Bài Khóc tiễn bạn của nhà văn Phan Nhật Nam dành cho nhà văn, nhà báo Đào Vũ Anh Hùng; cả hai là những bậc đàn anh của tôi trong làng văn làng báo. Hai anh từng làm việc với tôi tại Báo Đời và báo Sóng Thần vào những năm cuối của Việt Nam Cộng Hòa. Xin chia sẻ với quý bạn FB để biết một thời những người vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu cho quê hương Việt Nam ra sao. Chân thành cám ơn quý bạn:
Bay vào, đáp xuống vũng lửa...
(Viết riêng gởi,
Phi Công Đào Bá Hùng/Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng
Và những “Ông Tàu Bay”)
Dẫn Nhập: Từ cuối năm 2021 đến nay, đầu năm 2022 suốt một năm dài, bản thân phải trãi qua những tình thế mà dẫu cho sức đương cự cứng cỏi bao nhiêu cũng phải lặng xuống với nỗi nặng lòng. Tâm cảnh nặng ưu phiền do chứng kiến lẻ tử/sinh-còn/mất mà không một ai tránh khỏi.. Chứng kiến tận mắt, thấm qua hơi thở, chạm đầu ngón tay khi đứng cạnh thân xác im lặng lạnh lẽo của những người đã một thời thân thiết anh em. Hơn ruột thịt từ buổi trẻ tuổi. Những con người, rất nhiều Người Bạn Lính.. Đã từng có thời ngang tàng.. Xem sống, coi chết như gió thoảng. Thưở xưa ấy, họ đã không bao giờ nói lên lời, tiếp đến hôm nay lúc xuối tay, nằm im xanh xao, bất động. Tuy nhiên, tháng trước, khi đến thăm Hùng trong buổi cuối đời, thấy ra một điều lạ trong ánh mắt.. Ánh mắt của người đang chịu CƠN ĐAU CÓ THẬT TỰ THÂN..
Một.
Trên trời, dưới đất cùng chung cảnh chết!
Có lần trong tuổi trẻ, bản thân đã viết nên một đoạn nhận xét.. Chiến tranh hiện tại (vào những năm 1960, 1970) có một khoảng cách: Khoảng cách từ mũi súng cá nhân đến đối tượng nhắm bắn; khoảng cách từ nòng pháo đến mục tiêu; khoảng cách từ trái bom trên máy bay dội xuống.. Bởi chẳng ai thấy ai, ai bắn ai, người thả bom, bấm nút tác xạ từ trên cao và nạn nhân ở dưới đất. Nhận xét có phần đúng, nhưng quả thật không hoàn toàn chính xác đối với “máy bay trực thăng/phi công trực thăng” – Những người tiếp giáp với cái chết trực tiếp mau chóng, cùng lần nạn nhân (với bản thân họ), và có thể trước cả lính bộ binh – Phi Công Trực Thăng Đào Bá Hùng/Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng là xác chứng cụ thể của thực tế khắc nghiệt đau thương nầy qua bút ký, Dak Seang Gối Mõi Gối Lưng Đồi. Hùng viết trước trận chiến Mùa Hè 1972.
Dak Seang ở đâu? Quả thực chẳng mấy ai biết đến Dak Seang/Ấp Dak Seang cho dù là người chuyên viết phóng sự, tin tức chiến trận; hoặc là những đơn vị Biệt Động Quân trừ bị cho Vùng Chiến Thuật hay sư đoàn tổng trừ bị, nhảy dù, TQLC; chỉ có thể các đơn vị đặc biệt chuyên nhiệm vụ đột kích, thám sát, tình báo, phản tình báo trực thuộc Bộ Tồng Tham Mưu mới có khả năng biết đến. Dak Seang/Bản đồ hành chánh có tên Dak Song ở đâu? Vùng 2 hay Vùng 3? Bởi về thuộc về Quận Gia Nghĩa, Tỉnh Quảng Đức, nằm dưới Dak Lắc với Tỉnh Lỵ Ban Mê Thuộc, thủ phủ Cao Nguyên Trung Phần, địa danh quen thuộc đối với dân lẫn lính Miền Nam. Quảng Đức lại nằm trên Phước Long, chiến trường lớn của Vùng 3, miền Đông Nam Bộ, cùng với Bình Long, một địa điểm nổi danh/nỗi danh khắc nghiệt nhất của chiến sử Miền Nam (1960-1975) với Thị Xã An Lộc, vũng lửa lớn của thế kỷ bom đạn vừa qua. Dân cư Dak Seang lại là người Thượng Stiêng – Nạn nhân tội nghiệp gánh chịu đau thương trước tiên khi lực lượng cộng sản Miền Bắc ngụy danh giải phóng trên đường xâm nhập từ đất Miên vào tàn sát không nương tay.
