL VNCH chỉ còn 700 triệu, ( nghĩa là chỉ đủ cho phân nửa nhu cầu tối thiểu của quân đội VNCH)
 Không Quân: cần 414 triệu, được nhận 183 triệu (44% ngân khoản yêu cầu)
Với số ngân khoản ít hơn, KQ VNCH phải:
 - Linh động 200 phi cơ các loại gồm A-1, C-47, C-119 và O-2
 - Hủy bỏ chương trình thay thế phi cơ F-5A bằng F-5E. Tiền dự chi cho 36 chiếc F-5E được hoàn trả cho HK để chuyển sang các chương trình khác cần thiết hơn.
 - Hồi hương 400 Sinh viên sĩ quan đang theo học bay phản lực và trực thăng tại HK.
 - Trên 1000 chuyên viên KQ đang theo học Anh ngữ để chuẩn bị theo học các ngành về bảo trì hay các ngành không phi hành ở ngoại quốc bị đình chỉ và chuyển sang các đơn vị tác chiến.
- Các cắt giảm và thuyên chuyển này gây một tác động tâm lý tiêu cực chung cho Quân chủng KQ.
- Giảm giờ bay thực tập và giảm số phi suất yểm trợ: KQ VNCH chỉ cung ứng nổi 50% nhu cầu yểm trợ hỏa lực và 58% nhu cầu không thám, làm giảm rất nhiều khả năng theo dõi sự xâm nhập, tập trung quân và di chuyển của CSBV.
- Sự vận chuyển bằng trực thăng bị giảm đến 70%, gây trở ngại nhiều cho các nhu cầu tản thương, tăng viện quân và tiếp tế....
- Không vận bằng phi cơ vận tải bị cắt giảm đến 50%: Các C-130, phương tiện chuyển vận chính của KQ VNCH bị trưng dụng vào các phi vụ thả bom, do trở ngại về cơ khí, hư hỏng do thiếu cơ phận bảo trì ..đa số trở thành bất khiển dụng: mỗi ngày chỉ có 4 đến 8 chiếc khả dụng (trong tổng số 32 chiếc đang có)
 Quân sử Không quân (trang 190) ghi rõ hơn:
 - Số phi cơ bị đinh động là 224 chiếc gồm:
 - Toàn bộ các A-1 Skyraider: 61 chiếc, tồn trữ trong bọc, rải rác tại nhiều Căn cứ (ghi chú của TL: Các A-1 của Phi đoàn 530 Thái Dương tại PleiKu bị đinh động và ’đóng gói’ để trở thành ’chiến lợi phẩm’ cho CSBV khi VNCH rút khỏi Vùng 2.)
 - Vận tải Caribou C-7: 52 chiếc ( tại Pleiku, Phù Cát..)
 - Phi cơ quan sát O-2 Skymaster 31 chiếc
 - Vận tải võ trang AC-47, AC-119 : 34 chiếc
 - Một số trực thăng UH-1 (31 chiếc)
 (Theo The Flying Dragon: trong số phi cơ bị đinh động còn có cả các T-37 và T-41 của Trung Tâm Huấn luyện KQ Nha Trang).
Đại Tá Le Gro : Số phi đoàn bị cắt giảm từ 66 xuống 56; không có phi cơ để thay thế cho 162 chiếc bị thiệt hại, giờ bay cằt giảm, bớt nhân viên dân sự HK yểm trợ..’
 Quân sử KQ cho biết thêm: ’Vì bom đạn và nhiên liệu dự trữ chỉ đủ dùng trong 2 tháng, các phi vụ bị hạn chế tối đa. Các phi cơ khu trục chỉ được trang bị phân nửa bom đạn và mỗi trái bom thả phải báo cáo về Bộ Tư lệnh QK!..Đây là khoảng thời gian duy nhất trong cuộc chiến ..KQVN thặng dư phi công!’. Hơn nữa cũng vì lý do ngân sách, KQVNCH đã phải cho đóng cửa các căn cứ phụ thuộc ở Cam Ranh, Tuy Hòa và Chu Lai. Các phi trường Phú Bài và Ban Mê Thuột cũng không còn các biệt đội thường xuyên trú đóng..

