Monday, April 8, 2019

Ó ĐEN 1 - Lý Tống

LỜI TỰA
Tôi viết cuốn truyện nầy với mục đích đầu tiên là để trả món nợ tinh thần đối với các bạn bè, những kẻ thường yêu cầu tôi kể đi kể lại về những giai thoại đời sống của mình, mà họ, hoặc là chứng nhân của một giai đoạn nào đó và muốn biết thêm về những giai đoạn khác, hoặc họ đã được nghe lời đồn, nhưng muốn được chính tôi xác nhận hoặc kể chi tiết hơn… mà tôi thường kiếm cớ hẹn lần lữa bởi vì tôi sẽ chán tôi nếu cứ tiếp tục làm vui lòng họ. Vâng. Không gì chán bằng cứ kể về mình và kể đi kể lại hàng trăm lần cho hàng trăm kẻ khác nhau nghe.
Mục đích kế là gợi lên một ý niệm mới cho những bạn bè gặp hoàn cảnh khó khăn đang tìm cách vượt thoát khỏi Việt Nam tìm tự do bằng chính kinh nghiệm của bản thân tôi.
Ngoài ra, tôi muốn ghi lại những kỷ niệm không thể nào quên được của quãng thời gian quan trọng đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống, đến nhân sinh quan mình về một chế độ mà những đặc tính được nhìn ngắm dưới nhiều góc cạnh khác nhau tùy hoàn cảnh và vị trí của mỗi người. Và đặc biệt, về cuộc vượt biên đường bộ đã được một số báo chí trên thế giới đánh giá là độc nhất vô nhị trong lịch sử vượt biển tìm tự do của người tị nạn Việt Nam.
Những giai thoại, những nhân vật, những tên tuổi trong truyện đều hoàn toàn có thật, họ hiện sống tại Mỹ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại v.v… hoặc đang bị đọa đày tại các vùng kinh tế mới hoặc bị giam cầm trong trong các nhà tù của Cộng Sản Việt Nam.
Tôi viết về tôi — cái tôi đáng ghét và đáng yêu — với những tâm trạng, xúc cảm chân thành nhất, một người đầy tật xấu nhưng biết hướng thượng, cố gắng tự đấu tranh để trau dồi tâm hồn và nghị lực, để sống đời sống do mình lựa chọn và đạt những mục đích tự mình đặt ra.
Vì không muốn bịa đặt thêm, nên câu chuyện có thể không hấp dẫn bằng những câu chuyện hoang đường, tưởng tượng. Vì không muốn tự đánh bóng mình để trở thành một nhân vật mẫu mực, nên tôi vẫn kể lại cả những khuyết điểm, nhứng điều tầm thường, trần tục đã xảy ra trong một quãng đời sống đầy biến cố và sóng gió đã qua.
Mỗi người có một cách sống và một cách suy nghĩ. Nhưng nếu cuộc sống của tôi có gợi nên những tình cảm yêu mến, những giây phút thú vị cho bạn bè, cho độc giả, thì đó là một tri ân lớn mà tôi cần phải bày tỏ, là một phần thưởng mà tôi sẽ mãi mãi trân trọng.
New Orleans, ngày 20 tháng 7 năm 1989
Lý Tống



Lý Tống là thần tượng của tuổi trẻ Nha Trang.
Đại úy Ngọc, Sĩ quan Chiến tranh Chính trị Sư Đoàn II, Không Quân.
►     Nếu Bốn Vùng Chiến Thuật có bốn Lý Tống, Việt Cộng sẽ không ngóc đầu lên nổi.
Đại úy Nguyễn Bảy, Trưởng Phòng Huấn Luyện
Phi Đoàn 548.
►     Lý Tống là bậc thầy của Papillon.
Julian, Trưởng Phòng Phản Gián Singapore.
►     Anh là người đàn ông hướng dẫn được định mệnh đời mình.
Hạnh, người tình sinh viên Văn Khoa Sàigòn.
►     Your courage is an example and inspiration to all who would know the price of Freedom.
Tổng Thống Ronald Reagan.
►     He’ll probably be the mayor of Santa Ana inside ten years.
Dan Sullivan, U.S. Refugee Coordinator for Indonesia and Singapore.
►     Like Eisenhower, a fighter for Freedom, a hero from another
war.
Tiến sĩ Stephen E. Ambrose, Sử gia Hoa Kỳ.
►     Ly Tong is in a class by himself.
Barry Wain, Nhật báo The Wall Street Journal.
►     His flight has become one of the great escape sagas of our time.
Anthony Paul, Nguyệt san Reader’s Digest.