Thảm sát nơi Dak Seang xẩy ra trước nhất, 5 tháng 12, 1967 trước Giao Thừa Mậu Thân, 31/1/1968 ở Huế và khắp 40 tỉnh Miền Nam. Hai tiểu đoàn quân cộng miền Bắc (Tài liệu quân sự Mỹ, thế giới vẫn gọi tên sai là “Việt Cộng/Lính Việt cộng sản” thuộc lực lượng vũ trang Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Chủ Tịch Nguyễn Hữu Thọ). Hai tiểu đoàn quân Bắc Việt tấn công vào Dak Seang do lực lượng Dân Sự Chiến Đấu (DSCĐ) khoảng 2000 Người Thượng canh giữ, chỉ huy trực tiếp bởi toán Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB/US Special Force), có thành phần Biệt Kích (Bán Quân Sự) người Việt giữ nhiệm vụ liên lạc, phiên dịch. Từ suy diễn do được Mỹ chỉ huy nên quân cộng sản đánh giá: Đây là thành phần cấu kết (trực tiếp) với “Giặc Mỹ”, có “nợ máu với nhân dân (?)” nên lính bộ đội miền Bắc tàn sát không gớm tay. Kết quả, quân cộng sản dựng nên thành tích “giải phóng như “quốc ca”- Đường vinh quang xây xác quân thù của Văn Cao” với 114 xác lính Dân Sự Chiến Đấu và 252 thường dân. Người chết không bởi cách giết người thông thường – Bộ đội cộng sản “giết/thiêu sống” người bằng súng phun lửa do khi kêu gọi đầu hàng, lính DSCĐ và cư dân Dak Seang không hiểu âm nói, tiếng lời của quân miền Bắc. Thiêu sống người chưa đủ, bộ dội cộng sản còn bắn thêm 60 lính DSCĐ, và bắt theo 160 người làm con tin trên đường rút lui để đề phòng phía Mỹ, quân dội VNCH phản kích. Cuộc thảm sát được Báo Time mô tả nhanh chóng và đầy đủ hình ảnh trong số Ngày 15 Tháng 12, 1967 do có Lính LLĐB Mỹ bị giết. Nhưng cuộc thảm sát nầy hoàn toàn không được giới học giả như Stanley Karnow; thành phần truyền thông thiên tả, chống chiến tranh như Martin L. King, Joane Baez, Jane Fonda.. từ thế kỷ trước, hoặc đám mới lớn sau nầy như Ken Burns, Lynovick nói tới một lần, viết ra một chữ. Phe tranh đấu hòa bình ở Sàigòn, nơi Miền Nam kiểu Ngọc Lan, Chân Tín, Lý Chánh Trung.. phía Công Giáo; hoặc Trí Quang, Nhất Hạnh Nguyễn Hữu Bảo, Ni Sư Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành.. phía Phật Giáo cũng KHÔNG một tiếng chia xẻ đau thương, một lời nguyện cầu siêu dộ, giải oan?! Phải chăng vì nạn nhân là người sắc tộc Stiêng nên không xứng đàng để nêu lên trên Báo Công Giáo Đối Diện, nguyệt san thiên tả Trình Bày, biểu ngữ Phật Giáo của Chùa Ấn Quang?!
Thảm sát 5 tháng 12, 1967 ở Dak Seang là chuẩn bị cho Tổng Công Kích Mậu Thân, 1968. Thảm sát lập lại nơi Dak Seang trong năm 1971 để chuẩn bị cho Tổng Công Kích-Tổng Nổi Dậy 1972. Đại Úy Phi Công Đào Bá Hùng đáp trực thăng xuống Dak Seang giữa vũng lửa, trên thây người dân oan khốc chết thảm. Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng phải viết nên lời phẫn uất và đau đớn Dak Seang Mỏi Gối Lưng Đồi – Không phải “mỏi gối chồn chân” trong thi ca cổ điển dịu dàng của Bà Huyện Thanh Quan khi qua Đèo Ngang, hay của nữ sĩ tiền phong táo bạo Hồ Xuân Hương. Nhưng trong chiến tranh Việt Nam dài theo thế kỷ trước, Người Lính miền Nam không viết ra không được vì đời sống quá nhọc nhằn, phải chứng kiến lắm cảnh nguy nan. Không chỉ nhức mỏi thể chất nhưng lòng họ tràn đầy đau xót, uất hận – Tội cho Dân-Thương cho Lính. Vì cũng là “Người Lính-Viết Văn” nên bản thân hiểu rõ điều nầy trong lòng bạn – Những Người Bạn Lính nơi Miền Nam trước, sau 1975.