 Tình hình tiếp liệu : 
 Những ghi nhận từ Tổng Cục Tiếp vận còn có phần ’bi đát’ hơn:
Đại Tá Phạm Kỳ Loan , Tổng cục phó Tổng cục Tiếp vận, cho biết (về phần liên hệ đến KQ):
 ‘ Trở ngại quan trọng nhất cho chúng tôi là ‘Cơ phận thay thế‘ nhất là của phi cơ. Một ví dụ là trường hợp của phi cơ vận tài: lực lượng chính là các C-130 A. Đây là loại phi cơ cũ, không còn dùng trong Không lực HK, do đó rất khó tìm được cơ phận thay thế, chúng tôi có 30 chiếc nhưng chỉ dùng được 5 chiếc mỗi ngày (tôi biết rất rõ, vì tôi là người cung cấp phương tiện chuyển vận này), Cơ phận tuy rồi cũng được gửi đến, nhưng phải chờ sản xuất mỗi khi yêu cầu, đặt hàng..vì không có sẵn, và phải chờ khá lâu. Do đó đa số các C-130 ! phải nằm ụ..Các yêu cầu phải chờ DAO duyệt xét, rồi chuyển sang Okinawa hay đâu đó để thực hiện..Nhu cầu tiếp liệu thường không được cung cấp kịp thời..
 Vấn đề đạn dược và xăng dầu là những trở ngại không kém quan trọng: Để tiết kiệm chúng tôi phải giới hạn nhu cầu về hỏa châu (!) và nhiều loại bom, đạn khác..Nhiên liệu quan trọng nhất là JP4 dùng cho trực thăng và phi cơ chiến đấu: Các trực thăng như UH-1 và Chinook đã phải cắt giảm giờ bay..Việc yểm trợ chiến trường do giới hạn của KQ đành phải chuyển sang Pháo binh.. Và Pháo binh cũng không còn đạn!

Ghi nhận của các Vị chỉ huy Không Quân:
Nếu chỉ nhìn qua con số hơn 2000 phi cơ các loại vào ngày Ngưng bắn thì KQ VNCH sẽ là một lực lượng quan trọng để giữ cân bằng cán cân quân sự đối đầu với CSBV, nhưng trên thực tế..lại không xẩy ra như dự tính. Đối với QL VNCH khi nói đến không yểm của KQ , các cấp Chỉ huy ( ngay cả TT Thiệu) đều nghĩ ngay đến B-52 cùng các phi cơ phản lực tân tiến nhu F-4.. kèm theo sự tin tưởng là HK sẽ tiếp tục can thiệp bằng B-52 (như năm 1972) khi CSBV vi phạm Hiệp ước Paris (!).
 Tuy nhiên sự mất hữu hiệu của KQ VNCH còn do một số yếu tố chiến thuật:
 Một sĩ quan cao cấp KQ VNCH (sau khi được huấn luyện như một sĩ quan pháo binh, rồi chuyển sang KQ) cho biết:
 ’ KQ bị giới hạn do việc chỉ huy các phi cơ được đặt dưới quyền các Tư lệnh Vùng và nhiệm vụ duy nhất của KQ là yểm trợ Bộ binh, điều đó trên căn bản có nghĩa là khi Bộ binh không ngăn chặn được địch quân thì sẽ phải dùng đến KQ. Tuy nhiên, trên chiến trường, việc tập trung hỏa lực không phải do KQ quyết định mà do Bộ TTM, vì Bộ TTM là nơi! phân phối các phi vụ..bao gồm cả số phi xuất và loại bom cho phép thả. Bộ TTM làm điều này bằng quyết định con số phi cơ cấp cho mỗi Vùng; và KQ không có quyền chỉ định số phi xuất và loại bom đạn sử dụng mà phải do Tư lệnh Vùng quyết định và cho phép.’