Chương I

Vượt Ngục Tại Việt Nam

Phi Vụ Cuối Cùng

Ngày 5 tháng 4 năm 1975, đang ngủ say trong phòng trực chiến, chúng tôi giật mình thức giấc vì những trái đạn pháo kích đầu tiên trong ngày của Việt Cộng. Có tiếng càu nhàu chửi thề vì bị phá rầy giấc ngủ ngon, có kẻ kéo lại chiếc mền xô lệch, trùm bó người như một đòn chả, tiếp tục ru cơn ngủ nướng. Pháo kích chỉ là chuyện thường tình đối với giới lính tráng. Một lịch sử bốn ngàn năm chiến tranh, từ đánh Tàu, Tây, Nhật rồi Cộng Sản, đã sinh ra trong máu người dân Việt một loại kháng tố. Bỗng tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi. Như bị dí một điếu xì gà đang cháy đỏ vào chân, tôi nhảy chồm về phía điện thoại. Chỉ có tiếng gọi của nhiệm vụ mới đủ sức trấn áp cơn buồn ngủ và cơn giá lạnh ray rức da thịt buổi sáng.
—     Allo. Lý Tống tôi nghe.
—     Chào Hitler (có người lại gọi tôi là Charlot vì bộ râu của tôi). Rất tiếc đã quấy rầy bạn quá sớm, bạn cho một phi tuần cất cánh ngay. Chi tiết nhận sau trên tần số Phong Giao.
—     OK. Rõ.
Tôi đánh thức Võ Nguyên Bá, người được mệnh danh “sát quân.” Các bạn đều sợ bay chung với Bá, và họ có lý do chính đáng. Sau Phi vụ trở về một mình, để lại xác người “wing man” trên trận địa, Bá đã dẫn hai wing men khác bay close formation đâm đầu vào núi chết không còn tìm thấy chút thịt da. Bá thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, bay trở về Biên Hòa, phi cơ hết xăng, rớt ngoài đầu phi đạo trong một buổi chiều giông gió cuồng loạn. Phi đoàn chuyển Bá qua Phi đội bay Test, vì mọi người đều từ chối bay chung với Bá. Trận chiến càng ngày càng ác liệt, sự thiếu hụt phi công trở nên trầm trọng. Tôi tình nguyện dẫn Bá đi, tôi tự tin và tôi muốn giúp Bá vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần.
Chúng tôi chạy vội ra phi cơ, giầy chưa kịp cột giây, áo bay còn banh ngực. Tôi quơ vội tay trên mặt cockpit lấy ít sương sớm rửa mặt cho tỉnh táo. Không còn bị ràng buộc bởi qui tắc an phi trong giờ phút khẩn cấp, phi cơ phóng nhanh trên taxi way, vừa quẹo vào runway, phi cơ gần đạt tốc độ cất cánh. Tôi nhận đủ các chi tiết khi vừa nghiêng cánh chào phi trường, phi cơ quan sát chưa cất cánh kịp. Vị trí đặt súng pháo kích im tiếng đã lâu. Công tác chuyển sang đánh sập ba chiếc cầu có tên Ba Ngòi ở Cam Ranh để chận đường tiến quân của Việt Cộng. Nha Trang thất thủ hai ngày trước và Việt Cộng chuẩn bị đánh Phan Rang. Thật lạ lùng, ngay chính những nhà khí tượng chuyên nghiệp cũng ngạc nhiên vì sự chuyển biến thời tiết quá đột ngột. Mây mù giăng khắp bầu trời làm trở ngại hoạt động Không Quân, những người duy linh nghĩ rằng Trời buồn và khóc cho số phận Nhân dân miền Nam.
Riêng tôi, tôi khẳng định, Việt Cộng đang sử dụng vũ khí hóa học để làm mây nhân tạo, thay đổi thời tiết. Chúng tôi bay trên những tầng mây trùng điệp chờ phi cơ L.19. Tôi bực mình nghe câu báo cáo đầu tiên:
—     Phòng không kinh khủng quá.
Tôi buột miệng chửi thề không cưỡng được:
—     Đù mẹ, các chú lạnh cẳng sớm thế.
Tôi ra lệnh cho Bá bay cover tại chỗ, rồi trượt cánh xuyên mây xuống thẳng vị trí báo cáo có nhiều phòng không. “Bay trên ngọn cỏ, dưới ngọn cây” là sở trường của tôi. Tôi làm hai low passes trên phi đạo Cam Ranh, nơi được chiếc L19 ghi nhận hiểm nghèo nhất.
— Đâu? Phòng không đâu? Bạn thấy tôi không? Ráng bình tĩnh chút xíu chứ!
Và để trừng phạt, tôi tống hết ga, bất thình lình chui từ dưới bụng chiếc L19 phóng vụt qua mặt, để hai ông phản lực với một luồng turbulance dữ dội cách windshield chừng vài thước. Trò đùa giỡn này tuyệt đối cấm vì có thể làm phi cơ bạn bị stall, một tai nạn nguy hiểm. Tôi bắt đầu trở về mục tiêu, chuẩn bị đánh bom, ra lệnh cho Bá tiếp tục ở chờ trên mây vì nếu bắt Bá xuống dưới trần mây 1,500 feet đánh bom là một điều đau khổ nhất cho Bá. Những hình ảnh chết chóc thê thảm đã đóng một dâu ấn quá sâu đậm vào đầu óc Bá, trong cặp mắt Bá, nỗi kinh hoàng vẫn còn phảng phất chưa nguôi. Sau khi đánh xong, tôi sẽ cho Bá xuống làm một pass, thế là ổn.
Đồng bào di tản chạy quá đông trên đường, trên cầu, tôi không thể vô trách nhiệm đánh bừa để gây thiệt hại cho dân chúng. Tôi làm low pass đầu tiên 50 feet để báo hiệu, tiếp tục đến low pass thứ ba mọi người mới hoàn toàn tránh xa khỏi mục tiêu. Một số phòng không 12 ly 7, 23 ly, 37 ly bắn rải rác đầy đó, tôi chẳng quan tâm vì tôi biết rõ khả năng và tinh thần của pháo thủ cao xạ Việt Cộng: Những xích sắt khóa chân không thể nâng cao được tài nghệ và sự can đảm.
Tôi lấy cao độ để biểu diễn một pha ngoạn mục đầu tiên. Thật hoàn toàn bất ngờ, tiếng nổ tàn bạo dữ dội của một trái hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 đã cắt đứt đôi phi cơ tại ống thoát phản lực. Phần thân và đuôi tan nát rơi lả tả như những chiếc lá vàng, Cockpit quay cuồng lồng lộn, những đụn khói và tiếng réo sôi giận dữ của lửa, một lực G quá lớn dán chặt thân thể tôi vào ghế ngồi. Tôi dồn hết tàn lực di chuyển bàn tay phải về chiếc cò bấm nhảy dù hình chữ D đặt dưới cạnh bàn chân. Như một lực sĩ vất vả cố ép một lò xo quá cứng ngoài khả năng mình, tôi chuyển động bàn tay. Sức nóng của trận bão lửa đã kích thích hỏa pháo trong hệ thống ghế nhảy dù tự động, đã phóng tôi ra ngoài. Chưa kịp cảm giác được lực 12 G phóng ghế lái, và sức xô bật ra khỏi ghế, bỗng nhiên tôi thấy mình lơ lửng, đong đưa giữa trời, trong tiếng gào rú của trận cuồng phong.
Đàng xa, mặt biển thấp thoáng bạt ngàn. Chưa kịp điều chỉnh thân người sau bốn, năm lượt đưa võng, tôi đáp nguyên cả cạnh sườn phải xuống bờ nấm mộ rất lớn có tên Mã Tướng vì nhảy dù ở cao độ quá thấp. Vội vã luồn tay chân ra khỏi các sợi dây an toàn thay vì mở khóa, tôi bắt đầu chạy về hướng an toàn rậm rạp. Trên đường chạy, bỗng nhiên tôi liên tưởng đến Alain Delon, đến Charles Bronson, tôi mường tượng thấy họ đang chạy trốn trong các đoạn phim săn đuổi hồi hộp. Tôi cảm thấy mình chạy khác kỹ thuật đóng phim của họ, tôi có cần phải khom mình về phía trước, trán nhăn xếp, hằn vết suy tư, mắt đảo ngược xuôi để quan sát tình hình? Tôi chợt mỉm cười vì sự so sánh liên tưởng, và vì ý nghĩ khôi hài của mình. Tôi vẫn giữ cái dáng chạy lòng khòng của mình, đóng một phim sống về cuộc trốn chạy theo kiểu riêng của mình, hoàn toàn thoải mái và hào hứng. Tôi chui vào đám rừng mía dầy đặc, nằm xuống, lười biếng nhàn nhã cắn từng khúc mía ngọt ngào. Take it easy, man! Tôi lẩm bẩm một mình, tôi nghỉ dưỡng sức và nghe ngóng tình hình. Bỗng có tiếng gọi nhỏ, vừa khẩn trương, vừa thân thiết:
—     Anh Phi công ơi! Anh mới đây đâu rồi?
Tôi len lén và nhẹ nhàng bò sâu vào phía trong, rủa thầm:
—     Bố mày! Bao nhiêu năm xông pha lửa đạn, ông kinh nghiệm đầy mình. Ông đâu phải là con nít mà mày dụ kiểu đó!
Tôi cứ ngờ là Việt Cộng giả dạng. Tiếng người gọi xa dần và mất hút. Bỗng một chiếc trực thăng từ Phan Rang xuất hiện, bay về hướng tôi và đảo nhiều vòng quan sát. Đến giờ phút này, tôi mới thấm nỗi đau của những kẻ hời hợt với sự an toàn của bản thân mình. Biết bao nhiêu lần tôi bị Thiếu Tá Nguyễn Tiến Xương, Trưởng phòng An Phi, cằn nhằn vì không chịu mang áo lưới. Tôi còn coi thường không thèm lãnh cả súng P38 khi đổi về Phan Rang và tự biện hộ:
—    Ông thề sẽ chẳng bao giờ nhảy dù. Nếu chúng mày bắn đứt cánh, ông sẽ biểu diễn bay bằng một cánh trở về phi trường đáp đẹp!
Tôi ỷ vào cái thiên tài bay bổng của mình. Và giờ nầy! Ước gì chỉ cần có một trái khói, không cần flare, kính hiệu hay radio, tôi đã thừa phương tiện để đánh dấu vị trí của mình. Người bạn trực thăng thật tận tụy nhưng cuối cùng đành quay trở về vì không tìm thấy dâu vết tôi, hơn nữa, phòng không địch đang quăng những mẻ lưới lửa lớn vây bắt con chim lạc loài. Tôi đưa tay lên trời, vẫy chào buồn bã:
—    Thôi từ giã. Bạn yêu dấu!
Xuyên qua những cụm khói tử thần, tôi lẳng lặng nhìn theo cánh chim bạn đến khi mất hút ở phương trời Phan Rang thân thương. Niềm hy vọng cuối cùng đã tan vỡ, tôi biết rằng, từ giờ phút nầy, tôi chỉ còn một mình với những hiểm nguy chồng chất. Tôi lom khom đứng dậy quan sát địa thế. Tôi đang ở giữa lưng chừng đồi thoai thoải và dưới kia là Quốc lộ nhộn nhịp đông người tranh nhau chạy loạn. Tôi nhớ đến bài học thoát hiểm đầu tiên: “Quốc lộ là hướng an toàn nhất cho những phi công bị nạn.”