Hai.
Đi không ai tìm xác rơi..
Lai Khê, Bình Dương Mùa Hè 1972.. Những buổi trưa ở Lai Khê nắng lửa ngột ngạt hay mưa giăng giăng âm u trời đất, hoa tiêu trực thăng hàng đàn ngồi dưới mái quán sơ sài ướt át thắc thỏm đợi chờ phi vụ. Phi vụ như bay vào cõi chết. Đất chết kéo dài theo Quốc lộ 13 - Con số xấu xa định mệnh. Từ Lai Khê, điểm cuối cùng là An Lộc, khoảng giữa Bầu Bàng, Chơn Thành, Suối Tàu Ô, Minh Thạnh, Tân Khai, Xa Cam, Xa Trạch... An Lộc, điểm đợi kinh hoàng. Điểm CHẾT. Là nơi hạ cánh để không bao giờ trở lại của những phần đời trai trẻ, những hiệp sĩ không gian. An Lộc trở thành hỏa ngục, lò thiêu xác, bãi tha ma, vạc dầu sôi lửa bỏng. An Lộc, bãi chiến trường kinh khiếp phơi bầy bộ mặt hãi hùng của cuộc tương tranh tàn sát tới điểm cực cùng bi thảm dậy nên từ cộng sản Miền Bắc.
An Lộc, Bình Long, miền đất máu sông, xương núi. Từ đất bốc dậy mùi tanh lên tận trời cao. Bay trên An Lộc, Đại Úy Đào Bá Hùng như ngửi được mùi của lửa. Mùi của sự chết. Những cánh trực thăng mỏng manh mỗi lần vào An Lộc giữa lưới đạn bắn như mưa. Bắn cùng mọi phía. Bắn bằng đủ loại vũ khí hung hãn, hỏa tiễn tầm nhiệt, đại bác phòng không, đại liên 12 ly 7, súng cá nhân chụm lại trực xạ, đại bác nổ chụp, súng cối rót vào bãi đáp..Hợp đoàn tám trực thăng nối đuôi nhau bay hối hả vòng qua Minh Thạnh vào đáp bãi B15 từ hướng Tây-Nam An Lộc.. Năm phút sau trận mưa bom B52 cuối cùng vừa dứt bày ra những hố bom tươi màu đất đỏ, rỗ hoa chằng chịt trên cánh rừng cao su tạo nên một hành lang an toàn cho cuộc chuyển quân không vận. Bụi đỏ chưa tan, những cây cao su âu sầu ngún cháy, đoàn trực thăng bay thấp, lướt trên ngọn rừng tơi tả, bốc khói mù theo lệnh “C&C/Trực thăng do Đại Úy Hùng chỉ huy “ hướng dẫn: Hợp đoàn quẹo phải 10 độ, đi thẳng..! Chiếc số ba bay nhanh một chút. OK đi thẳng... Bãi đáp mười hai giờ, ba trăm thước. Giảm Air speed...Coi chừng! Coi chừng nó bắn phòng không bên trái! Hợp đoàn đã tới gần bãi đáp An Lộc, nhưng trước tiếng la “coi chừng” hốt hoảng, Hùng đã thấy điểm sáng dưới lòng một hố bom loang loáng lóe lên tia chớp...Quẹo phải! Hợp đoàn quẹo phải!....Chiếc số hai rớt rồi. Lead quẹo phải 90 độ bay ra!.. Bay ra! Đừng đáp! Chiếc số hai đang bay đột ngột cắm đầu đâm thẳng xuống triền đồi, lăn lông lốc như cục đá. Một vùng bụi đỏ mù mịt bốc lên.. Lửa bùng bùng..