 Về khả năng của phi cơ, Ông cho biết thêm:
 ‘ F-5 là một loại phi cơ rất tốt, các phi công rất thích bay loại này, nhưng F-5 không thích hợp cho chiến trường VN. Phi cơ tốt nhưng không đủ trọng tải và tầm hoạt động giới hạn..chỉ bay được trong 1 giờ 15 phút. Chúng tôi cần những phi cơ có thể thả bom trên những cao độ ngoài tầm sát hại của SA-7. Với sự cố vấn của KQ HK, chúng tôi tìm ra phương pháp thả bom từ cao độ trên 10 ngàn feet..Nhưng trên thực tế cách thả bom này đã làm đi mất sự chính xác khi oanh kích,,’
 (Anthony Tambini, một chuyên viên bảo trì F-5, cạnh KQ VNCH, cho biết ( trong F-5, Tigers over Vietnam): F5-A và B mang được tối đa 6200 lb bom đạn, khi mang trọng lượng tối đa này, kể cả 500 viên đạn đại bác 20 mm, tầm hoạt động là 220 miles; F-5E , tuy mang lượng bom đạn cao hơn: 8000 lb và 560 viên 20 mm nhưng tầm hoạt động chỉ còn 200 miles. Trong khi đó A-37 mang tối đa 5400 lb trong tầm 460 miles)
 Đại Tá Vũ văn Uớc, Chỉ huy Hành quân của KQ VNCH cho biết:
 Đa số các phi cơ của KQ VNCH được chế tạo từ 10, 15 và thậm chí từ 30 năm trước , ngoại trừ các A-37 (chế tạo mới dựa theo T-37) và các F-5E, Các phi cơ cũ rất chậm so với khả năng của phòng không CSBV, nhất là SA-7 và các đại bác cỡ lớn có thể bắn hạ phi cơ ở cao độ 18 ngàn feet.. Nói cách khác, phi cơ của KQ VNCH là mục tiêu khá dễ bắn hạ của CSBV trong những năm 1973-75 khi họ tập trung các lực luợng phòng không dày đặc tại các chiến trường mà họ đã chọn lựa sẵn..CSBV thay đổi chiến thuật, di chuyển rất nhanh khi tấn công vào các thị trấn chọn sẵn tại những nơi KQ VNCH gặp nhiều trở ngại khi yểm trợ quân trú phòng..
 Sự liên lạc giữa lực lượng dưới đất và không quân trên cao rất yếu kém, nên việc yểm trợ từ trên không mất đi sự hữu hiệu.. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, Bộ binh VNCH không bảo vệ an toàn được cho các phi trường nên KQ không thể..hoạt động (!), Nếu các căn cứ KQ có được sự bảo vệ cần thiết thì KQ có thể hữu hiệu hơn. Chúng tôi mất khả năng tấn công địch quân vì các căn cứ bị pháo kích liên tục.. Trực thăng không phải là một phương tiện chuyển vận tốt trong chiến tranh du kích, và khi sử dụng C-130, mỗi khi đáp và cất cánh..phi trường đều bị pháo kích (!). Muốn được an toàn, Bộ binh cần giúp bảo vệ một khu vực ít nhất 20 miles quanh Căn cứ KQ.. Bộ binhkhông đủ sức bảo vệ Căn cứ..nên KQ không thể hoạt động!

 Vài con số trong những ngày sau cùng:
 - Vào thời điểm đầu tháng Giêng 1975: Lực lượng khu trục của KQ VNCH được ước lượng là còn khoảng 390 phi cơ gồm các loại A-37 và F-5, trong số này 90% ở tình trạng hoạt động được, được ước tính thì là 273 phi cơ.
 - Sau khi ’mất’ Vùng 1 và Vùng 2, Bộ TTM bắt đầu, cung cấp các phi vụ yểm trợ cho các Vùng 3 và 4 theo kế hoạch từng ngày, và lầu đầu tiên trong cuộc chiến, Bộ Tư lệnh KQ Chiến thuật tại TSN được ’chia’ cho 20 phi suất mỗi ngày và được tự chọn mục tiêu oanh kích!
 - Trong khoảng thời gian từ 1 đến 19 tháng 4/1975, KQVN thực hiện được trung bình mỗi ngày 180 phi vụ chiến đấu trong đó Bộ TTM dành 100 cho Vùng 3 và 60 cho Vùng 4. Riêng trong trận Xuân lộc (Long Khánh), KQ VNCH đã yểm trợ trên 600 phi suất..
 - Vào thời điểm Xuân Lộc, KQ VNCH còn 1492 phi cơ, trong đó 976 chiếc hoạt động được, 135 chiếc hư hỏng và 381 chiếc bị bắn hạ và vứt bỏ. Lực lượng khu trục còn đuợc 169 chiếc A-37 và 109 chiếc F-5 các loại A,B và E/ trong đó 92 A-37 và 93 F-5..bay được (có thể kể thêm khoảng 10 chiếc A-1 đem ra dùng lại), ngoài ra còn một số AC-119 góp phần, chung sức với A-1 Skyraider! trong những phi vụ cuối cùng trên không phận Sài Gòn.
 Trần Lý 
(Tháng 3/2015)