Tôi vạch kế hoạch đi len lỏi giữa các bụi mía để đến gần đường rầy xe lửa, băng qua một quãng đồng trống trải và tiến về một chòi nhỏ đầu tiên nằm lẻ loi tách biệt khỏi khu xóm nhà lúc nhúc. Lại có thêm một điều để tiếc nuối. Ôi cuộc đời cứ thế mà tiếp tục để mỗi ngày ta lại khám phá ra một điều mới để tiếc nuối! Ước gì tôi có một cái quần sọt và một cái áo thun. Tôi thuộc loại người đơn giản hóa, trong chiếc áo bay đầy phù hiệu lộng lẫy hoa hòe mà chắc chắn những thiếu nữ mộng mơ đã dệt bao nhiêu huyền thoại, bao mối cảm tình thầm lặng đắm say, vâng! ở trong đó, dưới chiếc áo bay lập dị đó, tôi chỉ dành một ân sũng duy nhất cho chiếc mini xì líp được phép đèo bồng và sáng nay, lúc vội vã, tôi còn bỏ quên người bạn bé nhỏ đó! Không thể tồng ngồng đi giữa thanh thiên bạch nhật, tôi đành phải mặc bộ đồ bay đặc biệt và trở thành mục tiêu lồ lộ cho những cặp mắt rình rập theo đuổi. Người đầu tiên khám phá ra tôi, làm phiền tôi, không phải là Việt Cộng mà là các em nhỏ, bắt đầu một đứa, hai đứa, và sau đó, cả đám hội con nít chạy theo tôi reo hò: “Hoan hô anh Phi công!”
Chẳng thể nào ngăn cản được sự nồng nhiệt của các em, tôi chịu đựng sự ngưỡng mộ trong niềm hạnh phúc khốn khổ! Tôi đã lách được vào cái chòi dự trù, chớp được chiếc áo mưa tròng vào để giả dạng nhưng quá trễ! Một họng súng đã chĩa vào lưng và một tiếng quát lớn:
—     Đưa tay lên!
Nguời bắt tôi là một anh du kích già, tuy vẫn còn gân guốc, nếu là bây giờ chắc tôi đã vặn cổ anh ta trong chớp mắt. Tôi quay lại và bị đánh một báng súng vào cằm. Chưa từng có Phi công nào sống sót sau khi lãnh nguyên một trái hỏa tiễn SA7, thế mà tôi xuống đất an toàn không rụng một sợi lông, giờ đây, lại chính anh già du kích làm tôi rơm rớm máu. Có tiếng phản đối của dân chúng khi họ bắt đầu tụ tập lại khá đông:
—     Làm gì đánh người ta!
Lại có tiếng thì thầm:
—     Hồi nãy em đi kiếm anh, kêu anh quá trời anh nghe thấy không? Vừa thấy anh, chạy tới, là anh biến mất. Nếu gặp, giờ nầy em đã đưa anh đi trốn tới đâu rồi!
Tôi lẳng lặng nghe và lẳng lặng đau đớn. Lần đầu tiên trong đời mình, tôi không tin người và nhận một hậu quả trầm trọng. Tôi đã phải trả một giá đắt cho một kinh nghiệm sống bằng sáu năm tù tội. Trong tù, tôi bắt đầu làm quen với ngôn ngữ Cộng Sản, cách sử dụng từ ngữ, cách biểu lộ ý nghĩ. Ôi! Làm sao Việt Cộng lại có được tiếng kêu tha thiết, ngọt ngào kia dù là một diễn viên thượng thặng trên sân khấu!
Tôi bị dẫn ra đường quốc lộ, vẫn một mình anh du kích già lẽo đẽo theo sau. Tôi bỗng phóng chạy khi thấy một chiếc xe lam chở đồ đạc tiến gần nhưng chụp hụt thành xe vì quá trễ. Một chiếc Honda dame vừa tới nhưng tiếc thay lốp xe sau bị xẹp! Tay du kích già bắt kịp, hăm dọa:
— Nếu chạy nữa, tôi sẽ bắn.
Cũng vừa lúc chiếc xe Dodge ngụy trang có nhiệm vụ lùng kiếm tôi vừa tới. Họ bàn giao và tôi bị trói dẫn lên xe. Bầu trời bỗng náo động vì nhiều phi cơ A37 xuất hiện. Các chiến hữu đang đi trả thù cho tôi, kẻ được báo cáo và tin tưởng đã chết. Những trái bom bắt đầu rơi vung vãi khắp nơi. Tôi ngạc nhiên thấy phi cơ tấn công cả những chiếc tàu thả neo ngoài biển xa và gần nhất, bom đang rớt trên đầu tôi. Bộ đội trên xe vội nhảy xuống núp vào hố cá nhân cạnh những gốc dừa. Tôi đứng “tương tư” giữa trời, nhìn những cánh chim thân yêu. Một Phi công được chết dưới những trái bom bè bạn mình chắc thú vị hơn chết trong tay kẻ thù. Tiếng mảnh bom xé ngang tai, vài đọt dừa trước mặt bị tiện đứt, đổ xuống. Một tên Việt Cộng chạy ra, chộp tay kéo tôi vào nơi trú ẩn. Tôi đi lừng khừng ngắm nhìn trận địa pháo nhả đạn và biết vì sao sáng nay tôi không khám phá ra họ. Điều rõ ràng là họ đang thiếu đạn kinh khủng. Cuộc tiến công quá dễ dàng, quá nhanh đã làm cho bộ phận tiếp tế không đáp ứng kịp. Tôi quan sát cách họ bắn máy bay để thấy rằng “bắt chim trời cá biển” không phải là chuyện dễ. Chỉ có hỏa tiễn tầm nhiệt là đáng ngại vì nó quá hiện đại còn khả năng con người, nhất là con người Cộng Sản, thì hạn hẹp quá. Cuối cùng là tỉ số 0-0. Huề. Những trái bom chỉ phạt đứt một số cây dừa, những quả đạn phòng không chỉ góp thêm một tí bụi ô nhiễm vào không khí.
Cuộc tranh cãi bắt đầu gay gắt, các loại pháo phòng không đang tranh công với nhau, anh 12 ly 7 khẳng định đã bắn rơi Lý Tống, anh 23 ly, 37 ly cực lực bảo vệ chiến công mình. Tôi cười thầm nghĩ đến xạ thủ SA7 nằm lăn lóc trên sườn đồi, anh ta sẽ điên tiết khi chiến công mình bị các pháo bạn tranh giành cấu xé. Tôi nghĩ đến đoạn đấu khẩu trong cuốn truyện Vùng Trời viết về Không Quân Bắc Việt do Hà Nội xuất bản, trong đó Thủ trưởng Pháo Binh nói đùa với Thủ trưởng Không Quân:
— Nếu một ngày nào biển Đông cạn, tất cả chúng ta đều vào tù ráo!
Vâng! Không có gì dễ bằng báo cáo đã hạ được nhiều phi cơ địch, và tất cả đều rơi xuống biển Đông! Trên đường đi có vài tên bộ đội hỗn láo bắt tôi cúi mặt xuống vì chúng không chịu được bản mặt nghênh nghênh kênh kiệu của tôi. Tôi quắc mắt trừng các chú bé, tên lính áp giải kịp thời hòa giải mọi xung đột. Chúng dẫn tôi ra đường, tập họp dân chúng để lập Tòa án Nhân dân.
Chúng đã từng thành công với loại luật rừng nầy: Một Nguyễn Du, Thiếu tá Phi công anh hùng Vùng I, chiếc đầu được treo giá bạc triệu, bị bắn rơi và bị ném đá đến chết; Phi công danh tiếng Trần Thế Vinh, người bạn cùng khóa 65A Không Quân với tôi và biết bao nhiêu người đã đi vào huyền sử. Nhưng rõ ràng, lịch sử không được lập lại tại đây, nơi thành phố duyên hải đầy thân thuộc nầy. Khu giải trí Cây số 9 đâu có ai lạ mặt tôi, họ thương cảm tôi, một khách chơi quen, hào phóng đang lâm nạn, một chiến sĩ đang bị sa cơ. Những tên cò mồi lăng xăng chạy đi chạy lại hò hét, khích động nhưng chẳng ai thèm hưởng ứng. Cuốỉ cùng chúng chỉ thành công trong một cuộc dàn cảnh. Vài tên nhảy vào đè tôi xuông, xỉa xói, chửi bới. Lúc đầu, tôi nhẫn nhục để làm nổi bật sự tàn bạo dã man của Cộng Sản nhưng nửa chừng đổi ý, vùng đứng dậy, quắc mắt nhìn chúng và nhổ nước miếng vào mặt tên đạo diễn thô bỉ. Khán giả khoái chí cười ồ, vì thế, thay vì ném đá tôi, họ lại ném thuốc lá, bánh ngọt và các loại quà khác.
Tôi được chở lên đèo Rù Rì, trời nửa đêm sương mù lạnh lẽo. Tầm nhìn xa không quá mười thước, tên tài xế mới ra nghề, chạy xe dục dặc như ho gà. Tôi tính lừa thế đánh cái đầu vào mặt tên ngồi bên cạnh, đứng dậy dứt một đá vào cổ tên tài xế trước mặt là xong. Thật dễ dàng trên một chiếc xe jeep mui trần, nhưng xe bỗng ngừng ở một trạm gác. Tôi ngồi ngoài xe giữa đêm sương giá, núi rừng âm u tăm tối đang chứa đựng một âm mưu sâu hiểm. Về sau, tôi được biết đó là buổi họp quan trọng, một phe muốn xử bắn tôi ngay đêm đó tại trên đèo, vì không moi được chút tin tức nào trong suốt những cuộc thẩm vấn dọc đường, một phe muốn kiên trì thuyết phục. Cuối cùng tôi được chuyển đến Trại Chi Lăng là nơi an dưỡng tạm thời của Việt Cộng. Lần đầu tiên tôi thấy được sự tác hại của các loại bom napalm và bom bi vì chất cháy lân tinh và các viên đạn nhỏ không chừa một hố nấp cá nhân nào trong tầm sát hại của nó. Tại đây, một Thủ trưởng Đặc Công và một Thủ trưởng Pháo Binh thay phiên nhau thẩm vấn, hứa hẹn và dụ dỗ tôi vẽ bản đồ phi trường Phan Rang:
—Anh sẽ được tha chết và được sử dụng phục vụ Không Quân Cách Mạng.
Tôi cương quyết từ chối:
—     Một mạng sống của Lý Tống không thể đánh đổi với hàng trăm, hàng ngàn mạng của các chiến sĩ đang tử thủ trên tuyến đầu giữ nước. Xin lỗi các ông, tôi không phải là loại người tham sinh úy tử để làm một hành động phản bội ngu xuẩn như vậy!
Họ lại kiên trì đưa đề nghị khác:
—     Nếu anh lên đài phát thanh, kêu gọi chiến hữu của anh đầu hàng, nhấn mạnh rằng Cách Mạng sẽ rộng lượng khoan hồng đối với tất cả ai trở về hàng ngũ dân tộc, nhấn mạnh Chính sách Đại Đoàn kết, Chính sách Nhân đạo của Cách Mạng…
Tôi ngắt lời:
—     Thưa ông, có những con vật khi bị mắc bẫy còn biết đánh tín hiệu để báo cho đồng loại tránh xa nơi đánh bẫy. Là con người, không lẽ tôi lại thua loài vật, dẫn dụ bè bạn, chiến hữu vào cái bẫy nhân đạo, hòa hợp giả hiệu của các ông sao ?
Tôi chuẩn bị để chết. Nhưng số phận vẫn bắt tôi sống. Và tôi vẫn thích được mang chữ “cố,” cố Đại úy Phi công, bởi vì kỷ niệm của Phi vụ cuối cùng.
 