Nhưng không chỉ với trực thăng lâm nạn. Ngày 20 Tháng 5, Đại Úy Hùng bay quần quần phía đông Tân Khai, Nam An Lộc chờ bốn phi tuần khu trục đang săn lùng, hạ thêm hai chiếc xe tăng VC trốn lẩn dưới gầm cầu xe lửa và khóa họng những ổ phòng không dọn đường cho Hùng dẫn hợp đoàn trực thăng vào đáp. Bỗng một chiếc AD-6 vừa thả xong hai trái Nalpalm, vút ngược lên cao... Hùng thấy một tia khói cuộn lên từ bụi cây bên bờ con suối cạn. Chiếc phi cơ phát nổ. Một khối lửa chói lòa rực rỡ như quả pháo bông, vun vút rơi thẳng băng xuống đất...Khối lửa bắn tung tóe, cháy lan rộng hiu hiu trên mặt ruộng, để lại không gian một sợi khói đen theo đường rơi của chiếc phi cơ xấu số. Tưởng như là hoa mắt. Như ảo tưởng trong mơ. Đại Úy Hùng nhói điếng ở tim khi nhìn thấy ba chiếc khu trục cơ còn lại gầm rú điên cuồng bay lượn trên vùng trời phi cơ rớt. Anh gọi máy báo với toán Liên Lạc Điều Không.. 17 giờ 25, SA7 cộng sản bắn rơi một phi tuần khu trục tại Tân Khai. Tọa độ XT… Không thấy hoa tiêu nhảy dù ra! Bất chợt, Hùng hỏi thêm: “Panther/Toán Điều Không” cho “Charlie One/Phi cơ của Hùng” biết ai bay chiếc Skyraider vừa bị rớt? Một giọng đầy kích động trong máy UHF, như mũi dao nhọn hoắt xói giữa tim: Đại Úy Nguyễn Cao Hùng, Phi Đoàn 518. Nguyễn Cao Hùng cùng Khóa 65A Phi Hành với Đại Úy Đào Bá Hùng! Bạn ơi!
Bây giờ An Lộc đã xa. Bình Long đã là vùng đất vang danh đầm đìa máu lửa, sự chết của hơn 50 năm qua mấy ai còn nhớ? Còn nhớ chăng chỉ là những người sống sót nay nơi quê xa. Nơi ấy, An Lộc năm 1972 là vết tích thảm thương, là đau đớn cùng cực, nay nhắc lại, buổi cuối đời lòng thắt lại xót xa.. Hóa ra đã có ngày-Ngày Người Lính Miền Nam/Phi Công Không Lực VNCH sống như thế. Chết như thế.. Nghe âm âm bài “Điếu cổ chiến trường văn”…
..Hồn phách kết hề thiên trầm trầm
Quỷ thần tụ hề vân tịch mịch..
Huyết mãn trường thành
Thương tâm thảm mục
Thiên địa vi sầu, thảo mộc thê bi...
Hậu Từ
Thư gửi Người Bạn Chiến Đấu giữa vũng lầy chính trị
Sau 30 Tháng 4, 1975, nơi quê xa, Người Lính VNCH nhân Ngày Quân Lực 19 Tháng 6 hoài niệm, nghĩ về một thời đã góp phần đời tuổi trẻ dự phần cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam, tự nguyện hiến dâng cho lý tưởng giữ nước, an dân. Nhưng vì vận số đất nước lâm cảnh suy vong, Người Lính dẫu đã dốc lòng chiến đấu cuối cuộc phải gửi thân phiêu bạt xứ người. Nhưng cuối cùng, thêm một lần, Người Lính cố gắng thử xoay chuyển vận số với cầu mong sớm có một ngày trở về nhìn lại quê cha đất tổ.. Nhưng không phải như lòng mong ước. Bi kịch đã xẩy ra không tiếng súng, không cảnh chết, chỉ có nỗi lặng lẽ thất vọng. Đúng ra mối tuyệt vọng não nề - Phần Hậu Từ kết thúc nầy trích dẫn từ thư của Thiếu Tá Không Quân Đào Bá Hùng/Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng gửi cho Người Bạn (tưởng đang) nơi Khu Chiến trong thập niên 1980’s.
Bạn xưa,
..Ngạc nhiên và xúc động biết bao nhiêu tôi nhận được thư Bạn gửi từ Khu Chiến – Người Bạn đã cùng tôi chiến đấu dưới cờ Quân Lực, đã cùng tôi sống chết trong một con tàu giữa mây cao gió lộng trên vùng trời đỏ lửa quê hương, lang bạt khắp nẻo đường đất nước. Thư anh cuối đoạn có lời chào và ghi dòng chữ “Mai này chúng ta cùng về Việt Nam”. Lòng tôi choáng ngợp niềm hãnhh diện. Tôi không có địa chỉ hồi âm. Tôi muốn viết cảm ơn anh. Tôi muốn nhờ anh chuyển đến các anh chị em chiến sĩ nơi khu chiến lời thăm chúc, một câu thâm tạ ngô nghê tầm thường của ngôn ngữ loài người. Nhưng thôi, tôi đợi.”