Bắt  Đầu Cuộc Đời Tù Binh

Tôi được chuyển về Suối Dầu. Những tay tội phạm và du đãng Nha Trang như “Tới đen, Thi bản đồ” đều rủ rê tôi vượt nhà giam. Tôi quyết định ở lại với lý do: Tôi cần tìm hiểu Chủ nghĩa Cộng Sản. Bao năm trời chiến đâu chống Cộng, tôi chỉ biết về Cộng Sản qua các bài thuyết trình của Khối Chiến Tranh Chính Trị, hoặc thấy Cộng Sản bằng hàng thây ma la liệt dưới những trái bom tàn phá dữ dội của mình. Trừ lần gặp vài tên Việt Cộng tại Bến Cát cách hơn mười năm chưa cho tôi một khái niệm nào về Cộng Sản. Tôi muốn biết rõ bộ mặt thật của Cộng Sản. Không như một số tù binh bạn tuy thù Cộng Sản nhưng họ thề không động đến một cuốn sách nào của Cộng Sản, tôi quyết tâm sẽ ngấu nghiến kỹ lưỡng hầu hết sách thư viện có được. Phải nghiên cứu ưu khuyết điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, dùng Chủ nghĩa Cộng Sản để đả kích đệ tử của Bác và Đảng.
Tôi ngồi lặng lẽ nhìn hàng loạt người chui qua lỗ cửa sổ song sắt vừa bị bẻ gãy. Phải tự đấu tranh giữ vững lập trường tôi mới ngồi yên được, vì tiếng gọi tự do đang vang dội ngoài kia, và cuộc trốn chạy thập phần dễ dãi. Cuộc đào tẩu quá nhộn nhịp, ồn ào nên người thứ 21 bị phát giác, tất cả đều chạy thoát an toàn.
Tôi lại bị chuyển Trại. Tại đây có âm mưu “Hổ,” vượt ngục bằng cách đào sâu xuống nền nhà, xuyên qua vườn ra ngoài hàng rào. Tôi vẫn từ chối không tham gia vì tổ chức quá lộ liễu, các phòng bên cạnh quá vội vã, nên phòng chính thức của tôi chưa đào xong, họ đã đào xuyên qua tường sang ngồi đợi. Âm mưu bị bại lộ nên công tác canh gác được tăng cường tối đa. Một đêm, một tay du đãng có tiếng là “Hồng thúi” vừa bị bắt nhốt trong lúc đang phê xì ke chỉ vì đập cửa làm ồn, y bị một tên Thượng Cộng dí súng ngay vào đầu, bắn vỡ sọ chết tại chỗ.
Tôi lại bị đưa về Quân lao Nha Trang. Một đêm tôi bị bịt mắt, còng tay chở xe chạy ra bờ biển Nha Trang cùng hai người khác. Chúng tôi rỉ tai nhau: “Chắc đi mò tôm quá!” Bao nhiêu người đã được đưa ra bờ biển, một bao bố, một cục đá lớn và một con người: cột lại, ném xuống biển. Thật dễ dàng, chẳng hề tốn một viên đạn. Cộng Sản quí và tiết kiệm đạn, một viên đạn giá tương đương 3 kg củ mì, đập một cán cuốc, đánh một bá súng vào đầu, nhanh, kín, chẳng tốn kém. Đại úy Trưng ngồi bên cạnh lâm râm cầu nguyện. Cuối cùng chúng tôi bị đem nhốt vào xà lim của Nha Cảnh Sát Đặc Biệt cũ. Ban đêm, phòng hẹp lại không có đèn, mò mẫm chung quanh chỉ thấy cứt khô vung vãi, tôi cởi quần thế chổi quét tạm, ngả mình đánh một giấc thoải mái.
Xà lim thời trước chỉ nhốt một người, thời hạn tối đa là ba ngày, bây giờ chúng tôi hai người, kẻ nằm xuôi, người nằm ngược, chật như nêm, và nằm cả hàng tháng trời. Có nhũng ngày nhà cầu bị nghẹt, nước ngập gần tới chỗ nằm, đủ các loại phẩn cục cứng hoặc bầy nhầy nhão nhẹt… nổi lều bều, thối và ngột ngạt đến chóng mặt. Thế mà Cao Kỳ Sơn vẫn hát nhạc Trịnh Công Sơn, bố già Đại Tá Như vẫn đốt lốp cao su nấu cà phê khói. Có những tay cai ngục lóc nhóc khoảng 15 tuổi, có những mụ Cán bộ mập úc núc như bao gạo chỉ xanh vì bị phù thủng, bắt chúng tôi phải xưng hô: Thưa Ông, Thưa Bà. Cũng chính tại đây, tiếng xe tăng T54 hàng ngày ào ạt tiến về Nam, nghiền nát tâm sự ngổn ngang của nhũng con người thất thế. Tin Sàigòn thất thủ làm chúng tôi ngỡ ngàng, thất vọng. Thế là hết!

Trại Tù Lam Sơn

Lại di chuyển đến trại tù Lam Sơn. Lần đầu tiên sau nhiều tháng tôi được thấy nhà cửa, cây cảnh chung quanh mình và được đi lại trong một phạm vi rộng rãi. Những nắm cơm vừa sống vừa khê, vừa mốc, đầy cát, mỗi ngày được ném vào xà lim, những ngụm nước uống hạn chế, đổ vội, hắt qua lỗ cửa sắt nhỏ, vung vãi trên mặt mũi và thân người của xà lim Nha Trang đã gây ấn tượng hạnh phúc cho nơi tù đày mới. Chính sách của Cộng Sản khôn ngoan, quỉ quyệt. Họ không đẩy kẻ thù xuống địa ngục ngay, sợ rằng sự tuyệt vọng và phẫn nộ của tập thể tù binh đông đảo có thể gây nên những phản ứng bất lợi, những cuộc bạo động liều lĩnh. Họ hé cửa địa ngục cho thấy sự kinh hoàng, rồi đóng lại để đe dọa. Họ nới một chút cho nạn nhân hy vọng, rồi bóp lại từ từ. Cái bàn tay bóp cổ nhuần nhuyễn đến nỗi nạn nhân đã tắt thở mà vẫn tưởng mình còn thoi thóp. Nhà tù ngoài cái cùm, cái ách của kẻ thù đè nặng trên đầu, trên cổ, tù binh còn mang cái ách do bọn phản bội, bọn ăng ten tạo ra. Những tư tưởng tiêu cực bạc nhược của những con người tham sống sợ chết, vị kỷ cá nhân đã làm cho không khí u ám của địa ngục trần gian tăm tối bi thảm thêm.
Như một Sơn khói, hình ảnh phản bội đáng ghê tởm nhất và cũng là một biểu tượng tượng trưng nhất về những thủ đoạn gian ác của Cộng Sản trong kế hoạch chia để trị. Sơn khói đã gài bẫy đưa bạn mình đi trốn trại cho vệ binh bắn chết tại Lam Sơn, và báo cáo với ác ý làm cho một tù binh khác bị siết cổ chết tại trại tù 53.
Với ăng ten Hoàng, tên thường dọa tù binh bạn bằng câu tuyên bố: Sau lưng tôi có Bác và Đảng, ai chống tôi tức chống Bác, chống Đảng, chống nhân dân… Tôi đã dùng bài bản đã học được để ca ngợi Bác và Đảng trong một buổi học tập quan trọng, tiếp đến “móc lò”: Bác và Đảng là cái gì linh thiêng, tối cao… nhưng tiếc thay lại chỉ đứng sau lưng, sau đít của Trại Trưởng kiêm Nhà Trưởng Hoàng mà thôi. Thế là Hoàng bị hạ bệ và suýt bị ăn đòn.
Với một Đãi già, kẻ chủ trương thuyết Hàn Tín luồn trổn gây tinh thần đầu hàng, hèn nhát cho những người thiếu kiên trì, can đảm, tôi đã chửi xéo:
—     Tôi rất phục, rất ngưỡng mộ cái phong thái Hàn Tín của anh. Anh đóng vai Hàn Tín còn xuất sắc hơn cả Hàn Tín. Hàn Tín chỉ luồn trôn một người, còn anh, anh luồn trôn hết những thằng mọi Cộng Sản. Tiếc rằng suốt đời, anh chỉ giống Hàn Tín giai đoạn luồn trôn, còn giai đoạn Hàn Tín làm anh hùng, chẳng bao giờ anh giống được.
Cộng Sản là một loại từ-ngữ-chủ-nghĩa. Họ sáng tạo đủ loại từ mới, áp đặt và cưỡng bức ngôn ngữ theo mục đích của họ. Với Mỹ, họ dùng chữ đế quốc xâm lược, với các nước xã hội chủ nghĩa, họ dùng chữ lớn mạnh. Nhà tù lại gọi Trại học tập cải tạo, tù binh gọi là học viên. Người dân tìm cách chống đối và giải trí qua các mẩu chuyện phiếm, tiếu lâm về các anh cán ngố về thành phố, hoặc chơi trò đảo ngược chữ để chơi xỏ. Chẳng hạn Trường xây đời mới đảo ngược thành Trầy xương đời mới, hoặc Hồ Chí Minh thành Hồ Chính Mi, chính mi đã gây bao nhiêu thảm cảnh, như một bộ đội trong cơn tức giận điên cuồng đã chỉ vào ảnh Hồ Chí Minh lên án, khi sáu anh em anh ta đều bị nhà nước bắt ra chiến trường để trở thành tử sĩ, và riêng cá nhân anh cũng thành liệt sĩ (bị trúng bom bại liệt không còn đi được).
Lần đầu tiên làm bản khai lý lịch, trong phần địa chỉ trở về khi được phóng thích, tôi đã khai: “Số 1 Mạc Đỉnh Chi.” Sau khi nghiên cứu hồ sơ và được biết số 1 Mạc Đỉnh Chi là Nghĩa Trang Qưân Đội ngay giữa thành phố Sài Gòn, tên Phó trưởng trại đã kêu tôi lên trình diện để khiển trách:
—     Anh dám giỡn mặt, coi thường Cách Mạng hả? Tại sao anh
khai địa chỉ tại nghĩa trang quân đội ngụy?
— Thưa cán bộ. Tôi nghĩ rằng ở tù kiểu nầy thì khi được phóng thích chỉ còn có nước đem đi chôn, chứ làm gì còn sống nổi để trở về nhà!
Đã hiểu được Cộng Sản, hiểu cái học thuyết sai nhầm từ căn bản bởi vì Cộng Sản tiêu diệt quyền sở hữu cá nhân, bởi vì muốn xây dựng Chủ nghĩa Cộng Sản, con người Cộng Sản bắt buộc phải đạt được một số đặc tính đạo đức cách mạng mà chỉ có những bậc thánh mới hội đủ, và thật sự nếu mọi người đều đạt được cái đạo đức cách mạng đó, thì thế giới chẳng cần một chế độ xã hội hoặc một chủ thuyết chính trị nào nữa cả.
Thấy được cái tính chất khôi hài của hai học thuyết đối nghịch: Chủ nghĩa Duy vật lại thường nhân danh lý tưởng và đạo đức để kềm chế con người, còn dưới ảnh hưởng của Chủ nghĩa Duy tám, những sinh hoạt xã hội lại kích thích con người sống thiên về vật chất và hưởng thụ; hiểu rõ những Cán bộ Cộng Sản, những con vẹt học nói, mà từ người lãnh đạo đến anh nông dân dốt nát đều có cùng trình độ ăn nói và nhận thức thuộc lòng giống nhau, sự nghèo nàn và cằn cỗi của trí tuệ mà những bài diễn văn từ những khoảng cách thời gian hằng chục năm vẫn không hề có một tư tưởng mới lạ, “Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ là một đứa con tật nguyền của Chủ nghĩa Tư bản,” tôi nhận định và quyết định trốn thoát trại tù Cộng Sản để trở về chiến tuyến đấu tranh của mình.

Vượt Ngục Trại Tù Lam Sơn

Ý nghĩ vượt ngục càng thôi thúc hơn vì một biến cố mới xảy ra. Hoàng, sau khi bị tôi chơi khăm để hạ bệ, lại còn bị tôi nguyền rủa: “Đồ chó đẻ, mầy độc ác còn hơn những tên cai ngục Việt Cộng,” bèn đặt chuyện, mật báo lên Bộ Chỉ huy trại để tìm cách hại tôi. Buổi sáng hôm sau, hai tên vệ binh trang bị súng ống chạy sồng sộc vào chỗ tôi ở, trói tay tôi, chĩa súng vào lưng dẫn độ đi giữa cặp mát ngỡ ngàng hoảng hốt của các bạn đồng tù. Trên đường đến phòng thẩm vấn, tôi bất chợt chứng kiến một cảnh khủng khiếp. Đó là buổi thăm nuôi bỏ túi, trong đó vợ con tù binh đứng chen chúc ngoài hàng rào kẽm, và bên trong tù binh sắp hàng một để được gọi tên. Một người bạn tù chợt nhận ra được vợ con mình sau nhiều ngày xa cách, mừng rỡ quá bèn gọi lớn tên và vẫy tay rối rít. Trong cơn xúc động, anh ta đã bước lệch ra khỏi hàng như kẻ mộng du không nghe tiếng quát tháo của tên Cán bộ hướng dẫn. Một loạt súng nổ và người tù ngã gục sóng soài trước những cặp mắt kinh hoàng của vợ con. Thấy cái chết bất ngờ của một người bạn vì lý do thật tầm thường, tôi chợt hồi hộp lo lắng về số phận mình. Tôi tưởng tượng mình đang đi về pháp trường và “đùng, đùng,” tôi gục xuống sau loạt đạn và thế là hết. Nhưng thật may, cái chết của người bạn tù đã thu hút tâm trí của các tên phụ trách điều tra hoàn toàn, họ bận bịu lo giải quyết chuyện xảy ra đột ngột, nên khi bị dẫn vào, tôi chỉ nhận được một tiếng quát đe dọa:
— Mầy còn cứng đầu, có ngày ông sẽ vặn gãy cổ mầy. Coi thằng kia mà làm gương.
Nói xong, y mở trói và đuổi tôi đi về.
Ngày 7 tháng 10 năm 1975, tôi và Kiên, Trung úy Pháo Binh gặp nhau tại điểm hẹn, nơi chúng tôi đã tập trung những đồ dùng cần thiết được chuyển dần ra hàng ngày, để bắt đầu cuộc trốn chạy khỏi nhà tù Cộng Sản. Chúng tôi lẩn tránh đám quản chế dẫn tù binh đi làm, băng rừng đi về hướng đèo Phượng Hoàng. Càng lúc tôi càng chiếm dần quyền quyết định mặc dù trong kế hoạch, Kiên chịu trách nhiệm dẫn đường. Tôi hủy bỏ ý đồ leo qua ngọn núi có thác nước, mà mỗi chiều đi làm về, từ trại tù Lam Sơn, chúng tôi vẫn thường ngắm nhìn như một bức tranh đẹp và là điểm chuẩn để định hướng trốn trại. Những khối đá cheo leo dốc đứng, có nơi phải mất nửa giờ chưa đi được hai mươi thước đường dốc. Viên thuốc uống ngừa sốt rét làm mặt Kiên đỏ nhừ, đầu choáng váng muốn bệnh. Kiên đã nản lòng vì thể lực yếu và đoạn đường đầy chướng ngại vật. Sau khi băng qua nhiều đám rừng khá vất vả, tôi quyết định rẽ về hướng một con suối để nghỉ chân, dùng mùng lưới ni lông bắt cá lòng tong ăn sống và ngủ lại qua đêm. Chiếc võng quá cũ trăn trở dưới lưng như muốn rách toẹt vì sức nặng. Hai đứa treo võng nằm sát nhau, mệt mỏi không đủ sức để nói chuyện, chuyền qua lại điếu thuốc rê đắng nghét, chịu đựng cơn lạnh về đêm của núi rừng.
Sáng hôm sau, chúng tôi băng qua những trảng tranh rộng, cao ngập đầu người, ra đường đón xe. Xe bộ đội nhộn nhịp qua lại, dịch vụ bán xăng nhớt lậu công khai trên đèo của giới tài xế nhà binh làm chúng tôi vỡ mộng về những lời đồn đãi: Đèo Phượng Hoàng do quân Kháng chiến kiểm soát một phần. Sau khi bị nhiều xe qua mặt từ chối không cho quá giang, chúng tôi được một người chạy xe Honda chở nhờ lên đèo, chỗ chiếc xe hàng chở gạo đang bị hư và đang sửa, để xin đi nhờ lên Ban Mê Thuột. Xe chạy giữa đèo, hai bên đồi núi trùng trùng điệp điệp. Tưởng tượng kế hoạch đi bộ băng rừng của Kiên, tôi chợt bất giác rùng mình kinh hãi. Trong những đãy rừng núi hun hút bạt ngàn kia, chúng tôi sẽ trở thành gì nếu không phải là những bộ xương khô vất vưởng đói khát. Mặc dù thất vọng về tình hình đèo Phượng Hoàng cũng như khả năng đẫn đường của Kiên, tôi vẫn cương quyết đi về hướng dự định,
Tại Ban Mê Thuột có tin đồn Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Ngô Quang Trưởng đã rời Mỹ trở về lập chiến khu. Huyền thoại! Có ai mơ mộng như tù binh chúng tôi, nếu không có những tin bịa đặt như vậy và tin tưởng như vậy, làm sao chúng tôi có thể sống và chịu đựng những ngày tháng đày đọa miên viễn, không có một chút hy vọng ở ngày mai. Những buổi chiều chuyển mùa, tiếng sấm đất nổ rền âm vang từng loạt dài, chúng tôi vẫn ngỡ là tiếng B52 đang rải thảm. Có khi ở gần những bãi tập bắn, chúng tôi vẫn ngỡ và đồn đãi là đang có giao tranh. Nếu biết rõ các ông Tướng, ông Tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang đầu tắt mặt tối với cuộc mưu sinh ở Mỹ, chắc chắn tâm trạng của người tù sẽ khốn khổ biết bao. Người trong nước hy vọng người ngoài nước, người ngoài nước trông chờ người trong nước! Đó là lý do vì sao đã hàng chục năm, mặc dù bạo quyền Cộng Sản đã hoàn toàn thất bại trong các kế hoạch kinh tế, an sinh, ngoại vận… mặc dù toàn dân bất mãn, chế độ Cộng Sản vẫn còn tồn tại!
Sau khi vượt qua nhiều trạm gác tương đối dễ dàng, bởi vì mỗi lần xe sắp đến cổng gác, người lơ xe cầm giấy nhảy xuống chạy bộ đến trước, vừa trình giấy, lại vừa kẹp theo một ít tiền hối lộ trong giấy, tên gác khỏi cần xét xe, vẫy tay ra lệnh cho chạy luôn. Đang yên chí vì tình hình thuận lợi, xe chúng tôi lần nầy bất ngờ bị chận giữ lại vì gần tới giờ giới nghiêm. Hành khách được hướng dẫn đến một nhà ngủ tạm, chờ sáng mai tiếp tục lên đường.
Thấy dễ dãi, tôi bỏ ngay ý định lẻn trốn đi luồn qua rừng để thoát qua khu vực kiểm soát. Bất ngờ tốỉ đến, có toán tuần tiễu đi kiểm soát giấy tờ. Và chúng tôi bị bắt! Kiên nhát gan nên khi tên trưởng toán chĩa súng vào màng tang đe dọa là khai thật tất cả, do đó vai trò giả dạng một người dân đi làm rẫy quên đem theo giấy tờ của tôi cũng bị lộ tẩy theo. Chúng tôi bị giữ tại chỗ hai ngày, chờ xe trại tù Lam Sơn áp giải về. Khi giải lên xe, tôi bị trói quặt vào thành xe, sợi dây siết quá chặt làm những mạch máu bị bít nghẽn. Cơn đau bừng bừng như dòng nước lũ đang cuồn cuộn chảy bỗng bị bức tường thành chắn bít ngang, dội lại tung tóe lên tận óc não. Yêu cầu nới rộng dây không được đáp ứng, tôi bèn thét lớn: “Đồ quân vô nhân đạo. Tụi mầy chặt tay tao đi còn hơn.” Hai tên vệ binh nhào vào định đánh tôi, nhưng tên Cán bộ trưởng toán hiền lạnh ngăn lại và ra lệnh nới lỏng dây trói.
Trên đường đèo, ở nhiều khúc quẹo gắt, tôi định tìm cách đạp vào tay lái tên tài xế, cho cả xe lao xuống vực, chết chung một đám. Tên vệ binh linh cảm được điều tôi nghĩ nên đổi chỗ ngồi, kèm sát bên trái tôi, làm vật cản che tên lái xe.