..Vì tôi hiểu bạn và vẫn thương mến bạn qua hình ảnh người phi công lẫm liệt ngày xưa, ngày chúng ta còn khoác chung màu áo, nắm tay nhau vào chốn đường mây sinh tử. Tôi đã làm hoa tiêu phó cho Bạn một thời gian dài (1966-1967) trong tổng số giờ bay trên chiếc H-34 kềnh càng của Phi Đoàn 215 Thần Tượng (Nha Trang biệt phái ra Quy Nhơn)
Chúng ta đã có cùng nhau bao nhiêu kỷ niệm, chia xẻ cùng nhau nhiều nỗi sướng vui cũng như hoạn nạn, những lần chới với bên bờ sống chết, cạnh vực hiểm nguy… Nên tôi đã bằng vào tình nghĩa ấy để đặt tin yêu nơi bạn, không so đo, không nghi ngại, cho mình bổn phận phải tự giác đứng lên, vội vàng tìm đến, dơ cao tay xin nhập cuộc.
Tôi nhập cuộc không đợi ai mời gọi. Lòng hớn hở mừng vì bạn và tôi lại chung hàng ngũ cho tôi hối chuộc tội mình quá nặng đối với quê hương, tẩy rửa niềm xấu hổ vì không ở lại để chết cùng vận số hẩm hiu đất nước sau Ngày 30 Tháng 4, 1975.
Lòng tôi tin như thế và mong như thế. Nhưng cái tin mong thành khẩn dù lớn mạnh bao nhiêu cũng không đủ lực mù quáng trái tim tôi và khoan lượng rộng rãi đến ngần nào cũng không dung được những điều dối gạt với manh tâm quá độ.
Đọc truyện xưa nói đến những cơn tức uất thổ ra từng ngụm máu rồi thét lên chết ngất, tôi cho người kể chỉ đặt bày. Nhưng tôi, chính tôi đã quặn cơn đau của tội-lỗi-người-làm-mà-ta-phải-chịu. Đã sôi hừng hực từng cơn bi phẫn bốc tận đỉnh đầu, mồ hôi vã đổ, run rẩy và nghe được từng cơn lại từng cơn nhộn nhạo nong nóng chảy râm ran trong bụng. Tôi đã đổ ra từng lượng máu trong bao tử và giật mình kinh sợ.. Sợ phải mang tội đồng lõa im lặng!
..Bởi vì đấy là những đồng tiền thẫm sũng mồ hôi khó nhọc của đời cầu thực tha phương. Tiền từ bàn tay khô héo của bà mẹ già nua sống buồn phiền lạc lõng nơi đất nước người muốn mau chóng trở về chết nơi quê nhà, Của em bé thơ ngây nhịn miếng cơm chim mong về hưởng lại tình thương nội ngoại. Của con mong gặp lại cha, vợ mong gặp lại chồng. Của những người sầu héo nhớ thương người, bạn bè mong cứu bạn bè tù tội trong gông cùm cộng sản từ sau 30/4/1975… Những đồng tiền mồ hôi nước mắt đã mất oan khiên không ai đòi lại nhưng Niềm Tin tội nghiệp bị phỉnh lừa phải coi như nợ và nợ này phải trả. Nợ truyền tử lưu tôn, không trả đời này thì đời con, đời cháu. Ôi biết làm sao nói cho cùng cạn nỗi mênh mang thống hận của kẻ cầm vàng tiếc uổng công lao, nửa đường rơi mất?
“Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng…”
Vâng Bạn, Phi Công Đào Bá Hùng – Nhà Văn Đào Vũ Anh Hùng - Tôi biết Bạn đã Đau. Bạn rất Đau.
Viết lần Thiếu Tá Đào Bá Hùng rời bỏ mặt đất..
Bay vào vĩnh cửu, 18/2/2022
Cùng lần Tàu đánh Việt Nam, 17 tháng 2, 1979
Phan Nhật Nam. Hình chụp nhà báo, nhà văn Đào Vũ Anh Hùng (phải) và nhà văn Chu Tử (trái) trước toà soạn báo Sống tại Sài Gòn.
No comments:
Post a Comment