Trở Về Địa Ngục Trần Gian

Về đến trại, tôi bị tống giam vào thùng Conex. Ngày hôm sau, hai tên gác mở cửa lôi tôi ra, chúng bắt tôi quay lưng lại rồi hô lớn.
— Quì xuống!
Tôi vẫn đứng bình thản như không hề nghe thấy.
—     Quì xuống!
Tiếng hét càng lớn hơn hòa lẫn cùng tiếng cơ bẩm súng lên đạn lách cách. Đám bạn tù binh nghe ồn, ùn ùn kéo lại đứng dọc theo hàng rào theo dõi. Tên thứ hai bèn nói nhỏ:
—     Thôi kệ, trói nó lại, dẫn đi.
Một Tòa án Nhân dân kiểu bỏ túi được lập lên trước văn phòng Bộ Chỉ huy Trại với nhiều khuôn mặt lạ chưa từng thấy. Đám vệ binh đứng dàn hàng ngang trong đội hình chuẩn bị bắn xử tử tại pháp trường, tên trưởng toán đến đứng nghiêm trước mặt tôi, dõng dạc hô lớn:
—     Quì xuống.
Mặt tôi đanh lại cương quyết. Mệnh lệnh được lập lại đồng thời cùng những viên đạn bay chéo qua tai, qua đầu tôi. Tôi nổi giận quát lớn:
—Bắn đi! Lý Tống nầy chết đi còn có trăm ngàn Lý Tống khác.
Phản ứng dữ dội bất ngờ của tôi làm những tay súng bỗng khựng lại, những khuôn mặt bỗng ngớ ngẩn.
Tên chủ tọa bèn đổi thái độ ra lệnh:
— Dẫn nó lại đây.
Họ hỏi tôi nguyên nhân và mục đích trốn trại. Tôi trả lời:
—     Mỗi người đều có một nhiệm vụ. Là Phi công tôi có nhiệm vụ chu toàn phi vụ, tận tụy với nhũng trái bom mình ném xuông. Là Tù binh tôi có nhiệm vụ vượt ngục.
Sau một hồi tra hỏi, tên chánh án nhấn mạnh:
—     Nếu tiếp tục ngoan cố anh sẽ nhận lãnh một bản án tối đa.
Tôi mỉm cười khẳng quyết:
—     Khi một người được ca ngợi và yêu mến ở phe bên nầy, thì chắc chắn họ sẽ bị nguyền rủa và kết án như một tay tội phạm nguy hiểm ở phe đối nghịch. Bản án các ông càng nặng càng tăng giá trị những cống hiến và hy sinh của cá nhân tôi đối với đất nước và dân tộc.
Tôi bị đem nhốt trở lại Conex. Một chuyên viên tra tấn đặc biệt đến tận Conex, dùng kềm rút từ từ những móng chân của tôi để trừng trị. Tôi cắn răng chịu đựng, thản nhiên để y rút trọn năm móng chân.
—     Các người chỉ rút được móng chân ta, nhưng không bao giờ rút được ý chí sắt đá đã đúc thành khối vững chắc trong đầu ta!
Tôi nằm trong một conex nhỏ, kín mít, đặt tênh hênh giữa trời. Trời nắng như thiêu đốt, từng ngụm nước nhỏ vừa trôi qua cuống họng đã biến thành những giọt mồ hôi rơi lộp độp liên tục trên mặt đáy thùng sắt. Tôi như cái bánh trong lò hấp, thấy mình đang khô và chín dần. Cơn đày đọa của ngày được nối tiếp bằng cơn quằn quại của đêm. Ban đêm trời rét, hơi người bốc lên gặp trần sắt lạnh đông lại, nhỏ xuống, bộ quần áo duy nhất ẩm ướt suốt đêm. Hai chân đóng băng, người tê cứng như tảng thịt bỏ trong ngăn đông lạnh. Nằm trong conex gần nửa năm, tôi có đủ thì giờ để nhận xét và suy gẫm về những chuyện vụn vặt của cuộc đời nói chung và bản thân mình, nói riêng.
Tôi đặc biệt chú ý đến thành phần Bộ đội Cộng Sản. Có những tên gác, trong bữa ăn, lấy đũa xăm vào tô cơm xem nhà bếp tù có dấu đồ ăn cho tôi không? Trái lại, có những người khuyến khích và cho phép bạn tôi tiếp tế thêm trong phiên trực của họ. Con người khi sinh ra đời, Thiện-Ác vốn là tính bẩm sinh, không phải Nhân sinh tính bổn thiện. Cộng Sản là môi trường thích hợp cho những ác tính nẩy mầm và phát triển. Những người bản chất hiền lành, thương người vẫn ít bị biến thể, không biểu lộ lòng tốt ồn ào như những nhà đạo đức giả; sự tế nhị, kín đáo của một số bộ đội tốt bụng đem đến sự cảm thông giữa những con người thù địch. Nhũng kẻ xấu như bèo bọt, rác rưởi nổi lềnh bềnh trên mặt dòng nước cuốn, cái nhìn hời hợt, nông cạn sẽ đánh giá sai lầm về khối nước trong lành thầm lặng dưới sâu.
Kẻ xấu thường dùng những thủ đoạn đê tiện. Có những tên Việt Cộng lấy vải cờ vàng ba sọc đỏ để may quần lót, hoặc lấy tên các lãnh tụ thù địch để đặt tên cho chó. Những con chó Lích, Ky, Tiệu, là những tên đọc trại theo giọng Bắc của Nixon, Kỳ, Thiệu. Tôi vừa giận vừa tức cười khi có đứa lại đặt tên cho một con chó mới đem về là Ný Tống.
Cùng nằm trong nhà tù, mỗi người tù đều có những ưu tư giống nhau nhưng lại có những cách làm khuây nguôi nỗi ưu tư những cách khác nhau. Với tôi, ngoài những mưu tính để thoát củi sổ lồng mà những kế hoạch, những chi tiết đã chiếm một khoảng lớn thời gian nghiên cứu, thời gian còn lại có lẽ là những hồi tưởng về đời sống cũ với những vui, buồn, với những ưu, khuyết điểm, cần phát huy hoặc khắc phục, là những cuộc đấu khẩu với bọn điều tra cần chuẩn bị trước để đối phó, là những tập luyện cần phải chú tâm.
Sự tập luyện để giữ vững tinh thần và ý chí không chỉ diễn ra trong lúc còn tỉnh thức mà còn phải xuyên qua cả trong giấc ngủ. Có những đêm giật mình thức giấc vì cơn ác mộng mà miệng vẫn còn há lớn kinh hoàng, mồ hôi còn ướt đẫm trong thời tiết giá lạnh sau những cuộc rượt đuổi, chém giết trong giấc mơ. Trong truyện Tàu, có một nhân vật kỳ lạ, bởi vì ông ta trong một lần nằm ngủ thấy bị kẻ thù lăng nhục, nên khi tỉnh giấc, ông cắp kiếm ngồi phục ở trong vườn nhà, chờ kẻ thù trong giấc mơ trở lại để đánh trả thù. Ông ta chờ từ ngày này qua ngày nọ, đêm ngày không ngủ, đến lúc kiệt lực và chết vì một mối uất hận, vì một mục đích trả thù viển vông. Tôi thì trả thù kẻ trong mơ — hay chính ra trả thù sự hèn nhát, khiếp nhược của mình trong giấc mơ — bằng cách vừa tỉnh thức là vận dụng sự hồi tưởng và trí tập trung để nằm mơ trở lại, để tìm những khuôn mặt, những quang cảnh của giấc mơ vừa qua.
Sau một thời gian tập luyện, tôi đã thành công khi vừa thức dậy vì bị rượt đuổi thất đảm là có thể tiếp tục mơ lại, thấy lại và chiến đấu trở lại. Và thật tuyệt là trong cuộc chiến đấu trong giấc mơ kế tiếp, tôi đã một mình tả xung hữu đột giữa đám kẻ thù hung hãn, và chiến thắng những kẻ mà tôi vừa bị đại bại. Có gì hạnh phúc bằng mình lại còn điều khiển được cả mình trong cuộc chiến đấu trong giấc mơ?!
Có nhũng thời gian thừa thãi rỗi rãi, tôi nghịch ngợm, lưu tâm đến những con vật bé nhỏ quanh mình để giải trí, nhờ chút ánh sáng xuyên qua lỗ đạn nhỏ độc nhất. Tôi ngạc nhiên nhìn những con muỗi khôn khéo, lom khom đi trên hai chân, lách qua các khe hở nhỏ lắc léo để chui ra, vào conex bít kín. Những con kiến hèn mọn sống kỷ luật trong tổ chức xã hội qui củ, với sự phân biệt chủng tộc nặng nề giữa các loài vật. Những con kiến hôi nhỏ bé lù khù bị những con kiến đen nhanh nhẹn, xốc vác hiếp đáp; những con kiến lửa dữ tợn, khỏe mạnh, nghênh ngang tư thế bá chủ. Những cuộc tử chiến để giải quyết hận thù giữa loài vật.
Trận thư hùng giữa hai con kiến lửa, một heavy weight, và một light weight, kiến nhỏ cắn cổ kiến lớn, kiến lớn dùng càng siết gọng kềm ngang bụng kiến nhỏ. Cuộc chiến đấu quyết liệt kéo dài đến khi kiệt sức mà chết, như hai nhân vật trong truyện Tàu. Con kiến nhỏ chết trước, kiến lớn chiến thắng nhưng sau khi đi quờ quạng vài bước, cũng ngã xuống chết theo. Có trận đánh nhau có cả trọng tài giám sát, hai kiến đen trọng tài nằm rạp hai bên, chúi mũi theo dõi trận đấu rất nhiệt tình, tận tụy, và can thiệp khi có một võ sĩ kiến chơi không đúng luật! Chúng di chuyển và giữ khoảng cách, góc độ vuông vắn. Một kiến trọng tài sau hồi lâu theo dõi, đứng lên, vươn vai làm vài động tác cho đỡ mỏi, rồi bỏ đi như thể muốn ném lại một câu chửi thề: “Mẹ, hai chú mầy đánh nhau dằng dai quá. Tao về ngủ cho khỏe.” Chú kiến trọng tài còn lại tiếp tục điều khiển trận đấu. Khi hai chú kiến địch thủ đều chết, kiến trọng tài tha cả hai về tổ.
Cuộc sống thật kinh khủng. Hàng ngày, hàng giờ trên khắp quả địa cầu, biết bao con người, biết bao loài vật đang gây chiến, tàn sát nhau để tranh sống, để thỏa mãn tham vọng, để giải quyết những mâu thuẫn phi lý. Nhìn về bản thân, và qua các sự khám phá và nhũng kinh nghiệm đau lòng về cuộc sống người tù nhân, tôi nhận thấy sự thâm thúy của chính sách Làm chủ kinh tế sẽ làm chủ chính trị. Phải ở trong hoàn cảnh cùng khổ mới nhận chân được giá trị của từng con người và thấy hết được giá trị của từng hột cơm, chiếc xương cá. Vị giác và khứu giác của những con người đói khát trở nên tinh tế đặc biệt. Tôi phân biệt được cái vị thanh ngọt riêng biệt của từng ngụm nước lạnh lấy từ những giếng nước khác nhau, đun sôi ở những độ khác nhau. Cái vị ngọt ngào của đường, cái vị béo ngậy của mỡ gây những cảm giác chấn động cho thể xác khô héo, thiếu thốn. Tất cả cơ phận của bộ máy tiêu hóa ngây ngất đê mê khi được một chút thỏa mãn. Sự kích thích sâu xa, mãnh liệt tác động cả trong giấc ngủ. Ăn một miếng thịt nhỏ bé hiếm hoi cũng có thể tạo nên được một giấc mơ, một lần mộng tinh khoái lạc. Mộng tinh, mộng mị là những hạnh phúc tuyệt vời của những ngày tháng lao tù, đày đọa. Chưa bao giờ tôi nằm mơ nhiều như thời gian nằm conex. Hình như tối nào cũng nằm mơ, mỗi đêm mơ nhiều giấc mơ khác nhau. Đêm là một chuỗi những giấc mơ liên tiếp, và giấc mơ cứ quanh quẩn với chừng đó đề tài.
Tôi mơ thấy mình đang bay lượn trong chiếc phi cơ ngày cũ, phía dưới kia là một rừng cờ. Cờ vàng ba sọc đỏ phất phới trong những ngày hội lớn, quân và dân miền Nam đang tập họp lại và ùn ùn đứng đậy khởi nghĩa. Rồi bỗng nhiên tất cả biến mất, rừng núi bỗng xuất hiện bạt ngàn, và tôi đang bay lạn giữa trời một mình, không có cả phi cơ, hai tay chập chờn như đôi cánh chim, bay qua bao núi non, làng mạc, ruộng đồng như một chim trời thong dong vui thú, cho đến khi khả năng bay không còn nữa, tôi cứ rơi là đà xuống đất. Tôi cố vùng vẫy, cố vươn lên khi những ngọn cây càng lúc càng nhô lên, ào ào phóng lên và giật mình thức tỉnh khi tiếng la hét như vừa thoát ra khỏi cổ họng.
Có lúc tôi nằm mơ, thấy chạy xe một mình, ngược dòng thác xe cộ đang đổ tuôn rầm rộ về phía mình. Những người chạy ngược tôi hớt hãi, vội vàng, họ đội nón cối, họ mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng, họ tranh nhau, giành nhau chạy cho kịp giờ ấn định trong cuộc tháo lui hốt hoảng. Tôi vẫn chạy ngược chiều, quay cuồng chóng mặt vì tốc độ, vì mật độ đông đảo của xe, tôi thấy hào hứng vì mình là nhân chứng duy nhất đang chứng kiến sự tháo chạy kinh hoàng của kẻ địch bại trận.
Hoặc tôi mơ thấy những cao lâu tửu quán sang trọng, những mâm cỗ tiệc đầy ngập thức ăn ngon lành, tôi đang ngấu nghiên ăn, thèm khát ăn. Ăn từ bàn nầy đến bàn nọ, ăn từ đầu tiệc đến tàn tiệc, cái ăn trong giấc mơ đã vận động các cơ quan trong người phải cử động theo, lúc giật mình thức dậy, thấy miệng mình vẫn đang còn nhai, tay mình vẫn đang quơ quào trong không khí như đang gắp lấy món ăn thích khẩu.
Đặc biệt là những giấc mơ về đàn bà trong những đêm tôi bị sốt nặng vì năm ngón chân bị rút móng làm độc hành hạ. Hình như mỗi lần thân thể bệnh hoạn đau đớn, thần kinh cố gắng tạo ra những giấc mơ để an ủi, khuây khỏa cơn đau. Nhưng chính những giấc mơ đầy hình ảnh nữ nhân lại làm cho thân thể càng suy nhược hơn, và bệnh càng trầm trọng thêm.
Tôi thường bị kéo giật ra khỏi giấc mơ, tỉnh thức vì một tiếng động dữ dội. Tên Việt Cộng gác đã một lần vô tình ngồi dựa vào conex ban đêm và tôi đã vô tinh tiểu tiện xuyên qua lỗ nhỏ trên thành conex, đái ướt cả đầu y, đã trả hận bằng cách rủ thêm vài tên bạn, mỗi lần đi ngang conex nhốt tôi, lại ném vài cục đá thật lớn để trừng trị tôi, kẻ chúng nghĩ đã cố ý đái vào đầu để chơi xỏ họ. Trong thùng sắt kín, tiếng vang dội ầm ầm như một loạt bom nổ, kéo tôi trở lại với thực tế phũ phàng, với một bên ngực quặn đau ghê gớm bởi trái tim đập mạnh hỗn loạn như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.
Hạnh phúc — Bất hạnh. Ngày tháng chậm rãi trôi qua. Có những phút giây ngẩn ngơ lầm lẫn giữa ngày đêm, giữa mộng và thực. Tôi cảm nhận cái ý nghĩa kỳ lạ của cuộc sống và con người. Cộng Sản có nhận thức sâu sắc về con người nên dễ dàng chế ngự con người. Sự đói khát, sự đày đọa nâng cao giá trị những tiện nghi tầm thường, những chút hạnh phức hèn mọn. Khi nhu cầu bức thiết bị hạn chế, sự thỏa mãn dễ dàng đạt đến tột độ. Sự khoái lạc của một người cu ly lam lũ bên ly rượu đế, nhâm nhi trong một quán cóc tồi tàn đạt hơn gấp bội nhà tỉ phú chán chê nhìn cao lương mỹ vị bày biện trong những tửu lầu sang trọng xa xỉ. Ôi tuyệt vời thay những giây phút nghỉ tay đứng chống cuốc giữa trời nắng, hơi nóng bốc ù tai, lim dim mắt tận hưởng một thoáng gió mát thoảng qua; những vá mỡ thực vật nuốt vội vàng lén lút trong các kho tiếp liệu nghèo nàn, kiểm soát chặt chẽ. Phải chăng vì cái hạnh phúc, khoái lạc kỳ lạ đó mà những tầng lớp bị áp bức bóc lột vẫn chịu đựng được cuộc sống đày ải, vẫn cảm thấy thèm khát sống trong những hoàn cảnh bi thương? Và tồi tệ hơn, có thể hãm hại nhau để được thỏa mãn cái nhu cầu hèn mọn đó!
Tiếng cửa sắt conex mỗi lần mở ra gầm lớn như một cơn giận vừa bùng nổ. Tôi đường bệ, thong thả bước ra, tiếng động như tiếng cồng báo hiệu để các bộ đội Cộng Sản từ trong các gian nhà đổ ra chiêm ngưỡng. Vâng! Làm sao họ không hiếu kỳ cho được khi nhìn hai người tù bị kỷ luật với hai phong thái khác nhau. Ớ conex bên cạnh, Kiên ngồi chồm hổm dưới đất, đầu cúi vục xuống tô đựng cơm, vẻ tội nghiệp. Còn bên nầy, tôi ngồi đỉnh đạc trên chiếc nón sắt, lưng dựa nhàn tản vào thành conex, vừa nhẩn nha nhai cơm vừa ngắm trời đất, phong cảnh một cách an nhiên tự tại. Nhờ đóng vai tội nghiệp nên Kiên chỉ bị nhốt mười lăm ngày rồi thả về trại với các tù khác, còn tôi thì tiếp tục nằm dài dài tại conex. Từ trước đến giờ họ chỉ nghe và đọc về các nhân vật huyền thoại do Cộng Sản dựng ra, tô màu đánh bóng để ca ngợi, giờ đây được thấy một hình ảnh bất khuất bằng xương bằng thịt, dù là kẻ thù, các chú bé bộ đội vẫn theo dõi một cách kiên trì. Sự hiếu kỳ không mai một theo thời gian. Gần sáu tháng trôi qua, vẫn những cặp mắt, vẫn những cái đầu chụm vào nhau, vẫn những câu thầm thì to nhỏ. Có chú bạo miệng so sánh:
— Người nầy đối với chế độ Sàigòn cũng cỡ như Anh hùng Nguyễn Văn Trổi bên mình vậy!
Câu so sánh đã trở thành như một lời tiên tri kỳ lạ. Bởi sau khi vượt ngục thoát trại tù A30 trở về Sàigòn, tôi ẩn nấp tại một căn nhà mà chung quanh đều bao bọc bởi tên Nguyễn Văn Trổi! Trước mặt là Bưu điện Nguyễn Văn Trổi. Bên phải là cầu Nguyễn Văn Trổi. Bên trái là chợ Nguyễn Văn Trổi. Sau lưng là phường đội Nguyễn Văn Trổi, còn nhà thì nằm trên đường Nguyễn Văn Trổi!

Author: Lý Tống

Lý Tống sinh ngày 01/09/1945 tại Huế, gia nhập Binh chủng Không Quân năm 1965, thuộc Khoá 65A, và du học Hoa Kỳ năm 1966. Vì trừng trị một niên trưởng hắc ám, Lý Tống bị kỷ luật, bị sa thải và trở về nước. Lý Tống được tuyển vào hãng Pacific Architech & Engineer và chỉ trong vòng 3 tháng thực tập ngành Thảo Chương Viên, Lý Tống tự động sửa một program chính của hãng, giảm thiểu nhân số phòng Phân Tích từ 5 nhân viên xuống còn một mình Lý Tống. Do công trạng thần kỳ đó, Lý Tống được Chủ Tịch Hội IBM Chapter Việt Nam đề nghị bầu vào chức Phó Chủ Tịch và cấp học bổng du học ngành Programmer. Nha Động Viên đã gọi Lý Tống nhập ngũ Khoá 4/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức trước khi Lý Tống hoàn thành thủ tục nên anh bỏ mất cơ hội du học Hoa Kỳ lần thứ nhì. Lý Tống là người duy nhất bị sa thải vì kỷ luật được trở lại Không Quân Khoá 33/69 và tốt nghiệp Hoa Tiêu ngành Quan Sát. Năm 1973, Lý Tống được huấn luyện lái phi cơ A.37, trở thành Phi Công Phản Lực Cường Kích. Vốn là người của xứ cố đô ngàn năm văn vật, Lý Tống là một tổng hợp của nhiều con người : Vừa giang hồ lãng tử, vừa nghệ sĩ, businessman, vừa là hoa tiêu gan lì gai góc. Đề cập đến các chiến tích lẫy lừng với danh hiệu Top Gun của Lý Tống, có câu nhận xét của Phi công cùng Phi Đoàn Ó Đen thường được nhắc nhở đến : “Nếu 4 Vùng Chiến thuật có 4 Lý Tống, VC sẽ không ngóc đầu lên nỗi !“. Về Danh Hiệu PAPILLON, Lý Tống đã sáu (6) lần vượt ngục, chỉ thua Papillon Pháp, người vượt ngục chín (9) lần. Sự khác biệt giữa Henri Charrièrre và Lý Tống gồm các điểm : * Henri chuyên vượt ngục bằng đường biển, Lý Tống “chuyên trị“ đường bộ.* Henri luôn luôn dùng tiền nhờ người khác giúp đỡ và hợp tác, Lý Tống chỉ trốn một mình và mọi kế hoạch từ A đến Z đều chính tự mình vạch ra và thực hiện. * Ngoài ra, Henri chỉ chú tâm vượt rào “ra“ vì sự sống còn của bản thân, Lý Tống còn 3 lần vượt rào “vào“ các Phi trường (2 lần Phi trường Tân Sơn Nhất và 1 lần Phi trường Ubon Rachathani tại Thái Lan, tức Tổng cộng 9 lần bằng Henri Charrière) để đánh cắp máy bay, thi hành các Điệp vụ vì sự sống còn của Dân tộc VN. Thành tích vượt ngục được Ông Julian, Trưởng Phòng Phản gián Singapore, đánh giá : “Lý Tống là bậc thầy của Papillon“. Tháng 09/1981 Lý Tống rời quê hương tìm tự do bằng đường bộ, xuyên qua 5 quốc gia, dài hơn 3 ngàn cây số, trong thời gian gần 2 năm, trốn thoát 3 nhà tù, cuối cùng bơi qua eo biển Johore Baru từ Mã Lai đến Singapore, và được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho đi định cư tại Mỹ vào ngày 01/09/1983. Cuộc hành trình vượt biên tìm tự do của Lý Tống ly kỳ vô tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị của thế kỷ 20 được Tổng Thống Ronald Reagan vinh danh qua nhận định : “Your courage is an example and inspiration to all who would know the price of freedom“ (Sự can trường bất khuất của Lý Tống là một biểu tượng và nguồn cảm hứng cho những ai muốn biết cái giá của tự do) ; và được ca tụng bởi những Tờ báo, Tạp chí nổi tiếng nhất thế giới như : Barry Wain của The Wall Street Journal : “Ly Tong is in a class by himself“ và Anthony Paul của Reader’s Digest : “His flight has become one of the great escape saga of our time“....... (Xin đọc thêm các bài tiểu sử của Lý Tống)

No comments: